Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

 

THĂM CẢNG CÁ TRẦN ĐỀ...

 

Cảng cá Trần Đề là một trong 15 cảng cá lớn của cả nước, nơi tiếp đón, giao thương của các tàu cá trong khu vực và miền Đông Nam bộ... Từ năm 2013, Cảng đã và đang được thi công nâng cấp mở rộng nhiều hạng mục, với tổng kinh phí đầu tư 52 tỷ đồng. Cuối tháng 6 năm nay, trong lần về Sóc Trăng, vợ chồng tôi (HD65 + HD66) lại ghé vào thăm Cảng...

Hôm ấy, có khoảng 6-7 tàu đang cập cảng. Trên nền trời xanh biếc gợn đầy mây trắng nổi bật màu cờ nước đang tung bay nơi cao nhất của các con tàu. Dọc bến cảng, vài chiếc xe tải ra vào, chiếc đậu sẵn chờ lên cá xong là xuất bến. Cùng lúc, tại góc này vài anh bốc xếp đang khiêng, vác và cân cá; mấy chị phụ nữ đầu đội nón, mặt che kín khẩu trang, ngồi, đứng xem cân và ghi chép liền tay. Ở góc khác, bên những khay nhựa đầy ắp cá tươi, chồng lên nhau cao cả thước, có người đang ngồi chờ khách hàng đến ngã giá, hoặc chờ đưa cá lên xe tải chuyển đi... Phía khác lại có vài công nhân đang cần mẫn vác từng cây nước đá thoăn thoắt bước lên, xuống một con tàu đang neo đậu nhấp nhô ven bờ cảng.  Tất cả hình ảnh, tiếng động ấy như tạo nên âm điệu một bản nhạc hay, ngập tràn sức sống...

Nguyễn Dũng Sĩ, người gắn bó với Ban quản lý Cảng cá Trần Đề từ khi mới thành lập cho biết, bến cảng lúc nào cũng có tàu về, khi cao điểm là 40-50 chiếc, còn “hẻo” lắm cũng 5-6 chiếc. Thời bao cấp, nơi đây là Công ty khai thác hải sản, chỉ có cảng nhỏ (dài 50 thước) phục vụ “nội bộ”. Những lúc tàu của công ty ra biển chưa về, thì tàu của ngư dân địa phương ghé vào. Năm 2003, với diện tích 16ha, cảng cá đi vào hoạt động. Năm nay, với dự án nâng cấp Cảng cá được triển khai, các hạng mục như: bến 250CV,nhà điều hành của Ban quản lý đang được tiến hành thi công... Do bến bãi đã được nâng cấp, mở rộng, tàu vô ra neo đậu thuận tiện dễ dàng hơn, số phương tiện ghé vào cũng như số lượng hàng hóa qua cảng đều tăng - kể cả việc cho các cơ sở thu mua, doanh nghiệp thuê mặt bằng trong khu vực cảng (hiện nay gần 10ha) cũng tăng... nên việc thu phí, đăng nộp ngân sách cũng gia tăng đáng kể.

Dũng Sĩ sinh năm 1967, quê Kế Sách. Năm 20 tuổi, Sĩ thi đậu vào Trường Đại học Cần Thơ ngành khai thác hải sản. Tốt nghiệp đại học, Sĩ về công tác tại Công ty quốc doanh đánh cá Kiên Giang; năm 1998 anh quay gót về quê, và 2 năm sau thì... cưới vợ. Khi Cảng cá bắt đầu hoạt động, Sĩ “đầu quân” vào văn phòng Cảng rồi... “mọc rễ” cho tới nay. Theo lời Sĩ, thu nhập từ công việc nơi đây còn thấp, điều kiện tinh thần lại “không bằng” chỗ khác, nhưng mười mấy năm qua anh đã gắn bó tình cảm với bạn bè đồng nghiệp và nhịp sống buồn vui của Cảng. Vả lại, gia đình Sĩ có mở quán cà phê tại khu vực cảng, thu nhập bình quân xấp xỉ 5-6 triệu đồng/tháng, cũng... “sống được”.

Sống ở Cảng, Sĩ chứng kiến nhiều gia đình ăn nên làm ra... Đặc biệt, có “gánh” bà Ba Hòa làm chủ cả trăm chiếc tàu - dẫu có chuyến biển nào thất bại, gia đình bà cũng có tiền tạm ứng cho ngư phủ vượt được khó khăn trong thời gian thất mùa! Các con bà Ba Hòa hồi trẻ cũng có người trực tiếp đi đánh cá, nhưng nay ai cũng là chủ tàu. Bà Ba Hòa trước nghèo, đi bán bánh cam, nhờ chí thú làm ăn, biết ky cỏm, dần dần sắm được tàu nhỏ, rồi tàu lớn, và từng bước phất lên... Đó là tấm gương phấn đấu đối với nhiều người. Tuy vậy, cái nghề biển cũng đầy khắc nghiệt, buồn! Sĩ cũng từng biết cỡ chục người bể nợ, bỏ nghề - do không gặp may trong đánh bắt, chi phí cao, có khi còn gặp bão tố... mà nguồn vốn thì lệ thuộc ngân hàng, khi thất bại dễ lâm vào tình trạng mất cân đối!

Võ Văn Bình, Chủ tịch nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề thì cho biết, từ 24 thành viên ban đầu vào năm 2004, đến nay nghiệp đoàn đã có quân số “cứng” là 80 người, chia làm 4 tổ, gồm: 2 tổ xay đá và 2 tổ lên cá. Khi tàu cá về đông ken, Bình phải tìm thuê thêm lao động, cao điểm có thể lên tới 130 người. Nghiệp đoàn tự thu, chi, lao động hưởng lương theo sản phẩm, bình quân 3,5 -3,7 triệu đồng/người trong thời gian lao động từ 15-20 ngày/tháng. Những ngày khác, anh em làm việc nhà như chăn nuôi, làm ruộng, làm vườn; hoặc đi làm hồ... để có thêm thu nhập. Trong 80  đoàn viên nghiệp đoàn có phân nửa anh em đời sống khá vững chắc, trong đó có nhiều người gắn bó việc bốc xếp từ ngày mới thành lập Cảng đến nay, điển hình như 2 tổ trưởng: Lợi, Đủ, v.v...

Võ Văn Bình 34 tuổi, quê Cù Lao Dung, hồi nhỏ học đến nửa năm lớp 6 thì nghỉ, lớn lên từng là công nhân bốc xếp tại Cảng từ năm 2003. Khi huyện Long Phú (trước đây) thành lập nghiệp đoàn bốc xếp, được sự giới thiệu của Ban quản lý Cảng, Bình trở thành Chủ tịch nghiệp đoàn từ bấy đến nay. Vốn gần gũi, am hiểu hoàn cảnh, tinh thần, tính nết của đa số anh em, Bình khéo léo sắp xếp, tạo điều kiện thuận lợi cho anh em phát huy sở trường và khắc phục dần “sở đoản”. Ví dụ, anh em nào không chí thú làm ăn lại hay nhậu nhẹt say sưa, “quậy quạng”, Bình mạnh dạn cho nghỉ việc. Ít lâu sau, anh em quay lại xin làm, Bình giải quyết kèm yêu cầu “phải sửa đổi, khắc phục khuyết điểm”... Có phạt thì phải có thưởng. Đối với anh em làm lâu năm, quản lý tốt công việc, nhà lại xa cảng, không đất đai sản xuất, như 2 tổ trưởng Thạch Cảnh, Trần Dết - Bình hỗ trợ tiền sắm xe làm phương tiện đi làm. Hay như với Trần Thanh Long, được Nhà nước giải quyết trao tặng nhà, Bình “hùn” vô 5 triệu đồng giúp Long “bồi đắp” thêm nhà cửa...

Không chỉ hỗ trợ một phần vật chất, anh chủ tịch nghiệp đoàn trẻ trung, vui tính này còn biết phát động và đẩy mạnh phong trào vui chơi, thể thao cho các thành viên. Tổ bóng chuyền của nghiệp đoàn từng “đem chuông đi đấm xứ người” tại thành phố Sóc Trăng trong ngày hội thao của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nhà. Còn những lúc rảnh rỗi, anh em cũng bày ra đánh cờ tướng để vừa tranh tài vừa rèn luyện tay nghề...

Hôm chúng tôi đến thăm, gặp lúc tàu về, không nói chuyện được nhiều với Bình. Một đôi lần khác, qua điện thoại cũng nghe Bình bận bịu việc “điều quân” để giải phóng nhanh lượng hàng hóa, cho các chủ tàu lại chuẩn bị tiếp tục hành trình bám biển. Dù vậy, tôi cũng được biết thêm, hiện nay các thành viên của nghiệp đoàn đã được cấp đồ bảo hộ lao động và đóng bảo hiểm tai nạn. Riêng về bảo hiểm xã hội, nghe tôi hỏi, Bình bộc bạch chân thành “Em có nghĩ đến, nhưng không biết làm cách nào. Bởi chính anh em cũng không quan tâm việc này...”. Nghe chuyện, anh Nguyễn Văn Hòa, giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Sóc Trăng cho rằng cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Trần Đề cần kết hợp đoàn thể cùng Ban quản lý Cảng đẩy mạnh tuyên truyền đến nghiệp đoàn về vấn đề này, bởi nghiệp đoàn là đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội. Mặt khác, nghiệp đoàn cần tìm cách gây quỹ tập thể, để trích ra đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Mong rằng với gợi ý trên, cộng sự năng động, nỗ lực, giỏi tính toán, anh chủ tịch nghiệp đoàn trẻ tuổi sớm thực hiện được ý định của mình, bảo vệ hữu hiệu quyền lợi của nghiệp đoàn viên. Đó cũng là cách củng cố, phát triển lực lượng để nghiệp đoàn đủ sức cung ứng lao động - trong tình hình Cảng cá Trần Đề được nâng cấp, mở rộng - đồng nghĩa với việc số lượng tàu ghe, phương tiện vận chuyển và hàng hóa đi qua cảng chắc chắn gia tăng hơn trong thời gian tới.

***

“Khi tôi còn đi học, nghe ba kể cửa biển Trần Đề hoang sơ lắm, không có ai ở. Bây giờ, được sống tại đây, ngày ngày tận mắt thấy cảnh lao động hăng say, nhìn ngắm từng con người với nét mặt rạm nắng mà rạng ngời trong bối cảnh xe, tàu tấp nập, nhà cửa khang trang,… thật tôi không thể hình dung được chuyện kể của ba ngày trước. Thêm một miền quê nữa đã đổi thay, một điểm đến để tôi giới thiệu với mọi người - đó là Cảng cá Trần Đề, là Sóc Trăng quê tôi!”.

Trước khi chia tay Cảng Trần Đề, chúng tôi đã được nghe Dũng Sĩ nói như say trong cảm xúc dâng trào với ánh mắt long lanh ẩn chứa niềm hạnh phúc!

Cân hải sản cho người thu mua.

 

Nguyễn Dũng Sĩ (bìa trái) và Võ Văn Bình (ngồi kế) gặp gỡ Nguyễn Văn Hòa, giám đốc BHXH TP.Sóc Trăng (bìa phải) và Trần Thanh Bé (HD 65) ở quán nước gần bến cảng. 

 

 

Khu vực tàu ghe tránh bão ở Kinh Ba thuộc ban quản lý Cảng cá Trần Đề.

 

Nguyễn Thị Ngọc Bích

 

(HD 66-73)

Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 63 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật