Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.



Tôi tới văn phòng, một tòa nhà bề thế, để làm thủ tục nhờ hỗ trợ kinh phí nhân ngày hội trường. Tuy đã thỏa thuận, nhưng nhìn trời đầy mây đen, tôi tới trước giờ hẹn. Nhân viên tiếp tân chào đón, tôi phải ngồi đợi ít lâu. Lát sau giám đốc xuất hiện từ thang máy, mời tôi lên phòng làm việc.

 

-         Anh đợi em có lâu không?

-         Không lâu. Bởi thời gian đợi là lúc tôi lấy điện thoại ra nhắn tin các đồng môn khác nhờ cung cấp bài và hình chuẩn bị cho đặc san nên cũng không nhớ mình đã đợi bao lâu.

 

-         - Nảy giờ em tới và đợi anh ngoài trước cửa, tưởng anh chưa tới.

 

-         - Còn anh ngại mưa rượt nên đã tới trước khi mưa tới, trước khi em tới!

Vậy là hai người hai nơi, gần nhau, đợi nhau mà không hay! Giám đốc trong Ban liên lạc cựu học sinh Hoàng Diệu đang cùng lo tổ chức ngày họp mặt thầy cô bạn cũ. Trong khi tôi nói chuyện với giám đốc quanh việc kết quả đi tìm nguồn tài trợ, cô ta phải nhiều lượt ký giấy tờ từ các nhân viên đưa trình. Với kinh nghiệm, tôi thấy mối quan hệ trên dưới của giám đốc rất nề nếp và thân tình. Ngoài chuyện cơ quan hỗ trợ, giám đốc còn hỗ trợ từ tiền túi mình, khá lớn. Cơn mưa ngoài cửa sổ khá nặng, giữ chân tôi, khiến bỗng dưng tôi phải ngồi lâu hơn dự tính. Chuyện của giám đốc và tôi không có gì khách sáo, bởi Thanh, giám đốc chi nhánh ngân hàng, ngoài là cựu học sinh Hoàng Diệu, còn là đồng môn và đã quen biết với tôi ở trường Đại học Kinh tế ba mươi mấy năm trước. Thanh  gốc Phú Lộc, nhà eo hẹp, anh em đông. Cả hai người anh và người chị phải nghỉ học sớm vì hoàn cảnh như vậy. Có một kỷ niệm Thanh không bao giờ quên. Trường trung học quận có những nề nếp hết sức khắt khe và cứng nhắc. Có sáu học sinh lớp 8 không có khả năng đóng tiền trường, giám thị gọi lên buộc nghỉ học. Năm học sinh nam bỏ về vì biết thân phận mình, còn một học sinh nữ ngồi lại…khóc. Khóc không phải để gợi lòng thương của giám thị, mà giám thị cũng đâu có quyền quyết định chuyện này. Thanh khóc vì tiếc công sức học toàn đứng nhất lớp, khóc vì Thanh phải theo bước chân của những anh mình phải bỏ bạn bỏ trường, sớm lao vào cuộc mưu sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Trời xui khiến, cũng có thể là ở hiền gặp lành, thầy hiệu trưởng đi ngang qua, hỏi sự tình. Sau khi coi lại học bạ, thầy đã cho phép kéo dài thời hạn thêm 3 ngày để má Thanh chạy vay mượn lo đủ tiền cho Thanh tiếp tục học. Học sinh giỏi vùng xa vẫn có thể chỉ là học sinh trung bình của khu trung tâm. Sau 75, khi phải chuyển về Sóc Trăng học những lớp cuối trung học, sức học của Thanh không còn vượt trội nữa. Thanh yếu môn toán, nhưng cần mẫn đi học nhóm và may mắn gặp sự hết lòng dạy dỗ của thầy Võ Bá Lưu và nhất là thầy Lâm Cộng Hưởng, nên dần dần Thanh khắc phục được mặt yếu của mình. Năm 1977, Thanh học thêm ôn thi đại học với thầy Hưởng mà cũng không đủ tiền đóng học phí! Cũng may, thầy Hưởng không đòi hỏi gì hết, tùy khả năng của học trò thôi. Môn toán là môn chính trong ban thi của Thanh, Thanh đã đạt điểm thi gần tuyệt đối, cánh cửa đại học rộng mở, và cuộc đời mới cũng rộng mở theo. Tôi vào đại học trước Thanh hai khóa. Ở trường, nhóm sinh viên Sóc Trăng thỉnh thoảng cũng gặp mặt nhau, vui chơi đâu đó. Thời đó kinh tế còn khó lắm, dân Sóc Trăng học Kinh tế khá đông nhưng đa số cũng trong hoàn cảnh eo hẹp. Tôi nêu ra đây một hình ảnh về sự eo hẹp đó. Thuở đó đi học bằng xe đạp, thời bao cấp vỏ ruột xe chất lượng thấp hay xì hoặc bể bánh. Sáng dắt xe ra đi học, xe xì bánh, Thanh còn không có tới 200 đồng để gặp chú vá xe ngay cổng ký túc xá, chỉ mượn chú cái ống bơm tự bơm cho bánh xe chạy được. Đến lúc nào xe xì thì tiếp tục mượn ống bơm của những người vá xe ven đường. Thời đó mượn ống bơm không tốn tiền như bây giờ. Lúc nào có tiền thì vá xe! Bởi khó khăn như vậy, nhóm đồng hương Sóc Trăng cũng chỉ quanh quẩn nội thành Sài Gòn chớ đâu có khả năng đi chơi xa, nhưng cũng tạo một tiếng vang là chỉ có đồng hương Sóc Trăng là dám tụ tập vui chơi trong bối cảnh mù mờ lúc đó. Tôi quen biết Thanh cũng như các đồng hương khác khá đông như vậy. Khá đông đó là Huỳnh Thị Út, Trần Anh Xuân (đã mất), Quách Vân Nương,Trương Thị Xuân (vợ Trần Lái sau này - đã mất), Trương Anh Tòng, Tiêu Cẩm Châu, là Lâm Quyền Hải, là Trần Thanh Thúy (đã mất), là Long, là Chí, là Huệ, là Huê, là Mai, là Trung, là Lan, là Hà, là Cơi…. Tính Thanh điềm đạm và có lẽ do sóng gió cuộc đời nên có phần chững chạc hơn các bạn, nên trở thành một chỗ dựa thân ái của các bạn còn lại, một đàn chị trong nhóm nữ. Thanh đã hết sức chật vật trong bốn năm đại học vì người thân làm ruộng, thu nhập không bao nhiêu và nhà Thanh còn 6 anh chị em nữa. Tuy vậy, Thanh vẫn học tốt. Sau khi ra trường, mỗi người một nơi. Thanh về làm việc ở Ngân hàng đầu tư và phát triển chi nhánh Hậu Giang. Năm năm sau chuyển về Sóc Trăng. Nhẩm đã hơn 30 năm trong ngành, Thanh từ nhân viên chân ướt chân ráo ngày xưa nay là giám đốc chi nhánh có thành tích nổi trội trong ngành.

Bây giờ nhìn lại, Thanh thấy mình được nhiều diễm phúc, duy nhất trong 7 anh em được vào trường đại học. Nhưng nhìn lại, Thanh cũng thấy có phần ái ngại trong lòng, bởi Thanh được đi học tới đại học, thoát cảnh lam lũ, nhưng 10 năm đầu đi làm, thu nhập đâu có dư dả gì, phải lo cho 2 con ăn học, nên chưa giúp người thân được bao nhiêu. Nay đời sống có khấm khá hơn, các con cũng đã hoàn tất việc học, Thanh cũng không còn thời gian làm việc bao lâu nữa, bởi sắp tới tuổi hưu. Những việc gì giúp được những người thân, Thanh hết lòng. Nhưng ngoài chuyện đó, Thanh còn hết lòng với những thân phận giống như Thanh thời xưa, Thanh nhiệt tình hỗ trợ phần thưởng những học sinh nghèo hiếu học và cơ quan của Thanh thường xuyên hỗ trợ học bổng tới học sinh Hoàng Diệu. Và nhớ tới công ơn thầy hồi xưa, nhất là thầy Hưởng và ngôi trường Hoàng Diệu, Thanh rất sốt sắng trong việc góp sức tổ chức ngày hội trường. Sẵn dịp tôi cũng nêu ra đây một chuyện đáng khen của Thanh. Một cựu học sinh cùng thời với tôi, gia cảnh quá khó khăn, đang cần tiền trị bệnh. Không ngân hàng nào chịu cầm nhà bạn đó vì nhà quá nhỏ lại trong hẻm cụt. Bạn đó chạy tới tôi, tôi nhớ tới Thanh. Thanh đã giúp bạn đó kịp thời. Chỉ có điều tới giờ bạn đó không có tiền trả tiền vay lẫn tiền lãi!!

Mưa vừa tan, mất một tiếng đồng hồ với giám đốc, nhưng tôi không thể để thời gian đó qua đi uổng phí. Những hiểu biết trước đó kết hợp với những ấn tượng tôi vừa trải qua, tôi phải ghi lại đây một gương nghị lực của một cựu học sinh Hoàng Diệu, dẫu thời gian học tại trường này không lâu, đã kiên trì trong học tập, trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, gặp nhiều may mắn ở những khúc ngoặt cuộc đời và đã thành đạt sau bao nhiêu năm cần mẫn trong công việc. Ơn đời đã nhận, nay là tấm lòng trải rộng với những ân tình xưa; nặng ân tình thầy từ nhiều cấp học; tình bạn giúp nhau trong học tập, lúc khó khăn; và trên nữa là tình thân, mẹ cha anh chị đã hy sinh để Thanh có dịp theo đuổi học vấn, tiến thân như bây giờ… Đó là nỗi lòng của Mã Thị Thanh, giám đốc Ngân hàng TM CP đầu tư và phát triển chi nhánh Sóc Trăng.

NGƯỜI SÓC TRĂNG



Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 40 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật