Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

 

HOÀNG DIỆU TRONG TÔI

 

          Phải nói trong số học sinh Hoàng Diệu, chắc tôi là người diễm phúc. Thứ nhất, nhà tôi ở ngang trường. Thứ hai, má tôi là người “nấu cơm tháng” cho thầy cô nhiều năm liền. Nhờ vậy, tuổi thơ tôi - thời học sinh HD - như được gắn liền, lớn lên với thật nhiều kỷ niệm cùng quí cô, thầy.

MÓN QUÀ ĐẦU TIÊN

          Kết thúc năm học lớp 5 (xưa), tôi lãnh thưởng, phần thưởng cao, nặng, mà chú tôi không tới trường chở tôi về vì lý do gì không nhớ. Vậy là, một cô giáo của trường Nữ tỉnh lỵ đưa tôi về nhà. Loay hoay thế nào tôi làm cô mất thăng bằng, chiếc xe đạp ngã lăn kềnh... Tội nghiệp, cô hốt hoảng, xuýt xoa, sốt ruột vì các vết trầy sướt ở tay chân tôi. Còn tôi cứ mãi tiếc cái nón xếp màu đọt chuối mới tinh mà má vừa thưởng “nóng” cho mình...

 

           Biết chuyện, ngay hôm sau, thầy Trần Cảnh Xuân - không biết bằng cách nào - đã mang về, tự tay trao cho tôi chiếc nón khác màu xanh dương, với cái xoa đầu âu yếm “Thầy đền cho con chiếc nón khác. Nếu không đúng màu con thích, cũng vui nghe con. Thầy chúc con luôn học giỏi”. Bây giờ nhớ lại mà lòng rưng rưng. Còn khi ấy tôi chỉ biết cười toe, cảm ơn thầy rối rít. Một bữa, thầy tổ chức mừng Noel, mời học trò tới dự, có rút số trúng thưởng (ai rút cũng được quà). Tôi và đứa em trai cũng được thầy cho dự phần. Nào dè, gần tới “giờ G” bỗng có 2 anh chị học sinh nào đó thầy không mời mà đến, báo hại chị em tôi tiu nghĩu vì không được... tham gia. Tưởng thầy chỉ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi nói xin lỗi là xong, nào dè ngay sáng hôm sau, thầy ra chợ ôm về cho chị em tôi, mỗi đứa 2 bộ quần áo. Thầy nói bộ nào mặc không vừa hoặc không thích, thầy sẽ dẫn ra chợ đổi. Ôi trời, không kể phần thằng em đang tít mắt, tôi ôm vội chiếc áo đầm và một bộ đồ tây của con gái thiệt dễ thương, vừa khít!

Má tôi thường kể, chính thầy Trần Cảnh Xuân là người (công chức) đã đứng tên để xin câu điện cho gia đình tôi, nhà tôi mới được có điện xài... vào cái thời xa lắc đó.

Xin cảm ơn BĐD CHS 68-75 đã phát hành Kỷ yếu Xuân Giáp Ngọ 2014, để tôi có dịp nhìn lại hình ảnh của thầy Trần Cảnh Xuân. So với trí nhớ của tôi, hình thầy trong Kỷ yếu này hơi ốm. Điều quan trọng, tôi không biết hiện giờ thầy ở nơi đâu? Có còn... ? Ơi, hỡi quý đồng môn CHS HD, ai có thông tin về thầy, xin cho tôi biết với... Thật muôn vàn tri ân!

BỮA CƠM HẠNH NGỘ...

         Sau thanh minh năm nay, má tôi lên ở chơi nhà tôi khá lâu trước khi đi Sài Gòn thăm cháu ngoại, cháu cố. Nhiều năm trước, khi má lên Cần Thơ, cũng có lần tôi đưa má đến thăm thầy cô Hoàng Việt Sơn ở đường Lý Tự Trọng, thầy cô Huỳnh Hữu Lộc (dạy Sử Địa) ở đường Hùng Vương. Bây giờ tôi cũng muốn đưa má mình đi thăm quí thầy cô, vì má đã trên 80 rồi, chắc cũng có nhu cầu gặp gỡ người thân quen cũ... Má tôi vui lắm, ừ cái rụp. Vậy là vợ chồng tôi đi “tiền trạm”... Thầy Lộc nói “Ý, chị Ba lớn tuổi, lên xe xuống xe khó khăn, để thầy chạy lại thăm chị Ba...”. Ông xã tôi trần tình, cũng có ý mời quí cô thầy tới nhà cho má tôi thăm một lượt, mà cô thầy cũng có dịp gặp nhau. Chỉ ngại thời gian quí cô thầy không phù hợp nhau... Do đó phải gặp thầy cô trước, xin ý kiến...

Cuối cùng, quí thầy cô đều đồng ý tới nhà gặp gỡ má tôi và gặp gỡ, hỏi thăm nhau... Trước đó, tôi trao đổi thực đơn với má: Canh bí rợ thịt bằm; cá lóc đồng kho tiêu; ngó sen xào tép sông - mục đích để thầy cô dễ ăn và thưởng thức lại hương vị Sóc Trăng. Má tôi đề nghị đổi món cá kho thành tép cháy. Lý do, rất nhiều thầy thích ăn món này; má kể, có thầy còn nhờ má hướng dẫn cách làm để về “chỉ” cho cô thực hiện... Sau rốt, bữa ăn làm theo ý má tôi; có điều, hôm ấy “chợ quê” 586 - nơi tôi đang ở không có ngó sen (được chở lên từ quê mình), thế là phải thay ngó sen bằng... đậu đũa! À, quên nữa, còn món cơm nấu bằng gạo tím của “đại gia” Hồ Quang Cua biếu tặng dịp họp mặt kỷ niệm 50 năm khóa 65-72 vào trường, tại Vườn Me... Nghe chúng tôi giới thiệu, thầy cô rất vui bởi quê mình có “Vua gạo ST”!

Bữa ăn hoàn tất với món tráng miệng chè đậu xanh nấu với nấm mèo đen. Trà thì nấu bằng lá lốt + lá thuốc dòi (có sẵn từ khoảnh đất 30 mét vuông nhỏ bé sau nhà)! Kể sao hết những cảm xúc cùng nhiều câu chuyện kể từ bao đời giữa quí thầy cô với má, với vợ chồng tôi... và ngôi trường Hoàng Diệu thân thương của chúng ta. Ngoại trừ vợ thầy Lộc không có mặt vì đang ở Úc thăm con gái, thì cô Hồng Hoa (vợ thầy Mạc Kỉnh Học), và cô Liễu (vợ thầy Hoàng Việt Sơn) vốn quen biết nhau - nên câu chuyện cứ rôm rả, đan xen, cổ, kim đều có đủ...

Số người chưa đầy mâm, vậy mà vợ chồng tôi lăng xăng, lính quýnh (dù có sự chuẩn bị khá chu đáo và sự tiếp tay “dọn” khá đắc lực của em Kỉnh Huy - con thầy Học) đến nỗi ông nhà tôi quên nhiệm vụ “phó nhòm”, nên bây giờ không có hình ảnh để trình làng cùng CHS HD nhà ta rồi. Xin thứ lỗi! Hì hì...

(À, sẵn cho tôi xin lỗi anh Nguyễn Thành Khánh (65-72) luôn nhen. Tôi không nhớ nổi nên không viết được bài theo đặt hàng của anh rồi. Bởi, tôi thì nhớ thầy Hoàng Việt Sơn là người bị học sinh quơ cây trúng trong trò chơi “đập nồi” của mùa hè năm đó; nhưng cô, thầy đều nói không phải. Còn các trò chơi... Nói thiệt, hồi đó, tôi có tham gia bất cứ trò chơi thể dục thể thao hay văn nghệ gì do trường tổ chức đâu! Xin thứ lỗi, thứ lỗi!).

BẤT NGỜ ĐƯỢC ĂN GIỖ...

Vì lý do đột xuất (con gái tiểu phẩu bướu mỡ trên trán) nên chúng tôi không đưa má ghé thăm thầy cô Lê Kim Tiết Tháo được theo lịch trình đã định.

Tuy nhiên, lên tới Sài Gòn, ổn định được đôi ba ngày, tôi gọi điện cho thầy Lê Xuân Vịnh... Thầy đồng ý gặp nhau ngày hôm sau. Vậy là, nhỏ em gái tôi chở má tôi, cùng vợ chồng tôi xuất phát từ quận Tân Phú bon bon xe mô-tô về Thủ Đức. Vô tới nhà thầy mới hay có đám giỗ của má cô. Vậy rồi, sau khi tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự giây lát, cô Vịnh bận chỉ huy trong bếp; riêng thầy ngồi nói chuyện suốt với má con tôi. Thầy hào hứng nhắc lại những chuyện đã làm khi thầy là hiệu trưởng- như thầy đã từng viết trong đặc san-mà trong đó có những “ngút ngắt” thầy chưa từng kể...

Má tôi thì nhắc chuyện thầy giải quyết công việc có tình...Sau khi thầy Tô Quốc mất, cô Quốc được vào trường bán canteen, má và tôi cùng các bạn HD đang ở trọ nhà tôi đều hết mình giúp cô “bán quán”. Riêng tôi nhắc mãi chuyện lúc thi tú tài, nhà tôi đông sĩ tử từ tỉnh bạn đến ở nhờ, nên tôi phải qua nhà thầy-cô ở nhờ... lại. Các sĩ tử “ở nhờ” nhà tôi thì ăn cơm tiệm, vì má tôi vẫn phải lo cơm nước cho quí thầy. Còn tôi, không những có chỗ ngủ, chỗ ăn ngày hai bữa, cô Vịnh còn đặc biệt làm món “tim heo hầm châu sa, thần sa” cho tôi ăn, để tôi được tỉnh táo, sáng suốt lúc làm bài...

Ôi! Cái tình, cái ơn của quí thầy cô Hoàng Diệu đã dành cho đứa học trò nghèo, nhỏ nhắn là tôi... Mãi mãi làm sao quên!

BUỔI HỌP THƯỜNG NIÊN CỦA KHÓA!

Thật bất ngờ khi thầy Phạm Văn Phái, thầy Lê Khắc Thạnh từ Sài Gòn được anh Thiên đưa đón về họp mặt cùng chúng tôi (ngày 7-6-2015 vừa qua). Thầy Lâm Cộng Hưởng, thầy Trương Tấn Lộc cũng cùng đến dự...

Thầy Phái và thầy Thạnh đều có “ăn cơm tháng” nhà tôi, đồng thời đều có dạy tôi. Thầy Hưởng, thầy Lộc cũng là thầy dạy tôi học. Thời Trung tâm Đồng Tiến hoạt động mạnh, nhiều lúc tan lớp học đêm về, thầy Hưởng cho tôi quá giang. Có khi mở lớp học thêm riêng, thầy không nhận của tôi tiền học phí. Nhà thầy cô Hưởng trong trường cũng là nơi tôi và bạn Nguyễn Thị Năm (tiểu thư nhà vườn Nhơn Mỹ - Kế Sách, ở trọ nhà tôi và là bạn cùng lớp với tôi) thường xuyên lui tới, ăn uống, chơi đùa cùng các con của thầy (như chúng tôi cũng rất gắn bó cùng cô Quốc và các con của cô, từ sau ngày thầy Quốc mất. Mà canteen HD không khác gì cái gạch nối giữa gia đình cô cùng chúng tôi và các CHS - đồng thời cũng là dấu gạch nối cho CHS nhiều khóa học tụi mình gặp gỡ, quen biết nhau rồi nẩy nở tình yêu học trò...).

... Cho đến giờ tôi vẫn thuộc những câu thơ thầy Hưởng dạy, vẫn nằm lòng các công thức lượng giác, cách tính bình phương của con số tận cùng bằng 5, cách tính nhanh kết quả của một số nhân với số 11... Ôi, tuyệt vời thầy Hưởng - thầy dạy Toán của tôi!

***

Trong phạm vi có hạn, tôi không thể nhắc nhớ từng vị cô, thầy HD xưa - trong đó có nhiều cô, thầy đã để lại trong tôi nhiều nỗi nhớ...

Có điều, tôi đã lên kế hoạch lần sau về Sóc Trăng sẽ đi tìm thăm thầy Nguyễn Công Thừa. Thấy địa chỉ thầy ở Mỹ Xuyên, đâu có xa xôi gì, chắc mẫm thế nào cũng gặp... Nào hay, qua bài viết liên quan cuộc gặp “vườn me” của khóa 65-72, tôi mới biết... thầy đã về cõi Phật!!! Dẫu biết đó là qui luật của muôn đời, nhưng không thể không lặng người, thảng thốt!

Thầy ơi, xin nhận nơi đây nén hương lòng của đứa trò nhỏ ngày xưa. Chắc má em sẽ vô cùng sửng sốt, bàng hoàng, và nuối tiếc - vì không hay, không được đưa tiễn thầy lên đường lần sau cuối... Mỗi khi nhắc đến quí cô thầy HD, má hay kể với em: “Mỗi lần họp trường, thầy Thừa đều ghé nhà thăm Vú. Từ khi nhà mình dọn đi xa HD tới nay, không biết thầy có ghé không... Dù có ghé, cũng biết mình ở đâu mà tới. Bởi vậy, Vú không biết tin tức của thầy, chỉ biết thầy ở Bãi Xàu...”.

Thưa thầy.Thầy ơi... Em xin cúi đầu vĩnh biệt Thầy...!

            Hoàng Diệu với…tôi, mà không, Hoàng Diệu trong tôi, đầy ắp kỷ niệm và cảm xúc khó phai mờ như vậy đó. Nhưng nói cho cùng, thời gian cũng ít nhiều làm rơi rớt phần nào ký ức. Tôi có suy nghĩ sẽ cố gắng nhớ và ghi lại thêm những chuyện thời áo trắng xưa đó, như là một cử chỉ thể hiện tình cảm của mình với trường cũ, bạn xưa, thể hiện lòng biết ơn của mình với cô thầy cũ; góp thêm chút hơi ấm để tình cảm thầy trò cũ luôn là dấu ấn đẹp trong tâm tưởng mãi mãi.

Nguyễn Thị Ngọc Bích (HD 66/73)

Má tôi (trái) đang trò chuyện cùng cô - thầy Lê Xuân Vịnh tại nhà thầy cô ở Thủ Đức.

 

 

Bánh đậu xanh - đặc sản Thủ Đức - thơm ngon, hấp dẫn.

 

 

 

 

Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 8 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật