Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.




Tôi vào trường Hoàng Diệu năm 68 và rời trường năm 75. Nếu nhìn lại lịch sử nhà trường tôi đã học tại đây qua các giai đoạn hiệu trưởng trường là thầy Phan Ngọc Răng, thầy Lê Xuân Vịnh và thầy Lâm Cộng Hưởng. Lúc vào trường, tôi còn nhỏ nên ít biết thầy hiệu trưởng (chỉ biết thầy giám thị) nên tôi chỉ còn kỷ niệm và ấn tượng với những thầy hiệu trưởng tôi có nhiều dịp tiếp xúc sau này hơn.

Thầy Lê Xuân Vịnh, gốc gác Trà Ôn Vĩnh Long, có phong thái nhà mô phạm, nghiêm trang và chuẩn mực. Thầy làm việc ở trường Hoàng Diệu từ năm 1967. Năm 1969 thầy lên chức giám học. Năm 1970 thầy đảm nhiệm chức hiệu trưởng thay người tiền nhiệm là thầy Răng, lúc đó thầy mới 31 tuổi. Năm 73 thầy thăng chức Chánh sự vụ Sở Giáo dục tỉnh Ba Xuyên (như giám đốc Sở bây giờ). Năm 1974 thầy chuyển về Sài Gòn và tiếp tục dạy học tới năm 99 mới nghỉ hưu. Tuy rời trường đã lâu, nhưng tình cảm thầy để lại trong lòng đồng nghiệp và học trò các khóa khá sâu đậm. Cứ có dịp họp mặt là không thể quên thầy, dẫu họp ở Sóc Trăng hay ở Sài Gòn thầy đều nhận được thiệp mời và thầy đều cố gắng sắp xếp đến dự. Thầy luôn được đồng nghiệp và học trò đón tiếp với thái độ cung kính và trân trọng. Thầy luôn được mời ngồi ở vị trí trang trọng nhất. Tuổi tác chất chồng theo thời gian, cũng may sức khỏe thầy còn khá tốt để mỗi dịp gặp mặt là mỗi dịp kỷ niệm cũ và niềm vui mới tràn về. Lớp tôi có một kỷ niệm không quên với thầy. Khoảng năm 1970, lớp 8A4 tôi thuộc dãy sát ao lục bình. Cô Mười vui vẻ, niềm nở khoát tay cho phép học trò vào lớp. Ngồi lên ghế chưa bao lâu, cô rời lớp mà không nói gì. Lát sau thầy Vịnh từ văn phòng xuống, vào lớp tôi. Tôi không nhớ lúc đó thầy là giám học hay đã là hiệu trưởng. Thầy hỏi em nào trét mắt mèo vào ghế cô ngồi, đứng lên nhận tội? Dĩ nhiên tôi và cả lớp (trừ thủ phạm) có ai biết gì đâu. Chắc thái độ có phần giận dữ của thầy làm thủ phạm run sợ. Không ai nhận tội, thầy yêu cầu cả lớp ra mãng cỏ lấp xấp nước trước hành lang, xếp hàng nghiêm chỉnh. Sau đó là dậm chân tại chỗ, dậm! Mấy lớp gần bên nghe lạ, ra coi chuyện ngộ. Phần ống quần dưới gối của học sinh lớp 8A4 bị sình bùn văng dơ một khúc! Lúc sau, chắc thấy thấm đòn, thầy nhắc lại trò nào biết sai ra nhận lỗi, thầy sẽ xử nhẹ. Có hai trò, chắc hối hận rồi, ríu ríu ra khỏi hàng. Tôi cũng không nhớ lúc đó cách xem xét kỷ luật học sinh như thế nào, chỉ biết sau đó cả hai bạn tôi đều bị đuổi học. Hồi đó, chuyện thầy nghiêm khắc trong dạy dỗ, dẫu đánh đòn trò cũng là chuyện bình thường. Nhưng cũng hồi đó, nề nếp học đường vô cùng chặt chẽ, thậm chí khắt khe nên chuyện nhà trường buộc học trò nghỉ học cũng là chuyện bình thường. Có như vậy, kỷ cương đạo đức học đường mới được giữ vững. Trường Hoàng Diệu thời gian đó nổi tiếng là hết sức nề nếp, học sinh hết sức chăm ngoan, tạo tiếng vang khu vực. Mấy chục năm sau, gặp lại thủ phạm ngày xưa nhưng với cái tên khác. Dương Chi Lăng nhớ lại với đám bạn 8A4 cũ: Tao vô lớp sớm, thấy thằng Hồng Quốc Khánh có mặt trước rồi, mắt mèo trên tay. Thấy tao nó rủ… Chỉ một phút bồng bột, máu phá phách học trò (chỉ sau quỷ ma!) sôi không đúng chỗ khiến tao phải đổi tên ra La San học. Lăng còn tự trào nhờ vậy, bây giờ tao ăn họp mặt lớp tới hai bên! Còn Khánh trôi nổi đâu mất tin từ đó. Ban đầu Lăng còn có chút gì đó không hài lòng với quyết định của nhà trường, bởi Lăng cho rằng bạn kia là chủ mưu và là thủ phạm chính, còn Lăng chỉ vô tình làm đồng phạm. Nhưng chiêm nghiệm cuộc đời mấy chục năm, giờ đây Lăng đã thấm thía gánh nặng trên vai thầy hiệu trưởng. Nếu ai cũng được tha bổng sau khi đã gây ra một chuyện sai trái nghiêm trọng thì kỷ cương từng bước bị co dãn, nề nếp ít nhiều bị rạn nứt. Chắc thầy nhẹ tay là phần không mời cha mẹ các thủ phạm vô trường xin lỗi cô giáo. Nhân tới những dòng chữ này, tôi mạn phép nhắc tới cô Mười. Qua các đồng môn xa xứ, biết cô và thầy vẫn mạnh khỏe, chắc học trò cũ ai cũng vui mừng. Hồi đó, mỗi lớp có hơn chục cô thầy giảng dạy, nhưng tại sao học trò lại thích phá cô Mười? Tại sao không phá cô thầy nào học sinh không hài lòng về phương pháp giảng dạy chẳng hạn, trong khi cô Mười rất được lòng học trò? Cô Mười nổi tiếng là hoa khôi Hoàng Diệu. Không một tỉnh từ nào diễn tả hết nét đẹp của cô (xin lỗi người đọc, là học trò, cho tôi nịnh cô tôi chớ!). Các bạn gái chắc vô cùng ngưỡng mộ cô. Thậm chí chắc có thầy cũng ngưỡng mộ cô ngoài thầy Linh! Các bạn nam chắc ngoài sự ngưỡng mộ còn tôn sùng cô nữa. Cô dạy rất lưu loát, dễ nhập tâm và học trò, dĩ nhiên sẽ chú tâm học, để còn nhìn cô nữa! Cô là thần tượng, được nhiều người biết đến, gây chú ý cho học trò nào có máu phá phách. Phá phách chắc chỉ cho vui, nhưng thiếu suy nghĩ về hậu quả việc làm, đã gây ra một kết cục tai hại nhớ đời. Ở phương xa, nếu cô Mười có đọc tới những dòng chữ này xin cô tha thứ cho lũ học trò bồng bột ngày nào mà giờ này lũ đó cũng bạc đầu hết rồi. Và với thầy Vịnh, trước sau, thầy vẫn luôn ở vị trí hết sức cao quí trong lòng học trò ngày xưa của thầy. Cũng nói thêm, thầy Vịnh là một hiệu trưởng nghiêm khắc, nhưng cũng là một thầy giáo rất cởi mở, vui vẻ, thu hút học sinh khi dạy môn Việt văn lớp tôi hai năm sau vụ quậy phá nói trên.

Thầy Lâm Cộng Hưởng gốc Tây Ninh, gắn bó với trường Hoàng Diệu từ lúc tốt nghiệp đại học năm 1965 tới khi quá tuổi hưu 5 năm, năm 2005! Năm 73 thầy nhận chức hiệu trưởng lúc đó mới 33 tuổi. Đến năm 75 thì trở lại làm thầy giáo bình thường. Thầy có tính cách sôi nổi, dễ gần gũi. Có lẽ thầy là người có thâm niên nhất tại trường Hoàng Diệu, 40 năm, và hiếm ai đạt được. Thầy cũng là nhà giáo ưu tú duy nhất trường Hoàng Diệu cho tới thời điểm này.Thầy chọn xứ Ba Xuyên xưa làm quê hương nay của thầy. Thầy nổi tiếng khỏe từ trước kia tới bây giờ. Nhờ khỏe, thầy sắm cùng lúc nhiều vai bởi sự nổi tiếng về năng lực chuyên môn của mình. Ngoài chức trách hiệu trưởng, thầy còn giảng dạy tại Hoàng Diệu. Thời gian trống thầy còn giảng dạy ở các trường khác và dạy các lớp luyện thi. Học trò khen thầy dạy toán hay, dễ hiểu, dễ nhớ khiến học trò các thế hệ sau lại tìm tới thầy. Thầy cũng nổi tiếng với những chuyện tiếu lâm để học sinh không thấy buồn ngủ đầu giờ. Sau 75, tuy không còn giữ cương vị hiệu trưởng, nhưng với học trò cũ thầy luôn và mãi là hiệu trưởng trong lòng và thầy tiếp tục dạy ở trường lẫn ở nhà. Tình nghĩa thầy trò sâu đậm, học trò gởi thầy học phí theo khả năng, dẫu ít dẫu nhiều. Với uy tín của mình, thầy được mời đảm nhận vai trò phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh sau khi hưu. Cùng với thầy Xuân Vịnh, thầy Hưởng luôn được học trò cũ nhớ tới mỗi khi có dịp họp mặt. Thầy Vịnh ở xa, chỉ về ở những buổi họp mặt lớn trong nhà trường cũ. Còn thầy Hưởng ở trong nội thị, khóa học trò cũ nào có họp mặt đều không quên thầy. Những lần có thầy cũ các nơi khác về Sóc Trăng, các thầy đều hỏi thăm thầy Hưởng và đồng nghiệp xưa có dịp tâm tình, mày mày tao tao thỏa lòng bấy lâu xa cách trước mặt đám trò cũ cũng đã hơn nửa đời hư cả rồi! Nhà tôi có dịp đón nhiều lượt thầy về thăm Sóc Trăng và ghé qua. Các dịp đó đều có mặt thầy Hưởng theo lời yêu cầu của các thầy khác. Những lần gặp nhau ở quán, cũng đều không thiếu thầy. Mới đây nhất, cuối tháng 6 này, thầy Phạm Xuân Dũng từ Sài Gòn về bất ngờ. Bất ngờ vì rất nhiều năm thầy Dũng ẩn cư tại Nhà Bè chăm sóc người em trai độc thân chẳng may bị bạo bệnh. Thầy Dũng ít thời gian trống, nên không liên lạc ai cả. Nay em trai thầy đã qua đời, thầy mới có dịp đi đây đó. Tại quán, sau khi an vị với mấy học trò ruột, đồng nghiệp đầu tiên thầy Dũng muốn gặp là thầy Hưởng. Thầy Hưởng tới, cũng với giọng nói còn khá đầy uy lực, đã vui buổi trùng phùng hiếm hoi đầy chuyện cần hàn huyên giải bày hết gần ba két bia! Tôi muốn nói tới góc độ thầy còn khỏe mới kéo dài sự vui vẻ tới như vậy. Bởi vậy, trong nội thị Sóc Trăng, nếu thấy ai tầm tầm, không kiếng, chạy xe gắn máy nhanh (thường quá tốc độ qui định) dù đôi khi không có chuyện gì gấp, có thể là thầy Hưởng đó! Thầy quen lái xe tốc độ do từ thời chạy sô mấy mươi năm qua, vì học trò ham học với thầy, thầy nhiều sô (tiếng bây giờ, đúng ra là course) nên phải chạy nhanh mới kịp giờ! Nhắc tới chuyện này, thầy móc túi ra cái giấy phép lái xe có cái lỗ tròn trên góc. Thầy nói tôi mở hàng cây súng bắn tốc độ đầu tiên của Sóc Trăng đó! Nhưng quen rồi, bỏ không được. Cứ lên xe là tôi…rồ ga…! Thật ra, chỉ ai có sức khỏe còn tốt mới có thể lái xe nhanh được. Thôi, thầy cứ chạy xe nhanh, nhưng an toàn là được. Lỡ giấy phép lái xe có thêm mấy lỗ tròn cũng không sao cả. Thiếu gì học trò tình nguyện chở thầy khi giấy kia hết chỗ bấm lỗ!

Tháng rộng ngày dài, nhưng với người cao tuổi thời gian như trôi nhanh, tháng ngày như ngắn lại. Những tinh anh của cả cuộc đời, các thầy đã truyền đạt và gởi gắm lại lớp lớp học trò. Niềm mong đợi còn lại của các thầy là các niềm vui từ đồng nghiệp, từ học trò đưa tới. Niềm vui từ đồng nghiệp là những khoảnh khắc hiếm hoi hàn huyên khi có dịp gặp mặt, hoặc qua các phương tiện thông tin biết về nhau, còn mạnh khỏe. Niềm vui từ học trò là những cây thầy gieo trồng nay đơm hoa thơm trái ngọt, là sự thành đạt của học trò xưa. Hoàn cảnh đẩy đưa, dịp gặp gỡ không được nhiều. Đồng nghiệp cũ tuổi cao sức có hạn, trò xưa mãi bương chải với đời. Bởi vậy, có dịp gặp mặt, hoặc có dịp nhắc nhau đều là điều đáng quí. Tôi mong những dòng chữ này như là một lời tri ân, như là một lời kính chúc chân tình các thầy mãi mạnh khỏe để còn nhiều dịp gặp nhau, để còn nhiều chuyện để tâm sự và tôi còn nhiều dịp nói lời tri ân, dẫu có muộn màng.

HỒ QUỐC LỰC












Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 10 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật