Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

 
                                                                      


         Năm ấy, tôi đang học lớp đệ thất và được học với một thầy giáo rất trẻ. Thầy tôi mới vừa tốt nghiệp khoa văn đại học sư phạm Sài Gòn được bổ nhiệm về tỉnh lẻ dạy học. Lớp tôi là lớp đầu tiên thầy “mở hàng” nghề “gõ đầu trẻ” của mình nên sau này thầy cũng yêu đám học trò lớp tôi  nhiều hơn những lớp khác.

         Tôi nhớ có một bạn hôm ấy đứng lên hỏi thầy nhà thơ Tú Mỡ là ai? Tên thật là gì? Mà trong sách giáo khoa không thấy. Thầy đáp, ông Tú Mỡ tên thật là Hồ Hữu Tường, ông là nhà văn hiện đang sinh sống ở Sài Gòn. Lớp đệ thất là lớp ăn chưa no, lo chưa tới. Thầy nói sao thì nghe vậy, mà đã là thầy của ta thì nói đúng quá chớ gì?

       Nhưng sau đó mấy hôm thầy vô lớp đính chính. “Các em ơi thầy nhớ lộn rồi. Ông Tú Mỡ không phải là ông Hồ Hữu Tường mà là ông Hồ Trọng Hiếu. Ông là một nhà thơ trào phúng có chân trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn cùng thời với Nhất Linh, Khái Hưng... hiện còn đang sống và sáng tác ở ngoài Bắc”. Thầy không nói lại cho rõ thì bọn học trò này cũng chẳng biết. Thời đó đất nước còn đang bị chia đôi, thông tin hai miền về nhau rất hạn chế. Bạn tôi nói, thầy mình không chịu giấu dốt, đó là cách hành xử rất đúng. Tôi nhớ hôm đó thầy có nói: “Tôi nói sai mà các em nghe theo tôi thì tôi là người không phải”.

       Chuyện đó thấm thoát cũng đã hơn 40 năm rồi còn gì. Bạn tôi cũng đã nối gót thầy là ông giáo. Lâu lâu gặp tôi bạn nói: “Mình làm thầy có nền móng căn bản nhưng lâu lâu cũng bị “hố”, khi phát hiện được phải đính chính liền vì nhớ câu chuyện của thầy ngày xưa. Còn chú mầy làm nghề báo có khi nào viết sai mà tự nguyện đính chính không? Làm thầy giáo chỉ sai có mấy chục em học trò, còn viết báo cho cả ngàn người đọc, hậu quả lớn hơn nhiều”. Nghe bạn nói mà tôi giật mình. Khi bài báo được in phải qua nhiều khâu từ biên tập sau đó mới lên tới Ban biên tập. Cái sai thì được người phụ trách hay Ban biên tập điều chỉnh liền, nhưng cái nhỏ thuộc về chi tiết hoặc số liệu đôi khi cũng bị “lọt lưới”. Tự nhìn lại mình, tôi cũng đã có lúc sai sót trong một hai chi tiết nhưng sau phát hiện cho là chuyện nhỏ. Người đọc bây giờ tinh lắm, trong số đó có không ít người trình độ kiến thức hơn hẳn người viết, nhưng không có ai phản ảnh thì im như thóc cho qua “cua” luôn. Bởi suy nghĩ còn hẹp hòi là nếu lỡ khai bị Ban biên tập khiển trách và còn mất uy tín với bạn đọc!

      Câu chuyện cũ của thầy tôi đối với những người làm báo như chúng tôi vẫn còn tươi rói. Và nghe bạn tôi nhắc lại, tôi thật là thấm thía về lương tâm và trách nhiệm.


                                                                                                                             Tuấn Ba
                                                                                                                      (CHS 1966-1973)


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 25 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật