Nguyễn Hồng Phúc (CHS HD K11)
Tháng 7 năm 1973 khi biết kết quả đậu cao kỳ thi Tú tài 2, gia đình cố động viên tôi nộp đơn xin du học hầu mong tương lai tôi sau này được sáng sủa hơn, nhất là ông anh cả tôi.
Ông anh anh cả tôi đã ham học từ thuở bé. Anh có ý chí và giấc mộng lớn. Anh ao ước tương lai mình sẽ thành công rạng rỡ như những idol của anh – ông tiến sỹ Nguyễn Xuân Vinh. Thời tiểu học, anh cả tôi lúc nào cũng rót vào tai chúng tôi rằng sau này chúng ta phải cố gắng học giỏi để thành tài như Ts NXV. Vì thế anh ấy không ngần ngại bỏ nhiều, rất nhiều thì giờ học thêm sau những buổi học ở trường. Trong tất cả sinh viên xuất sắc Hoàng Diệu trước 75 như Trần Văn On, Trần Thị Bé, Lưu Kim Yến, Triệu Minh Hùng, Cao Chiếu Trí thì ông anh bao giờ cũng tranh đua với họ để mong tên mình lúc nào cũng lọt vào danh sách top 5 của HD Sóc Trăng.
Tôi một phần cũng bị ảnh hưởng không ít thì nhiều cái ý chí ham học giỏi của ông anh, cho nên ở bậc trung học năm nào tên tôi cũng được ghi vào bảng danh dự của lớp để nhận phần thưởng cuối năm. Nhưng có một năm đệ lục (tức lớp 7) tôi lọt xuống hạng 4 nên không được vào bảng vàng danh dự. Năm đó ba tôi “giũa” tôi tơi tả vì ham chơi lêu lỏng không lo học hành đàng hoàng để được lãnh thưởng như ông anh. Năm 1971, tôi lên lớp 9 thì chiến tranh du kích bắt đầu bành trướng mạnh mẽ khắp nơi ở miền Nam. Thiên hạ xôn xao bàn tán lệnh tổng động viên sắp ban hành làm xao động việc học chúng tôi rất nhiều. Một vài đồng môn xuất sắc nhất lớp tôi, cũng là đối tác của tôi bắt đầu lơ đãng việc học vì các anh nghĩ rằng trước sau gì cũng đi lính và trước sau gì cũng hi sinh cho chiến tranh vô nghĩa ấy. Các anh bắt đầu ăn chơi, cua gái, hút nghiện cho thỏa mãn nhu cầu nam nhi và việc học không còn quan trọng đối với các anh nữa…
Ngược lại, với tôi là một động cơ tốt để vươn lên. Vì thế khi lên đệ tam (lớp 10) năm 1971-72 tôi học rất chăm, phần vì lệnh tổng động viên (đôn quân) vừa được ban ra tức tuổi 17 sẽ bị đôn lên 18 để nhập ngũ nên càng thúc giục tôi phải thành công trong việc học hành. Các học sinh sanh năm 1955 của thế hệ chúng tôi phải nhập ngũ nếu không đang học lớp 11 để thi tú tài phần 1 vào mùa hè đỏ lửa 1972. Để đối phó với lệnh tổng động viên, tôi nảy ra ý kiến xin nợp đơn thi tú tài 1 với tư cách thí sinh tự do vì nghĩ trước sau gì chúng tôi cũng vào quân đội nên tôi thử thời vận một lần xem sao. Nếu đậu tú tài 1 tôi sẽ có cơ hội học lên lớp 12 và thi tú tài 2. Như vậy tương lai có lẽ sẽ sáng sủa hơn là vào quân ngũ sau lớp 10 thì sẽ trở thành một anh lính quèn. Theo tôi nghĩ mỗi công dân càng học cao học tốt thì sẽ giúp ích cho quốc gia và cả bản thân mình hơn. Mùa hè đỏ lửa năm 1972, tôi nghĩ tất cả học sinh sanh năm 1955 khắp miền Nam đều xôn sao bàn tán cách đối phó với lệnh tổng động viên (đôn quân) của ông Thiệu. Mỗi người một cách tùy theo khả năng học tập từng cá nhân và tài chính. Có người kém may mắn thì ngoan ngoãn nhập ngũ, người khác nhảy ra ngoài học thêm luyện thi lớp 11 hầu may ra vớt vác được cái bằng tú tài 1 thì sẽ có cơ hội khác tiến thân… Tôi chọn phương án thứ nhì. Thế là vừa thi xong đệ nhị lục cá nguyệt lớp 10, tôi vội vã nộp đơn thi tú tài 1 và sau đó cuốn gói lên Sài gòn tìm giáo sư giỏi để học luyện thi vì thời gian quá gấp rút, chỉ còn 2 tháng nữa là đến kỳ thi tú tài 1. Tôi cố gắng học ngày học đêm để ngốn cả chương trình lớp 11. Mì gói là bạn đồng hành của tôi trong hai tháng học luyện thi ròng rã ấy.
Tháng sáu 1972 tôi, anh trai và ba tôi lên Vĩnh Long để trải qua kỳ thi quan trọng cho cuộc đời tôi. Nó sẽ quyết định tương lai cho nhiều sinh viên sanh năm 1955. Vì ranh giới giữa ngưỡng cửa quân đội và đại học rất mỏng manh. Sau mỗi buổi thi thì anh của bạn tôi, lúc ấy anh đang học năm thứ 3 kỹ sư Nông nghiệp vào cùng phòng thi với tôi để thi thế cho người em cũng là bạn cùng lớp HD với tôi, đều kiểm tra lại cách giải đề toán, lý hóa và sinh ngữ vì ba môn chính của ban B có hệ số rất cao sẽ quyết định việc đậu hay rớt. Ông anh của bạn tôi sắp trở thành kỹ sư nên đề thi tú tài 1 đối với anh không có nghĩa gì, anh ngạc nhiên nghe tôi trình bày lời giải một cách hoàn hảo hợp lý hầu như 100% . Anh khẳng định với ông anh tôi và ba tôi, lúc ấy cũng tháp tùng với tôi trong ba ngày thi ở Vĩnh Long rằng chắc chắn chẳng những tôi đậu tú tài mà còn phải đậu cao nữa chứ. Tôi cũng mừng thầm trong bụng. Thâm tâm tôi khi cầm đề thi Toán trên tay thì không hiểu sao tôi đọc đến đâu đều hiểu và giải quyết một cách logic và chắc chắn đến đó…chứ không có sự đắn đo hay ngần ngại như những thí sinh cùng phòng. Một thí sinh lạ ngồi cạnh tôi từ ngày đầu bóp trán suy nghĩ mãi cũng không giải quyết thông suốt bài toán. Thấy vậy khi còn 30 phút tôi đã làm xong bài toán (3 giờ cho môn Toán, hệ số 4) tôi ghi lẹ lời giải trên mảnh giấy vụng và liệng qua cho anh. Tôi không biết mảnh giấy ấy đã giúp được gì cho anh không. Không biết anh ấy đã đậu hay rớt, anh có được cơ hội học cao hơn hay cũng như những học sinh khác phải nhập ngũ và hi sinh cho cuộc chiến này rồi…
Tôi thoát nạn sau kỳ thi tú tài một và bây giờ gia đình tôi bàn đến giai đoạn tới phải làm gì. Thấy tôi thi đậu cao nên ông anh tôi đề nghị lên Sài gòn học Taberd vì nơi đây nổi tiếng là đa số sinh viên ra trường được hội đủ điều kiện để đi du học. Mặc dù nơi đây học phí rất tốn kém vì là nơi chốn của rất nhiều CÔCC (con ông cháu cha) đến học. Ông anh tôi nghĩ rằng chỉ có đi du học mới có cơ hội tiến thân, mặc dù gia đình tôi cũng không khá giả gì. Tôi đành nhắm mắt tuân theo. Thế là hai anh em vội tìm cách xin vào học Taberd Sài gòn.
Thật gay go về chuyện giấy tờ xin nhập học Taberd. Nào là phải đậu “bình” tú tài trở lên, nào phải nộp học bạ lớp 11 mà tôi vừa xong lớp 10 đã nhảy ra ngoài thi tú tài làm gì có học bạ lớp 11, nào giấy giới thiệu của sư huynh hiệu trưởng trường Lasan Khánh Hưng (frère Gabriel Nguyễn Đăng Quang) về hạnh kiểm tốt. Ôi thôi sao mà phức tạp quá. Cuối cùng rồi tôi thu xếp lo đầy đủ giấy tờ để xin vào lớp 12 và được chấp nhận vào Taberd. Đầu tháng 9 năm 1972 tôi vào học lớp 12B2 chương trình Việt. Trường Taberd lúc ấy dạy 2 chương trình Việt và Pháp. Sư huynh Félicien Huỳnh Công Lương làm hiệu trưởng.
Ở Taberd tôi nghiệm ra rằng sự tranh đua học giỏi để được đi du học thật mãnh liệt. Những học sinh giỏi của lớp 12B2 như Nguyễn Ngọc Lâm, Đinh Cao Minh, Hà Thanh Bình, Nguyễn Đông Đoài, Trần Quang Nam đều đến làm quen và giúp đỡ tận tình một đứa học trò nhà quê vừa lên tỉnh…Qua kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt tôi chỉ đứng nhất môn Công dân giáo dục và bình thường trong những môn toán lý hóa và sinh ngữ. Vì tôi học nhảy từ lớp 10 lên lớp 12 nên cách học mới chưa quen với tôi cho lắm. Tôi lần mò lại giáo sư cũ ở Gia định để học thêm, người thầy mà tôi đã học luyện thi tú tài với ông vào mùa hè đỏ lửa cùng năm ấy. Qua kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt tôi đứng đầu lớp mấy môn toán, vật lý và hóa học. Mấy người bạn xuất sắc mới như Lâm, Nam, Đoài, Bình và Minh thật ngạc nhiên và thắc mắc làm sao một học sinh nhà quê chỉ sau vài tháng mà học vượt hơn chúng thế…Cuối niên khóa 1972-73 tôi được xếp hạng 5 trên 62 học sinh lớp 12 B2. Kỳ thi tú tài toàn phần đang chờ đợi các nam nhi, nhưng lần này chúng tôi ít hồi hợp hơn kỳ thi thứ nhất. Sau kỳ thi tú tài 2 điểm sinh ngữ đạt được khá cao, ông anh tôi rất mừng vì mộng du học của người thân trong gia đình sắp thành sự thật.
Tôi ngoan ngoãn lần nữa nghe theo gia đình nộp đơn xin du học ở bộ Giáo dục. Sau khi nhận được hồ sơ chấp nhận du học của bộ Giáo dục, chúng tôi phải bổ túc thêm vài giấy tờ như tài khoản nhà băng bảo lãnh ba tôi có đủ tài chính nuôi tôi trong lúc ăn học ở hải ngoại, giấy miễn dịch còn hiệu lực rồi chúng tôi lái xe Honda đến Nội Vụ bộ nằm bên cạnh trường Taberd cùng đường Nguyễn Du để làm hộ chiếu du học.
Trong lúc chúng tôi lay hoay tìm chỗ đậu xe trước ty Bưu Điện Sài gòn để mua mấy cái tem gửi hồ sơ đi Canada thì gặp hai sinh viên – Khánh và Hào là học sinh xuất sắc Pétrus Ký cũng vào mua tem để gửi đơn xin học Canada.
- Sao nộp đơn du học ở đâu vậy bạn? Anh Khánh hỏi tôi.
- Tôi thử nộp vào Ecole Polytechnique de Montreal bạn ạ, còn mấy anh?
- Tụi tôi cũng nộp vào trường ấy…nhưng Hào đây đã đậu vào trường đại học tổng hợp Phú Thọ nên đang còn suy nghĩ có nên đi Canada hay không.
Thế là chúng tôi sẽ là bạn đồng môn tương lai vì vào cùng đại học với tôi trong niên khóa 73, cho nên chúng tôi trao đổi một vài việc cần thiết như chuẩn bị quần áo ấm cho mùa đông, lệ phí học và cách sống mới ở Canada và hỏi thăm trò chuyện linh tinh để làm quen.
Khánh gốc miền Bắc có nước da ngâm ngâm, răng hơi khểnh, lanh lẹ ăn nói hoạt bát nhưng hơi nổ. Trong khi Hào là dân gốc Trung hơi trắng trẻo cao ráo hơn và hắn cũng cho biết là đã đậu vào đại học Phú Thọ. Sau cuộc trò chuyện ngắn ngủi chúng tôi chào nhau và hẹn gặp lại ở Montreal một ngày gần đây.
Niên học 73 bắt đầu ở đại học Montreal trên miền đất xa xôi lạnh lẽo. Ở Việt nam sinh viên thi tú tài 2 khoảng tháng 6 và có kết quả tháng 7 cho nên việc nộp đơn vào đại học bắc Mỹ vào mùa thu đã bị trễ. Chúng tôi đành phải nộp đơn cho niên khóa tháng 1 mùa đông năm sau. Nếu theo chương trình 4 năm kỹ sư thì chúng tôi sẽ ra trường vào mùa đông năm 1978. Tất cả cơ sở hãng xưởng đều tuyển nhân viên vào dịp hè. Như vậy chúng tôi sẽ ít có cơ hội để xin được việc làm vào mùa đông một khi ra trường. Để tranh thủ tình thế khó khăn tôi quyết định lấy nhiều cours hơn mọi người mỗi niên học để học rút lại 3 năm rưỡi ngành kỹ sư. Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao cuộc đời tôi lúc nào cũng kém may mắn và gấp rút. Lúc nào cũng học cấp bách nhỉ…
Tôi gặp lại Khánh đúng như dự định. Tôi hỏi sao không thấy Hào. Khánh trả lời rằng Hào quyết định ở lại học đại học tổng hợp Phú Thọ nhưng không cho biết gì hơn.
Một năm học trôi qua. Mùa hè 74 chúng tôi tản mát khắp nơi để tìm một việc hè hậu hĩnh để được trả nhiều lương hầu đủ trang trải cho niên học mới. Mùa thu 74 nhập học năm thứ 2, chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy Hào lét đét sách bao bị vào học chung trường với chúng tôi. Hào học ngành điện trong khi tôi chọn môn cơ khí.
Mùa hè 74 hầu như tất cả 300 sinh viên du học Montreal đều tham dự picnic ở Mont-Tremblant, nằm về phía bắc Montreal khoảng 80 km. Tôi và Khánh ở chung lều nên anh ta có dịp tâm sự chuyện tình cảm của anh. Số là những năm trung học hai anh chàng Pétrus Ký này đi chọc ghẹo và “cua” hai nữ sinh Trưng Vương tên Phượng và Hương. Khánh có lẽ theo Phượng đã lâu. Phượng vốn là hoa khôi của trường Trưng Vương ngày xưa. Khi Phượng sang du học Montreal về ngành Kế toán ở McGill Unversity thì có rất nhiều chàng trai theo đuổi để mong chinh phục trái tim cô hoa khôi. Cô Hương kém xinh đẹp hơn Phượng học computer cùng đại học Montreal với chúng tôi. Vì có nhiều đàn anh du học trước theo đuổi Phượng nên Khánh bị hụt hẫng nhưng anh vẫn tiếp tục theo đuổi cô Phượng. Sau mỗi mùa hè hội sinh viên Montreal đều tổ chức pic-nic hai ngày cuối tuần cuối niên học để tất cả du học sinh có dịp trao đổi tâm tình và tìm thấy cái gì đó thay thế cho nỗi buồn tha hương.
Năm thứ hai đại học bắt đầu tháng 9 năm 74, thì Hào du học sang Montreal để mong tìm lại cô bạn cũ tên Hương ngày nào. Cũng như Phượng, Hương bây giờ được các anh cao tay cua mất. Tình cảm cũ thời học sinh ở Sài gòn không còn đậm đà như xưa nữa.
Hào qua trễ hơn chúng tôi một năm nên cũng ra trường kỹ sư sau chúng tôi một năm. Riêng Khánh lúc nào cũng bền chí theo đuổi Phượng mặc dù lúc ấy cô Phượng được xem như giai nhân đẹp nhất Montreal. Chúng tôi nghĩ đấy chỉ là tình yêu một chiều, làm sao Khánh có thể dành lại được trái tim Phượng so với các anh học cao hơn. Vì thế việc học của Khánh cũng bị ảnh hưởng và chia sẽ phần nào. Mùa hè 77 chúng tôi đều ra trường và đi làm để sinh nhai, nhưng Khánh vẫn vất vả còn ngồi lại năm thứ ba. Hơn một năm sau thì Khánh và Hào đều ra trường. Rồi Khánh cũng biệt tăm từ đó.
Khi tình cờ gặp lại Hào trong buổi lễ ra trường năm 78, nhìn vẻ mặt âu sầu xanh xao và bộ dạng thảm não của anh chúng tôi hiểu được phần nào tâm trạng thất tình vì cô bạn gái cũ bỏ rơi. Hào không chia sẻ nhiều về việc Hương bỏ rơi vì anh không muốn khơi lại nỗi buồn luôn ám ảnh anh. Tính tình quá yếu đuối vì tình phụ nên Hào có ý chí rất kém cỏi khi đi tìm việc làm. Thời chúng tôi vì học trung học ở VN nên qua đây tiếng Anh tiếng Pháp không phải là tiếng mẹ đẻ, nên khi đi tìm việc càng khó khăn hơn dân địa phương. Khánh cũng bặt tin từ khi ra trường vì mọi người đều tản mát khắp nơi để tìm một việc làm kế sinh nhai nhất là sau biến cố 75. Tất cả sinh viên du học chúng tôi đều mất liên lạc với gia đình. Đời sống trở nên khó khăn và chật vật. Sinh viên du học tìm đủ mọi cách để sinh tồn và cố gắng hoàn tất hai năm cuối cùng. Có người bận bịu lo bảo lãnh gia đình, có người lập gia đình để tìm niềm vui mới, có người move qua Mỹ tìm việc, v.v… Chúng tôi ít có cơ hội găp nhau như thuở học đại học.
Ba năm sau tình cờ tôi gặp lại Hào trong một tiệc đám cưới của một bạn đồng môn. Hào cho biết sau khi ra trường anh phải sang tận New-Jersey nhận làm việc tạm nhưng mà là một việc dưới khả năng của anh như technician chứ không phải là job kỹ sư. Sau hai năm ở New-Jersey Hào bị mất việc, anh trở lại Montreal để tìm việc khác và đang ăn thất nghiệp.
Mười năm sau tôi chuyển sở làm việc ở down town Montreal. Một buổi trưa sau khi ăn xong tôi tản bộ vào shopping The Bay, loay hoay ở gian hàng TV và điện tử. Ngạc nhiên khi thấy từ xa xa dáng một người quen quen. Đến gần nhìn mang máng thì giống Hào với dáng bộ thiểu não, quần áo bề bộn, sắc mặt không còn phong độ nam nhi gì cả.
