Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.




"Kính dâng hương hồn Cô Trần Thị Thanh Thủy”

      Đó là cách gọi cả nghĩa đen, nghĩa bóng của một số học sinh lẫn giáo viên dùng ám chỉ cho sự nghiêm khắc của Cô.

     Sau 30/4/1975, các lớp được sắp xếp lại cho phù hợp với phân ban mới, chúng tôi lớp 11D4 do cô Trần Thị Thanh Thủy chủ nhiệm, cô giáo được mệnh danh là dữ nhất và khó nhất trường thời bấy giờ, nhưng với lớp chúng tôi cô luôn là người chị, người bạn, người Thầy mà chúng tôi xem như thần tượng, mặc cho ai có nói gì thì nói.

  Hồi đó lớp tôi nổi tiếng đoàn kết, nghiêm túc, năng nổ và đầy nhiệt huyết nên đa phần thầy cô đều biết mặt. Có khi gặp chúng tôi, mấy thầy cô còn chỉ cho nhau bảo rằng: “học trò Bà Thủy” đấy! Cái từ Bà Thủy ám chỉ sự khó khăn và dữ dằn của Cô, nhưng với chúng tôi - những đứa học trò ruột 11D4 - lại rất tự hào vì thật ra Cô không giống như những gì mà mọi người đã đồn đại.

    Suốt năm lớp 11 Cô luôn sát cánh bên bọn tôi, luôn lắng nghe, chia sẻ, thậm chí góc học tập tại nhà của mỗi đứa như thế nào Cô nắm rất rõ. Hình ảnh lớp học của chúng tôi cũng hết sức đặc biệt mà tôi cam chắc rằng từ trước tới nay không có lớp nào giống. Này nhé: mặc dù thời điểm đó nhà trường không bắt buộc nữ sinh mặc áo dài do mới giải phóng kinh tế khó khăn, nhưng được Cô động viên mặc lại áo dài cũ nên 100% con gái 11D4 mặc áo dài đi học nghiêm túc (dĩ nhiên là bên trong phải có áo lót kín đáo và không được hở eo); cũng may thời ấy áo không may bó người như học trò bây giờ nên ai cũng còn mặc vừa. Rồi chuyện định vị học sinh cũng vậy, lớp tôi không cần lập sơ đồ mà Cô giao ban văn thể lo việc thiết kế sao cho thầy cô nhìn xuống biết ngay đứa nào tên gì dù là giáo viên mới vào lớp buổi đầu. Lớp tôi được chia bốn tổ ngồi hai dãy, mỗi dãy phân hai đoạn; phía trên là các bạn có chiều cao khiêm tốn, phía dưới là các người mẫu lưng dài. Cô gợi ý mỗi tổ tự   làm bảng tên bằng giấy bìa màu đặt trước mặt như kiểu “Đố vui để học”, mỗi tổ một màu riêng; chỗ ngồi thì xen kẻ nam nữ nhằm hạn chế nói chuyện trong giờ học (do con gái thường nhiều chuyện hơn con trai). Hằng tháng Cô lên kế hoạch thi đua, tổ nào đạt tiêu chí sẽ giành được cờ luân lưu với biểu tượng một Bông hoa giấy to đùng được cắt xếp rất đẹp, có nơ xanh đỏ gắn vào tường ngay chỗ của tổ; thầy cô chỉ cần nhìn vào biết ngay tổ đó xuất sắc trong tháng.Trên bàn thầy cô lúc nào cũng có ly nước lọc pha tí trà được đậy lại đàng hoàng bằng tấm giấy màu xếp hình chóp vừa thật xinh xắn vừa đảm bảo vệ sinh, không phải lớp chúng tôi xài sang mà tổ trực nhật lên văn phòng xin rót về, cứ thế đều đặn duy trì đến hết năm học. Hình thức là vậy, còn nội dung thì khỏi nói, lớp chúng tôi được xếp vào loại ngoan và kỷ luật tốt, luôn đi tiên phong trong các phong trào của trường và cũng giật giải không ít. Chúng tôi học được ở Cô sự bản lĩnh, tự tin, quyết đoán và nhất là trung thực. Cô không áp đặt nhưng những gì Cô bày ra cho chúng tôi đều rất hiệu quả nên hầu như ai cũng làm theo: Cô tập hợp các bạn giỏi bộ môn và lập tổ bộ môn đó, bạn giỏi giúp đỡ bạn yếu thành đôi bạn học tập; rồi Cô sắp xếp những hôm trống tiết hoặc vào giờ ngoại khóa để các bạn giỏi lên lớp giảng lại bài nào mà số đông bạn chưa hiểu, cứ thế xoay vòng; đặc biệt môn học của Cô đa phần chúng tôi đều đạt kết quả tốt dù rằng Cô không hề thiên vị và luôn nổi tiếng trong hàng “sát thủ” với điểm chấm rất gắt gao.

      Cô lo lắng cho chúng tôi từ việc học đến tâm tư, tình cảm; ngược lại chúng tôi cũng rất hiểu và yêu thương Cô hết mực; Cô không ngại tâm sự cùng chúng tôi về cuộc đời, gia đình, thậm chí cả chuyện tình yêu của Cô cho chúng tôi nghe mặc dù chuyện đó rất nhạy cảm khi chúng tôi chưa biết được tình yêu là gì, có chăng chỉ là tí mộng mơ của tuổi học trò. Cô gợi ý cho chúng tôi sắm riêng mỗi người một quyển sổ tay nhỏ để viết những  thắc mắc thầm kín, những ưu tư phiền muộn... cứ mỗi cuối tuần gởi cho Cô; Cô đọc và chân tình góp ý chia sẻ cho từng đứa mà không đứa nào biết được bí mật của đứa nào ngoài Cô. Chúng tôi thường gọi đó là quyển “tuần ký”, học trò mà, có chỗ trút bầu tâm sự nên tha hồ trải lòng. Thế đấy! cả lớp mấy mươi quyển mà Cô vẫn tranh thủ từng giờ để đọc và viết phản hồi, đầu tuần lại trả về và cứ thế suốt năm học. Hiểu và thương Cô, chúng tôi tự nhắc nhở nhau tránh làm điều gì để Cô buồn. Cô thương chúng tôi thật nhiều, đến nỗi sau này mấy lớp “đàn em” bảo rằng “Cô Thủy chỉ thương duy nhất  học trò 11D4 năm đó thôi”. Có lẽ lớp tôi cũng chính là lớp để nhiều ấn tượng tốt đẹp nhất trong lòng Cô, tôi còn nhớ rất rõ đầu năm lớp 12, sau khi nghe công bố thầy La Tòng làm chủ nhiệm lớp tôi và Cô vẫn dạy môn Sinh cho lớp nhưng không hiểu sao lúc đó chúng tôi chạy tìm cô và khóc òa, mắt Cô cũng đỏ hoe, đến nỗi bọn con trai “sắt đá” cũng mỗi kẻ một tâm trạng, buồn rười rượi đến cả tuần.

     Cái buổi giao thời ấy cuộc sống thật khó khăn nhưng cô luôn động viên chúng tôi, biết rằng đồng lương cô không bao nhiêu, ăn uống kham khổ vậy mà hể chúng tôi đạt kết quả cô đều khuyến khích bằng những món quà đầy ý nghĩa: khi thì được cô tặng cây bút bé xíu, một quyển sách hay; hoặc có bạn học khá giỏi, xinh xắn thuộc hàng hoa khôi mà viết chữ xấu nhất lớp cô mua tặng hai quyển “tập đồ lớp 1” nhằm nhắc nhở bạn thường xuyên rèn chữ, bạn tôi nhận quà của Cô mà nước mắt lưng tròng vì cảm động xen lẫn xấu hổ, làm cả lớp được một phen cười đau bụng, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của cô từ những chuyện như vậy. Những kỷ niệm đó làm sao chúng tôi có thể quên.

            Thời gian dần trôi, chúng tôi rời trường mỗi người một nơi. Những năm đầu rời trường, chúng tôi hẹn với nhau hễ cứ ngày chủ nhật tuần cuối cùng của tháng 5 mình tụ về phòng tập thể của Cô tại trường để họp lớp, kể nhau nghe vui buồn của từng người. Những buổi họp diễn ra thật vui, ai có gì góp nấy: Cô đãi nồi chè, bạn cho bọc bánh, người tí trái cây... rôm rả nói cười; có bạn vừa xong 12 cưới vợ liền, ngày họp mặt dẫn vợ theo ra mắt, có bạn vào đại học cũng dắt người yêu về...

    Thế rồi một ngày nọ nhận được tin Cô mang căn bệnh ngặt nghèo: liệt một phần thân thể. Có lẽ đó là hậu quả từ những năm tháng cực nhọc, vừa lo toan cho cơm áo gạo tiền vừa phải vắt kiệt sức mình đem niềm tin và tương lai đến với bao lớp học trò. Lúc đó tôi đang sống ở Cần Thơ nên chỉ ghé thăm Cô được hai lần, lần đầu Cô còn nhìn ra, lần thứ hai Cô nhìn xa xăm vô hồn nói với tôi những câu vớ vẩn, tôi chỉ kịp quay mặt đi lau nhanh dòng nước mắt, căn bệnh đã cướp mất đi sinh lực của Cô, thân thể xác xơ, gầy rộc; ngày đó gia đình Cô chắc đã khánh kiệt, tôi trộm nhìn vào trong: âm u, tối tăm, không còn gì đáng giá, tim tôi như thắt lại. Cô đã truyền đạt cho nhiều học trò những tài sản kiến thức vô giá nhưng còn bản thân mình thì… Không lâu sau Cô ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, lớp tôi chỉ có vợ chồng bạn Sơn Thanh - Nguyệt Ánh tiễn đưa Cô tại Sài gòn, còn chúng tôi mỗi đứa một phương không ai được dự, ngoại trừ những lần về trường họp mặt vào thắp cho Cô nén hương tưởng nhớ.

    Những chùm phượng vĩ đang vào mùa khoe sắc thường là mùa của họp mặt các nhóm, nhóm chúng tôi cũng vừa gặp nhau hôm 19/5 trong không gian ấm áp của sự hoài niệm, có mặt thầy cô cũ, bạn bè xưa... và ở góc khuất trái tim mỗi học trò cũ đều chạnh lòng nhớ về Cô. Xin được kính dâng lên hương hồn Cô ngàn lời tri ân của lớp 11D4 năm nào, nơi cõi vĩnh hằng Cô hãy luôn mĩm cười Cô nhé.

Tháng 5/2012

STTLang


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 24 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật