NHỚ VỀ LỚP ĐỆ NHẤT B “ĐẶC BIỆT”
Khi những chùm hoa phượng lập lòe gọi hè về là khi mùa mưa đã đến và cũng là mùa nghỉ hè của lứa tuổi hoa niên. Lòng chợt bâng khuâng khi nhớ về lớp cũ trường xưa một thuở. Lời hát nào vọng mãi với tháng năm : “Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gũi nhau mất rồi. Tạ từ là hết người ơi. Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng. Có ai còn nhớ đến ân tình không?” (Thanh Sơn).
“Có ai còn nhớ đến ân tình không?” Riêng tôi nhớ hoài lớp đệ nhất B (lớp 12 ban toán) niên khoá 1969–1970 nơi ngôi trường Hoàng Diệu thân thương. Bởi vào thời điểm ấy, hầu hết nữ học lớp đệ nhị B (lớp 11 ban toán) đậu tú tài I đều chuyển qua lớp đệ nhất A (lớp 12 ban vạn vật). Vì vậy, niên khoá 69–70 này chỉ có 49 học sinh ghi danh học đệ nhất B. Điều đặc biệt là chỉ có một nữ sinh duy nhất là Trần Thị Phận, nay đang công tác giảng dạy tại đại học Cần Thơ.
Làm sao quên được những người thầy tận tâm dạy dỗ, dạy hết mình vì học sinh, vì bề dày thành tích của trường Hoàng Diệu. Lớp đệ nhất B chúng tôi do thầy Nguyễn Bình là giáo viên hướng dẫn (chủ nhiệm) và dạy toán. Thầy quan tâm đến từng đứa học trò, vừa nghiêm khắc vừa bao dung, độ lượng nên ai cũng quý mến thầy. Thầy nhận xét lớp đệ nhất B chỉ có một nữ sinh duy nhất, nam sinh ở các huyện, ở vùng nông thôn, hầu hết học trường tư thục đến năm đệ nhất mới về học trường công lập Hoàng Diệu, thầy hy vọng mỗi em cố gắng tập trung học tập để mỗi em đều thi đỗ, lớp đệ nhất B sẽ có tỷ lệ đỗ cao nhất ở các trường học miền tây nam bộ chúng ta và sẽ trở thành lớp đệ nhất “đặc biệt”.
Bên cạnh đó, có thầy Lâm Ngọc Linh dạy lý hóa (lý và hóa là một môn); thầy Phan Ngọc Răng là hiệu trưởng, dạy môn vạn vật. Mỗi thầy đều có phong cách dạy riêng nhưng đều hấp dẫn chúng tôi bởi tầng tầng kiến thức của quý thầy.
Thầy Nguyễn Bình, thầy Lâm Ngọc Linh tổ chức họp và khuyên lớp: “Nếu muốn đỗ cao các em phải học theo tổ, theo nhóm”. Mỗi tuần học 3 buổi về môn toán, môn lý hóa do thầy Nguyễn Bình và thầy Ngọc Linh hướng dẫn (không có chuyện thu tiền học thêm). Trước đây thi tú tài II ban toán, môn toán hệ số 5, môn lý hóa hệ số 4, các môn còn lại chỉ hệ số 1 hoặc 2. Do đó học sinh khá môn toán, lý hóa, làm bài đạt khá thì gần đủ điểm đỗ tú tài II. Vì thế, học sinh cố gắng học tổ, học nhóm để phát huy tính tự chủ, tự lực, tích cực, tự giác để nắm chắc kiến thức đã học…
Đầu năm học, thầy Nguyễn Bình tổ chức khảo sát môn toán, lý hóa. Lớp đệ nhất B niên khóa 1969-1970 có 49 học sinh thì chỉ có 41 học sinh đạt trung bình, còn lại 8 học sinh yếu môn toán, lý hóa. Từ đó, thầy Nguyễn Bình, thầy Lâm Ngọc Linh tập trung đi sát 8 học sinh yếu môn toán, lý hóa. Trong học tổ, 46 học sinh đạt trung bình, có 3 học sinh đạt khá. Đến học kỳ II đã có 7 học sinh đạt khá, 42 học sinh đạt trung bình, không có học sinh yếu kém…
Cũng chính vào thời điểm 1969 – 1970 này, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ cũng như phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên đô thị miền nam lên cao. Từ Sài Gòn vọng về những tiếng hát xuống đường với phong trào “Hát cho dân tôi nghe” khá sôi nổi. “Dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!/ Ai chiến thắng mà không hề chiến bại./ Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần./ Dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!” (TCS) hoặc những lời ca khẳng định quyết tâm vì quê hương, đất nước “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa, xin làm một đóa hướng dương/ Nếu là mây, tôi sẽ làm một vừng mây ấm/ Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương” (Tự nguyện- Trương Quốc Khánh).
Lớp đệ nhất B (1969–1970) là lớp nòng cốt lãnh đạo phong trào biểu tình, bãi khóa chống “Quân sự hóa học đường”,(chống bắt lính của chế độ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) của học sinh Sóc Trăng. Lớp trưởng lớp đệ nhất B niên khóa 1969-1970 là tổng thư ký của trường công lập Hoàng Diệu, đã liên hệ với sinh viên Sài gòn tổ chức bãi khóa 3 ngày, đây cũng là phong trào đấu tranh mạnh nhất của học sinh Sóc Trăng từ nhiều năm qua. Đã hơn 40 năm tôi vẫn nhớ lời thầy Nguyễn Hiền Tâm, thầy Nguyễn Bình, thầy Lâm Ngọc Linh khuyên bảo: “Các em chống bắt lính một cách tích cực nhất là cố gắng học giỏi, thi đỗ tú tài II, ghi danh học đại học thì khỏi đi lính!”. Từ đó, các bạn đều cố gắng giúp nhau trong học tập; phát huy tính tự lực, tích cực, tự giác để học tập đạt kết quả cao.
Nhớ làm sao những tháng ngày tình cảm thầy trò lung linh thật đẹp. Thầy chủ nhiệm Nguyễn Bình, thầy Lâm Ngọc Linh hướng dẫn trực tiếp một cách tận tình, chu đáo và hiệu quả.
Có niềm vui nào hơn khi bước vào kỳ thi tú tài II cuối niên khóa. Biết bao công sức, tâm huyết của thầy cô bỏ ra, biết bao cố gắng của mỗi thành viên đã được đền đáp một cách xứng đáng.
Khóa 1 (thi lần I) đỗ 36/49 học sinh và khóa 2 (thi lần II) đỗ thêm 12 học sinh. Như vậy, lớp đệ nhất B “đặc biệt” có 48/49 học sinh đỗ tú tài II (trừ một bạn bị bệnh không dự thi được).
Đúng là một lớp “đặc biệt”, bởi không những “đặc biệt” vì có một nữ duy nhất mà “đặc biệt” bởi vì lớp có tỷ lệ đỗ tú tài II cao nhất các tỉnh miền tây nam bộ lúc bấy giờ!
Cũng xin nói thêm rằng: Hồi đó, thời điểm 1963 – 1970, các lớp học sinh miền tây nam bộ thi tú tài I, tú tài II chỉ đỗ từ 30% đến 50%, năm nào cao nhất cũng chỉ đạt 70%.
Nhớ về trường xưa, trong tôi lại hiện lên hình ảnh những người thầy nhiệt tình, hết lòng dạy dỗ, khuyên nhủ học sinh. Thầy cô chính là người cha, người mẹ, là người định hướng cuộc đời cho mỗi học trò. Công ơn to lớn ấy chẳng khi nào chúng tôi quên được!
Thời gian trôi nhanh quá! Mới thuở nào cắp sách tới trường, nay lớp học sinh cũ chúng tôi đều đã trên 60 tuổi. Mây trắng thời gian đã đọng lại trên đầu. Có ai đi xa còn nhớ về trường Hoàng Diệu thân thương? Có ai đi xa còn nhớ lối về trường cũ để mà nhớ, mà thương một thời sôi động, tự hào là học trò của ngôi trường có bề dày lịch sử vẻ vang…
Thật đúng như câu thơ mà ai đó từng tự hỏi lòng mình :
“Ta như dòng suối tuôn ra biển
Có lúc nào quên trở lại nguồn?”
TÔ VĂN HIỆP
(CHS HD 1963-1970)