GỌI TÊN NHAU BẠN THÂN HỠI !
Vừa họp bạn tối qua, sáng ra con gái tôi đã thắc mắc: Mẹ ơi, sao mỗi lần bạn bè của mẹ gặp nhau, con nghe mấy cậu, mấy dì gọi tên gì lạ hoắc à, hổng giống những cái tên con đã biết !
Câu nói làm tôi chợt ngớ người và buồn cười. Ừ nhỉ ! đã ở cái tuổi U50 như bọn tôi mà thật vô tâm và không ý tứ trước con cái mỗi khi họp mặt bạn bè và nhắc lại những kỷ niệm thời đi học cách đây hơn 30 năm. Rõ ràng cái tuổi học trò lúc nào cũng đẹp, cũng đầy ắp bao kỷ niệm không thể nào quên đến nổi trở thành thói quen, như cái chuyện gọi tên mà con tôi vừa nhắc chẳng hạn.
Dạo ấy vừa sau giải phóng, chúng tôi bước vào lớp 10 với nhiều e dè vì lần đầu tiên bọn con gái được xếp học chung với con trai. Thủ tục đầu tiên để giáo viên chủ nhiệm làm quen với học sinh là mỗi đứa phải viết lý lịch trích ngang. Và thế là những nội dung trong lý lịch đã trở thành đề tài cho nhiều hài kịch của lớp sau này.
Câu chuyện bắt đầu vào một hôm, trong lúc trả bài giờ Văn, bạn HX đang đọc ngon lành bài Thương vợ của Tú Xương, tự dưng cả lớp giật mình khi nghe:
Một duyên hai nợ Âu Đông Hớn,
Năm nắng mười mưa há quản công.
Cả lớp chưng hửng chưa hiểu sự cố gì xảy ra thì nghe tiếng chưởi thề (dù là rất nhỏ) từ phía cuối lớp, và bí mật được phát hiện khi HX ấp úng kể nguyên nhân. Thì ra, HX tình cờ đọc được tên ba của bạn HN trong lúc lên nộp lý lịch, sau đó muốn "dạy cho HN một bài học" để bớt vẻ kênh kiệu (vì ỹ giỏi Toán) nên thay vì đọc "Một duyên, hai nợ âu đành phận", HX lại phát ra tên ba của HN. Cả lớp không sao nhịn được cười trong khi HX méo mặt vì bị đánh giá đạo đức. Vậy là, từ một trò đùa có chủ ý nay trở thành phong trào: các bạn nam đã dày công đi lục lọi, điều tra tên ba má của các bạn nữ để trêu ghẹo, và bạn nữ cũng không hiền khi để bị bắt nạt. Dần dần việc gọi tên ba, mẹ của nhau thay vì gọi tên bạn bè đã trở thành thói quen cho dù trong thâm tâm, bạn tôi vẫn biết điều đó là vô phép, nhưng nhất quỷ, nhì ma, thứ ba… mà. Vui nhất là những khi có giáo viên mới, vì khi ấy thầy, cô cứ ngớ người không biết chúng tôi nói về ai, còn chúng tôi thì cứ vô tư cười đùa trước sự ngơ ngác: ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu (là thầy, cô) mà thôi.
Thuở học trò quả là hồn nhiên và chất đầy kỷ niệm, đặc biệt là những quậy phá tinh nghịch như cột tà áo dài, chơi banh tù, dán giấy lên lưng áo… Vì vậy cũng mong các bạn nhỏ ngày nay đừng ngạc nhiên khi bạn bè lứa tuổi chúng tôi gọi nhau với những cái tên lạ hoắc. Biết đâu các bạn đang và sẽ có những trò tinh nghịch mới, để rồi sau vài chục năm, các bạn cùng ngồi ôn lại chuyện xưa tích cũ như chúng tôi bây giờ. Và dòng đời cứ tiếp diễn như thế…
Lâm Hoàng Phượng (71-78)