Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.



Trường Hoàng Diệu đã qua 4 lần họp mặt cô thầy trò cũ từ sau 75. Những người có mặt xuyên suốt những lần họp mặt qua không nhiều. Sự ghi nhận dưới đây như là thông tin bổ ích tới cô thầy bạn cũ chưa có dịp về dự họp mặt hoặc dự họp mặt không liên tục. Qua đó, chúng ta biết về sự hình thành và phát triển hoạt động này cũng như nỗ lực của người trong cuộc như thế nào.

Lần họp mặt đầu tiên diễn ra năm 1989. Lúc đó trường Hoàng Diệu còn rất nhiều khó khăn. Khó về cơ sở vật chất, khó về chất lượng dạy và học. Thầy Quốc Việt về đảm nhận nhiệm vụ hiệu trưởng từ năm 1984. Từ lúc này, chất lượng dạy và học từng bước cải thiện, kỷ cương sớm tái lập, hoạt động nhà trường khởi sắc, tạo nền cho một giai đoạn phục hồi. Thầy đã có ý tưởng tổ chức ngày họp mặt nói trên. Thời điểm đó trường chưa có hội trường đúng nghĩa, lớp học đều cũ kỹ và dột nhiều. Để có chỗ họp mặt, thầy cho phá vách một dãy nhà để có chỗ rộng hơn. Nền nhà còn nhấp nhô đất vì không có tiền tráng xi măng. Cô Kim Anh xung phong may tấm màn trắng và dán chữ màu làm tấm phông cho buổi họp mặt. Chưa có điều kiện, chưa mời được nhiều thầy cô cũ, nhất là thầy cô ở xa đành chịu. Chỉ mời được thầy Hoàng Việt Sơn từ Cần Thơ. Học trò cũ đầu đàn có anh Bình, chị Mỹ Ngọc… Vậy mà cũng có gần 200 người dự, ngồi quanh các bàn tròn thuê từ bên ngoài. Sau đó có đãi ăn do tiệm Đại Hưng nấu và đem vô. Lúc bấy giờ chị Kim Anh đang là hiệu phó và làm MC chương trình họp mặt. Thầy hiệu trưởng Quốc Việt nay đã mất. Thầy chưa gắn bó với trường Hoàng Diệu lâu dài nhưng thầy có tầm nhìn sâu xa, tạo tiền đề, nền tảng cho những lần họp tương tự diễn ra sau này.

Họp mặt lần thứ II năm 1994. Cũng nói thêm cô Kim Anh đã đảm nhận chức hiệu trưởng nhà trường sau khi diễn ra họp mặt lần thứ I vì thầy Quốc Việt đã chuyển nhiệm sở. Là người có thâm niên trong nghề, cô Kim Anh giảng dạy từ năm 76 ở Thạnh Trị và năm 81 chuyển về trường Hoàng Diệu, nên cô đã sớm rút kinh nghiệm chuẩn bị cho lần họp mặt thứ II tươm tất hơn. Lần này buổi họp mặt được tổ chức ngoài sân trường. Có ban tiếp tân, thầy cô về dự đông hơn, học trò cũ cũng đông hơn. Lần đầu thầy cựu hiệu trưởng Lê Xuân Vịnh và Lâm Cộng Hưởng cùng tham dự. Còn có thầy Phạm Văn Phái, thầy Hoàng Việt Sơn, thầy Nguyễn Văn Phú, thầy Huỳnh Vĩnh Trung, thầy Cấn Phan Nhiếp, thấy Mai Thành Lân... Học trò cũ ngoài các khóa đầu đàn, có thêm khóa 65, 66, 67, 68, 69, 70… Có khoảng 400 cô thầy bạn cũ về dự. Lần đầu tiên ra mắt Đặc san, tuy chỉ in đen trắng nhưng trong đó kết tinh sự nỗ lực rất nhiều của ban tổ chức, bởi lúc đó thông tin liên lạc cũng chưa dễ dàng. Ông Hoàng Dũng, cháu nhiều đời Tổng đốc Hoàng Diệu đang sinh sống ở Long Phú tìm về trường để kết nối mối quan hệ. Nhà trường khởi đầu tìm tư liệu viết lịch sử nhà trường. Phần này do thầy Phan Quang An, hiệu phó, đảm trách.

Họp mặt lần thứ III diễn ra năm 1999. Lần này cuộc họp mặt kéo dài cả ngày. Các bạn cũ, xếp theo lớp cũ, tìm về dấu xưa là các phòng học cũ, tìm tên mình trong nét khắc đâu đó trên bàn học! Lần này có nhiều thầy cô bạn cũ hơn, cựu học sinh từ nhiều khóa học hơn. Ngoài sự có mặt các Ban giám hiệu từ sau 75, về dự có thầy Lê Xuân Vịnh, Lê Kim Tiết Tháo… Có hơn 500 người vui chung ngày họp mặt. Đặc san in màu, tuy còn mỏng vì chưa nhiều cựu học sinh biết được thông tin, chưa sốt sắng tham gia viết bài nhưng đã có một sự tiến bộ mạnh về hình thức.

Họp mặt lần thứ IV diễn ra không như kế hoạch năm 2004 do thời điểm này trường Hoàng Diệu phá bỏ gần như toàn bộ cơ sở cũ đang xuống cấp nặng nề. Việc xây mới nhà trường không mô phỏng theo kiểu dáng cũ, cho nên gần như thay đổi toàn bộ bộ mặt trường, chỉ duy nhất cái cổng còn phảng phất dấu xưa. Do vậy, ngày họp mặt dời qua năm 2007 khi nhà trường đã được xây dựng mới xong, cũng là năm nhân kỷ niệm 50 năm trường khai giảng khóa học đầu tiên. Thời điểm này cô Kim Anh vừa nghỉ hưu, nhưng cô đảm trách chức Trưởng ban liên lạc cựu học sinh nên việc tổ chức họp mặt cô vẫn phải chủ động và kết hợp với Ban giám hiệu nhà trường. Vai trò Ban liên lạc cựu học sinh chỉ thể hiện rõ nét từ lần tổ chức họp mặt này. Tuy cô Kim Anh phải đang điều trị bệnh, nhưng với sự nhiệt tình của nhiều cựu học sinh, buổi họp mặt diễn ra rất đạt yêu cầu. Lần này tổ chức khá qui củ. Thầy cô ở xa được đón về sớm. Đó là thầy Vịnh, thầy Tháo, thầy Tráng, thầy An, thầy Nhiều, thầy Thiên, thầy Tâm, thầy Hiến, thầy Sơn, thầy Lân, thầy Bá… Đêm hôm đó là buổi giao lưu cô thầy cũ đang ở xa và số thầy còn đang sinh sống trong nội thị. Sáng hôm khai mạc, xe đưa thầy cô về trường dự lễ. Học sinh cũ về khá đông, cộng với học sinh đang học có cả ngàn người. Lần này có học sinh từ khá nhiều khóa học và có cả sự tài trợ của cựu học sinh đang ở ngoài nước. Đặc san lần này đẹp nhất so trước đó. Cũng từ giai đoạn này, các cựu học sinh HD ở ngoài nước cũng bắt đầu thành lập các hội cựu học sinh, khởi đầu ở Cali. Nhóm cựu học sinh đang sinh sống trên Sài Gòn cũng lập riêng ban đại diện cho mình và hàng năm tổ chức họp mặt khá sôi nổi, thu hút nhiều cô thầy bạn cũ tham dự. Ban liên lạc Sóc Trăng đều có cử nhóm tham dự họp mặt trên Sài Gòn hàng năm theo lời mời. Qua đó cũng rút kinh nghiệm cho việc tổ chức họp mặt ở từng khóa học. Các khóa học 57, 59, 64, 65, 66, 67, 68, 69, 70, 71 cũng thường xuyên có họp mặt riêng trong nội thị Sóc Trăng, mạnh nhất từ giai đoạn này.

Họp mặt lần thứ V diễn ra ngày 23/9/2012. Ban liên lạc cựu học sinh có sự thay đổi. Cô Kim Anh, do sức khỏe, giao chức Trưởng ban cho Hồ Quốc Lực. Hồ Quốc Lực khóa 68, là học sinh giỏi ngày xưa, đang điều hành một doanh nghiệp khá lớn, nên có kinh nghiệm trong tổ chức cũng như khả năng tìm nguồn kinh phí trang trải cho ngày hội trường cũng như hoạt động của Ban liên lạc. Lần này, lần đầu tiên, cố gắng tìm và mời hết các cô thầy cũ về dự để buổi họp mặt thêm phần ấm cúng. Sự phối hợp với Ban đại diện các khóa học cũng khá chặt chẽ để mong có thật nhiều cựu học sinh về dự, ấm lòng cô thầy, sáng danh truyền thống tôn sư trọng đạo. Lần đầu tiên Ban liên lạc ra mắt trang Web có tên hoangdieusoctrang.com và đặc san sẽ hết sức phong phú về nội dung, có cả sự góp tay của các bạn đồng môn đang ở ngoài nước, với số in 3.000 quyển.

Nhìn lại chặng đường những lần họp, cho thấy lần họp mặt sau luôn ở qui mô và phong phú hơn lần trước đó, đáp ứng kịp thời phần nào sự mong đợi của cô thầy trò cũ. Gắn liền những sự kiện họp mặt đó, nổi bật nhất là vai trò cô Kim Anh. Cô Kim Anh, cả đời vì sự nghiệp trồng người, với 30 năm trong nghề (1976-2006) và cô có thời gian làm hiệu trưởng trường Hoàng Diệu dài nhất trong lịch sử nhà trường, 17 năm (1989-2006). Với thời gian gắn bó 25 năm, cô đã sống với từng bước thăng trầm của nhà trường. Dù ít nhiều có sự thừa hưởng thành quả người tiền nhiệm như chất lượng giảng dạy đã củng cố và nâng cao, nhiều năm có kết quả dạy và học ngang ngửa với trường Châu Văn Liêm Cần Thơ, là trường có chất lượng học tập cao nhất tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ; như kỷ cương trật tự trong thi cử đã thành nề nếp hết sức nghiêm minh…; nhưng là một chuyện khó, còn giữ được những gì đã có còn khó hơn. Song song đó cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp nghiêm trọng mà kinh phí tu bổ không có gì. Có lúc cả 15 năm trường không có tiền quét vôi lại lớp học cho sáng sủa! Cô tiếp tục cùng ban giám hiệu, hội đồng sư phạm cố gắng duy trì những nề nếp đang có; cũng như hàng năm đều tổ chức các đợt thầy cô giáo và học trò giao lưu với các trường bạn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long để rút kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như quản trị nhà trường, tạo sự thoải mái vui tươi tới thầy trò để dạy và học tốt hơn. Kết quả học tập của trường chỉ sau trường chuyên là lẽ thường. Tuy nhiên, cũng có tình huống ngoài dự kiến như là một tai nạn nghề nghiệp. Năm tổ chức thi chuyên ban đầu tiên, thầy cô Hoàng Diệu chấm thi học trò mình hết sức nghiêm túc ngoài nghiêm túc trong giảng dạy và coi thi. Năm đó tỉ lệ học sinh tốt nghiệp của trường xuống thấp. Câu nói lời thật mất lòng, trung thực thì thua thiệt rất đúng trong tình huống này. Cũng vì nổi tiếng nghiêm túc, thầy cô Hoàng Diệu đi coi thi hay chấm thi ở trường khác thì học sinh nơi đó sợ lắm! Dẫu sao với tinh thần trên cô Kim Anh đã đi đúng trên con đường giáo dục đầy chông gai hiện nay. Cô đã viết tiếp trang sử đẹp đẽ với truyền thống giữ nghiêm kỷ cương dạy tốt - học tốt của trường Hoàng Diệu, để mỗi học trò Hoàng Diệu vào đời một cách tự tin hơn với kiến thức vững vàng được trang bị.

Lịch sử nhà trường, tới thời điểm này, chưa ghi nhận chi tiết thành quả từng giai đoạn của từng ban giám hiệu. Vả lại, trong bối cảnh chưa có chuẩn mực rõ ràng, ai là người đứng ra nhận xét mà không bị phê phán tùy theo góc độ người nhìn. Tuy nhiên, trong lòng thầy cô và học sinh cũ mới tự biết nhận xét riêng của mình. Ngoài gánh nặng chuyện nhà trường, việc duy trì và nỗ lực những lần họp mặt thời gian qua, cô Kim Anh đã tạo được lòng tin và sự cảm mến của đồng nghiệp và cựu học sinh. Trân trọng những đóng góp của người đi trước, mong rằng những người đi sau sẽ làm tốt hơn những gì đã có; trường sẽ tiếp tục chinh phục những đỉnh cao hơn trong dạy và học; thầy cô bạn cũ sẽ được hòa mình trong những lần họp mặt ấm cúng, tỏa sáng tinh thần tôn sư trọng đạo, đượm tình thầy trò thân ái, thắm nghĩa bạn bè không phai.

 

ĐÔNG ĐĂNG













Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 132 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật