BÀI LUẬN VĂN VỀ NGƯỜI THẦY
Kính tặng thầy Lê Xuân Vịnh
Kỷ niệm về mái trường, thầy cô là những dấu ấn không phai của những ai trãi qua đời học sinh. Mấy mươi năm trôi qua, tên một ngôi trường luôn gắn liền với một thế hệ thầy cô giáo đã hết lòng tận tâm, tận lực lái con thuyền sứ mệnh đến bến bờ tri thức. Thế hệ học sinh những năm ấy mái đầu đã bạc, thầy cô những năm ấy người còn người mất, nhưng những tình cảm giữa thầy và trò luôn luôn lắng đọng thấm sâu. Bốn mươi năm rồi, tôi vẫn còn nhớ mãi, thầy hiệu trưởng Lê Xuân Vịnh, thầy dạy lớp chúng tôi cách đây tròn 40 năm....
Cái tin thầy hiệu trưởng Lê XuânVịnh dạy môn quốc văn lớp 10B3 năm học 1972-1973 làm xôn xao cả lớp. Như vậy từ nay không riêng các bạn hay “cúp cua” ra quán chị Tám thụt bi da, mà kể cả những bạn học hành nghiêm chỉnh đều phải ngán. Thầy Vịnh nổi tiếng nghiêm khắc, kể từ khi buớc chân vào mái trường Hoàng Diệu nhiều đứa bạn đã bị thầy phạt vì vi phạm nội qui nhà trường như để tóc dài, trốn học giữa giờ, leo rào… Những bạn tóc tai, quần áo, sách vở đàng hoàng đi ngang mặt thầy còn phải thót tim. Là người giữ kỷ cương của nhà trường, có thể số bạn nào đó cho thầy là khó và không ít lời chỉ trích. Theo tôi thầy là người tận tâm, chân thành và nghiêm khắc, giúp ta khai thác các tiềm năng của bản thân và đưa ta vào những tình thế có lợi cho việc học tập, trau dồi và phát triển phẩm hạnh. Đối với tôi, vẫn còn nguyên những ấn tượng khó phai khi thầy dạy môn quốc văn năm ấy, thầy rất gần gũi và đặc biệt có một nụ cười độ lượng. Niềm hãnh diện của tôi ngay tháng đầu tiên lúc thầy dạy là bài luận văn về người thầy, được biểu dương đọc trước lớp, thầy khen tôi đã ứng dụng đúng phương pháp dẫn nhập của thầy truyền đạt, đặc biệt ý tứ đã nêu lên được một tình cảm sâu sắc, nghĩa thầy trò, tinh thần tôn sư trọng đạo. Bài luận văn năm ấy là hoàn toàn bắt buộc, bài luận văn hôm nay cùng đề tài nhưng tôi cảm thấy mình phải có bổn phận viết lên điều gì đó trân trọng tặng thầy bằng chính cảm xúc của mình.
Quê ở Trà Ôn Vĩnh Long, thiếu thời thầy cũng bôn ba đây đó với nghề dạy học, dạy ở trường trung học Bạc Liêu hai năm. Sau đó thầy bắt đầu gắn bó với trường Hoàng Diệu từ năm 1967, trải qua thời gian tám năm ở Sóc Trăng thầy làm giám học, làm hiệu trưởng rồi làm chánh sự vụ sở học chánh kế tiếp về Bộ giáo dục. Sau năm 1975 thầy về Thủ Đức dạy tại trường Hoàng Đạo tức Nguyễn Hữu Huân đến ngày về hưu, dù ở cương vị nào, thầy là người có trái tim nồng nhiệt, luôn luôn thể hiện hết cái tâm của mình. Tại Thủ Đức thầy cũng đã ổn định một mái ấm gia đình với mái nhà khang trang, các con thầy cũng là những người thành đạt. Nhiệm vụ một đời người thầy đã tạm làm xong, ở tuổi bảy mươi ba “Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ" thầy đã đạt đến tình trạng hoàn hảo về cách xử sự và xử thế, quãng thời gian dài cống hiến cho cuộc đời, cho sự nghiệp giáo dục, mặc dầu thời thế có nhiều thay đổi nhưng thầy đã miệt mài đi theo duy nhất một con đường thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình.Tám năm gắn bó với Sóc Trăng không dài lắm nhưng nhiều thế hệ học sinh Hoàng Diệu thời ấy tiếp nối đi qua, rời trường tiếp tục học lên đỗ đạt, ra đời có những đóng góp lớn cho xã hội, trong đó đã phần nào kết tinh công sức của thầy một cách âm thầm lặng lẽ.
Niềm đam mê của thầy chắc chẳng bao giờ ngơi nghỉ, trong một lần gặp gỡ, tuy sức khỏe có yếu hơn nhiều, gặp tôi thầy vẫn tươi cười với nụ cười hôm xưa, như mãn nguyện vừa làm một điều gì đó có ích cho đời, như phát hiện điều gì ở tôi, thầy run run rút trong cặp sách ký tặng tôi cuốn sách biên khảo về truyện kiều, lần nầy tôi xúc động lắm, mặc dầu tôi chẳng phải là nhà nghiên cứu văn học. Đấy có lẽ là một phần tâm huyết thầy đã gởi gấm trong những đoạn biên khảo bình luận đúc kết mấy mươi năm giảng dạy về truyện Kiều. Nhớ lại thế hệ hoc sinh những năm ấy chắc cũng làm thầy đau đầu lắm, viện lý do thời thế rối ren, đứa chịu học, đứa không, nhưng nhiệm vụ thầy thì hết lòng dẫn dắt con thuyền vượt sóng qua sông. Chắc thầy sẽ vui, vì trải qua thời gian 40 năm, mái tóc thầy trò đều ngã bạc, những lúc bạn bè gặp gỡ, thường nhắc nhớ thầy Vịnh, đứa nào cũng thuộc vanh vách những câu thơ trong Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Đoạn trường tân thanh thời thầy dạy. Có đứa còn cao hứng ngâm nga “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên…..” bắt chước y chang giọng ngâm thơ của thầy. Hầu hết thầy cô giáo thời ấy đã để lại trong lòng học sinh nhiều ấn tượng đẹp khó phai. Đối với tôi thầy hiệu trưởng Lê Xuân Vịnh là người thầy đầy nhân cách nhưng cá tính, quảng giao nhưng cô đơn, nghiêm khắc nhưng đầy lòng vị tha.
Tôi may mắn hơn các bạn khác được gặp thầy nhiều lần, mỗi lần gặp thầy sau khi hỏi thăm sức khỏe và gia đình, cầm nắm đôi bàn tay ấm áp của thầy. Tôi để ý kỳ nào cũng vậy, sau câu chuyện hàn huyên giữa thầy trò, câu cuối cùng với nụ cười hôm xưa thầy luôn nói “Thầy chúc mừng sự nghiệp của em”. Không biết sao cái phản xạ tôi lúc ấy ngô nghê quá, chỉ trả lời đơn giản “Cám ơn thầy nhiều”. Không, tôi phải nói hết với thầy trong lần gặp gỡ dịp hội trường tới, vì biết đâu tôi sẽ không còn dịp nói chuyện với thầy. Thưa thầy! Sự nghiệp của các thế hệ học trò Hoàng Diệu những năm thầy điều hành và trực tiếp giảng dạy cộng lại, chính là sự nghiệp của thầy.
Kỳ hội trường sắp tới, tôi được giao trách nhiệm kính trao thầy quà kỷ niệm thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo của Ban liên lạc cựu học sinh Hoàng Diệu, có thể điều nầy làm thầy vui, nhưng tôi cảm thấy chưa đủ. Mấy mươi năm trôi qua, thời gian đã xóa nhòa bao nhiêu vết tích, cái hiện hữu xưa không còn nhìn thấy, nhưng cái tâm, cái nhân cách và biết bao nhiêu điều về đạo lý thánh hiền thầy đã gởi gấm cho thế hệ học sinh thời chúng tôi trên con đường học để tự hoàn thiện mình, sẽ không bao giờ xóa nhòa phai nhạt trong tâm tưởng các thế hệ học sinh mới là niềm vui trọn vẹn hơn, mới là món quà quí nhất dâng lên thầy.
LÝ HOÀNG MINH (68-75)