Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.

Ghi chép

 

          Những ngày cuối tháng 07/2012 này, thấy con cháu và những người chung quanh bận rộn với việc chọn trường, lớp, thầy cô, tôi chợt nhớ ngày xưa đi học sao mà cực quá. Bây giờ chắc các bạn trẻ không thể hiểu được 5 năm tiểu học lứa tuổi tôi phải chuyển trường 5 lần, dù chúng tôi ở tại chợ Sóc Trăng, chủ yếu là do thiếu trường lớp, thiếu thầy cô giáo và trường nam trường nữ riêng.

Tôi bắt đầu đi học niên khóa 1951-1952 vào lớp 5 (tức lớp 1 bây giờ) với cô Sáu. Đến nay tôi cũng chưa từng biết nguyên họ tên của cô, chỉ nhớ cô có dáng người hơi mập mạp không cao, da hơi sậm, bới tóc, nụ cười có lúm đồng tiền, hầu như không đánh học trò dù khi dạy luôn có cây thước trong tay. Lớp tôi học ở dãy trường lợp lá, vách lá, không có cửa sổ, phân nửa vách trên có khung nẹp lá được bung nghiêng ra, khi mưa tạt thì sụp xuống. Dãy lớp lá nằm trong khuôn viên Trường nữ tỉnh lỵ (sau là Trường phường 3 nay thành công viên góc đường Trần Hưng Đạo - Lê Hồng Phong), song song với hàng rào ngăn cách khu nhà cạnh bên nay là khách sạn Khánh Hưng.

Năm sau 1952-1953 tôi lên lớp tư (lớp 2 bây giờ) được học ở dãy nhà ngói, tường gạch, nền cao, thẳng góc với dãy lớp lá kể trên. Dãy lớp học này khá dài, đầu dãy có nhà lầu là phòng làm việc của ông Hiệu trưởng và văn phòng (ở ngay góc Trần Hưng Đạo - Lê Hồng Phong). Lớp đầu tiên của dãy này là lớp tiếp liên, ngoài hành lang có treo cái trống lớn và ông lao công đánh trống báo hiệu giờ học, ra chơi, tan trường… Lớp tiếp liên thời ấy dành cho học trò đã thi đậu tiểu học mà chưa có điều kiện đi học trung học. Vài tháng đầu tôi học với thầy Tài có cái mũi đo đỏ, sau đó cả lớp chuyển sang trường Huấn luyện học với thầy Kiếm đẹp trai vui tính. Thầy là một trong số rất ít người có xe Vespa (thời ấy quen gọi là ếch bà) ở tỉnh Sóc Trăng này. Trường Huấn luyện nằm trong khu vực Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng hiện nay. Tôi chỉ nhớ dãy lớp lá nắng dọi, mưa dột, nền gạch tàu đen xỉn vì sân trường lầy lội, học trò đi chân không mang theo bùn sình vào lớp. Cập theo mặt tiền đường từ đầu đường Trương Công Định đến khoảng sân quần vợt của Biên phòng bây giờ có một dãy nhà gạch lợp ngói nền cao là nơi làm việc của mấy ông Hiến binh đội nón đỏ (xưa quen gọi là cò đầu đỏ).

Năm học 1953-1954, tôi lên lớp ba lại chuyển trường về học ở đình Năm Ông. Trường có một dãy lớp lá nằm trong khuôn viên sân đình, song song với dãy nhà thiếc mới cất quay mặt ra lộ Đại Ngãi, được ngăn cách bằng một bức tường rào xây gạch. Đầu dãy phòng học là cây đa gốc rất to bị mé nhánh lớn chỉ mới đâm lên những nhánh nhỏ um tùm, có tổ ong vò vẽ nên ít học trò dám lại gần. Sân đình thời ấy rất rộng, không có các dãy nhà xung quanh nên chúng tôi mặc sức chạy nhảy, chơi banh bát, táng u, đá lon cứu bồ...

Ở năm lớp ba này chúng tôi được học với cô Nương (hiện cô trên 80 tuổi, nhà ở đường Hùng Vương, phường 6), cô có dáng người thanh mảnh, nụ cười tươi, biết đánh đàn măng đô, đi dạy bằng xe môbilết, thời ấy như vậy là rất hiện đại.

Lớp học của chúng tôi lại không nằm trong dãy lớp lá vì dãy này dành cho các em trai lớp năm, lớp tư. Hai lớp ba (lớp kia do thầy Tăng dạy) được ngăn ra ở phần sau của các bệ thờ ngay trong ngôi đình. Chúng tôi ra vào lớp bằng 2 cửa hai bên hông đình. Thầy cô cấm học trò vào chỗ thờ thần, nhưng chúng tôi thường lén vào xem mặt các vị, rờ mó hai hàng vũ khí... lúc thầy cô chưa đến.

Tôi học lớp nhì (lớp 4) với thầy Lương, năm 1954-1955, lại chuyển trường. Lớp lần này nằm trong dãy lợp tôn của trường trung học bán công Phụ huynh học sinh (PHHS), nằm cập đường Mạc Đĩnh Chi ngang Chùa Tịnh Độ; phần của tiểu học chỉ có 3 lớp được ngăn từ dãy trên bằng miếng vách ván ở hành lang. Thầy cấm học trò tiểu học đi qua phía trung học, nhưng ngoài sân cỏ thì tha hồ. Lúc này chúng tôi đã bắt đầu học tiếng Pháp và thầy Lương thường dùng từ “Cochon” để chửi học trò. Thời ấy chúng tôi bị bạt tay, ăn roi mây là chuyện thường ngày. Vào lớp mà tóc tai rối bù, mặt mày đỏ gay, mồ hôi ướt áo do chạy giỡn là coi chừng bị đòn. (Có điều, bây giờ ngồi nhớ lại, cũng như những lần gặp gỡ bạn bè xưa nhắc chuyện cũ, không một ai trong lứa chúng tôi có ý giận hờn thầy cô đã đánh mình thuở ấy. Có người còn cho rằng bị đòn là đúng không oan uổng chút nào, vì hồi ấy tụi mình cũng phá phách dữ lắm mà thầy cô thì rất nghiêm và rất xứng đáng thay thế các bậc cha mẹ để dạy dỗ mình nên người).

Tôi còn nhớ vào thời điểm này đã có dãy trường còn rất mới, nền cao, tường gạch, nóc bằng, lót gạch bông dành cho học trò lớp nhất. Đó là dãy nóc bằng của trường Hoàng Diệu sau này, nằm sau dãy nhà đường Đồng Khởi ngày nay. Học trò lớp nhất phải mang guốc, dép chứ không như bọn học trò lớp nhì chúng tôi hầu hết đều đi chân không.

Năm học sau 1955-1956, tôi lên lớp nhất (lớp 5 bây giờ), được học dãy nóc bằng với thầy Triển, người miền Bắc. Lớp tôi là lớp nhất F nên nằm ở cuối dãy, vì lớp nhất A của thầy Lang nằm ở đầu dãy phía đường Nguyễn Đình Chiểu. Thầy Triển cũng như các thầy cô thời ấy cũng dùng roi mây, thầy lại ưa dùng từ “chúng mầy” theo giọng Bắc để gọi học trò nên chúng tôi cũng bắt chước gọi học trò lớp khác bằng “chúng mầy” và xưng “chúng ông”, nên có khi xảy ra cãi vã đánh nhau, bị đòn. Tôi còn nhớ lớp nhất E của thầy Tô Sến ở cạnh, thầy ốm yếu mà quất roi nào cũng đau điếng. Thuở ấy học trò lớp này cũng bị thầy lớp khác đánh đòn khi có sai phạm. Lên lớp nhất chúng tôi mới bắt đầu đi guốc, dép, giầy... vào lớp phải để lại ngoài cửa vì nền gạch bông sạch bóng. Lớp chia 6 tổ, mỗi tổ trực một ngày, quét và lau mỗi sáng chiều trước giờ học. Lúc bấy giờ sân trường rộng mênh mông, hàng rào tạm bợ. Mặt trước là dãy trường trung học bán công PHHS có cổng riêng, phía dãy mái bằng của tiểu học có cổng riêng, học trò trường nào đi theo trường đó không lẫn lộn.

Năm 1956 chúng tôi bắt đầu được hưởng chế độ miễn thi tiểu học nếu có đủ điểm trung bình của 2 năm lớp nhì và lớp nhất, được cấp giấy chứng nhận để lên trung học, nhiều năm sau mới được lãnh bằng tiểu học. Thời ấy các bạn không đủ điểm trung bình phải ở lại từ lớp nhì, lên lớp nhất nếu không đủ điểm trung bình thì phải thi lại.

Có điều đáng lưu ý là thời ấy ngay từ tiểu học đã phân chia trường, lớp nam nữ riêng biệt. Các bạn nữ cùng lứa chúng tôi không phải chuyển trường vì đã có Trường nữ tỉnh lỵ dành riêng.

Cho đến hè 1956, khu vực trường trung học bán công PHHS và trường tiểu học chỉ có 2 dãy như thế cùng sân cỏ hoang mênh mông, phía miễu Bà Hỏa còn hoang sơ, sình lầy, cái miễu cũng nhỏ xíu.

Năm học 1956-1957, tôi vào học lớp đệ thất (lớp 6) trường tư thục Trần Văn vì lúc này chưa có trường trung học công lập. Năm học sau (1957-1958) trường trung học công lập Khánh Hưng khai giảng khoá đầu tiên vào 01-10-1957, trễ hơn các trường khác cả tháng. Mãi đến năm 1961-1962 tôi mới vào học lớp đệ tam (lớp 10) và trường cũng vừa được đổi tên thành Trường trung học Hoàng Diệu. Đó là 3 lớp đệ tam đầu tiên của trường và cũng là của cả tỉnh Ba Xuyên thời ấy. Những mái trường đầu tiên của tôi đã trôi qua 50-60 năm trong ký ức, nhưng những ấn tượng kể trên vẫn được lưu giữ như những kỷ niệm đẹp nhất trong suốt cả cuộc đời tôi.

Ghi thêm:

Chiều ngày 21/07/2012 tôi có gặp chị Dương Quý Lang, được chị cho biết thêm:

“Chị học lớp tiếp liên năm 1951-1952, đến năm 1952-1953 mới có lớp đệ thất (lớp 6) đầu tiên của trường bán công PHHS. Trường chưa có Ban giám hiệu mà chỉ có Ban sáng lập kiêm luôn giảng dạy gồm các ông : Mai Văn Kiêm (Thanh tra tiểu học), Võ Văn Hơn (Ty trước bạ), Dương Văn Quý (Ty công chánh), Nguyễn Gia Tiêu (Ty kiến thiết), do ông Kiêm là Trưởng ban. Trường chưa có cơ sở mà phải mượn tạm lớp của trường Huấn luyện rồi đình Năm Ông trong các năm 1952-1953-1954.

Mãi đến năm học 1954-1955 trường bán công PHHS mới có cơ sở chính thức là dãy nhà thiếc đầu tiên cập đường Mạc Đĩnh Chi ngày nay. Cũng từ năm học 1954-1955 trường mới chính thức có hiệu trưởng là ông Phạm Công Bình. Năm sau 1956, chị đậu trung học đệ nhất cấp và sau đó lên Sài Gòn tiếp tục học. Anh Từ Văn Bé (anh em bạn dì ruột của chị) học ở trường Trần Văn cũng thi đậu vào năm này.”

Chị Dương Quý Lang và anh Từ Văn Bé đều có dạy ở trường công lập Hoàng Diệu nhiều năm từ trước 1975.

 

                                                                               Sóc Trăng, 22/07/2012

                                                                             Lưu Quốc Bình

                                                                              (CHS HD KHÓA 1)


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 3 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật