Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

Tham luận lịch sử trường 5

I. NỀN GIÁO DỤC Ở NAM BỘ DƯỚI THỜI PHÁP THUỘC (1859 – 1955)

 

      Lần dở lại lịch sử nước nhà, kể từ khi phát súng đầu tiên của thực dân Pháp bắn vào cửa biển Sơn Trà ( Đà Nẵng) năm 1858 rồi chiếm đóng Sài Gòn năm 1859 ; sau đó triều đình Huế phải ký nhượng  cho Pháp 3 tỉnh miền Đông  Nam Kỳ là Gia Định, Biên Hòa, Định Tường năm 1862; đến năm 1867 Pháp tiếp tục cưỡng chiếm 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên cũng là lúc chính quyền thuộc địa tính đến việc tính đến  thay đổi toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Trước tiên, thực dân Pháp tiến hành giai đoạn thử nghiệm giáo dục Việt Nam theo mẫu quốc qua những tổ chức giáo dục bước đầu từ năm 1860 đến năm 1874 của soái phủ Nam Kỳ bằng cách lập ra các trường của nhà chung Công giáo ( 1860), trường học cho trẻ em nữ của các dì phước dòng Áo trắng (1861), rồi lập trường đào tạo thông ngôn Pháp (1862).

“Tới thời điểm này,trước khi ký kết hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862), Pháp chưa có chính quyền, nên chưa có chính sách rõ rệt về việc học chính hay giáo dục”[1]

Nghị định ngày 217/11/ 1874, Pháp tổ chức lại ngành học chính và áp dụng đến năm 1879 trong đó cấp tiểu học ( enseignement primaitre)  và“ Trường tiểu học sẽ được thiết lập tại mỗi lỵ sở địa hạt ( sau là tỉnh), nhưng nay tạm thời đặt ở những nơi: Sài Gòn, Chợ Lớn,Vĩnh Long, Bến Tre,Sóc Trăng”theo quy định ở điều 10, khoàn 2:

Cũng theo Nghị định này, cấp Trung học (enseignement secondaire)chỉ có ở Sài Gòn với tên gọilà Trung học bản xứ( Collège indigene).[2]

Đến năm 1879, Pháp ban hành Nghị định ngày 17/3 nhằm tiến hành cải tổ giáo dục, qua đó các trường tiểu học và trung học đã được thành lập trước đây sẽ được thay thế bởi các trường cấp 1, cấp2 và cấp 3. Điều 5, khoản 1 của Nghị định này quy định:

 “Mỗi trung tâm dưới đây sẽ thành lập một trường cấp 1: Sài Gòn,Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long,Sóc Trăng, Bến Tre, Biên Hòa,Long Xuyên, Gò Công, Trảng Bàng, Cần Thơ,Trà Vinh, Sa Đéc, Tân An,Châu Đốc,Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Rạch Giá, Hà Tiên và Cái Bè.

Mỗi trung tâm dưới đây sẽ lập một trường cấp 2: Sài Gòn, Gia Định,Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bến Tre.”[3]

Điều 7 khoản 1 của Nghị định này cũng quy định: “Tại các trung tâm vừa có trường cấp 1 vừa có trường cấp 2 ở chung cơ sở, cả hai trường chỉ có một hiệu trưởng..”[3]

38 năm sau, ngày 21/12/1917, Toàn quyền Đông Dương  là Albert Sarraut ký nghị định ban hành Tổng quy chế nền học chính Đông Dương  nhằm thiết lập chương trình học chính Pháp-Việt; trong đó quy định nền học chính gồm 3 cấp học:

-         Cấp 1 gồm các trường tiểu học

-         Cấp 2 gồm các trường trung học

-         Cấp 3 gồm các trường cao đẳng.[4]

Đến năm 1924, bậc tiểu học được cải tổ bằng Nghị định ngày 18/9/1924, qua đó bậc tiểu học  kéo dài thêm 1 năm nữa: đồng ấu, dự bị, lớp ba, lớp nhì năm thứ nhất, lớp nhì năm thứ hai, lớp nhất để thi lấy bằng Sơ học yếu lược bản xứ và bằng Tiểu học Pháp- Việt. [ 5]

Năm 1927, lại có sự cải tổ bậc trung học Pháp- bản xứ thông qua Nghị định ngày 15/7/1927[ 6]

Chương trình học chính Pháp-Việt  kéo dài đến năm 1945 và sau đó tiếp tục được thực hiện trong vùng Pháp tạm chiếm ở Nam bộ và chuyển dần cho chính quyền Việt Nam ( chính quyền Sài Gòn) từ ngày 1/10/1949 và  sau thất bại nặng nề tại Điện Biên Phủ, Pháp phải ký hiệp định Genève ngày 20/7/1954, [7]rút hết quân về nước, đồng nghĩa với việc chấm dứt nền giáo dục đã từng áp đặt tại Nam Bộ nói tiêng và cả nước nói chung suốt gấn 100 năm.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH MỘT SỐ NGÔI TRƯỜNG

TRÊN  ĐỊA BÀN TỈNH LỴ SÓC TRĂNG TRƯỚC NĂM 1955

Dưới thời Pháp thuộc, ở Sóc trăng có 2 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh lỵ Sóc Trăng: Trường Nữ ( ở vị trí nay là công viên kề bên vòng xuyến Trần Hưng Đạo – Lê Hồng Phong- Nguyễn văn Thêm), trường Nam ( ở vị trí công viên Bạch Đằng hiện nay). Đây là 2 trường dạy hết tiểu học ( lớp Nhất) còn muốn học Trung học ( cấp 2) phải lên Cần Thơ.[8]

 Địa phương chí tỉnh Ba Xuyên xuất bản năm 1974 khẳng định:Từ năm 1945 đến cuối năm 1951 nơi đây vẫn không có trường trung học, đến năm 1952 mới có trường trung học bán công là trường Phụ huynh học sinh và 3 trường trung học tư thục: trung học La San, Trung học Providence ( đệ nhứt cấp), Trung học Trần Văn ( đệ nhứt cấp)[9]

III. XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM THÀNH LẬP

TRƯỜNG TRUNG HỌC HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG

Hiện nay,rất nhiều Thầy cô giáo, học sinh đã và đang giảng dạy và học tập tại trường Trung học  Hoàng Diệu rất băn khoăn không rõ trường được chính thức thành lập từ lúc nào :

-         Năm 1949 (??),

-         Năm 1957 (??)

-         Năm 1961 (??)

bởi vì đã và đang có nhiều cách giải thích về thời điểm thành lập trường :

-         Trong bài Tóm tắt lịch sử  Trường Hoàng Diệu đăng trên Kỷ yếu trường PTTH Hoàng Diệu Xuân 1994 và Đặc san kỷ niệm 50 năm thành lập trường (?!) khẳng định: “Trường Hoàng Diệu bắt đầu xây dựng từ năm 1949 trên một mảnh đất hoang, ao vũng bùn lầy, rộng gần ba mẫu tây…”

-         Bùi Ngọc Thạch trong bài viết  Đôi điều về lịch sử  Trường trung học Hoàng Diêu đăng trên đặc san kỷ niệm 55 năm khai giảng khóa đầu tiên của trường trung học Hoàng Diệu Sóc Trăng (1957-2012) :“Đến năm 2005, tôi tình cờ đọc bản lịch sử nhà trường đăng trên nội san, trong đó nêu rõ trường Hoàng Diệu thành lập vào năm 1949. Sau khi trao đổi với các anh chị CHS kỳ cựu và vài cô thầy cũ thì hầu hết không đồng tình với bản lịch sử trên. Từ năm 2006 đến nay, tôi bắt đầu sưu tầm từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, trong đó có cả thông tin do các thầy cô và các CHS lớn tuổi khác như thầy Võ Văn Thiên, thầy Lý Ngọc Hiếu, cô Dương Quý Lang, anh Thái Văn Hợp, anh Lưu Quốc Bình, chị Lâm Mỹ Ngọc, chị Mạch Thị Hía, thầy Diệp Thanh Tứ (giám thị đầu tiên của trường bán công PHHS)… tôi mạn phép nêu ra đây những thông tin mới và những suy nghĩ của mình…”[10]

-         Theo ký ức của ông Lưu Quốc Bình trong bài ghi chép Những mái trường trong trí nhớ viết trên đặc san kỷ niệm 55 năm khai giảng khóa đầu tiên của trường trung học Hoàng Diệu Sóc Trăng (1957-2012) thì “ Năm học 1956-1957, tôi vào học lớp đệ thất ( lớp 6) trường tư thục Trần Văn vì lúc này chưa có trường trung học công lập. Năm học sau (1957-1958), trường trung học công lậpKhánh Hưng khai giảng khóa đầu tiên vào 01/10/1957, trễ hơn các trường khác cả tháng. Mãi đến năm 1961-1962 tôi mới vào học lớp đệ tam( lớp 10) và trường cũng vừa được đổi tên thành trườngTrung học Hoàng Diệu”

Căn cứ vào những tư liệu  đáng tin cậy về tổ chức nền giáo dục thời Pháp thuộc và Địa chí tỉnh Ba Xuyên, Địa chí tỉnh Sóc Trăng như đã trình bày ở phần trên, có thể xác định thời điểm thành lập trường Trung học Hoàng Diệu là khoảng năm 1953 trở về sau bởi vì đến trước năm 1952, tại Sóc Trăng chưa có trường trung học. Vì thế nói rằng trường trung học Hoàng Diệu thành lập năm 1949 là chưa có cơ sở vì mãi đến năm 1957, Trường trung học công lập Khánh Hưng  mới khai giảng khóa đầu tiên. Tuy nhiên, 4 năm sau ngày khai giảng khóa đầu tiên, đến ngày 6/10/1961 thì trường mới chính thức mang tên Trung học Hoàng Diệu theoNghị định số 1371/GD/PC/NĐ ký ngày 30/9/1961 của Bộ Quốc gia giáo dục Việt Nam Cộng hòa [11]

Như vậy, để có thể xác định mốc thời gian thành lập trường có thể dựa vào hai căn cứ: ngày khai giảng khóa đầu tiên 01/10/1957  hay là ngày 06/10/1961 ( ngày chính thức mang tên Trung học Hoàng Diệu theo Nghị định số 1371/GD/PC/NĐcủa Bộ Quốc gia giáo dục Việt Nam Cộng hòa) và theo tôi thì nên chọn ngàykhai giảng khóa đầu tiên 01/10/1957  làm ngày thành lập trường vì mặc dù chưa được chính thức mang tên trung học Hoàng Diệu nhưng trường cũng đã chính thức mang sứ mệnh đào tạo bậc trung học cho tỉnh nhà./.

* Lâm Thành Sơn, CHS.HD Khóa 68-75

[1]Nguyễn Đình Đầu;2016;Tạp ghi Việt Sử địa; Nxb Trẻ ;tr 282.

[2]Nguyễn Đình Đầu;sđd ; tr 288.

[3] Nguyễn Đình Đầu;sđd ; tr 293.

[4]Nguyễn Đình Đầu; sđd ;tr 310,311.

[5]Nguyễn Đình Đầu; sđd ; tr 323,334.

[6]Nguyễn Đình Đầu; sđd ;tr 325.

[7]Nguyễn Đình Đầu; sđd ; tr 333.

[8]Tỉnh ủy-UBND tỉnh Sóc Trăng;2012;Địa chí tỉnh Sóc Trăng, Nxb Chính trị Quốc gia; tr 922

[9]Địa phương chí tỉnh Ba Xuyên,1974, tr74

[10]http://www.hoangdieusoctrang.com/hoangdieust/trang-chu/39-thong-bao-chung/index.php?option=com_content&view=article&id=198:doi-dieu-lich-su-truong-hd&catid=34:van-xuoi&Itemid=87 :

[11]Tỉnh ủy-UBND tỉnh Sóc Trăng; sđd;tr 929.

Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 15 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật