BANH TÙ
Đang ngon trớn xe, tôi chợt giật mình đạp thắng vì một trái banh vừa sượt qua mang tai. Chưa kịp hoàn hồn và đang tức giận vì suýt té thì đã thấy một lô nhóc tì đứng trước mặt - trai có, gái có - ríu rít xin lỗi. Tôi vốn không để bụng nên cảm thấy vui vui trước sự thành khẩn của những kẻ vô tình làm lỗi, lại càng giảm đi sự bực tức khi nhìn những bộ đồng phục thể thao: quần xanh dương sọc trắng và trên nền áo trắng có dòng chữ màu xanh dương “Trường trung học chuyên ban Hoàng Diệu”. Một cái gì đó chợt nhói lên êm dịu trong lòng tôi khi nhắc đến hai tiếng “Hoàng Diệu” thân thương. Tôi mỉm cười cảm thông với lũ trẻ, bởi không có sân chơi nên phải chiếm lòng đường trước cơ quan của tôi để chơi vì nơi đây vốn yên tĩnh và ít xe qua lại. Dẫn xe vào cơ quan, tôi không làm việc được, lại nhìn ra cửa sổ để xem lũ trẻ đang hồn nhiên chơi đùa một cách thích thú với trái banh da. Và lòng tôi bỗng xôn xao với bao ký ức chợt ùa về khi phát hiện chúng đang chơi trò banh tù, một trò chơi rất phổ biến đã tạo nên nhiều kỷ niệm đối với cái bọn “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba… chúng tôi” khi còn ngồi ghế trường Hoàng Diệu ngày xưa.
Ngày ấy… tính ra cũng đã cách nay gần ba mươi năm. Lũ nhỏ chúng tôi náo nức đếm từng ngày để chờ đến tựu trường, để hãnh diện được mặc áo dài trắng đi học. Hồi đó, trường Hoàng Diệu là trường công lập duy nhất của tỉnh lỵ, học trò lớp nhất tiểu học (lớp năm ngày nay) muốn được tiếp tục học mà không tốn tiền thì phải ráng để thi đậu vào Hoàng Diệu, nếu không thì phải học các trường tư thục rất tốn kém. Được vào học Hoàng Diệu là niềm ước muốn cháy bỏng của chúng tôi và còn của các bậc cha mẹ muốn con mình học hành tới nơi tới chốn.
Năm học đầu tiên ở lớp đệ thất, chúng tôi tiếp thu rất nhanh từ các bậc đàn anh đàn chị là môn banh tù. Hầu như đây là môn chơi chính thống lúc bấy giờ nên lớp nào cũng chơi. Giờ ra chơi là cả sân trường nhốn nháo với từng nhóm, từng nhóm tranh nhau chiếm lĩnh từng phần đất. Không đủ chỗ chơi, chúng tôi còn có sáng kiến chơi cả trong lớp học, kéo một số bàn ghế cho sát xuống cuối lớp, kê bàn giáo viên lên sát góc tường là chúng tôi đã có đủ diện tích sân chơi: chiều ngang của lớp là chiều dài của sân tính từ ngoài cửa vào, còn chiều rộng có nhỏ hẹp cũng không sao. Tùy số người tham gia mà chúng tôi chia phe, mỗi bên từ năm đến bảy đứa. Lớp 6P3 của tôi toàn nữ nên đứa nào tham gia thì phải hội đủ tiêu chuẩn: thứ nhất là phải chịu chơi (vì khi chơi thì hai vạt áo dài phải được cột ngang eo cho gọn gàng), thứ hai là bắt banh phải dính (đây là tiêu chuẩn kỹ thuật), thứ ba là có tinh thần đồng đội (phải biết nhường banh cho những ai chơi giỏi, chính xác để còn có thể giải vây cho phe ta đang bị cầm tù) và sau cùng là phải dũng cảm, lăn xả để giành lại banh (vì nếu không may banh rơi ra ngoài lớp thì y như rằng bọn con trai các lớp khác sẽ cướp banh ngay).
Tôi nhớ từng khuôn mặt của những “chiến hữu” với cả biệt tài của từng đứa, đặc biệt là K.A mà chúng tôi đặt tên là “A chằn” bởi vì nó rất lùn so với chúng tôi nhưng dữ dằn thì không ai bằng, chỉ có nó mới có thể giành lại banh từ tay bọn con trai ưa chọc phá. Tôi nhớ nhất K.A vì cũng chính nó đã tạo cho chúng tôi một kỷ niệm để đời vào năm đệ tứ (lớp 9).
Hôm ấy, lớp tôi có tiết trống, một số bạn vốn nổi tiếng ngoan hiền đã vội kéo nhau xuống câu lạc bộ của trường, số khác ngồi lại đem bài ra xem lại. Chỉ có những đứa hiếu động chúng tôi, ngồi chưa nóng chỗ đã vội ngọa nguậy, không chịu đựng được cảnh im lặng, chúng tôi rủ nhau chơi banh tù. Đang chơi hứng thú thì thầy giáo dạy lớp cạnh bên sang nhắc nhở, chúng tôi vâng dạ và bảo nhau chơi nhưng nói nhỏ, không la hét. Tuy nhiên chỉ được dăm phút thì đâu lại vào đấy vì thiếu tiếng la hét gọi nhau, thiếu tiếng chân chạy huỳnh huỵch, thiếu giọng cười đùa … thì đâu còn là môn banh tù. Mải chơi, chúng tôi không nghe được tiếng xe Honda của thầy Hiệu trưởng dừng lại trước lớp. Đến khi thầy hỏi: “Mấy người đang làm gì đây?” thì cả bọn mới giật mình. Thầy hiệu trưởng vốn nổi tiếng nghiêm khắc nên khi nhắc đến tên thầy là học sinh đều sợ. Thấy chúng tôi lí nhí trả lời mà mặt cứ cúi gằm xuống, thầy cười cười và nhắc nhở chúng tôi xuống câu lạc bộ để chơi. Cả bọn hú vía khi nhìn theo xe của thầy khuất cuối dãy lớp. Thế nhưng… cũng với cái tật làm biếng vì thấy đã gần hết tiết học, đi xuống CLB thì không còn thời gian để chơi, mà cuộc chơi đang gay cấn vì phe bạn chỉ còn lại một người, phe tôi đang thắng thế; hơn nữa, thầy Hiệu trưởng còn đi tuần tra một vòng sân trường nên sẽ không quay lại; thế là chúng tôi quyết định tiếp tục chơi tại lớp. Tai hại làm sao, chúng tôi đã là những “bé cái lầm”. Thầy đã quay lại, bắt cả nhóm xếp hàng ở hành lang trước lớp (vạ lây luôn cả những bạn chỉ ngồi xem chúng tôi chơi), thầy bắt đầu giảng bài học về nội qui học sinh, về đạo đức… Đang thao thao, thầy chợt ngừng giọng khi nghe một tiếng cười hi hi cất lên. Tức giận vì sự vô lễ của học trò, thầy bắt chúng tôi chỉ ra kẻ hỗn láo để thầy trừng trị. Chúng tôi run sợ và thừa biết là K.A cười, không phải cố ý mà do nó và một đứa nữa đang nói đùa với nhau trong khi thầy răn dạy, một lần nữa tinh thần đồng đội của trò chơi banh tù đã giục chúng tôi không chỉ nó, hậu quả là cả nhóm phải quỳ gối ở hàng hiên. Các bạn hãy hình dung những tà áo dài vốn duyên dáng, thuần hậu lại được khoác vào chúng tôi trong bộ dạng quỳ gối thì sẽ thấy thảm khổ như thế nào!... Còn nữa, đến giờ ra chơi, bọn con trai lớp 9P4, 9P5 kế bên tha hồ mà chọc ghẹo, và cả cái mỉm cười lúm đồng tiền như con gái của thầy dạy Vật lý (Mai Thành Lân) khi thấy điệu bộ của chúng tôi. Chỉ đến khi thầy dạy Lý lên xin phép thầy Hiệu trưởng thì chúng tôi mới được vào lớp…
Sau ngày giải phóng, môn banh tù biến mất hẳn trong các khung trường. Chúng tôi cũng háo hức học hỏi cái mới nên không màng đến cái trò chơi mà một thời không thể thiếu được trong giờ phút ở lớp học. Rồi đến lúc phải rời trường và tạo lập vị trí trong xã hội, đôi khi gặp lại bạn học cũ, đứa nào cũng xấp xỉ bốn mươi nhưng vẫn “mày, tao” và nhắc về cái thuở áo cột ngang eo.
Học sinh nữ bây giờ sướng hơn thời chúng tôi, được mặc đồng phục thể dục trong những hoạt động ngoại khóa, và dĩ nhiên sẽ không phải lướng vướng với hai vạt áo dài. Tôi thầm cảm ơn ai đó đã khôi phục lại môn banh tù trong các trường học vì đây cũng là một môn thể thao bổ ích rất phù hợp cho việc rèn luyện sức khỏe ở lứa tuổi học sinh.
Sóc Trăng, tháng 5 năm 1999
Lâm Hoàng Phượng ( 71-78)