Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

Tham luận lịch sử trường 2


        

       Sau khi hiệp định Genève được ký kết năm 1954, sau những biến động chính trị, ở miền Nam, nền Đệ nhất Cộng hòa được thành lập vào năm 1955 và tồn tại đến gần cuối năm 1963. Chính phủ Ngô Đình Diệm của nền Đệ nhất Cộng hòa đã thành lập các Bộ chuyên môn, trong đó có Bộ Quốc gia Giáo dục. Theo quyết định Bộ Quốc gia Giáo dục, từ năm 1956, ở mỗi tỉnh được thành lập1 trường Trung học công lập (đệ nhất cấp, bắt đầu từ lớp Đệ Thất, dần dần mỗi năm sẽ có các lớp tiếp theo như Đệ Lục, Đệ Ngũ và Đệ Tứ (tương ứng các lớp Sáu, Bảy, Tám, Chín hiện nay).

Nhiều năm qua, cựu BGH, giáo viên và cựu học sinh của Trường Trung học Hoàng Diệu và cả BGH, giáo viên đang giảng dạy hiện nay vẫn còn nghi vấn về lịch sử nguồn gốc của Trường. Những nghi vấn này đã được giải tỏa tại cuộc Hội thảo khoa học “ Trường THPT Hoàng Diệu – Lịch sử hình thành và phát triển” ngày 19/11/2016 do BGH Trường  phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tổ chức có sự tham dự của một số thầy cô từng giảng dạy cũng như một số học sinh từng học ở trường Hoàng Diệu giai đoạn cuôi những năm 1957 đến ngày 30/4/1975.

Thông qua tra cứu những tài liệu trong Trung tâm lưu trữ quốc gia II tại TP. HCM và trong Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh, cũng như đối chiếu từ nguồn cung cấp của cựu giáo viên, học sinh của trường  qua 11 báo cáo tham luận và nhiều ý kiến phát biểu đóng góp tại hội thảo đã giải tỏa những tồn nghi trong quá khứ.

Từ những nguồn tư liệu chính xác, cho thấy Trường Trung học đệ nhất cấp của tỉnh Sóc Trăng được thành lập vào năm 1957 được gọi là trường Trung học Khánh Hưng. Trong báo cáo tháng 10 của Tỉnh trưởng Ba Xuyên năm 1957 có nêu rõ: tỉnh Ba Xuyên có 2 trường Trung học công lập là trường Khánh Hưng và trường Vĩnh Lợi ( do 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu sáp nhập thành tỉnh Sóc Trăng từ  ngày 1/4/1957). Báo cáo nêu rõ trường Trung học Khánh Hưng khai giảng ngày 03/10/1957 với 3 lớp Đệ Thất gồm 150 học sinh ( có 53 nữ). Riêng văn bản thành lập trường Hoàng Diệu đến tháng 11 mới được ban hành theo Nghị định số 1717/GD-NĐ, ngày 29/11/1957 của Bộ Quốc gia Giáo dục.Như vậy, để phù hợp với thực tiễn, có thể lấy ngày thành lập trường là ngày khai giảng năm học đầu tiên là ngày 03/10/1957

Báo cáo tháng 10 năm 1957 còn thể hiện rõ, tỉnh Sóc Trăng còn có 6 trường Bán công Trung học là trường Phụ huynh học sinh, trường Tư thục Trần Văn, trường Tư thục Nguyễn Huỳnh Đức ,  trường Tư thục Nguyễn Du,  trường Công giáo Providence, trường Công giáo Saint Francois-Xavier. Trước đó 1 tháng, Tỉnh trưởng Ba Xuyên có quyết định 576/VP/NV ngày 25/9/1957, báo cáo tỉnh vừa tuyển mộ 53 giáo viên có cấp bằng Trung học đệ nhất cấp để bổ sung nơi các trường vừa xây cất trong tỉnh.

Trường Trung học công lập Khánh Hưng lúc đầu do ông Mã Văn Hợi kiêm nhiệm Hiệu trưởng. ( thông qua ý kiến một số cựu giáo viên, học sinh trường, cho biết có thêm Thầy Mai Văn Kiêm là Hiệu trưởng của trường. Tuy nhiên qua sưu tầm tài liệu trong kho lưu trũ chưa phát hiện được tài liệu nào ghi nhận vấn đề này). Đến cuối tháng 6/1960,  ông Bùi Văn Nên là giáo viên Trung học đệ nhất cấp hạng 2, Hiệu trưởng trường Trung học Bạc Liêu (BX) được thuyên chuyển và giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Trung học công lập Khánh Hưng, thay cho ông Mã Văn Hợi kiêm nhiệm. Ông Mã Văn Hợi giữ nhiệm vụ Thanh tra tiểu học đến cuối tháng 7 năm 1960 được thuyên chuyển đi nơi khác. Ông Lê Đình Khai,  giáo viên tiểu học thượng hạng, hạng 4, tòng sự tại Bộ QGGD được cử đến Ba Xuyên nhận nhiệm vụ ngày 29/6/1960, thay thế cho ông Mã Văn Hợi.

 

            Như vậy, tuy đến năm1957, tại tỉnh lỵ Sóc Trăng chỉ có 1 trường Trung học công lập với 3 lớp Đệ Thất vào học năm đầu tiên nhưng các trường Tư thục thì đã mở đến lớp Đệ Tứ. Cụ thể 2 trường Trung học Tư thục Trần Văn và  Nguyễn Huỳnh Đức có 7 lớp Đệ Thất, 3 lớp Đệ Lục, 2 lớp Đệ Ngũ và 1 lớp Đệ Tứ. Hai trường này có tổng cộng 612 HS (221 nữ). Riêng trường Phụ huynh học sinh được bán công hóa theo quyết nghị số 66/GD-QN ngày 11/5/1956,  cũng có 3 lớp Đệ Thất, 2 lớp Đệ Lục, 2 lớp Đệ Ngũ và 1 lớp Đệ Tứ. Tổng cộng HS của trường là 406 (có 133 nữ). Hai trường Đạo cũng có  12 lớp từ Đệ Thất đến Đệ Tứ với 298 nam và 186 nữ  học sinh.

Với các số liệu tổng hợp nêu trên, cho thấy tỉnh Ba Xuyên xưa ( Sóc Trăng nay) đã được đầu tư nhiều cho công tác giáo dục đào tạo. Trường tư thục hay bán công trung học đệ nhất cấp đã được đầu tư thành lập và hoạt động trước trường trung học công lập của tỉnh trước đó 5 năm học (học sinh học đến lớp Đệ Tam phải chuyển lên học tại Cần Thơ ( trường Phan Thanh Giản). Từ đó đã góp phần vào việc giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ dân trí của tỉnh. Trong số HS của các trường nêu trên, có không ít trưởng thành và tham gia hoạt động cách mạng hay nghiên cứu, giảng dạy, làm kinh tế, hoạt động xã hội, giúp ích cho tỉnh nhà và đất nước.

Đầu năm học 1961-1962, 2 trường Trung học Khánh Hưng và Vĩnh Lợi được phép mở đến các lớp Đệ Tam và Đệ Nhị. Theo đề nghị của tỉnh, ngày 30/9/1961, Bộ trưởng Bộ QGGD Nguyễn Quang Trình ký Nghị định đổi tên trường Trung học đệ nhất cấp Khánh Hưng thành trường Trung học Hoàng Diệu. Lúc này trường Trung học công lập Hoàng Diệu đã có lớp Đệ Tam. Số giáo viên và nhân viên là 40 người, trong này giáo viên trung học đệ nhị cấp có 3 người, giáo viên đệ nhất cấp có 4 người, giáo học bổ túc 12 người,  giáo sư dạy giờ 15 người,  giáo viên biệt phái 4 người, lao công 2 người. Ngày 18/10/1963, Bộ trưởng Bộ QGGD Nguyễn Quang Trình ký Nghị định cho phép trường Trung học Hoàng Diệu - Ba Xuyên cùng 3 trường khác ở miền Nam được nâng cấp thành trường Trung học Đệ nhị cấp từ niên học 1963-1964.

         Như vậy, chúng ta có thể lấy ngày truyền thống thành lập trường Hoàng Diệu là ngày khai giảng 3 lớp đầu tiên của trường Công lập Khánh Hưng. Đó là ngày 03/10/1957.

            Từ sau năm 1964 đến năm 1975 và từ năm 1975 đến nay, các tài liệu của trường đã ghi lại đầy đủ về qúa trình phát triển của Trường. Nhiều thế hệ giáo viên tận tụy với nghề đã góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ học sinh  trưởng thành, đón góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước.   Truyền thống vẻ vang của Trường trong quá khứ, sẽ được những thế hệ giáo viên, học sinh  hiện nay và kế tiếp, phát huy tốt hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển./.

Tài liệu tham khảo

1. Tài liệu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 2, TP.Hồ Chí Minh

            + Phông Phủ Thù tướng quốc gia Việt Nam  (1948-1955)

            + Phông Phủ Thủ hiến Nam Việt.

            + Phông Tổng thống Đệ nhất cộng hòa (1954-1963)

2. Một số bài viết và ý kiến  của Thầy, Cô, cựu học sinh trường Hoàng Diệu.

3. Giáo dục Việt Nam dưới thời Pháp thuộc (1862-1945)- Giáo sự Phạm Đức Liên, 2013.

4. Dương Trung Quốc,Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử (1919 – 1945), NXB Giáo Dục, 2005.

5.Việt Nam - những sự kiện lịch sử nổi bật (1945 -1975 ), Hồng Thịnh, Thùy Dung, Thuận Yến. - Hà Nội: Khoa học xã hội, 2015.

 

Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 7 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật