Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.


Ông  tôi gốc Triều Châu, di dân đến Sóc Trăng vào đầu thế kỷ thứ 20 lúc mới hơn 20 tuổi. Thoạt đầu, ông làm công cho mấy chủ chành thâu mua lúa gạo. Sau khi kết hôn với bà Nội tôi, ông cùng người em cột chèo rủ nhau  đi khai khẩn đất hoang ở vùng đất bên bờ sông Mỹ Thanh và định cư luôn ở đó mà nay là ấp Giầy Lăng, xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Theo lời Má tôi kể lại vào năm 1946 lúc tôi vừa được hai tháng tuổi thì xảy ra tình trạng người Khmer quá nghèo khổ nổi lên cướp của giết người tại quê tôi. Gia đình tôi tản cư qua Tổng Cáng nằm bên kia bờ sông Mỹ Thanh và cách quê tôi khoảng  4km để lánh nạn. Mới tá túc được chừng 10 ngày thì loạn lạc lại nổi lên tại nơi đây. Đợt cướp bóc, chém giết này có mấy người bà con bên nội tôi bị giết. Lúc đó Má tôi ẳm tôi trốn dưới mương và nhờ có bụi cây che bên trên nên bọn họ tìm không ra mà may mắn thoát chết. Thấy tình hình ở quê quá bất an, Ba Má tôi quyết định dọn ra chợ Bãi Xàu sinh sống. Ba tôi sang được một cửa tiệm bán hàng xén tại dốc cầu Chà Và. Cuộc sống gia đình tôi đi dần vào ổn định nơi phố thị và lúc này Ba tôi mới chợt nhớ là chưa làm khai sinh cho tôi. Lúc đó là năm 1948, Ba tôi đến Hội đồng Xã xin làm khai sinh cho tôi. Theo qui định thì chỉ được làm khai sinh cho đứa trẻ mới sinh ra. Nhưng do quen biết nên viên chức hộ tịch đã làm khai sinh cho tôi, nhưng không thể đi ngược thời gian ghi tôi sinh năm 1946 như Ba tôi yêu cầu và như vậy là tôi bị nhỏ đi hai tuổi vô tình làm ảnh hưởng đến việc học của tôi sau này! Ba tôi muốn khai tên tôi là Hồ Quốc Thái nhưng vì viên hộ tịch không biết dịch ra tiếng Hán Việt nên phát âm tiếng Triều Châu là Cóc Thại. Viên hộ tịch thấy chữ  cóc hơi kỳ nên đề nghị chỉ giữ hai chữ Hồ Thại thôi. Hai em kế tôi sanh đôi được đặt tên là Hồ Quang Văn và Hồ Quang Võ. Rồi người em kế nữa tên là Hồ Quang Cua. Chữ  Cua trong tiếng Triều Châu có nghĩa là ông “quan” (mandarin) nhưng lại gặp viên chức hộ tịch dốt tiếng Hán Việt. Như vậy, tên mà Ba tôi muốn đặt nếu phiên ra tiếng Hán Việt là Hồ Quang Quan. Vì tên Cua nên em tôi thường bị bạn bè và đồng nghiệp trêu chọc. Em út tên Hồ Quốc Lực, chắc có may mắn hơn!

Thời gian lặng lẽ trôi qua thì một biến cố trọng đại khác lại xảy ra cho gia đình tôi. Năm 1951 phong trào Việt Minh ngày càng lớn mạnh. Để đàn áp Việt Minh, người Pháp buộc phải tăng quân số. Để tránh bị bắt lính, Ba tôi nhanh chóng sang lại cửa tiệm và dọn trở về quê cũ. Quê tôi là vùng căn cứ của Việt Minh nên tôi thường thấy bộ đội Việt Minh ghé qua. Thường chỉ khoảng 50 đến 70 người và không mặc quân phục. Trong toán quân đi qua lúc nào cũng có vài người lính Tây hay người Bắc Phi râu sồm soàm đi ở cuối đoàn quân. Theo được kể lại, họ là những người thuộc lính Pháp bị Việt Minh bắt được và tình nguyện theo Việt Minh.  Họ vẫn còn mặc quân phục Pháp nhưng bạc màu, còn quần thì từ đầu gối trở xuống bị rách mất và nhuộm màu phèn vàng đỏ. Thường thì đoàn quân chỉ ghé lại trong ấp vài hôm. Chỉ khi cần đánh đồn Tây thì họ ở lại lâu hơn để dưỡng quân và lên kế hoạch hành động. Năm 1952 là năm Nhâm Thìn cách nay đúng 60 năm cũng là năm tôi bắt đầu đi học. Thầy giáo là quân Việt Minh từ Bến Tre xuống nằm vùng! Tôi còn nhớ vào đầu năm 1954, có thời kỳ lính Tây đi bố quá gắt và để bảo đảm an toàn cho học sinh, lớp học phải dời lên chùa người Khmer ở Tà Teo. Vì người Khmer ít theo theo Việt Minh nên khi đi bố, lính Tây thường không vào  vùng người Khmer mà chỉ tập trung ở các làng đông người Việt. Cũng nhờ vậy mà tôi đã học được một ít tiếng Khmer! Sau năm 1954 Việt Minh rút, thầy đi, Ba Má tôi gởi tôi ra chợ Vĩnh Châu trọ học ở nhà người Cô.

Thoạt đầu, Ba tôi cho tôi học trường Tàu tên là Bồi Thanh rồi lại sang trường Việt học lớp tư và sau đó tôi bị bịnh đậu mùa rồi nghỉ học và trở về quê. Hơn một năm sau, Má tôi dẫn tôi đến ông hiệu trưởng trường tiểu học Vĩnh Châu xin cho tôi học. Ông hiệu trưởng tên là Trần Huyến và vợ ông có bà con với Má tôi. Ông hỏi Má tôi rằng tôi mấy tuổi và đòi khai sinh của tôi nhưng Má tôi nói không mang theo và ông dặn khi nào có thì đem nộp cho văn phòng.  Má tôi nói tôi sinh năm 1946 và sau khi sát hạch, ông xếp cho tôi học lớp ba với thầy Mạnh. Thầy Mạnh lúc đó khoảng 50 tuổi, đầu hớt cua, tướng như dân lao động và nổi tiếng dữ. Ông ném bất cứ thứ gì có trên bàn của ông vào các học trò đang nói chuyện bên dưới và hình phạt như quì gối xơ mít hoặc đứng một chân, hai tay dang ra sau bảng đen. Tuy vậy vẫn có nhiều trò không ngán! Riêng thầy hiệu trưởng Trần Huyến có gốc gác người Triều Châu, sau chuyển về làm hiệu trưởng trường tiểu học Mỹ Xuyên (Bãi Xàu), rồi thăng chức thanh tra tiểu học Ba Xuyên và ông bị bịnh mất lúc mới 50 tuổi! Xin thắp một nén hương lòng đến thầy Trần Huyến!

Học xong lớp ba tôi phải nghỉ học một năm mới được học lớp nhì vì khai sinh không đủ tuổi. Ở hai lớp nhì và nhất đều gặp thầy giáo trẻ nên rất tử tế với học trò. Tôi không còn nhớ tên thầy dạy lớp nhì nhưng chỉ nhớ tướng ông ốm yếu nhưng thích đá banh. Ông là tuyển thủ của đội quận và có một lần bị gảy chân trong một trận thi đấu và phải nghỉ dạy hơn một tháng . Riêng thầy dạy lớp nhất tên là Hoàng Công Khanh. Thầy tốt nghiệp sư phạm nhưng thích đi diễn kịch hơn dạy học. Nghe nói sau này thầy bỏ nghề để tham gia ban kịch tỉnh Bạc Liêu.

Ngày đó quận Vĩnh Châu thuộc tỉnh Bạc Liêu nên có nhiều học sinh xong lớp nhất lên Bạc Liêu học trung học. Riêng tôi có người cô ở Bãi Xàu nên tôi thi vô trường Hoàng Diệu ở Sóc Trăng để học. Tôi nhớ năm đệ thất ngày học hai buổi và tôi đạp xe đạp từ Bãi Xàu qua Sóc Trăng ngày hai lần.  Hồi đó, cứ hai ngày tôi phải đến công xi rượu Bãi Xàu để mua một gánh hèm cho cô tôi nuôi heo. Theo lịch 12 giờ 30 là phát hèm . Do đó, bữa nào phải đi mua hèm là ngay sau khi đi học buổi sáng về, tôi phải gánh đôi thùng không đến nơi phát hèm để giữ chỗ. Lần nào hèm ra trễ hoặc thùng bị sắp quá xa là phải trễ học hoặc cố đạp xe hết hơi mới kịp giờ học.

May mắn là sang năm lớp đệ lục, bác tôi từ quê dọn ra Sóc Trăng nên tôi chuyển sang ở trọ nhà bác  để tiện việc học. Nhà bác tôi nằm trên đường Nguyễn Huệ thuộc xóm Lò Heo cũ và cũng không xa nhà thầy Tô Quốc. Nếu lấy Lò Heo cũ làm gốc, đi thêm 50m là đến nhà thầy Tô Quốc, thêm khoảng 100m nữa là đến nhà bác tôi, rồi thêm khoảng 100m nữa là chùa Đại Giác cuối đường Nguyễn Huệ. Vì nhà cùng đường và gần nhau nên mỗi khi đi học hay đi học về, tôi thường gặp thầy Tô Quốc. Do đó, tôi thân tình với thầy Tô Quốc nhất so với các thầy khác. Theo tôi nhớ, năm tôi học lớp đệ lục thầy Tô Quốc vừa được phân công về trường Hoàng Diệu và phụ trách môn dạy viết chữ Hán. Thầy viết bằng tay trái vì bàn tay phải của thầy bi tật bẩm sinh và thầy luôn luôn đút trong túi quần. Thầy viết chữ Hán rất đẹp vì Thầy đã tốt nghiệp sơ trung ở trường Dục Anh Sóc Trăng.

Tôi cũng nhớ là khi lên lớp đệ tứ thầy Tô Quốc dạy môn Việt Văn; còn môn này ở các lớp đệ lục và ngũ do các thầy Lê Kim Tiết Tháo và Trần Phương đảm trách. Thầy Tô Quốc mất năm 1968. Xin thắp một nén hương lòng đến thầy Tô Quốc! Tôi còn nhớ là học môn Anh Văn lớp đệ thất với cô Lý Hồng Mộng, lớp đệ lục với thầy Cường, lớp đệ ngũ với thầy Hồng và ở lớp đệ nhất với thầy Xuân. Toán lớp đệ nhất do thầy Bình dạy và môn Vật lý do thầy Lâm Ngọc Linh phụ trách. Thời đó môn Vật lý có bài Âm học mà sau này đã bỏ. Trong bài Âm học có những tỷ số khó nhớ và rất cần khi làm toán nhưng khi thi không được lật sách để tham khảo.  Do đó, thầy Linh đã cho một bài vè để nhớ những tỷ số này:

Tám chín năm xưa Tư hởi Tư

Ba mầy, Ba nó cả hai tù

Năm ba bạn hữu vào thăm  hỏi

Thuở ấy trăng rằm tháng tám lu

Bài thơ tuy nói lên toàn những con số nhưng vẫn có ý nghĩa đầy đủ!

Vạn vật vô thường, có sinh có diệt, có hợp có tan và không có gì trường tồn mãi trong cõi trần này. Ngôi trường tiểu học Vĩnh Châu với những kỷ niệm thời thơ ấu do nằm ở vị trí “đắc địa” nên nhanh chóng bị dời đi sau 75 để nhường chỗ cho nhưng ngôi nhà cao tầng, phố xá; trường Hoàng Diệu với những dảy nhà trệt khiêm tốn năm nào, nay đã hoàn toàn lột xác để trở thành những dảy lầu khang trang hầu đáp ứng số học sinh ngày càng gia tăng. Hình ảnh những ngôi trường thân thương ngày xưa nay đã bị xoá mất và chỉ còn trong ký ức mà thôi! Thầy Cô, bạn bè cũ người còn người mất, tản lạc khắp bốn phương trời. Xin thắp nén hương lòng đến những người đã khuất và cầu chúc những người còn sống luôn được vui tươi hạnh phúc và an khang trường thọ!

Hồ Thại (Úc châu)
CHS HD KHÓA 3(59-66)

                                                                                                                                                           


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 5 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật