Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.


Trước 1975, khi tôi còn là một học sinh trung học, ở Sóc Trăng có một người rất nổi tiếng văn thơ trong giới học sinh tỉnh nhà. Anh là một người làm thơ trong nhóm thơ “Khuôn mặt học trò”. Sóc Trăng là một tỉnh nhỏ và buồn. Trong giới ai có một chút tài vặt là mọi người đều biết. Tôi biết anh là thế, dù anh học khác trường và thuộc lớp đàn anh...

Trường Trần Văn ngày đó tuy là trung học tư thục, nhưng nổi tiếng là kỷ luật không thua gì trường công lập. Tôi tuy không có học ở nơi này, nhưng có nhiều bạn bè học ở trường này. Một buổi nọ, anh bạn học truyền tới tay tôi một bài thơ của một học sinh Trần Văn viết mà anh yêu thích và tôi còn nhớ mấy câu thơ này:

Ta nhớ khôn nguôi ngày tháng cũ,

Hừng đông, phố lạnh tóc thề bay.

Thẩn thờ ta ngắm nhìn mây trắng,

Gởi gió giùm hôn đôi má hây.

                                          (Người em Hoàng Diệu)

Hỏi ra thì tác giả bài thơ trên là anh Lê Vũ Hùng, một học sinh rất giỏi của Trường Trần Văn, nhưng viết tặng “Người em Hoàng Diệu”. Sau này tôi có đọc một số thơ của anh đăng ở nhiều tập san khác nhau và thơ của anh đã nằm gọn trong sổ tay học trò chúng tôi đang sưu tập:

 

Hãy dạo điệu đàn Nam ai cũ,

Sáu câu vọng cổ khẩy mùi tai

Lắng nghe để thấy tình quê đẹp

Mà giữ lòng son một tấm hoài

                                         (Phong Điền)

Những năm 1966 – 1967, nhóm thơ “Khuôn mặt học trò” khá nổi tiếng ở Sóc Trăng. Các thành viên cộng tác với nhiều báo và tạp chí. Giới học sinh trung học rất thích chuyền tay nhau những ấn phẩm xinh xắn dễ thương chỉ nói về đời sống, tình cảm học trò. Vì nó gần gũi nên đương nhiên lứa tuổi học sinh vừa lớn yêu thích. Đó cũng là nhu cầu tự nhiên trong đời sống tinh thần. Ta hãy tưởng tượng hơn 30 năm về trước, các phương tiện thông tin giải trí đâu có được nhiều như bây giờ, mà ở tỉnh lẻ nên đời sống tinh thần còn thiếu thốn nhiều lắm. Là học trò mà được một sân chơi phù hợp với lứa tuổi của mình nên các bạn trẻ dễ gia nhập. Công bằng mà nói, nhóm “Khuôn mặt học trò” cũng đem lại một làn gió mới cho phong trào văn nghệ học sinh tỉnh nhà vốn rất tĩnh lặng. Chủ công trong nhóm “Khuôn mặt học trò” không ai khác hơn là anh, anh lại là người có nhiều thơ hay nhất trong nhóm:

               Trong một vài đêm sao nói hết,

               Đèn khêu dầu cạn gối tay nằm

              Trăm thằng tuổi trẻ trăm tâm trạng

              Thân phận tình yêu với chiến tranh

                                       (Bãi Xàu và những ngày khôn lớn)


Đừng ai tưởng học trò yêu thích văn nghệ thơ thẩn mà học hành kém mà lầm chết. Thời đó, muốn sinh tồn là phải học và đó là ưu tiên số một. Anh học rất giỏi, là học sinh xuất sắc của Trường Trần Văn và là “con cưng” của thầy Hiệu trưởng Trần Bửu Trinh. Có năm học liền 2 lớp; sáng học lớp đệ tứ ở Trần Văn, buổi trưa học đệ tam ở Trường Bán công Phụ huynh học sinh mà theo những người bạn cùng thời của anh kể, chỉ trong niên học 1968 – 1969 anh đều học đạt loại khá ở cả 2 lớp này. Có lẽ nhờ tăng tốc ở thời điểm này mà sau này nhờ vậy bước đi lên của anh có vẻ bằng phẳng. Anh rời Sóc Trăng sau kỳ thi tú tài 1. Anh chỉ sống và học ở Sóc Trăng thời gian không lâu, lớp chúng tôi thuộc lớp đàn em chỉ biết nhau qua thơ và chỉ có bao nhiêu đó.

Rất nhiều năm sau này, không ai còn đọc được thơ của anh. Chắc là tác giả nghỉ viết rồi hay lấy một bút hiệu nào khác không biết chừng! Sau được biết anh về Đồng Tháp công tác ở trong ngành giáo dục và sau đó mất ở vào tuổi 51, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Giáo Dục – Đào tạo.

Đêm nay tình cờ lang thang trên internet, chúng tôi gặp tên anh và mở ra gặp thơ của anh và đã đọc được mấy bài rất cũ thuở anh còn sống và đi học ở Sóc Trăng. Như tìm gặp một người quen xưa và những vần thơ thuở học trò của anh đã khiến tôi bồi hồi thương nhớ. Những “Khuôn mặt học trò” ngày đó bây giờ không còn ai sinh sống ở Sóc Trăng nữa, nhưng qua trang viết của các anh đã để lại dấu ấn đáng nhớ cho chúng tôi về một thời tuổi trẻ.

                                                                                      Tuấn Ba
                                                                              (CHS 1966-1973)


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 26 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật