Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

 

THĂM THẦY THIÊN

             Mới 6 giờ sáng, thầy trò đã có mặt trên xe. Xe qua cầu Sài Gòn khi nắng chưa lên và hướng về Long Khánh. Tính toán đi sớm nhằm tránh kẹt xe như cơm bữa trên đoạn đường này. Trên xe có thầy Lê Kim Tiết Tháo, thầy Nguyễn Tôn Bá. Đến Thủ Đức đón thầy Cấn Phan Nhiếp. Trò có Thái Văn Hợp, khóa đầu tiên; Hồ Thị Sáng, khóa 58; Lâm Hoàng Yến, khóa 64; Lý Hoàng Minh và tôi, khóa 68. Chị Hoàng Yến lo ăn sáng ngay trên xe để ráng tới nơi sớm. Tám giờ tới Long Khánh. Tại quán cà phê đầu ngõ nhà thầy Võ Văn Thiên có anh Nguyễn Văn Vang khóa 57 và anh Lâm Tài Hưng (anh của anh Lâm Tài Thạnh, khóa 57), đang đợi. Nhà thầy Thiên gần đó, trên quãng đường khá vắng nên chỗ đón các thân hữu đến phúng điếu, chia buồn khá rộng. Buổi sáng còn vắng người.

            Thầy trò cũ đến nhà thầy Thiên viếng cô Kim Ngọc, người bạn đời gần 60 năm gắn bó với thầy, vừa về nước Chúa sau thời gian nằm bệnh khá dài. Không khí đám tang  buổi sáng tỉnh lặng. Thầy Tiết Tháo thay mặt đồng nghiệp và trò cũ nói lời chia sẻ với gia chủ. Thầy Thiên, trong cảm xúc dâng tràn đã đáp từ một cách chân tình. Thầy trò, đồng nghiệp cùng quay quần nhau  trong tiếng nhạc khá dịu êm, trong đó có những bài do thầy Thiên sáng tác. Ngoài những lời thăm hỏi cuộc sống, những cảm xúc ngày xưa cứ trổi dậy, tràn về. Tôi biết về thầy Thiên chưa nhiều, đây là dịp biết thêm về người thầy được rất nhiều học trò cũ nhắc tên.

           Quê nhà thầy cô ở Long Phú, Long Mỹ nay thuộc Hậu Giang. Tuổi thơ thầy lận đận, phải tới cù lao Ven tận An Giang để có trường học. Tại đây, thầy may mắn được một ông cha tận tình chỉ bảo nhạc lý. Nhưng may mắn hơn, thầy có khiếu âm nhạc nên thời gian học không dài, thầy vẫn có kiến thức nhạc rất hoàn chỉnh. Chiến tranh, lưu lạc, thầy ra Sóc Trăng xin vào làm ở Ty tiều học và dạy nhạc cho bậc tiều học trong tỉnh lỵ. Thầy gặp lại cô, vốn cùng xứ, khi ở trọ ngay nhà gia đình cô, cũng ra Sóc Trăng sinh sống. Mối tình trắc trở vì gia cảnh thầy còn khó. Bài hát Vào đời thầy viết trong hoàn cảnh này. Nhưng rồi chuyện tình thầy cô cũng có cái hậu tốt đẹp. Năm 57, trường Hoàng Diệu khai giảng khóa đầu tiên, Ty tiểu học điều thầy về trường mới cùng một số cô thầy khác. Ở trường mới, thầy dạy nhạc tất cả các lớp. Có lúc tới 18 lớp! Từ đây, thầy được cử đi học thêm trên trường sư phạm Sài Gòn để hoàn chỉnh chuyên môn.

          Câu chuyện thầy kể kéo dài, đôi lúc đứt đoạn vì thân hữu tới viếng, thầy ra đón chào, hoặc đưa tiễn khách về. Có hai trò già là anh Hưng, anh Vang tiếp đỡ cũng an ủi phần nào đối với thầy. Tuy nhiên mạch chảy của dòng thời gian tận trong thăm thẳm tâm tư thầy thì liên tục, mạch lạc; chứng tỏ đầu óc thầy còn minh mẫn, trí nhớ thầy còn rất tốt. Tiếp câu chuyện, thầy đưa gói thuốc Lực mở cho thầy. Tôi mở xong, thầy mời tôi. Tôi vốn dị ứng khói thuốc, làm sao mà hút! Nhưng trong hoàn cảnh này, không nỡ chối từ. Đốt xong điếu thuốc, cầm tay ít phút, tôi lén bỏ, để nghe tiếp những lời tâm tình của thầy. Khoảng thời gian từ năm 60-70 thầy đã có rất nhiều đóng góp để tạo thêm tiếng tăm nhà trường Hoàng Diệu lẫn đất Ba Xuyên. Ngoài việc dạy nhạc cho toàn học sinh nhà trường, thầy còn dạy nhạc, chơi đàn các tụ điểm để có thêm thu nhập bởi đàn con ngày càng… nhiều ra! Thầy phụ trách ban nhạc nhà trường. Ban nhạc này có rất nhiều dịp đi biểu diễn các nơi, các dịp lễ theo yêu cầu của trường và của tỉnh. Tôi hỏi thầy vậy chớ ấn tượng gì thầy còn nhớ về quãng thời gian thầy chỉ huy ban nhạc nhà trường. Thầy kể có lần tỉnh đăng cai trại hè 8 tỉnh miền Tây. Nội dung sinh hoạt vui chơi thể thao, văn nghệ. Phần thi văn nghệ gồm 8 thể loại. Giám khảo là 4 giáo sư từ trường Quốc gia âm nhạc. Ba Xuyên đoạt hết 8 huy chương vàng! Riêng trong đó, huy chương vàng phần múa do bên trường bà (chúa Quan phòng) phụ trách… Còn lại là công sức từ thầy.

 

           Thầy lại đưa gói thuốc mời tôi. Nghe thầy kể chuyện cũ, tôi như đang ké hưởng niềm vui về những ngày trại hè thuở nào, tôi nói bây giờ thầy rủ làm gì em cũng làm theo, thậm chí là uống rượu! Tôi nhận điếu thuốc từ thầy, châm lửa. Thầy ê đứa nào kiếm rượu! Thầy nói tiếp thầy đã hết lòng chăm sóc cô 7-8 năm qua, nay cô đang yên lành nơi nước Chúa, thầy trò mình có chút rượu hôm nay không hại chi cả. Tôi nói phần rượu thầy để em lo, trên xe có sẵn! Thầy uống ly đầu tiên, rồi ly được chuyền tới từng người. Rượu vào, lời ra; có lẽ đúng trong trường hợp này. Thầy mời thầy Bá, thầy nói để ngàn mời trăm một ly! Qua ánh mắt trao nhau, hai thầy như đang sống những tháng năm nơi trường xưa nhiều kỷ niệm gắn bó, mang theo suốt cuộc đời. Thầy Bá ít uống, nhưng trong hoàn cảnh này, thầy vẫn vui cạn ly với đồng nghiệp cũ. Trong không khí có phần ấm nóng, một phần mặt trời đang chiếu xiên vào bàn, thầy nhắc về những học trò thầy còn nhớ, còn ấn tượng. Tôi hỏi thầy là học trò thầy ai hát hay nhất. Con Ngọc Thủy hát hay dữ lắm! Thầy trả lời tôi ngay. Trương Ngọc Thủy khóa 67 đang ở Hoa Kỳ, thầy cũng biết. Nhưng thầy cũng nói tiếp là con Sáng hát cũng rất hay, giọng hát chủ lực của nhóm, nhưng còn nhỏ mà hay làm eo! Nhiều lúc chuẩn bị lên sân khấu mà con Sáng chạy đâu mất, khiến thầy lo lắng, đôi lúc phải… năn nỉ! Hồ Thị Sáng, đang ngồi bên thầy, cười, nói hồi nhỏ em hay lý lắc vậy thôi chớ có làm bộ, làm tịch, làm khó thầy gì đâu. Hồ Thị Sáng, sau đó là phu nhân thầy Sinh. Thầy Sinh đã mất. Cô Sáng, tuy tuổi kha khá, nhưng không bao giờ vắng mặt ở những nơi có đông đảo cô thầy, trò cũ như thế này. Thầy cũng kể tên những giọng ca một thời nổi tiếng như Sơn Mai, Đông Triều, Trương Văn Sùng, tam ca Sơn Thị Liêng, Mạnh Thu Hồng, Nguyễn Thị Thu Cúc… Thầy khen riêng Sơn Thị Liêng. Nhỏ đó hát hay mà dễ thương lắm, nói gì làm nấy, không làm bộ làm tịch như con Sáng!

           Chuyện kéo dài, chai rượu vơi dần, chuyện lại như càng lúc càng tràn đầy. Thầy mời đồng nghiệp cũ, mời trò cũ. Cũng may thầy không rủ tôi thêm điếu thuốc, nếu không tôi sẽ ở trạng thái khó lòng nhớ hết những gì thầy nói ra. Thầy nhớ, như là trong khoảng năm 70-72, nhà trường Hoàng Diệu có chuyện không vui. Một số thầy bị một ít thầy khác tố cáo chuyện gì đó thầy không còn nhớ, khiến nội bộ xào xáo. Cũng thời gian đó, người bạn thiết thân của thầy, thầy Thế, mất, khiến thầy thêm phiền nảo. Thầy Thế vào dạy trường Hoàng Diệu nhờ thầy Thiên xin với thầy hiệu trưởng Phan Ngọc Răng. Trời xui khiến, lúc đó bên nhà cô đang làm cây rừng trên Long Khánh, có ý muốn đưa gia đình thầy lên đó mua đất làm vườn, lập nghiệp. Thầy đã đồng ý chuyển về trường trung học Xuân Lộc từ năm 1973. Tới năm 1997, thầy nghỉ hưu ở tuổi 68.

          Quê hương Sóc Trăng vẫn mãi trong tiềm thức thầy. Với sự có mặt của đồng nghiệp, trò cũ như đang mang lại hình ảnh xưa đến với thầy. Chăm sóc cô thời gian dài, lễ tang… đang làm giảm sức khỏe, tinh thần thầy, nên chai rượu còn một phần được cất đi. Giọng thầy pha chút bùi ngùi khi kể về những ngày… Hoàng Diệu, nhớ Hoàng Diệu, đồng nghiệp lẫn lũ học trò… Chiều kia, thầy có biết bao trò cũ nhớ về thầy. Thời gian 17 năm ở Hoàng Diệu, thầy có rất nhiều học trò. Trò nào cũng học nhạc, nên trò Hoàng Diệu nào cũng là trò của thầy, bởi thầy là thầy dạy nhạc duy nhất của trường. Thầy Thế cũng có lúc dạy nhạc, nhưng ngắn, chuyên dạy vẽ. Cho nên thầy có hàng ngàn học trò ở Sóc Trăng và hàng ngàn học trò trên Long Khánh. Học trò thầy mến thầy vì nhờ thầy cuộc sống từng trò thêm phong phú, có thêm kiến thức và cách cảm thụ âm nhạc. Tôi còn nhớ bài hát đầu tiên tôi tập hát trong đời là bài hát do thầy tập cho cả lớp Khỏe vì nước… Nghe đâu một thống kê cho thấy trung bình 3 người, có 1 người có năng khiếu cảm nhận cao độ và trường độ âm thanh, nên hát tốt. Riêng tôi rơi vào số còn lại, dốt hát ca. Viết khóa sol, tôi vẽ tốt, điểm cao. Phần xướng âm, thầy chê giọng tôi bè bè, kèm thết cây thước vô mông và tặng thêm con điểm xấu! Nhờ đó tôi càng… nhớ thầy. Hồ Thị Sáng cũng vui ra mặt khi bị thầy nhắc tới chuyện xấu đáng yêu thuở tuổi 14-15. Bây giờ, nhiều năm sau nhìn lại, tất cả kỷ niệm đều mang dấu ấn màu đẹp. Tâm trạng này, Nguyệt Ánh (Ryan) khóa 60 từ Hoa Kỳ từng tâm sự với tôi: “Hồi đó trong lớp học, thầy thường tập tụi này hát bài Tiếng hát học trò: thuở ấy không gian chìm lắng trong mơ… Lúc đó chị vừa lớn lên. Chỉ thích hát vu vơ nhạc tình cho có vẻ người lớn. Còn nhạc về học trò thì hơi quê quá. Nhưng sau này khi ra đời, bị người ta đấm đá mang đầy thẹo vít, thì mới thấy bài hát này thật là chí lý và dễ thương sao…”. Tôi không thể ghi ra đây hết, bởi học trò thầy nhiều quá, có người nay là nhạc sĩ, ca sĩ thành danh.

          Chia tay thầy trong nỗi niềm quyến luyến. Thầy đến tận xe bắt tay, hẹn ngày gặp lại. Rời khỏi Long Khánh, trên xe vẫn còn như lắng đọng tình cảm dạt dào và thoáng chút bâng khuâng. Thầy Nguyễn Tôn Bá phá vỡ không khí chỉ tiếng xe rì rào bằng kể chuyện lúc 9 tuần huấn luyện trong quân ngũ xưa. Thầy Nguyễn Hiền Tâm nổi tiếng liếng khỉ đóng vai quân QG cùng một số thầy khác. Thầy Lâm Ngọc Linh cùng một số thầy khác đóng vai quân bên kia. Lính Tâm bắt được đối phương (Linh), hét giơ tay lên. Sau đó bỗng có tiếng á thất thanh, khiến viên sĩ quan huấn luyện hốt hoảng chạy tới. Té ra, lính Tâm tay cầm súng bóp cò, súng hoàn toàn không có đạn. Còn lính Linh hai tay đang giơ cao, miệng há hốc vì tay còn lại lính Tâm đang bóp chặt hạ bộ đối phương. Viên sĩ quan thở phào vì tưởng xảy ra sự cố trong việc huấn luyện! Thầy Tiết Tháo cũng góp chuyện chữ nghĩa, nghề của thầy. Con sông, cái giếng. Cái gì động bắt đầu bằng con như con cá, con chim…, cái gì tĩnh bắt đầu bằng cái như cái bàn, cái bếp… Nhưng cái gì cũng có ngoại lệ, nên sẵn đó tôi đố luôn vậy có cái gì ngược lại. Vật động mà kêu bằng cái, vật tĩnh mà kêu bằng con? Bắt đầu bằng ký tự là L và C. Mọi người bật cười (chắc tại người Việt hay cười!). Tôi nói tiếp câu đố này không nên cười. Nhưng lỡ cười rồi tôi ra đáp số luôn. Đó là LỠ CƯỜI. Là cái lưỡi và con cờ. Hoàng Minh ngồi kế bên nói mày mà trả lời chậm là tao nói ra sai hết hai đáp án, quê luôn! Những tiếng ồn, những tiếng cười còn nối dài tới lúc chia tay.

           Những người trên xe chia tay ở Sài Gòn. Hiệp sĩ mù, Hoàng Minh và tôi tiếp tục về lại Sóc Trăng. Tấm lòng hướng về thầy của hiệp sĩ mù đáng trân trọng, nếu tôi không lo xe lên thăm thầy, hiệp sĩ mù vẫn đi xe đò lên Long Khánh. Lâm Hoàng Yến một tay lo các cuộc gặp mặt thầy cũ ở Sài Gòn, lo toan các thầy, bạn cũ thăm hỏi nhau, như chuyến đi hôm nay chẳng hạn. Chân tình đó rất đáng trân trọng. Những cầu nối từ chị Hoàng Yến giúp các thầy cũ có dịp gặp gỡ tâm tình nhiều hơn, một chút an ủi những ngày tuổi cao sức yếu. Riêng tôi, ghi lại những dòng chữ này cũng chỉ mong các đồng môn biết thêm về một người thầy, đồng môn có thêm thông tin chia sẻ tình cảm với thầy. Cũng mong rằng, do thời gian chồng chất, có thể ở từng sự kiện các cô thầy, trò có liên quan… thầy Thiên nhớ chưa hết, cũng có thể có thông tin chưa chính xác. Mong rằng người trong cuộc cảm thông, sẽ phản hồi, sẽ ghi nhận, để lần sau bài viết sẽ đầy đủ, chính xác hơn.

THƠ KÝ LỰC

 















































Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 4 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật