Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

Trường Hoàng Diệu trước năm 1975

      
 
TRƯỜNG SỞ :
     Trường tọa lạc tại đường Mạc Đĩnh Chi, mặt sau tiếp giáp với đường Nguyễn Đình Chiểu,
bên phải tiếp giáp một dãy phố nhà dân đường Đề Thám, bên trái là đường đất nhỏ trước Miễu Bà Hỏa . Cỏng chính nhìn thẳng ra đường Nguyễn Du . 
Khơỉ đầu, trường có một dãy phía bên phải, sau đào đất sát phía bên trái  nâng cao sân và đắp nền xây dãy bên trái ngay cổng vào, phòng đầu tiên có lầu dùng làm văn phòng và nhà kho, phòng Hiệu Trưởng, phòng Giám Học, phòng Giáo Sư và ba phòng học, rồi xây tiếp dãy sau sát dường Nguyễn Đình Chiểu .
Trường sở thành hình chữ U, sân rộng, khang trang với những hàng còng to xanh tỏa bóng mát trên khắp các hành lang và lối đi trông rất nên thơ .
Ngoài  ra còn một dãy nhà thiếc song song với đường Mạc Đĩnh Chi,  trước là phòng học tạm, phòng sinh hoat Hiệu Đoàn, sau dùng làm căn-tin một thời gian rồi dở bỏ khi xây cổng mới. 
 Chỗ lấy đất sau thành ao đầy lục bình và có nhiều cá lớn .
Thời Thày Phan Ngọc Răng làm Hiệu Trưởng, Đoàn Ong Biển của Mĩ có xây tặng cho trường ba phòng học  khang trang ngay giữa sân . Tuy nhà trường có thêm phòng cho học sinh nhưng lại phá vỡ cảnh quan. Cũng là một điều đáng tiếc .
Thời  thày Lê Xuân Vịnh làm Hiệu Trưởng,  xây thêm  dãy thứ tư ở phần đất tróng phía bên trái, sát ao lục bình,  và dãy thứ năm sát đường Nguyễn Đình Chiểu . Thời điểm này, Tiểu Đoàn Công Binh 402 giúp đổ đất nâng cao sân sau,  giữa dãy tư và dãy Văn Phòng (dãy hai) và lập sân bóng chuyền tại đây .
Cũng trong dịp này, thày Lê Xuân Vịnh cho dời cổng chinh ra phía giữa sân trước .
Sau này, khi trường Bán Công giải thể, trương tiếp nhận lại dãy nhà tôn sát đường Mạc Đĩnh Chi , thẳng hàng với  dãy học tạm của trường lúc khởi thủy là dãy thứ sáu  dùng làm nhà ở cho nhân viên , phòng học tạm, phòng sinh hoạt  và phòng Khải Đạo .
 CƠ CẤU TỔ CHỨC & ĐIỀU HÀNH :
Người đứng đầu nhà trường là Hiệu Trưởng, tổ chức, điều hành  và chịu trách nhiêm mọi hoạt động của nhà trường .
 Phụ tá cho Hiệu Trưởng có Giám Học và Tổng Giám Thị .
- Giám Học : Chuyên trách học vụ , giám sát nội dung chương trình và sắp thời khóa biểu, có Phụ Tá Giám Học chia sẻ công việc.
- Tổng Giám Thị : Chuyên trách kỉ luật, giám sát trang phục, tác phong, giờ giấc sinh hoạt  học  tập của học sinh . Tổng giám thị có một Phụ Tá và nhiều Giám Thị phụ giúp .
Để giúp Hiệu Trưởng thực hiện điều hành các hoạt động của trường còn có Văn Phòng , Hiệu 
Đoàn , Hội Đồng Giáo Sư, Hội Đồng Khoa, Hội Đồng Kỉ Luật, Phòng Khải Đạo ….
Văn Phòng : Phụ trách hồ sơ, văn thư … hành chánh, tài chánh, kế toán …  Văn Phòng trường Hoàng Diệu có  hai vị “lão tiền bối” làm việc nhiều năm cho tới tuổi về hưu rất cần mẫn, nhiệt tình … được mọi người yêu kính là bác Sử Xuân, phụ trách hành chánh và Bác Tô Hạt Châu, phụ trách phát ngân . Ở văn phòng nhà trường cũng còn một nhân vật khá đặc biệt là chú Liêu Houl ,  tùy phái của trường, làm việc rất nguyên tắc và ngay thẳng .
Hiệu Đoàn : Do Hội Đồng Giáo Sư bầu ra trong thành phần giáo sư của trường, có Hiệu Đoàn Trưởng, Hiệu Đoàn Phó, các trưởng Phó Ban chuyên môn : Văn Nghệ Báo Chí, Thể Thao,  Học Tập … 
Hội Đồng Giáo Sư : Gồm toàn thể các giáo sư của trường, bầu Hiệu Đoàn, đóng góp ý kiến  và giúp Hiệu Trưởng quyết định những hoạt động chính của trường . Ngoài các phiên họp thường niên vào đầu và cuối mỗi niên khóa, Hội Đồng Giáo Sư còn họp bất thường do Hiệu Trưởng hoặc Giám Học triệu tập và chủ tọa . Đặc biệt có thể do Hiệu Đoàn hoặc Tổng Giám Thị triệu tập .
Hội Đồng Khoa : Gồm Giáo Sư trưởng các Bộ Môn, là Hội Đồng Giáo Sư thu hẹp, giúp ý kiến và thực hiện các hoạt động của nhà trường .
Hội Đồng Kỉ Luật : Gồm Hiệu Trưởng, Tổng Giám Thi, các Giáo Sư Hiệu Đoàn và Trưởng Khoa … quyết định nhùng hình thức kỉ luật cho học sinh phạm lỗi . Từ 1971 có thêm Giáo Sư Khải Đạo trong thành phần .
Phòng Y-Tế : Chăm sóc sức Khỏe cho học sinh . Người phụ trách phòng y-tế thâm niên nhất là cô Châu Kim Huê .
Phòng Khải Đạo : Từ năm 1971, Phòng Khải Đạo được thành lâp theo chính sách của Bộ Giáo Dục,  phụ trách tổ chức  hệ thống Giáo Sư Hướng Dẫn học sinh ở mỗi lớp học tập, sinh hoạt và tư vấn giúp đỡ những  học sinh có vấn đề vượt qua nhũng  khủng hoảng tinh thần  để học tập tốt hơn . Phòng do một Giáo Sư được đáo tạo đặc biệt về Tâm Lí Giáo Dục và Phân Tâm Học phụ trách. Trường Hoàng Diệu có hai Giáo Sư Khải Đạo là thày Phạm Van Phái  Khóa 1971 và Thày Nguyễn Đình Sinh Khóa 1972 . Phòng Khải Đạo từ 1971 đến 1975 do thày Phạm Văn Phái phụ trách , đặt tại phòng đàu dãy nhà mới tiếp nhận lại từ trường Bán Công.  Hội Phụ Huynh của trường do ông  Hội Trưởng Trịnh Mộc Thủy đại diện, tài trợ cho phòng Khải Đạo chi phí nước uống .
HOẠT ĐỘNG :
Khởi thủy,  trường có tên là Trung Học Khánh Hưng, khai giảng năm học đầu tiên vào tháng chín năm 1957 có ba lớp Đệ Thất, học tạm tại dãy nhà thiếc nằm dọc theo đường Mạc Đĩnh Chi, thẳng hàng với dãy của trường Bán Công. ( Cần xác minh lại vì có người nói ba, có người nói hai…  mà hồ sơ lưu trữ chưa có điều kiện tiếp cận, sưu tập ). 
      Mới đầu, bác Mai Văn Kiêm làm Quyền Hiệu Trưởng. Năm 1960, ông Bùi Văn Nên về làm Hiệu Trưởng mới có Nghị Định của Bộ Giáo Dục chính thức đặt tên Trường Trung Học Công Lập Hoàng Diệu, giảng dạy hai cấp : 
- Đệ Nhất Cấp : từ lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Tứ.
- Đệ Nhị Cấp :  Từ lớp Đệ Tam đến lớp Đệ Nhất, có phân ban A,B,C,D. Lúc đầu 
trường chỉ có hai ban A,B. Đến niên khóa 1971-1972 mới có một lớp Đệ Tam C đầu tiên với khoảng hơn ba mươi học sinh, đa số là nữ. Học sinh ít dám chọn ban C vì suy nghĩ sai lầm là ban C khó, phải có năng khiếu văn chương và giỏi sinh ngữ mới theo nổi ! . Thực tế, chỉ cần đam mê và chăm chỉ là thành công. Minh chứng, tỉ lệ kết quả kì thi Tú Tài của lớp C này năm 1974 cao hơn hẳn các ban A,B trong trường .
- Trong một năm học, gọi là Niên Khóa, bắt đầu từ tháng chin năm trước đến 
khoảng giữa tháng năm năm sau, học sinh phải thi kiểm tra học lực hai lần, gọi là thi Đệ Nhất và Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt, đủ điểm trung bình (10/20) mới được lên lớp. 
- Cuối năm học, học sinh các lớp Đệ Tứ ( sau gọi lớp 9), lớp Đệ Nhị ( sau gọi lớp 11), 
lớp Đệ Nhất (sau gọi lớp 12) phải qua kì thi do Bộ Giáo Dục tổ chức, mỗi năm hai kì, cách nhau khoảng hai tháng, rớt kì một được quyền thi kì hai nếu trong kì thứ nhất ( hay các khóa thi trước đó) không phạm trường quy. Tỉ lệ thí sinh đậu trong các kì thi này bình quân khoảng 20%, học sinh Hoàng Diệu thường có tỉ lệ đậu cao hơn các trường khác, khoảng trên dưới 40%.
o Học sinh Đệ Tứ : Thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Nhũng năm đầu có thi đậu 
mới được lên học Đệ Tam. Thí sinh đậu phải vượt qua hai lần thi : Thi viết, có các môn chính như Quốc Văn, Toán, Lí, Hóa, Vạn Vật, Sinh Ngữ (Anh, Pháp), Sử Địa. Đậu thi viết mới được thi vấn đáp, vẫn đủ các môn chính và thêm môn nhiệm ý : Nhạc, vẽ hoặc nữ công gia chánh. Các thể thức này dần dần được cải tiến và kì thi này lúc sau không còn áp lực cho học sinh nữa.
o Học sinh Đệ Nhị : Thi Tú Tài I. Cũng thi hai khóa, mỗi khóa đều có thi viết và 
vấn đáp như thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Đề thi các ban A,B,C,D khác nhau. Đỗ Tú Tài I mới được học Đệ Nhất. Đây là kì thi khá quan trọng trong đời học sinh, nhất là đối với nam học sinh tuổi lớn. Có Tú Tài I, thanh niên được tiếp tục hoãn dịch để học lên, hoặc ra đời đi Sĩ Quan hay làm Công Chức. Đây là tình cảnh của anh thanh niên thi rớt : 
Rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ  …. !!!!
o Học sinh Đệ Nhất :  Thi Tú Tài II. Đỗ Tú Tài II mới được vào Đại Học.
o Những năm sau cải tổ, bỏ kì thi Tú Tài I, Thi Trung Học Đệ Nhất Cấp chỉ còn một kì và không bắt buộc.
 
- Ngoài công việc giảng dạy, trường còn tham gia nhiều hoạt động Văn Hóa Xã Hội trong và ngoài tỉnh.
 
Tổ chức thi “Giải Văn Chương Hai Bà Trưng”
               Vào dịp Lễ Kỉ Niêm Hai Bà Trưng năm 1965, Trường Hoàng Diệu tổ chức thi Văn Chương giành cho nữ sinh toàn tỉnh, không phân biệt học sinh trường công, trường tư, cấp lớp … Thí sinh phải làm một bài luận văn trình bày quan điểm của mình về vai trò của người phụ nữ trong giai đoạn mới . Cuộc thi diễn ra suôn sẻ . Ban Giám Khảo được tuyển chọn trong số các thày dạy Quốc Văn và Triết tại tỉnh, đa số là Giáo Sư Hoàng Diệu. Thày Nguyễn Minh Định làm trưởng ban. Qua vòng loại, vòng chung kết không gặp vấn đề gì. Tới vòng xếp hạng thì gặp “sự cố”; Có hai bài hay nhất đồng điểm. Ban Giám Khảo chấm lại ba lần vẫn đồng điểm . Các Giám Khảo (trên dưới mười vị) ý kiến bất đồng, tranh luân mãi không ra giải pháp,  thày Nguyễn Đình Sinh mới đề nghị giao quyền quyết định cho Giám Khảo là thày dạy cả hai thí sinh đó . Ý kiến được thày Trưởng Ban tán đồng và Ban Giám Khảo biểu quyết chấp nhận !
                  Hai thí sinh đó là chị Hồi Dương Nguyệt, học sinh Hoàng Diệu, và chị Trần Thị Thanh Tuyết, học sinh trường Tố Như. Cả hai sau này đều là Giáo Viên và đều có dạy tại trường Hoàng Diệu .
 
Tham Dự Hội Thi Văn Nghệ, Thể Thao
                   Hiệu Đoàn Hoàng Diệu trong quá trình hoạt động đã tham dự  và tổ chức nhiều sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao, võ thuật và hội trại . 
Cuộc Thi Văn Nghệ toàn miền
Cuộc Thi Văn Nghệ Toàn Tỉnh
Các Hội Trại
 
Phong Trào CPS
    CPS là chữ viết tắt của “Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường” do Tổng Hội Sinh Viên Sai gòn chủ xướng, Đỗ Ngọc Yến, Sinh Viên Đại Học Văn Khoa, là Chủ Tịch . Chương trình được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế ủng hộ, tài trợ kinh phí.
    CPS nhắm đến đối tượng sinh viên học sinh toàn quốc và phát triển qua hai giai đoạn :
- Giai đoạn đầu : Gây phong trào Sinh Viên Học Sinh sinh hoạt cộng đồng, tham gia 
công tác xã hội bằng những hội trại dã ngoại, lửa trại, hội thao, biểu diễn văn nghệ, giúp đỡ dân nghèo … 
    Học sinh Hoàng Diệu tham gia sinh hoạt CPS trong giai đoạn này dưới sự hướng 
dẫn của thày Lê Đình Điểu.
- Giai Đoạn sau : Phong trào thành tổ chức chặt chẽ, nhằm quy tụ những thành phần 
ưu tú nhiệt huyết thành một phong trào quần chúng, có tư cách pháp nhân riêng – không còn nằm trong hệ thống Tổng Hội Sinh Viên nữa – nhằm giáo dục, huấn luyên thanh niên, chủ yếu là sinh viên học sinh, tinh thần yêu nước, nhân ái, vị tha … bằng những sinh hoạt cộng đồng. 
-     Phong trào có một Ban Chấp Hành Trung Ương ở Sai gòn. Mỗi tỉnh là một đơn 
vị. Học Sinh Hoàng Diệu là nòng cốt của CPS Ba Xuyên. Người phụ trách đơn vị CPS Ba Xuyên là thày Phạm Van Phái .
 
Phong Trào Du Ca
      Song song với Phong Trào CPS, một phong trào khác sinh sau nhưng phát triển rất nhanh và mạnh mẽ là Phong Trào Du-Ca. Đơn vị Du Ca Ba Xuyên do thày Phạm Văn Phái xây dựng, có thày Huỳnh Thanh Long phụ giúp, thu hút học sinh toàn tỉnh, học sinh Hoàng Diệu là nòng cốt .
      Khởi đầu, học sinh Hoàng Diệu thành lập nhóm Du-Ca “Sỏi Đá Trổ Bông”, được thày Hiệu Trưởng Lâm Cộng Hưởng và nhiều Giáo Sư trong trường giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất nên sinh hoạt thuận lợi và sau phát triển thành Đoàn .
      Đoàn viên Du Ca sinh hoạt như Hướng Đạo Sinh, Gia Đình Phật Tử, Thanh Sinh Công .v.v… song chủ yếu vẫn là ca hát và công tác xã hội . Các bài hát du ca thiên về tình tự dân tộc, yêu quê hương đất nước, đồng bào … ca ngợi hòa bình, tự do, công lí, kêu gọi bình đẳng, công bằng xã hội … phát huy tình tương thân, tương ái, tinh thần đoàn kết, vun đắp lí tưởng cho các thế hệ thanh niên, sinh viên, học sinh … Du-ca hát tập thể và đệm đàn thùng, hát ở tất cả mọi nơi và bất cứ lúc nào . 
      Các Học sinh Hoàng Diệu đóng góp rất nhiều vào hoạt động của phong trào . Lớp đầu tiên có Mã Thành Long, Nguyễn Hồng Võ, Lộc “Cồ”-  tay đệm đàn chính và xuất sắc của nhóm – Thu Hương, Hồng Nhan, Thu Hà, Ngọc Ánh, Cúc “Châu Thụy”, Tạ Thi Chuông, Trương Văn Sùng, Trương Ngọc Thủy, Mạnh Thu Hồng … và một lớp học sinh nhỏ hơn vào sau, rất đông, rất hăng hái nhiệt tình như Đấu, Y, Rết, Dung, Mẫn, Chánh, Lộc “nhí”, Thành, Nhất, An, Thái, Hai, Kiên, Bình, Hồ, Vân, Mai, Nguyệt, Lý, Thắm, Hồng, Đào, Khánh, Thắng, …
      “Nối vòng tay lớn”, “Dậy mà đi”, “Cho đồng bào tôi”, “Đồng lúa reo” … là những ca 
khúc thường xuyên được cất lên trong mỗi lần sinh hoạt hoặc công tác .
 
CHUYỆN VUI  BÊN LỀ :
 
1.- Chuyện Cái Cổng 
Khi thày Lê Xuân Vịnh làm Hiệu Trưởng, có một ông Địa Lí đưa ra nguồn tin : Thế đất của trường Hoàng Diệu là thế đất “thiềm thừ”,  “con cóc” ngồi dơ bụng hướng ra đường Nguyễn Du, xe cộ từ hướng cầu Thuận Hóa ( Cầu Đỏ) chạy lại đều có hướng đâm thẳng vào cổng trường và “phang” vào bụng cóc, nên các vị hiệu trưởng đều bị đau bao tử !?
Các vị hiệu trưởng tiền nhiệm : Thày Mai Văn Kiêm,  thày Trần Cảnh Xuân, thày Phan Ngọc Răng nghe đâu cũng đều có bệnh đau bao tử ?
Có phải vì vậy mà Thày Lê Xuân Vịnh có ý định dời cổng trường để tránh hướng đâm thẳng từ đường Nguyễn Du vào trường hay không ? Còn sự thực là cổng trường đã được dời qua ví trí khác .
Cổng mới được xây có hai lối đi, nằm vào khoảng giữa mặt tiền, trông đẹp và có “nét” tân kì trang nhã dù cấu trúc đơn sơ, giản dị.
 
2.- Ao Cá “Bà Hỏa”
      Chỗ lấy đất để đổ nền nhà  và nâng cao sân trường sau thành một ao sâu, đầy lục bình. Qua nhiều năm, có nhiều loại cá xuất hiện, có cả cá lớn. Hàng ngày, cá nổi lên hàng đàn rất nhiều, hấp dẫn nhiều người. Đám nhà thầu xây dãy trường thứ tư, sát bên ao, thấy vậy mới điều đình với nhà trường cho họ kéo lưới bắt cá, đổi lại, họ sẽ trả cho nhà trường một khoản kinh phí khá hấp dẫn. Hai bên đồng thuận, giao kèo rõ ràng. Bên nhà thầu huy động công nhân vớt lục bình cho thoáng và kéo lưới, hì hục mấy ngày, tốn nhiều công sức nhưng chẳng thu hoạch được  gì ngoài vài ba con cá nho nhỏ. Bên nhà thầu thất bại, phải năn nỉ nhà trường bỏ qua cho họ khỏi nộp khoản kinh phí cam kết .
      Đàn cá biến đi đâu khi đám công nhân đông đảo với đầy đủ dụng cụ chặn bắt không tìm được  con nào ? Điều khó hiểu nữa, chỉ vài ngày sau, cá lại xuất hiện nhiều, bình thường như trước !? 
      Có nhiều lí giải, nhưng chẳng có lí giải nào thuyết phục cả. Trong số các lí giải, có nhiều người tin rằng đàn cá đã được Bà Hỏa – Có miếu thờ ngay sát bờ ao – che chở, khiến đám công nhân đã không bắt được con nào  ???.
 
 
Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 5 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật