Năm nay kinh tế khó khăn, ảnh hưởng tới cả hoạt động Ban liên lạc cựu học sinh (CHS) Hoàng Diệu ở Sóc Trăng vì… yếu tiền. Dự tính chỉ gói gọn trong một xe lên Sài Gòn dự họp mặt cô thầy bạn cũ trên đó theo lời mời. Tại buổi họp sắp xếp, bàn riết, phải đi hai xe mới đủ chỗ. Nhóm 68-75 cũng không thể lên sớm trước một ngày như mọi năm vì trùng ngày có tới hai lễ cưới, em trai Huỳnh Thái và con trai Kim Dung, đều là cùng khóa. Chiều 19/1/2013, số bạn muốn đi Sài Gòn tăng hơn dự tính. Bốn giờ chiều, tôi bàn với Hoàng Minh là phải thêm xe. Cùng lúc, bạn trên Sài Gòn điện thoại réo. Cả hai quyết định bỏ buổi nhóm họ nhà Kim Dung diễn ra vài giờ sau đó, hôm sau dự họp mặt trên Sài Gòn xong, sắp xếp về sớm dự lễ cưới, dù muộn một chút. Hẹn đúng 5 giờ chiều một xe lên Sài Gòn trước. Hẹn trước 10 giờ đêm nhóm lên sớm sẽ có mặt chung vui nhóm bạn cùng thời trên Sài Gòn. Dĩ nhiên trên chuyến xe đi sớm toàn bạn 68-75.
Tôi phải thay đổi mọi dự tính trước đó. Tìm thêm xe, liên lạc nhờ anh Ngọc Thạch (67-74) phụ trách đón thầy, bạn trên chuyến xe đi sau đó lúc 3 giờ sáng. Xe còn lại đã có Thanh (70-77) và Hoàng Phượng (71-78) lo. Tôi điện Thành Sơn, Sơn còn ở trường, nơi làm việc. Sơn nhanh về nhà sắp xếp. Còn nhóm nữ Chuôn lo. Đúng 5 giờ, tôi và Sơn trên xe đi đón nhóm bạn nữ. Chuôn báo tin bất ngờ là chưa tìm ra Hoàng Mai. Đón Hoàng Minh để cùng vô coop-mart Sóc Trăng hóng gió mát từ máy lạnh. Đúng 6 giờ nhóm nữ mới đủ bộ ba cô, lên đường.
Mười giờ, tới Sài Gòn, nhận chỗ nghỉ xong là gặp ngay nhóm bạn trên đó, nhiều hơn dự kiến. Ngoài Đông Hải, Viết Bình, Thành Vạng là bạn cùng thời, có thêm anh Thiên 66-73. Cũng nói thêm, những bạn này đều ở cách xa nơi nhóm tôi nghỉ, nói chuyện này để ghi nhận tấm lòng các bạn trên đó. Chục người ra quán lai rai tới hơn nửa đêm. Ngọc Tú chăm phần chăm ba ly bia đầy khiến anh Thiên theo muốn phát mệt! Sau đó Bình chưa đủ sung, kéo nhóm nam ra vĩa hè tâm tình tới hơn 2 giờ sáng.
Buổi sáng ở quán cà phê sân vườn Rose thật lý tưởng. Trong trung tâm Sài Gòn có một quán rộng rãi, không gian thoáng đãng như vậy rất là hiếm. Tới nơi, một số cô thầy, bạn đã có mặt. Chào thầy xong, tôi với Minh và Sơn lên taxi đi bệnh viện do mới biết tin thầy An nằm ở đó đã 4 ngày. Còn ba bạn nữ được chị Hoàng Yến nhờ ngồi ở bàn tiếp đón. Thầy An đã mổ cục bướu ở lưng, thầy vội ngồi dậy khi bọn học trò cũ tới thăm. Thầy có vẻ vui vì trò nhớ tới thầy. Thầy giới thiệu tụi trò với bạn cùng phòng. Giường bệnh kế bên cũng là một thầy giáo. Chúc thầy sớm bình phục, cả ba quày lại nơi họp mặt. Lúc này các cô thầy đến khá đông, bạn cũ cũng nhiều. Rất xúc động, có thầy tới trên xe lăn, kèm người thân theo hỗ trợ. Thầy thì đi bằng nạng gỗ. Thầy Trần Lộc được con chở từ bệnh viện tim Tâm Đức tới. Cảnh tay bắt mặt mừng cứ diễn ra mỗi khi có thêm thầy xuất hiện. Nhìn lại, năm nay, có thể là năm đông thầy cô nhất. Thầy Tráng cùng hai con trai đến cuối cùng. Nhiều cựu học sinh lần đầu tới họp mặt, có cả từ nước ngoài. Chị Hạnh nhờ tôi ra cổng đón chị Thanh Nga lần đầu tới dự. Chị Thanh Nga, nhà ven sông cầu Quay, gần rạp hát Nguyễn Văn Kiển, học trước tôi 2 năm. Sau 75 chị thi lại, học trường Kinh Tế cùng thời với tôi, như là hơn chục năm tôi mới gặp lại chị. Ban liên lạc CHS từ Sóc Trăng lên dự khá đông như anh Bình, anh Hợp, anh Thạch, Hoàng Minh, Sơn, Nuôi, Đức, Thanh, Phượng, Lan, Tuyết Mai… Chị Mỹ Ngọc, đồng môn đàn chị, rất sốt sắng với việc của CHS cũng có mặt. Cô thầy cùng lên dự có cô Kim Anh, cô Huê, cô Nguyệt, thầy Hưởng, thầy Vĩnh Trung, thầy La Tòng, thầy Điệp, thầy Lân. Hiệu phó đương nhiệm trường Hoàng Diệu là Công Lý cũng có mặt.
Dù đã dự tính, nhiều bàn ăn hơn năm rồi, cuối cùng cũng phải gọi thêm một bàn ngoài sân. Anh Tô Hạt Danh tâm tình: “Mới nửa tiếng trước, anh ngại năm nay vắng, buồn lắm. Nhưng bất ngờ…”. Nhóm CHS trên Sài Gòn mỏng, cố gắng được như vậy là quá tốt, đáng được khen rồi, tôi đỡ lời anh. Anh Danh là bạn học cùng thời với anh tôi. Một ấn tượng với tôi khó quên, thầy Lê Xuân Vịnh chủ động tới gặp trò Lực. Thầy nói: “Thầy đã đọc bài em viết, thầy cảm thấy có sơ suất…” (trong Đặc san kỷ niệm 55 năm thành lập trường, có bài viết của tôi Những thầy hiệu trưởng, trong bài viết có nhắc tới việc kỷ luật học sinh Dương Chi Lăng). Thầy còn khiêm tốn nói lên sự suy nghĩ của mình, thấy mình có trách nhiệm… Tôi nói là tụi em rất quý kính thầy, người bạn trong sự việc cũng không hề có chút trách móc thầy…Tất cả ở quá khứ, tụi em vẫn luôn là trò cũ, luôn nêu cao tinh thần tôn sư trọng đạo. Thầy trò dứt chuyện bằng những nụ cười vui vẻ. Thầy ký tặng tôi một bài viết mới của thầy. Tôi xin thầy file viết để có dịp giới thiệu trên web CHS Hoàng Diệu.
Buổi họp mặt đã diễn ra trong sự đầm ấm, vui vẻ pha một chút… ồn ào. Bởi ai cũng muốn tận dụng cơ hội đôi lời tâm sự với bạn cũ, thầy xưa. Thầy Cao Văn Bảy, tuy tuổi cao, vẫn xung phong góp vui một bài hát, có sự phụ họa của thầy Võ Văn Thiên. Cô giáo Kim Anh, các trò cũ nối tiếp cuộc vui bằng những lời lẽ tâm tình của mình qua tiếng nhạc. Gian phòng luôn nhộn nhịp đồng môn đi chào cô thầy, cụng ly bạn cũ. Những gói quà gởi đến cô thầy như là một cử chỉ tri ân, nhưng trong đó còn chất chứa hương vị quê hương Sóc Trăng, nơi các cô thầy một thời gắn bó. Vài ly bia, anh Thành Khánh phàn nàn bài viết cho web CHS không thấy nhuận bút. Tôi nói tại anh lười quá, bài viết tốn nhiều thời gian sửa chữa quá… Hoàng Minh ngồi kế bên đế vô là tại bài viết chưa đủ chuẩn có nhuận bút. Thật ra chỉ là lời bông đùa nhau để trơn miệng mời bia, nhưng trước khi về tôi cũng gởi nhuận bút tới anh Khánh túi quà, bên trong là bánh bía, lạp xưởng, để anh luôn thương nhớ quê nhà!
Nhóm 68-75 ra về sớm, khi cuộc vui đang lúc cao trào. Về tới Cái Bè đã 3 giờ, thầy Xuân Dũng còn điện theo báo tin các thầy còn đang nhậu! Còn xe thứ hai trước khi về, quay lại bệnh viện thăm thầy Phan Quang An. Tới Sóc Trăng, vừa quá 5 giờ chiều một chút, chọn được cái bàn chót trong lễ cưới con trai Dương Kim Dung. Cũng còn kịp nâng ly chung vui với nứng Nhị, cũng còn kịp ghi hình lưu niệm với chú rể và cô dâu. Kịp lễ cưới, phải trả giá, xe về chạy nhanh, qua mặt lề phải, bị cảnh sát phạt, giữ bằng lái xe một tháng! Chưa dừng ở đó, cũng trên xe nhận tin Lê Hoàng Tấn, chủ lò bún Lệ Châu, bạn cùng thời Hoàng Diệu vừa giả từ cuộc chơi. Tấn bị bạo bệnh hai năm nay. Quả là buồn vui đầy bất chợt.
THƠ KÝ LỰC