Trường Hoàng Diệu thời hoàng kim là một trong bốn trường nổi tiếng có học sinh học giỏi nhất miền Tây. Học sinh giỏi, trước hết nhờ vào sự nỗ lực của bản thân. Nhưng sự nỗ lực đó sớm được thăng hoa phải nhờ sự dìu dắt, nâng đỡ của cô thầy. Bởi vậy có câu thầy giỏi trò giỏi. Trường Hoàng Diệu có nhiều trò giỏi, tất nhiên gốc bởi trường có nhiều cô thầy giỏi.
Tôi tính góp chuyện dong dài về thầy Lâm Cộng Hưởng dạy toán, dẫu ba năm đệ nhị cấp của tôi tại trường Hoàng Diệu thầy chưa bước vào lớp tôi. Bởi tiếng tăm thầy làm tôi chú ý và ngưỡng mộ. Trước 75, ngoài chuyện đảm trách giờ lên lớp theo lịch, phải làm tròn trách nhiệm nặng nề là hiệu trưởng trường trung học công lập duy nhất của tình, thầy còn dạy thêm ở nhiều trường trung học tư thục và các khoá luyện thi. Lịch lao động của thầy chắc sẽ dầy đặc, thời gian thong thả chắc eo hẹp, tưởng như thầy sẽ không còn tâm trí đâu mà nghiên cứu phương pháp giảng dạy sao cho ngày tốt hơn. Ngược lại đàng khác, nhiều học sinh ham học với thầy bởi thầy có cách truyền đạt luôn súc tích,dễ hiểu, dễ nhớ. Nói vậy để thấy năng lực tư duy của thầy thật tuyệt vời. Môn toán là môn học khô khan, nhất là những tiết học gần giữa trưa, lớp học nóng và chật, học sinh khó tập trung, học khó vô…Thầy hay nói chuyện vui để học sinh tỉnh táo. Có một chuyện vui mấy chục năm sau vẫn còn nhiều trò nhớ về cái lạ, cái quái của thầy nhằm mục đích như nói ở trên. Để học sinh chú tâm, thầy khởi đầu tiết học bằng kể chuyện xưa, chuyện Tôn Thọ Tường làm thơ Đường trần tình chuyện theo giặc Pháp qua bài Từ Thứ qui Tào, và bài thơ bị Phan Văn Trị họa, vạch tội. Thầy đọc bài của thầy, nguyên văn là:
Thảo đâu dám sánh kẻ cày ngựa
Muối xát lòng ai thì nấy ngứa
Hở Hán còn nhiều rường cột bự
Về Tàu chi sá một cây cựa
Mãn nghe tin mẹ không nâng chén
Ngùi tưởng ơn vua lệ muốn ứa
Chẳng đặng khôn Lưu thà dại Ngụy
Thân này tự nguyện đứng kẻ giữa.
Tất nhiên tiếng cười sẽ vang lớn, khó đo. Học trò sẽ cười muốn chảy nước mắt, bởi chưa thấy bài thơ nào lạ, toàn âm trắc, đọc lên nghe tức tức sao đâu. Tất nhiên học trò không cậu nệ tới nội dung bài thơ, chỉ thấy vui lạ ở ý tưởng phá cách lạ lùng mà thôi. Và chắc chưa có bài thơ thứ hai nào kỳ cục như vậy. Vậy mà bài thơ này từng được đăng báo lâu lắm rồi đó. Đầu tháng chín rồi, nhân lễ khai trường Hoàng Diệu, thầy Hiền Tâm dạy văn, hiện ở trên Sài Gòn, có về dự. Ở buổi cơm, thầy Tâm và thầy Hưởng mày tao vui vẻ vì cả hai là cùng thời và thầy Tâm đọc bài thơ cũ mèm này tại bàn ăn, tạo ra bao tiếng cười vui nhộn, tốn thêm bia! Nhắc để thấy cái lạ, ấn tượng của bài thơ tưởng chừng lãng nhách này!
Hôm rồi thấy thầy trên đường đang chạy xe gắn máy rất nhanh. Sau đó tình cờ có dịp gặp thầy, tôi nhắc chuyện chạy xe. Thầy nói mấy chục năm qua, mỗi làn về thăm nhà ở Tây Ninh thầy đều tự đi về bằng xe gắn máy; rồi lịch dạy dày quá, phải chạy nhanh cho kịp, riết thành thói quen. Thầy nói có phần đúng, nhưng thật ra do thầy có sức khỏe tốt, nay trên bảy mươi rồi, đã hưu trí, thầy vẫn chạy xe nhanh bởi thầy vẫn duy trì được tinh thần minh mẫn và sức lực dẻo dai. Thầy khoe đã mở hàng cây súng bắn tốc độ cảnh sát giao thông và chìa cho trò coi giấy phép lái xe lủng một lỗ tròn tròn! Bên cạnh chuyện vui vui, đầy ấn tượng về thầy, cũng nên biết thầy Hưởng là nhà giáo ưu tú đầu tiên của trường Hoàng Diệu. Thầy đã vinh dự được dự Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII ở Hà Nội vào năm 2005, thầy là Phó chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Sóc Trăng, thầy đang rất khỏe, sẵn lòng làm hài lòng các trò nào muốn nhờ vả ở kiến thức của thầy. Thày cũng là người thầy cuối cùng của trường Hoàng Diệu trước năm 75 hàng ngày còn cặm cụi làm toán với lủ học trò.
Nhìn lại quãng đường dài bốn mươi năm gắn bó với trường Hoàng Diệu sẽ thấy thầy là người có thời gian tại trường dài nhất, khó có cô thầy nào phá nổi kỷ lục đó. Với thời gian đó, thầy đã đào tạo biết bao lứa học sinh, và tôi như chưa nghe học sinh nào phàn nàn về cách dạy của thầy, chỉ có khen. Chắc chắn thầy là thầy toán giỏi hàng đầu của trường Hoàng Diệu, và hơn nữa cái giỏi của thầy đã lan tỏa rộng lớn, có tác động có ích tới biết bao học trò. Chiếc đò cũ hơn bốn mươi năm vẫn còn bền lắm, hôm trước may gặp lại thầy, thầy vẫn sôi nổi góp chuyện và thầy còn nhiều trăn trở, nói: “Sao học trò bây giờ ít chuyên cần như ngày xưa…”. Tôi chưa vội bàn về nhận xét của thầy, chỉ muôn nói cái tâm của thầy, một nhà giáo mẫu mực vẫn luôn đỏ tươi nguyên.
THƠ KÝ LỰC