Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

Tham luận lịch sử trường 3

 

          Thưa quý Thầy Cô và các anh chị em CHS Hoàng Diệu .

     Tôi là CHS niên khóa 1967-1974 , năm 2003 con tôi cũng bắt đầu vào học tại trường nên tôi cũng tham gia vào BCH Hội PHHS . Năm 2004 tôi được bầu làm  Phó CT Hội PHHS nên có nhiều điều kiện tiếp xúc với các phụ huynh mà đa số là CHS của trường , đến năm 2005 tôi tình cờ có đọc bản lịch sử đăng trên nội san của nhà trường , trong đó nêu rõ trường Hoàng Diệu thành lập vào năm 1949 , sau khi trao đổi với các anh chị CHS kỳ cựu và vài cựu giáo sư thì hầu hết không đồng tình với bản lịch sử trên . Từ năm 2006 đến nay , tôi bắt đầu sưu tầm từ nhiều nguồn thông tin khác nhau , trong đó có cả thông tin do các Thầy Cô và các CHS lớn tuổi khác ( Thầy Võ Văn Thiên , Thầy Lý Ngọc Hiếu , Cô Dương Quý Lan , anh Thái Văn Hợp , anh Lưu Quốc Bình , chị Lâm Mỹ Ngọc , chị Mạch Thị Hía , Thầy    .....Tứ ( giám thị đầu tiên của trường bán công PHHS ) .v.v... thì mới hình thành một bản lịch sử thứ hai mà tôi xin được  trình bày dưới đây :

 

     Trước khi nói về lịch sử thành lập trường , tôi xin tóm lược một số thông tin về tình hình giáo dục tại miền Nam từ khi bắt đầu thời Pháp thuộc cho đến năm 1955 ( chấm dứt thời kỳ Pháp thuộc )

     Dưới thời Pháp thuộc , việc mở trường chỉ nhằm mục đích đào tạo một số người để phục vụ cho giới cai trị chứ không phải để mở mang dân trí , cho nên số lượng rất hạn chế .

 

     * Năm 1879 đầu tiên là trường Collège de Mytho tại Mỹ Tho ( lúc đầu là trường tiểu học , thời gian sau mới có thêm trung học ) , năm 1942 đổi tên là Collège Le Myre De Villers , năm 1953 đổi tên thành trường Nguyễn Đình Chiểu .

 

     * Năm 1917 mở trường thứ hai là Collège de Cantho tại Cần thơ , đến năm 1945 đổi tên là trường Phan Thanh Giản .

 

     * Năm 1920 mở hai trường nam Pétrus Ký và nữ Gia Long tại Sài Gòn .

 

     Đến năm 1955 tại miền Nam chỉ có 4 trường trung học nêu trên .

 

     Năm 1956 , ông Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ VNCH tại miền Nam với các bộ ngành ( trong đó có Bộ Quốc Gia Giáo Dục ) . Sau khi được thành lập , Bộ Quốc gia giáo dục mới quyết định thành lập ở mỗi tỉnh một trường trung học , trong đó có trường Trung học Công lập Khánh Hưng ( tiền thân của trường trung học Hoàng Diệu ngày nay

 

     Trên mảnh đất hoang nằm giữ các đường Mạc Đĩnh Chi , Phan Đình Phùng , Nguyễn Đình Chiểu và Đề Thám ( nay là đường Đồng Khởi ) từ năm 1954 đến năm 1959 đã hiện diện 3 trường khác nhau :

- Trường tiểu học : 1954 .

- Trường bán công Phụ Huynh Học Sinh : 1953 .

- Trường trung học công lập Khánh Hưng : 1957 .

     Trường tiểu học đầu tiên nằm ở bìa công trường Bạch Đằng , chạy dài từ đường Trần Hưng Đạo đến chổ cây đa , cạnh con đường đi vào Tòa Hành Chành cũ , năm 1949 bị hỏa hoạn thiêu rụi nên phải phân tán , vài lớp học ở phía trường huấn luyện ( phía sau Công An biên phòng ngày nay ) , vài lớp học ở phía sau chùa Năm Ông , tất cả đều lợp lá )

     Năm 1954 , chính quyền Pháp đã chọn mảnh đất này làm trường tiểu học nên xây dựng đầu tiên là một dãy kiên cố , mái bằng , song song với khu nhà dân ở đường Đồng Khởi , làm trụ sở của Ty Tiểu học và vài lớp học , năm 1951 cũng đã có trường Tư thục Trần Văn và trường Bán Công PHHS , trường PHHS cũng tạm ở trường huấn luyện ( phía sau  chỗ CA biên phòng ngày nay )chung với các lớp của trường Tiểu học )

     Năm 1953 trường Bán công PHHS được phép xây dựng chính thức một dãy lợp tôn song song với đường Mạc Đĩnh Chi ( từ trước Chùa Tịnh Độ đến đầu đường Nguyễn Du ) .

Năm 1955 thực dân Pháp rút đi , ngày 22/10/1956 chính quyền VNCH ra quyết định thành lập Tỉnh Ba Xuyên trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu ( có Tỉnh lỵ là Khánh Hưng ), cuối năm 1956 Bộ quốc gia giáo dục đã chọn khu đất trên để lập trường trung học công lập của Tỉnh và xây dựng dãy đầu tiên ( tạm gọi là dãy A ) gồm 1 văn phòng và 3 phòng học lợp ngói móc và lót gạch tàu , có cửa sổ thấp , chạy dài từ đầu đường Nguyễn Du đến đường Nguyễn Đình Chiểu và song song với trường Tiểu học, đầu tháng 10 / 1957 khai giảng khóa đầu tiên với 3 lớp đệ thất ( đặc biệt là 3 lớp đệ thất đầu tiên này không phải thi tuyển )  , lúc đầu trường có tên là trường Trung học Công lập Khánh Hưng .

 

 Như vậy , đến năm 1957 có đến 3 trường cùng nằm chung trên cùng một mảnh đất .

 

     Sau đó , Ty Tiểu Học đã chọn mảnh đất ở đường Yersin để xây dựng trường Tiểu Học ( nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai )

     Năm 1958 xây dựng dãy thứ hai của trường TH Công lập Khánh Hưng ( tạm gọi là dãy B )cũng lợp ngói và lót gạch tàu , có cửa thông gió bằng gỗ đan hình thoi, nằm song song với đường Nguyễn Đình Chiểu .

     Năm 1959 trường Tiểu học chính thức dời về đường Yersin và trở thành trường Nam Tỉnh Lỵ , dãy mái bằng được bàn giao lại cho trường TH Công lập Khánh Hưng ( tạm gọi là dãy C ), trường Bán công PHHS cũng đời về phía đầu đường Nguyễn Du chạy dài tới đường Phan Đình Phùng .

     Như vậy đến năm 1959 chỉ còn lại 2 trường tại đây ( trường TH Công lập Khánh Hưng gồm 3 dãy , dãy trường Bán công cũ được sửa lại làm nhà để xe và nhà kho , cổng trường tạm nằm ở đầu đường Nguyễn Du , trường Bán công PHHS mới xây dựng từ cổng trường TH Công lập Khánh Hưng tới đường Ph an Đình Phùng cho đến năm 1973 thì giải thể và sáp nhập học sinh vào trường TH Hoàng Diệu ) .

Từ năm 1957 trường chỉ có các lớp đệ nhất cấp ( từ đệ thất đến đệ tứ )  , năm 1961  trường chính thức được đổi tên thành trường Trung học Công lập Hoàng Diệu và mở thêm đệ nhị cấp ( từ đệ tam đến đệ nhất ) .

     Năm 1966 xây dựng nối với văn phòng thêm một phòng có lầu nằm ở đầu dãy A gần cổng trường , lúc này trường tạm có 2 cổng  , cổng bên ngoài nhìn thẳng ra đường Nguyễn Du , cổng bên trong nằm hơi xéo nối liền Văn phòng và nhà kho .

     Năm 1969 tại khoảng giữa sân xây dựng thêm 3 phòng học , mái tôn và lót gạch bông , công binh Hoa Kỳ xây nối thêm 3 phòng nền cao hơn và tráng xi măng ( tạm gọi là dãy D ), sau đó làm hồ sen và vườn hoa tại đầu dãy này .

 

     Năm 1973 - 1974 , phía bên mảnh đất còn trống tiếp giáp với Miễu Bà Hỏa và trường Bán công PHHS , xây dựng thêm hai dãy ( tạm gọi là E và F ) trường Bán công PHHS cũng giải thể , toàn bộ học sịnh được chuyển vào trường Hoàng Diệu , cổng trường cũng được dời về hướng chợ cách cổng cũ hơn 20m .

     Sau năm 1975 , hệ thống giáo dục thay đổi , các học sinh từ lớp 9 trở xuồng phải trở về học ở các trường cấp 2 ( đệ nhất cấp cũ ) . Trường Hoàng Diệu chỉ còn cấp 3 ( đệ nhị cấp cũ ) cho đến nay .

    

     Đây chỉ là bản sưu tầm của cá nhân tôi , chắc chắn là vẫn chưa đúng hoàn toàn , nên tôi cũng rất mong quý Thầy Cô từng là Cựu Giáo Sư của trường , các anh chị CHS những khóa đầu  , các Cô Chú lớn tuổi có hiểu biết về trường vui lòng đóng góp thêm và sửa chữa những sai sót ( nếu có ) , mong rằng sau này bản lịch sử của trường Hoàng Diệu sẽ thật đầy đủ và chính xác xứng đáng với một ngôi trường từng là niềm tự hào của nhiều thế hệ .

 

Mọi ý kiến đóng góp , sửa chữa xin vui lòng gởi về địa chỉ :

-          Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

-          Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. -0919.445483

                                                                                   Xin trân trọng cám ơn

                                                                                      Người sưu tầm

                                                                                       Bùi Ngọc Thạch

                                                                                 CHS niên khóa 1967-1974

Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 56 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật