Tham luận lịch sử trường 1
I.BỐI CẢNH CHUNG
Cuộc chiến giữa nhà Nguyễn của Đại Nam và Đế quốc thực dân Pháp, diễn ra từ năm 1858 đến năm 1884. Riêng lục tỉnh Nam kỳ đã bị Pháp chiếm trọn từ năm 1967. Ngày 17/3/1879 Lafont ký nghị định thiết lập Sở Học chánh Nam kỳ. Ở điều 5 Nghị định ghi:
- Tại mỗi địa điểm sau đây có một trường cấp 1: Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sốc Trăng, Bến Tre, Biên Hòa, Long Xuyên, Gò Công, Trãng Bàng, Trà Vinh, Sa Đéc, Tân An, Châu Đốc, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Rạch Giá, Hà Tiên và Cái Bè.
- Tại mỗi địa điểm sau đây có một trường cấp 2: Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sốc Trăng và Bến Tre.
- Các trường sẽ được lần lượt thành lập theo thứ tự kể trên tùy theo ngân sách.
(Nguồn: namkyluctinh.com)
Nghị định này cho thấy ở thế kỷ 19 vùng đất Sốc Trăng học sinh khá đông nên mới được chọn là một trong sáu đia phương xây dựng trường công lập cấp 2, tức tiểu học, phiên ra là lớp 4 lớp 5 bây giờ. Đây là một điểm nổi bật cho thấy từ xưa Sốc Trăng cũng là vùng đất học, tuy không nổi tiếng như Tiền Giang, Cần Thơ.
II.DIỄN BIẾN TRONG THỰC TẾ
Trong thực tế các giáo sĩ truyền đạo đã thiết lập các trường họ đạo từ rất sớm. Đây cũng là một nền tảng để một số địa phương xây dựng các trường phổ thông cấp cao hơn. Như 14/6/1880 Thống đốc Le Myre de Vilers ký Nghị định thành lập trường trung học Mỹ Tho (College de Mytho), chỉ ngay sau một năm thành lập Sở Học chánh Nam kỳ. Tương tự ở Sóc Trăng, trường họ đạo La San thành lập năm 1914, sau đó là trường trung học đầu tiên của địa phương này (năm 1952) (Nguồn: lasan.org/lasan-vietnam/fsc-school-before75/soctrang/soctrang.htm).
Giai đoạn thuộc địa tới năm 1945 Nam kỳ lục tỉnh chỉ có các trường trung học Mỹ Tho, Cần Thơ, Gia Long và Petrus Ký. Học sinh các địa phương khác muốn thi lên Cao đẳng tiểu học (tương đương trung học cơ sở bây giờ) hoặc cao hơn phải khăn gói đăng ký thi ở các trường trung học nói trên.
Giai đoạn năm 1945-1954 là khoảng thời gian nhiều biến động trong các mặt đời sống xã hội. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập sau khi Nhật đảo chánh Pháp, chỉ tồn tại non 5 tháng trước khi Cách mạng Tháng 8 diễn ra; Chính phủ, đất nước Pháp rệu rả vì hậu quả chiến tranh thế giới thứ IIcộng thêm bị Nhật đảo chánh tháng 3/1945 đã làm suy yếu bộ máy hành chính và quân sự của thực dân Pháp ở Nam Kỳ lẫn Đông Dương. Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn của quân Đồng Minh vào giải giáp phát xít Nhật, thực dân Pháp đã tái chiếm miền nam. Nam bộ vào cuộc kháng chiến từ những tháng cuối năm 1945. Trong bối cảnh đó nền giáo dục ở Nam kỳ vẫn có sự chuyển biến khá tốt ngoài sự chủ định của chính quyền thực dân. Dẫn chứng là bức xúc trước nhu cầu học tập của học sinh, nhân sĩ địa phương (có nơi cùng giáo hội) vận động quan chức thực dân xây dựng các trường trung học công lập và phải chủ động lo kinh phí.
- Như trường trung học Long Xuyên hình thành năm 1948 (sau là trường Thoại Ngọc Hầu). Nguồn: http://thoaingochau.org/gioi-thieu/lich-su-truong-thoai-ngoc-hau/
- Trường trung học Vĩnh Long lập năm 1949 (sau là trường Tống Phước Hiệp rồi Lưu Văn Liệt hiện nay).
Nguồn: http://tongphuochiep-vinhlong.com/2016/03/lich-su-cac-truong-trung-hoc-vinh-long/
- Trường trung học Rạch Giá lập năm 1951 (sau đồi thành trường Nguyễn Trung Trực). Nguồn: http://thpt-nguyentrungtruc.edu.vn/?m=static&q=lsht
- Trường trung học Bến Tre lập năm 1954 (sau là trường Kiến Hòa,…, nay là trung học phổ thông chuyên Bến Tre)
Nguồn; baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=39488
- Trường trung học Sa Đéc thành lập năm 1955.
Tóm lại, với tấm lòng ái quốc của không ít nhân sĩ, cộng với thiện chí của một ít quan chức thực dân, giai đoạn 1945-1954 Nam kỳ đã âm thầm nâng cao trình độ học vấn của học sinh trong bối cảnh thực dân còn hiện diện, xã hội nóng bỏng từng ngày trong cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm. Dòng chảy âm thầm nhưng mạnh mẽ đã góp phần tạo nên không ít những nhân tài cho đất nước.
III. TRƯỜNG TRUNG HỌC CÔNG LẬP Ở SÓC TRĂNG
Trường trung học công lập ở Sóc Trăng hình thành năm nào, năm 1949 hay năm 1957, còn bỏ ngỏ tới thời điểm này, cho nên mới có buổi hội thảo hôm nay. So toàn vùng, thực dân Pháp đã không coi nhẹ vùng đất học Sóc Trăng nên đã có nghị định xây dựng trường tiểu học công lập rất sớm. Tuy nhiên, trong thực tế dẫu đã có trường tiểu học rất sớm nhưng chưa hẳn có sớm trường trung học. Bởi Pháp xây dựng trường trung học mang tính chất phục vụ VÙNG. Họ xây trường trung học Mỹ Tho. Sau đó thấy áp lực học tập của học sinh ngày càng lớn, nên xây chi nhánh ở Cần Thơ và sau đó mới chính thức xây dựng trường trung học Cần Thơ. Mãi đến năm 1945 từ Long An trở xuống chỉ có hai trường trung học này, nhưng thi tú tài phải lên thi ở trường Petrus Ký hoặc Gia Long. Giai đoạn 1945-1954 là giai đoạn thực lực thực dân Pháp không còn mạnh mẽ nữa. Tài lực, họ ưu tiên khôi phục đất nước Pháp bị tàn phá sau thế chiến thứ II và cũng cố bộ máy quân sự ở Đông Dương. Rất nhiều công trình chuẩn bị hoặc đang thi công dở dang ở Nam Kỳ bị hủy bỏ do tình hình như vậy. Ở Sóc Trăng, Pháp đã tập kết đá hộc để chuẩn bị hàn sông Mỹ Thanh ngăn mặn đã rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chính sách thực dân Pháp xây trường học ưu tiên đào tạo nhân lực cho bộ máy cai trị, không quan tâm dân trí. Hậu quả là cho đến năm 1930, tổng số học sinh, sinh viên tất cả các trường từ tiểu học đến đại học chỉ chiếm 1,8% dân số Việt Nam. Do số người được đi học thấp, kết quả là tới năm 1945, trên 95% dân số Việt Nam bị mù chữ(Nguồn:vi.wikipedia.org/wiki/Pháp_thuộc).Và trong bối cảnh như vậy, không lý do gì thực dân Pháp quan tâm chăm lo hệ thống trường học ở Nam Kỳ, nhất là giai đoạn 1945-1954. Một số trường trung học ở các địa phương như Long Xuyên, Vĩnh Long, Rạch Gía, Bến Tre hình thành từ sự vận động của nhân sĩ yêu nước; thậm chí trường trung học Bến Tre do cá nhân thành lập và làm hiệu trưởng. Trong cuốn Địa dư chí Sóc Trăng có ghi đến cuối năm 1951 Sóc Trăng chưa có trường trung học (trang 926 Địa chí tỉnh Sóc Trăng, nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia, năm 2012). Đây là quyển sách được viết nên trên nền tảng sưu tầm hết sức công phu của nhiều người có trách nhiệm trong thời gian dài.
Căn cứ để xác định thời điểm thành lập trường trung học công lập đầu tiên ở Sóc Trăng dựa vào đâu? Tôi thấy cần dựa trên căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và căn cứ khoa học.
- Căn cứ pháp lý là năm 1956 cơ ngơi trường được xây dựng. Chắc chắn trường thành lập theo một quyết định của Chính phủ Ngô Đình Diệm sau khi Chính phủ này cũng cố bộ máy. Văn bản này đã từng nghe biết là có, cần một tổ chức có chức năng sao lục từ các tàng thư. Giả sử sao lục không có văn bản này, cũng còn căn cứ khác.
- Căn cứ thực tế là trường trung học công lập Khánh Hưng đã khai giảng khóa học đầu tiên vào ngày 1/10/1957 với 157 học sinh chia thành 3 lớp học. Và hiện nay những học sinh khóa đầu tiên của trường vẫn còn sinh sống ở Sóc Trăng và có người cùng dự họp hôm nay.
- Căn cứ khoa học có thể dẫn viện hơi gò ép, đó là chủ trương của thực dân Pháp (không chú trọng mở mang dân trí, chỉ mở trường phục vụ đào tạo nhân lực cho bộ máy cai trị hơn là phục vụ nhân dân), là thực lực tài chánh của thực dân Pháp giai đoạn 1945-1954 (kiệt quệ, tập trung cho cũng cố quân sự), một số trường trung học công lập hình thành trong giai đoạn này là sự chủ động xin thành lập của một số nhân sĩ yêu nước ở một số tỉnh nhưng không có Sóc Trăng.
Từ cách phân tích và đặt vấn đề nêu trên, tôi thấy rằng nếu coi năm 1949 là năm xây dựng lớp học cho trường tiểu học trên mãnh đất của trường trung học sau này là năm hình thành trường sẽ không có căn cứ vững vàng bởi:
- Không có văn bản nào cho thấy trường trung học công lập Khánh Hưng sau này hình thành trên nền tảng kế thừa, nâng cấp trường tiểu học trước đó. Và thực tế trường tiểu học trong khuôn viên trường trung học sau này đã dời địa điểm qua trường tiểu học tỉnh lỵ.
- Trường tiểu học và trường trung học là hai cấp học riêng biệt. Giả sử nếu chúng ta làm hội thảo khoa học lịch sử về trường tiểu học từng có cơ sở vật chất trên khuôn viên trường trung học Hoàng Diệu hôm nay, chắc chắn sẽ là năm 1949. Như vậy, không lý do gì năm 1949 hình thành tới hai cấp trường tại một chỗ.
- Một trường học hình thành thường do nhu cầu bức xúc của thực tế thì không thể để thời gian rất lâu mới khai giảng khóa học đầu tiên. Khóa học đầu tiên trường trung học công lập Khánh Hưng khai giảng năm 1957, nay nói trường hình thành năm 1949 thì thấy khó thuyết phục, khó cho rằng hợp lý.
IV.TÓM LƯỢC
Tóm lại, theo những thông tin nêu trên, kết hợp các chứng cứ thực tế, cho thấy ở hai thời điểm 1949 và 1957 đều chưa thấy chứng cứ pháp lý. Nếu buổi Hội thảo này tìm thấy chứng cứ pháp lý sẽ dễ dàng kết luận. Tuy nhiên, nếu chưa có tài liệu gì mới, theo tôi năm thành lập trường nghiêng về năm khai giảng khóa học đầu tiên, là năm 1957. Bởi năm nay sẽ phù hợp hơn xét về mặt bối cảnh xã hội lẫn thực tế.
Hồ Quốc Lực
HD68