Nguồn gốc insigne Hoàng Diệu
NGUỒN GỐC INSIGNE TRUNG HỌC HOÀNG DIỆU
Lý Hoàng Minh CHS 68-75
Nguồn gốc
Thầy Lê Đình Điểu về trường trung học Hoàng Diệu vào năm học 1964-1965 sau khi vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, ban Anh Văn . Hết năm học nầy thầy chuyển về trường trung học Chu Văn An. Như vậy thầy dạy tại trung học Hoàng Diệu chỉ một niên khóa, trong thời gian nầy thầy đã tặng cho một người bạn đồng nghiệp nữ, đó là cô Đỗ Thị Huệ GS môn toán, một bài toán vẽ hình học vô cùng ý nghĩa, sau khi thực hiện đủ các bước, đó là hình ảnh "cánh chim bay về hướng mặt trời". Xen lẫn các tiết dạy chính khóa, cô Huệ thường cho học trò mình đo vẽ tô màu bài toán hình học nầy và cũng cho biết đây chính là món quà của Thầy Lê Đình Điểu tặng cô làm kỷ niệm trước khi đổi về trường trung học Chu Văn An Sài Gòn, biểu tượng nầy dần dần lan rộng trong toàn trường.
( Xem tiểu sử thầy Lê Đình Điểu link: http://hoangdieutruongxua.blogspot.com/2017/10/thay-le-inh-ieu.html )
Năm 1967 và thời thầy Phan Ngọc Răng là hiệu trưởng, phát hiện được bài toán hình học nầy, nó được truyền tay trong giới học sinh, thầy cô giáo, dù lúc đó Thầy Lê Đình Điểu đã không còn ở trường, nhưng thầy vẫn biểu dương một ý tưởng rất hay: Mặt trời màu đỏ, chân trời của tương lai rạng rỡ, của lý tưởng cao đẹp, của giá trị chân thiện mỹ của cuộc sống. Cánh chim màu xanh, tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống. Biểu tượng cánh chim bay về hướng mặt trời là một thông điệp xuyên suốt "Học sinh Hoàng Diệu là những cánh chim non luôn vươn tới một tương lai rạng rỡ, hướng tới lý tưởng cao đẹp, nơi của những giá trị chân thiện mỹ của cuộc sống". Ý nghĩ nầy quá tuyệt vời, vô cùng tuyệt vời, thầy bàn bạc ngay trong hội đồng giáo sư ngày đầu tuần hôm đó và quyết định dùng biểu tượng nầy làm insigne chính thức của trường.
Logo trường trung học Hoàng diệu bắt đầu hiện diện từ năm học 1967-1968 cho đến ngày nay.
Các bước vẽ
Chúng ta thực hiện 7 bước sau đây:
1. Trên trục tọa độ xoy vẽ đường tròn tâm (O) bán kính R
- cắt ox tại A,B và oy tại C,D
2. Vẽ 2 đường tròn tâm ( B ) và tâm ( C) bán kính R
- P là điểm giao nhau nằm bên ngoài (O)
3. Từ P vẽ đường tròn tâm ( P ) bán kính R, cắt vòng tròn tâm ( O ) tại B và C
Phần diện tích giao nhau giữa ( O ) và ( P ) được tô màu đỏ tượng trưng cho mặt trời
4. Từ P vẽ đường thẳng PO cắt (O) tại M, N.
5. Từ A vẽ đoạn thẳng nối AP và AN
6. Nối đoạn thẳng MC cắt AB tại H.
7. Nối đoạn thẳng BC cắt AN tại E và AP tại F
Đa giác AFENMH là biểu tượng cánh chim ( tô màu xanh biển )
Học sinh Hoàng Diệu tự hào khi cài Logo trên ngực