FESTIVAL ĐUA GHE NGO
Sóc Trăng, cái tên cũng nói lên vùng này người Khmer nhiều. Thực ra là nhiều nhất nước nếu tính trên phạm vi tỉnh. Văn hóa người Khmer pha trộn với dòng văn hóa Việt và Hoa mấy trăm năm nay khiến nơi này có những điểm đặc thù của mình. Trong đó, tập quán người Khmer nổi trội nhất trong năm là lễ hội đua ghe ngo.
Trước đây, lễ hội này nhỏ, ít tiếng vang; nhưng dần dần các chùa Khmer trong tỉnh bắt chước nhau quyên tiền đóng ghe. Nơi dân cư hơi yếu, thiếu tiền thì chính quyền địa phương hỗ trợ thêm. Đua ghe ngo từng bước trở thành ngày hội chung của ba dân tộc, từng bước đua ghe ngo ở Sóc Trăng thành ngày vui chung người Khmer các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc họ cử ghe về Sóc Trăng tham dự ngày hội đua ghe. Còn nhiều giả thiết ý nghĩa của lễ đua ghe ngo. Theo bên Campuchia là dịp ôn lại trận thủy chiến thắng lợi của đế chế Angkor với nước láng giềng Champa. Theo nhà nghiên cứu ở Việt Nam, là lễ đưa nước từ ruộng đồng ra biển cả, đánh dấu sự kết thúc của một năm đồng áng…. Dù còn dị biệt, nhưng điều đó không quan trọng lắm, chỉ biết đua ghe ngo nay trở thành môn thể thao có tính tập thể cao, có tính cộng đồng lớn, mang lại nhiều sinh khí vui vẻ, hồ hởi cho số đông cả ba dân tộc ở Nam bộ.
Năm rồi, đua ghe ngo có trên 40 chiếc tham dự, nhiều nhất so trước đây. Từ năm 2013, chính quyền nâng tầm lễ hội, thành festival đua ghe ngo, cứ 2 năm tổ chức festival một lần. Lần festival đầu tiên Sóc Trăng đăng cai. Điều này dễ hiểu, hợp lý, vì Sóc Trăng là địa phương có phong trào đua ghe ngo mạnh nhất.
Festival lần này có tới 62 ghe dự, trong đó có 13 ghe nữ. Có 8 tỉnh đưa ghe tới tham gia là Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Trà Vinh và chủ nhà Sóc Trăng. Nội dung festival còn những sự kiện ngoài đua ghe như thi hát dù kê, thi trang phục, thi thả đèn nước, hội chợ trong hồ nước ngọt. Điểm nhấn đầy hình ảnh là đêm khai mạc với sân khấu nổi, bắn pháo bông. Sân khấu nổi được lắp trên sông, ngay trước khán đài đua ghe ngo. Đêm khai mạc kéo dài, với phần ca múa nhạc mang rõ bản sắc địa phương, trong đó tái dựng nội dung lễ cúng trăng, tạ ơn thần đất, thần nước và cầu mong điều lành, may mắn; cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Ngay trong đêm và sáng hôm sau, phải dở ngay sân khấu để khán giả trên khán đài thấy ghe ngo về đích. Chuyện này rất tốn công. Còn lần đầu tiên tổ chức thi thả đèn nước trên sông Maspéro, giữa hai cái cầu. Trước đó, cầu Quay đã được tu bổ, gắn đèn khá bắt mắt. Đêm 14 âm lịch, người Khmer từ các nơi dồn về tỉnh lỵ, khiến các con đường chính trong nội ô chật người. Đông nhưng rất yên bình. Không có cảnh say sưa, không kẹt xe, vì xe bị chặn không cho vào trung tâm. Đèn nước, đơn giản là lồng đèn màu theo hình dáng nào đó tùy địa phương tính toán, như hình chiếc thuyền, cái chùa… Trong đèn gió gắn đèn điện, để làm sao đèn gió sáng đẹp, nổi bật những góc cạnh điểm nhấn. Đèn được làm nổi, neo trên sông, thành hàng, kết hợp với màu sắc hai bên sông và trên cầu Quay thành một hình ảnh chung khá lạ mắt. Bởi vậy thu hút rất đông người tới xem.
Do ghe tham dự quá đông, việc đua ghe kéo dài 2 ngày. Ngày 14 âm lịch thi vòng loại cả ghe nam lẫn ghe nữ. Ngày 15 âm lịch thi những vòng chính. Chủ nhà có tới 48 ghe, lấn át tất cả ghe tỉnh bạn. Đua ghe phong trào thì chủ nhà mạnh nhất, không ai chối cãi. Nhưng đua ghe có thành tích cao thì chưa hẳn. Những ngày cận khai mạc, đài truyền hình Sóc Trăng đã cử người tới dự những lễ đua ghe ở các địa phương bạn. Các địa phương tổ chức đua ghe để rút kinh nghiệm và tạo sinh khí vui chơi cho dân tỉnh nhà. Tất cả diễn ra trước festival. Qua đó, đài truyền hình cho biết Kiên Giang và Trà Vinh có ghe bơi nam rất hay, nổi trội hơn hẳn. Quả đúng như vậy. hai tỉnh này chỉ cử tới mỗi tỉnh một ghe ngo nam mạnh nhất của mình. Các lượt thi ở vòng loại festival, hai ghe này bơi như tập mà vẫn ăn đứt các ghe đối thủ. Ghe vô địch Sóc Trăng năm rồi sớm thành ghe cựu vô địch. Cũng may còn ghe á quân vào tới vòng trong. Bên ghe nữ, Bạc Liêu cho thấy sức mạnh của mình, cử tới 3 ghe. Sóc Trăng có tới 8 ghe, nhưng ghe mạnh thì hiếm.
Ở vòng loại nhiều ghe lần đầu tham dự hoặc ghe tập luyện chưa tốt, đội hình chưa ăn ý, có tới 4 lượt ghe bị chìm trong quá trình đua, khiến việc cứu hộ trở thành một hình ảnh mới mẻ, bởi hiếm có chuyện này. Tuy nhiên, việc cứu hộ chỉ mang tính thủ tục, bởi những thanh niên trên ghe toàn là dân sông nước, con sông cạn cầu Quay đâu gây khó dễ cho họ. Những trận đua bán kết và chung kết hết sức hấp dẫn. Và chuyện chìm ghe không xảy ra, bởi đây là những đội có tập luyện kỹ lưỡng. Hai trận bán kết nữ, chỉ còn một đội chủ nhà từ Cù Lao Dung. Tiếc là đội nhà thua cả hai trận cuối, đành nhận hạng tư. Còn nhất nhì ba nhường tỉnh bạn từ Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang. Bên ghe nam đáng kể hơn, có 2 ghe chủ nhà vào bán kết và không gặp nhau. Một thắng, một thua. Ghe thắng vào chung kết, thua. Ghe thua tranh ba tư, thắng. Vô địch là Càn Long (Trà Vinh). Ghe này về nhất một cách xứng đáng, bỏ ghe về nhì khoảng cách nhiều năm mới rút ngắn nổi. Chiếc ghe Thạnh Trị thắng ghe Kiên Giang, giành hạng ba, về đích trước ghe bạn chỉ trong vài tấc! Phải coi lại phim quay ở điểm đến mới xác định kết quả chính xác. Dẫu sao ghe á quân 2013 là Trần Đề còn giữ được hạng nhì chung cuộc nam, cũng là niềm an ủi cho 40 ghe nam tỉnh nhà. Cuộc đua ghe được truyền hình trực tiếp, cả nước có thể chung vui, thư giãn ngày chủ nhật.
Nhờ tổ chức đua kéo dài 2 ngày, nên thời điểm kết thúc chỉ 5 giờ rưỡi, trời còn chút ánh sáng. Năm trước, lúc trao giải, đã lên đèn. Nửa triệu khách từ các nơi về tỉnh lỵ (theo con số nhà đài nói) lục đục ra về, rất trật tự. Năm nay, do tổ chức kỹ lưỡng hơn, đường phố ít rác hơn khi dòng người đi qua. Dư âm festival còn kéo dài vài hôm. Bởi việc dọn dẹp pano, cờ xí tốn thời gian vì quá nhiều. Dẫu sao, festival cũng là ngày vui thực sự, cho cả người ngoài cuộc như tôi. Cũng qua festival nhiều người nơi khác biết thêm về hai tiếng Sóc Trăng , biết thêm vùng đất ba dân tộc đã đan quyện vào nhau mấy trăm năm qua trong sinh hoạt, trong nét văn hóa đã tạo ra những đặc thù khá đậm nét.
THƯ KÝ LỰC