- Anh là Hào phải không?
- Phải.
- Sao cha ra nông nỗi nầy vậy?
- Hương đã bỏ tao từ lâu, cô ấy từ chối tình cảm của tao và từ đó tao cảm thấy cuộc đời nầy vô nghĩa quá. Tao bỏ gia đình êm ấm bên Việt Nam qua đây du học tưởng sẽ được sum họp lại với bạn gái, nào ngờ cô ấy hắt hủi tao và theo bạn mới. Đời chó má thật!
- Thôi quên cô ấy đi Hào. Cha phải lo cho tương lai mình nữa chứ. Cố mà còn lo tìm một việc làm để kiếm sống nữa chứ. Đừng quên là cha mẹ đặt nhiều niềm tin ở cha và chắc cũng đang trông ngóng tin vui của con ở Việt Nam đấy nhé.
Hào mất đi phong độ cho nên chuyện tìm một công việc kỹ sư trở nên quá khó khăn với Hào. Bây giờ anh sống lê lết ở Montreal không nhà không cửa như người vô gia cư và ăn trợ cấp xã hội (welfare) để sống. Tôi hỏi tin tức về Khánh và Phượng thì Hào cho biết cô Phượng làm cao giá quá độ những năm đầu, rốt cuộc rồi anh chàng nào cũng tránh xa. Sau hơn 10 năm kiên nhẫn theo đuổi, cuối cùng rồi Khánh tiếp nối lại được với Phượng và bây giờ họ đã nên vợ nên chồng.
Vài năm sau chính phủ Canada liên lạc lại với VN năm 1988. Đầu năm 89 tôi về thăm gia đình lần đầu tiên …
Trong lúc tôi ở VN thì Hào có điện thoại đến nhà tôi. Bà xã tôi cầm ống nghe vừa sợ vì không biết tên bất lương nào có lẽ gọi lầm số chăng. Hắn hỏi “ xin cho nói chuyện với ông N.H Phúc”. Bà xã tôi hỏi “xin lỗi ông là ai?”. Hắn trả lời là “Hào đây tôi muốn nói chuyện với ông N.H.Phúc”. Bà xã tôi sợ quá đành kiếm cách từ chối để chấm dứt cuộc hội thoại với giọng nói quái gỡ ấy.
Khi trở lại Canada bà xã tôi tường trình như thế. Tôi hỏi bà xã là hắn có để lại số phone để tôi liên lạc xem giúp đỡ được gì cho hắn chăng. Bà xã tôi trả lời rằng hắn có nhà cửa đâu mà có số phone.
Mỗi khi có dịp gặp lại bạn bè đại học ngày xưa tôi đều kể lại chuyện tôi biết về Hào. Bây giờ hắn sống chả ra sống, chết chả ra chết. Bố mẹ nó vẫn còn ở lại bên kia bờ Đại Dương vào những năm 80 - 90 nghĩ chắc rất hãnh diện về đứa con xuất sắc của trường Pétrus Ký nổi tiếng ngày xưa đi du học và thành tài ở Canada, sẽ không ngờ rằng bây giờ nó đang lang thang vô gia cư, sống lây lất trên lề đường hay trên vĩa hè nơi xứ người chỉ vì một mối tình học trò tan vỡ. Tôi đề nghị các bạn nếu ai có dịp gặp lại Hào thì xin số điện thoại hay địa chỉ và báo cho các bạn khác cùng biết để giúp đỡ mua cái vé máy bay cho hắn về VN đoàn tụ với gia đình. Hi vọng cuộc sống của nó sẽ khá hơn khi sống với bố mẹ hắn...
Trên đời này, nghĩ lại cuộc đời đấng mày râu mất ý chí nam nhi, bị hỏng đi chỉ vì một tình yêu nữ sinh có đáng cho chúng ta một bài học đời để khuyên nhủ con cháu chúng ta sau này chăng …
Mùa xuân 2012