Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

       Khung trời Mỹ An

         ______________________________________________________________________________________

                                                                                         Bạch Mai (HD 68-75)

 

      Trời Mỹ An đêm nay không trăng không sao, không một tiếng động, cảnh vật im ắng lạ thường, lâu lâu một luồng gió khô không khốc len lỏi vào, vì đã cuối hè nên không khí hơi oi bức, tội nghiệp hai mẹ con thím Tư (cả xóm đều kêu vậy) đã nhường chiếc ván ngựa, còn hai mẹ con thì chèo queo trên chiếc chỏng tre ọp è ọp ẹp mới thấy là thương (dù hai đứa tôi từ chối cách nào).

        Khi ông trưởng ấp giới thiệu cô giáo mới (cậu hai Đàm của nhỏ NM làm hiệu trưởng của trường Mỹ Hương tư vấn cho nó làm nghề giáo, tạm thời đi xuống thực tế để khi dạy sẽ không bỡ ngỡ) đây là dịp may hiếm có và tôi đã tham gia đi cùng (nhỏ lớn có biết đồng ruộng là gì ?). Ông trưởng ấp tập hợp được số phụ huynh và mớ học trò (đó là vào giờ chiều vì buổi sáng tất cả người lớn đều ra đồng) trong số phụ huynh trình diện, tôi thấy có hai mẹ con thím Tư là người cô đơn nhất, nghèo khổ nhất xóm, bởi vì duy nhất chỉ có hai mẹ con không bà con ruột thịt gì ở gần. Người thím thì ốm tong ốm teo, ít ăn ít nói, hiền khổ hiền khô, còn đứa con thì bị dị tật sứt môi muốn nói gì chỉ trỏ trẻ thò the với mẹ để thím làm thông ngôn dịch lại (dị tật của con bé cũng là cái tai tiếng ác nghiệt đã úp lên đầu thím) nhỏ NM hay lắm, bé Tím (con thím Tư) nói gì nó đều nghe trót lọt còn tôi thì cứ hả hả hoài thế nên tôi cũng ngại nói sợ con nhỏ mặc cảm tội nghiệp.

        Tụi tôi đồng lòng chọn (hai đứa tôi bao giờ cũng có điểm chung) nhà thím là nơi gởi phận. Nhà ở xeo xéo trường học, nói là nhà cho nó ngon lành chứ thật ra là một cái chòi tranh vách lá, trống quơ trống quớt, cửa sau cửa trước tênh hênh, tối tối kéo cái rèm bằng lá dừa để che chắn (đó gọi là cửa) cho đỡ gió đỡ mưa, trong nhà có một ván ngựa (tài sản đáng giá nhất) kế nữa là một chõng tre xịu xà xịu xẹo, bên góc nhà nhìn vào biết ngay là bếp vì có một cái cà ràng đặt dưới đất bên cạnh là mớ củi khô, trên vách chỉ treo lèo tèo hai cái xoong đen ngòm ngòm, lớp đen đó đã dính vô xoong chắc qua nhiều thế kỷ, nên khi cầm cái xoong để xuống đất không còn ngay ngắn nữa mà nó lăn qua lăn lại như con lật đật (nói xạo quá) nhỏ NM nói sao mầy giàu óc tưởng tượng, thương ơi ! là thương !.

        (Đấy! từ chỗ đấy mà tụi tôi đã quyết định cứ ở nhà thím) phía cửa sau ngó ra là con sông Mỹ An, tắm táp rửa ráy đều ở sàng lảng này, sàng lảng là một thân cây dừa đặt từ trên đưa xuống mặt sông, nhỏ NM thì đi lên đi xuống thoăn tha thoăn thoát nhẹ nhàng (vì đây là địa bàn của nó mà, nghe ghê chưa giống như tay anh chị bự) còn tôi thì cà bò cà lết để xuống vọc nước (đó là sở trường của tôi khoái lắm đấy) lâu lâu một chiếc ghe to đùng chạy máy Kohler ầm ầm lướt qua, làm mặt nước không còn yên tĩnh nữa, sóng nước giập ghềnh tràn lên sàng lảng phẩy đập rồi lùa ra trở lại, dòng sông bình yên như cũ. Ôi! sướng quá! khoái ơi! là khoái, nhưng thím Tư nói nếu ban đêm mà gặp nước lớn ghe chạy nhanh như vầy thì nước sẽ tràn vào nhà luôn, làm tụi tôi tắt ngúm niềm vui.

       Hai mẹ con lúc đầu còn e thẹn ngại ngùng, vì khi chị Tư kế bên nói nhà chị rộng rãi hơn (ý nói nhà có đủ giường và chỗ tắm, vì ở đây ít có ai làm nhà tắm) chị ấy mời gọi, nhưng tụi tôi nào có nghĩ vật chất hay tiện nghi gì đâu (chỉ nghĩ hai cô giáo này chắc khùng khùng nhà đàng hoàng mà không ở).

       Tụi tôi thích ở chung với thím Tư, người đơn chiếc nghèo khó, thím Tư thì hớn hở ra mặt và con bé Tím hay xà vào lòng tôi để được bắt chí (lúc đó con nít đứa nào đứa nấy chí cũng nhóc cà tha vì tắm rửa không có xà bông mà cái ăn còn không đủ no làm sao có những thứ đó mà xài) nhỏ NM thì triệu tập mấy đứa nhỏ lại cắt tóc. Trời ơi! Nhỏ đứng hớt tóc dòm y chang như chuyên nghiệp, bắt mấy đứa nhỏ niểng đầu qua niểng đầu lại còn tôi thì phụ trách may đồ, về Sóc Trăng xin bà chị gần cả chục mét vải trắng để may cho mấy đứa nhỏ mặc khi nhập trường.

       Hai đứa tôi hai tâm hồn lớn gặp nhau, ý nghĩ của tôi y chang như ý nghĩ của nhỏ NM, nhiều khi hai đứa có suy nghĩ gì đó, không nói ra lời mà cũng viết giấy bao giờ mở ra cũng đều chung ý nghĩ.

      Đêm càng khuya tôi không sao ngủ được nhớ đến cuộc chơi hồi chiều bỗng nực cười khúc kha khúc khích làm nhỏ NM giựt mình thức giấc.

- Khuya rồi sao không ngủ? Bộ mầy mộng du hả?

- Ê! Nãy giờ tao đợi có bao nhiêu, dậy, dậy đi, ngày mai mình đi cưỡi trâu nữa.

- Không được, ngày mai thứ hai đi dạy rồi (tôi nghĩ thầm tao chỉ theo mầy đi chơi thôi mà) nhỏ NM tưởng tôi muốn đi dạy thiệt vì tôi xông xáo lắm tập hợp mấy đứa học trò lại, trong số đó có bốn anh du kích tuổi cũng xem xem tụi tôi để dạy bài hát "Trường của cháu là trường mầm non"

Ai hi cháu cháu hc trường nào đấy

Bé nào ngoan li múa hát tht hay

Cô là m và các cháu là con

Trường ca cháu đây là trường mm non

      Mấy anh chàng du kích đó chặn nhỏ NM hỏi:

- Mấy tuổi rồi? (câu hỏi trống quơ trống quớt, không tên không tuổi)

- 26 rồi ! (nhỏ NM cũng không vừa nhanh trí đáp, nhỏ có biệt tài ứng xử lẹ làng mà)

  Tôi muốn ôm bụng cười bò lăn bò lết mới đã (khi nhìn thấy bộ mặt hình sự của mấy ổng)

- Sao trẻ quá vậy!

- Ờ ! Tại ở thị xã (Eo ơi! Bạn tôi hay quá trời gặp tôi là ú a ú ớ rồi)

      Mấy anh chàng ta bị sốc với câu "Cô là mẹ và các cháu là con". Về sau xếp cho mấy ổng học bổ túc đêm.

- Mình mà giỡn chơi với học trò hoài nó sẽ lờn mặt.

- Mầy thấy sao, tiếp xúc với tụi nhỏ thường nó sẽ gần gũi với mình hơn, nhớ ngày đầu tụi nhỏ cứ đứng từ xa lấm lét nhìn thấy mà thương.

      Học trò của tụi tôi tuy mới vào lớp 1 nhưng lớn trọng đã tiếp được má tía đủ mọi chuyện. Cũng như hôm nay ngày nghỉ con bé Tím dắt trâu đi ăn cỏ về ngồi trên mình trâu nghêu ngao và hát hò gì đó?

      Hai đứa tôi khoái quá!

- Tím ơi! Cưng dừng lại cho hai cô lên cưỡi nhé! Con bé lẹ làng tuột xuống nghe một cái rột và không biết nó dùng tín hiệu gì (lúc ấy sơ ý dòm) mà khiển được con trâu ngồi xuống liền. Nhỏ N lẹ làng leo lên trước còn tôi thì loay hoay, lòng vòng cũng chưa leo được vì rờ vô mình cái "anh đui then" (chỉ con trâu) sao mà thấy ớn ớn.

- Lẹ lên mầy (nhỏ N giục)

Sau cùng rồi cũng bấm gan buộc bụng leo lên, hồi nãy mày khoái lắm mà sao giờ chần chừ.

"Anh đui then" hiền khô, tụi tôi leo lên tuột xuống "ảnh" không đoái hoài gì tới, chỉ lâu lâu phe phẩy cái đuôi để đuổi ruồi hay làm gì đó không biết.

- Hay là muốn nhắc, hai cô ơi! xong chưa lẹ lẹ lên (con vật cũng có ý nghĩ lắm đó nghe).

    Cuối cùng biết đã đủ người, nên "ảnh" đứng lên (tụi tôi chút xíu nữa té vì chưa quen ngồi như thế này) đủng đỉnh đủng đình cất bước, tụi nhỏ vỗ tay rang trời.

- Ôi! Vui ơi là vui, không có cuộc vui nào như hôm nay vì hai đứa tôi đã được cưỡi trâu.

- Lúc đó ước gì trong tay có cây sáo tôi sẽ trổ tài thổi bài "Lòng mẹ" thì hách biết chừng nào, (đây là bài sáo độc nhất vô nhị mà tôi biết được, vì ở nhà không cho thổi, tôi phải xách cây sáo lại nhà thầy Hoàng Việt Sơn cùng luyện công với nhỏ Thanh Vân và thầy Nguyễn Tư Thiếp có nghe qua nên “Mai thổi sáo” là do thầy đặt) và cũng hợp cảnh hợp tình.

    Những cơn gió đồng thổi lên man mát mang theo hương vị của đồng quê, của những đám mạ mơn mởn xanh tươi. Lòng lâng lâng!

"Ai bo chăn trâu là kh

Chăn trâu sướng lm ch!

Ngi mình trâu tay cm c lau

và ming hát nghêu ngao"

     Không hẹn mà cả hai cùng cất tiếng hát (tụi tôi thân nhau vì cùng điểm chung đó)

     Trời đã bắt đầu chạng vạng cuộc chơi rồi cũng phải ngừng, bây giờ xuống trâu thì làm sao đây? khi mà bé Tím khiển "anh đui then" nguồi xuống thì ảnh cứng đầu không nghe (hết còn hiệu lực), chắc tại tụi tôi đã làm gì cho "ảnh" giận đấy, xúm nhau năn nỉ vuốt ve quá trời cũng không, vô phương.

     Loay hoay rồi nhỏ N đạp lên khủy chân trâu tuột xuống được, còn tôi thì nhát quá, trời ơi! Thấy thì không cao bao nhiêu nhưng nhìn xuống thấy hỏng mặt đất cũng kha khá (vì nhỏ lớn có trèo leo đâu) nhỏ N và mấy đứa học trò loi nhoi.

- Cứ tuột xuống đại có tụi tao đỡ.

- Cô xuống đại đi, cô ơi!

   Thôi một phen liều vậy, nhắm mắt nhắm mũi thí mạng cùi (có lỡ lọi giò gãy cẳng, gì đó sẽ tính sao?) rồi cả đám lố nhố dưới đất ngã lăn quay vì đã đưa thân mình che chở cho tôi, mọi người lỏm ca lỏm cỏm bò dậy hí ha hí hửng cười vang. Trong lúc tôi còn chưa hoàn hồn.

- Cô ơi ! Cô có sao không?

   Trời ơi! làm sao tôi quên được giây phút này mới ngày nào trò còn bở ngỡ với cô mà nay tay nắm, tay xoa chân ríu ra ríu rít hỏi.

- Cô ơi ! Cô có đau chân không?

- Cô còn đau chỗ nào nữa không?

- Không, cô không đau (miệng thì nói vậy chứ thật sự tôi phải câu giờ ngồi lâu lâu một chút cho hết đau, sĩ diện mà) mình là cô giáo để thua học trò sao?

- Còn mấy em có đứa nào bị gì không?

    Tất cả đồng thanh đáp " Không !" làm tôi muốn rớt nước mắt giữa những thâm tình đó - tôi ôm ghì chúng lại, đầu cổ đứa nào đứa nấy khét lẹt mùi nắng, nhưng mùi khét đó sao tôi cảm thấy thân thương vì nó toát ra từ những đứa trẻ chân chất đầy tình người tuy hãy còn bé tý.

     Ôi! Cám ơn những con người của đất Mỹ An, những tấm lòng bao la rộng mở, tôi cảm ơn tất cả vì đã cho tôi những giây phút tuyệt vời.

- Ngồi trên mình trâu mà tao liên tưởng hai đứa mình là Bà Trưng Trắc và bà Trưng Nhị ngồi trên mình voi.

    Nhỏ Ngọc cười sặc sụa ở trong mền vì phải nén tiếng cười trong đêm khuya.

- Ngày xửa ngày xưa lúc tao còn bé tí chạy lon ton theo người lớn ra đường giữa coi diễu hành (đường Hai Bà Trưng), trong đoàn xe đó có hai bà Trưng cưỡi voi đi qua (lúc đó còn nhỏ xíu nên cứ tưởng Hai Bà Trưng thiệt).

   Đẹp ơi là đẹp, hai bà mặt áo dài đỏ, thêu con rồng vàng trước ngực, đôi má đỏ, mặt cười như hoa, bên thắt lưng đeo cây kiếm, mọi người trầm trồ khen ngợi, đứa nào đứa nấy ngửa cổ nhìn mê mệt (vì lúc đó tụi tao có chút tẳng nên phải ngước cổ hết lốc mới thấy) xe hoa đi qua rồi mọi người còn tiếc ngẩn tiếc ngơ.

    Miệng thì nói mà mắt đã nặng mí và tôi đã chìm vào giấc ngủ tự bao giờ.

                                                            Kỷ niệm dấu yêu thời 07/1975

Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 1 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật