Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.





Nhà văn thường nhìn chuyện đời theo con mắt vừa

ngây thơ vừa đầy chủ quan mà chính họ không hay biết.

                                                                     NVS

 

 Tôi chưa biết mình nên ngồi vào bàn nào. Đứng lửng thửng, xớ rớ giữa phòng, chung quanh lắm cặp mắt ngó mình thì dị quá. Bối rối. Chờ đợi như lúc nhỏ chờ người lớn ai đó chọn giùm để mình khỏi một quyết định khó cân phân. Cũng hơi lâu. Thôi thì tự lo vậy, ai cũng bận bịu bạn bè, cũng tíu tít tay bắt mặt mừng người quen có khi vài ba năm mới gặp lại. Ai cũng lo chào người mới đến, gần như quên hết hoạt cảnh chung quanh. Tôi liếc mau một vòng. Bàn giáo sư thì nghiêm chỉnh phát sợ, thầy cô đều trên dưới bảy mươi, lại chỉ có độ một phần ba là quen mặt, chắc khó nói chuyện cho thuận tai thuận miệng. Bàn học trò thì chắc chắn vui hơn, trẻ trung, có bàn mình quen biết hầu hết. Tôi ngồi xuống một bàn khi thấy vài nụ cười chào đón quen quen, bàn của các Nứng. Như vậy dễ xử cho ban tổ chức, dễ cho mình khỏi lấn cấn.

         Những câu chuyện cũng rôm rả như thường lệ dầutôi ít nói, chỉ góp phần bằng tiếng cười hay những câu vuốt đuôi biểu đồng tình. Như là đến tuổi nào đó thì tính bén nhạy trong sự phát ngôn không còn nữa, những gì mình muốn nói hầu như đã có người nói giùm vài phút trước. Và trí mình luôn luôn lơ mơ suy nghĩ nầy nọ về câu nói đó tuy rằng nó cũng chẳng quan trọng hay mới mẻ gì cho lắm. Cứ như vậy trí tôi nhảy theo đuôi những câu nói trong khi chính mình im như củ khoai, ngồi thừ mơ màng.

         Và tôi vui với bàn của mình. Chỉ cần cười góp cũng đủ lãng quên đời. Nâng ly vô vô dầu uống chẳng bao nhiêu, thiên hạ năm mươi hay chăm phần chăm tôi chỉ uống từng ngụm nhỏ, tiếng cũng nhỏ nhẹ, góp phần có mặt, góp hào hứng nhiều hơn là hưởng ứng uống, .

        Và câu chuyện nầy dẫn đến chuyện kia tôi quên mất là mình đi với vợ, với bạn.

       Một cái vỗ vai thân mật:

       -Mầy tính ngồi đây luôn với mấy rể hả? Qua ngồi với tụi tao đi!

      Tôi ngước lên cùng lúc với những tiếng chào nho nhỏ của nhiều người chung bàn chào người mới nói: Thưa thầy, Thưa thầy.

      Có tiếng nói nhỏ của người biết chuyện:

      -Thầy Tâm đó, ổng chuyên môn đi tới gần cổng trường mới nhét áo vô quần, vừa ra khỏi lớp là kéo áo bỏ ra ngoài liền, rủ học trò đi đánh bi-da.

     -Không tao ngồi đây được rồi. Xin miễn cho lên ngồi chiếu trên lúc nầy. Bổn phận các nứng là ngồi chung bàn với nhau. Nhường bàn quí thầy lại cho tụi bây.

        Thằng bạn tôi uống cạn ly với vài người học trò già của nó rồi khật khưng đi qua bàn khác. Chắc chắn là hắn ta đi qua bàn khác, ông trời con nầy chẳng chịu về bàn mình liền đâu, tôi biết chắc mẳm điều đó. Một người thân mật nói với tôi:

        -Bàn nứng của mình vui ha! Năm nay nứng lại về nữa ta!

        Tôi gật đầu cười, trong khi hất hàm về phía người bạn vừa mới đi:

        -Chừng nào anh ta còn sống thì tôi còn về. Đó là cái cớ dễ thương phải không các nứng rể?

        Một anh khác:

       -Già như nứng còn đi được là tốt quá rồi. Nghe nói ngồi máy bay mấy chục giờ. Cũng mệt. Khá lắm đó.

        Một câu khen hình như của người thiệt biết chuyện, nói lớn mà không cần biết nói với ai:

      -Nứng coi đầu bạc trắng nhưng tâm hồn còn trẻ trung chán, ngồi với anh em mình thì hợp quá. Nứng về để tìm tòi sách vỡ cũ xưa, nhứt là sách Nôm.

Nhiều người day qua hỏi nhỏ bạn ngồi kế “Sách Nôm là sách gì?”

     Tôi lên tiếng, cũng là cái phao đổi thay đề tài:

      -Sách của ông bà mình viết trước khi người Pháp đến, trước khi có chữ quốc ngữ. Loại chữ đó già còn hơn ông cố tôi, lâu rồi, hiện giờ còn rất ít người biết.

       Một anh chàng ngổ ngáo lớn tiếng vui vui:

       -Bù trất. Biết chết liền. Thôi kệ nó ba cái chữ Nôm, mình vô chút coi! Khát nước rồi.

       Không khí coi bộ vui hơn. Tôi hào hứng cũng uống hai ba ngụm lớn.

       Một người hơi chng chạc, ngập ngừng hỏi:

       -Hình như anh trước đây có dạy ở trường nầy?

       - Ờ, có mà như không có, tôi về trường nhận việc cuối năm 1963, vừa ngay sau khi ông Diệm bị đảo chánh, lâu lắm rồi, lúc vừa mới bước qua tuổi hai mươi vài năm. Thế nhưng lại không dám đứng lớp. Chuyện hơi dài dòng.

      Cả bàn im phăng phắc

 

       Người thanh niên rụt rè trình svlịnh cho ông hiệu trưởng, cũng thuộc lứa tuổi mình. Ông hiệu trưởng thân mật mời khách ngồi xuống ghế trước mặt rồi xin phép khách chờ chút xíu, cầm svlịnh qua phòng nói là nhờ giám học xếp giờ liền.

       Độ mười phút sau ông về, tươi cười:

      - Anh bắt đầu dạy tuần tới nha, bây giờ cũng lở cở, tuần tới dạy nguyên tuần cho tiện, anh dạy 12 giờ. Hai lớp đtam, một lớp đngũ, Việt văn, hai lớp đệ thất, Công dân.

       Khách chỉ cười, không phát biểu ý kiến. Họ biết mình tay mơ nên chỉ xếp những lớp nhẹ nhàng. Lớp đtam học trò ít chuyên cần, nhứt là môn Việt văn, không có chuyện mất căn bản nên học sinh thường dưỡng sức cho năm sau.

      Một lúc sau giám học bước vào, đi với người anh của khách:

     - Anh Xuân, xin giới thiệu, anh Thơm, bạn cùng khóa với tôi ở đại học Sư phạm, anh của ông giáo sư mới nầy.

       Không khí coi bộ thân mật hơn.

      Ông hiệu trưởng nói trong khi giợm đứng dậy:

       - Anh Lục, sao mình không dẫn anh S đi một vòng thăm lớp của anh ấy cho quen lớp, quen học trò?

       Bốn người ra tới cửa văn phòng thì ông nói thêm:

       - Mà thôi! Nhờ anh! Tôi sực nhớ lại là mình còn mấy chuyện cần giải quyết liền.

        Khách thả bàn toán trong trí: Ông hiệu trưởng ngoại giao ghê, và tế nhị nữa. Có thể ông muốn để không khí thân mật lại cho ba người vốn quen biết nhau trước.

        Đến trước một lớp đang im phăng phắc, Lục nói nhỏ:

        -Lớp của anh Sơn, dạy lý hóa. Sơn dạy hay, vui mà học sinh đều ngán vì thường bị truy bài.

        S nheo mắt với Sơn. Biết nhau quá mà! Tối qua cả bọn đi đánh bi-da trả tiền bàn và chầu cà phê, về khuya bị chủ nhà khóa cổng, Thầy giáo phải tháo giày để leo rào vô. Sáng nay trông hắn nghiêm chỉnh khác thường.

Một cô học trò áo dài trắng thanh tú cầm viên phấn, tay buông thỏng, đang đứng trước bảng đen, dáng e thẹn ngại ngùng khi thấy khách.

        Lại một màn giới thiệu thầy mới cho tuần tới.

       Cả lớp hơi ồn ào bàn tán. Ánh mắt cô học trò đương đứng trên bảng, liếc nhìn đánh giá người thầy mới. S thấy đôi mắt đẹp, trong sáng và thơ ngây. Cặp mắt có chút hoang dại của người Miên với tròng đen tròn lớn, vành mắt sâu, chút lãng mạn và cao sang của người Tàu của một chút xếch nhẹ thật nhẹ ở đuôi mắt. Người con gái cúi đầu xuống nhìn chân mình như bối rối. S kéo nhẹ áo hai người kia nhắc là thôi để Sơn nó làm việc….

Và tôi ở lại nhà trọ của các bạn chơi hoang luôn cả tuần để rồi về Sài Gòn không xuống nữa.

       Vậy đó, tôi đến và đi như cơn gió thoảng. Bước vào lớp như một người sẽ làm thầy, và bỏ trường đi vì trốn chạy một ánh mắt.

      Có nhiều tiếng ồ ồ, ngạc nhiên và suy nghĩ.

       Người ngồi kế bên hỏi S.

       -Nứng vẫn còn chưa nói hết. Có gặp ánh mắt, có thấy một cử chỉ nhưng tại sao bỏ trường, chúng tôi vẫn chưa hiểu.

        Chuyện không có gì. Nhưng phải nói cho dài dòng tâm sự. Tôi thích tỉnh nhỏ yên bình, yêu những ngôi chùa Miên có kiến trúc Khmer đặc biệt màu vàng với nhiều đường nét cong cong. Những địa danh Kế Sách, Xẻo Gừa, Bố Thảo,Vũng Thơm, Đại Ngãi, Cù lao Dung, Bãi Xàu…Với những cánh đồng lúa mút tận chơn trời quyến luyến lòng tôi. Chùa Năm Ông, Chùa Ông Bổn, bún mắm, bánh pía, mè láu… đặc danh, và những người đàn bà Miên nói tiếng Việt lơ lớ thiệt thà cho tôi một cảm giác thiệt là thanh bình dầu trong một đất nước đương có chiến tranh. Thế nhưng có một sự kiện nho nhỏ… Tiếc quá! Cô nữ sinh có đôi mắt mê hồn kia lại ở kế bên nhà trọ của chúng tôi. Dì của nàng làm chủ nhà trọ và nấu cơm cho các thầy. Người dì thường nhờ nàng dọn cơm cho chúng tôi. Sự bn ln rụt rè ban đầu đã từ từ vơi đi. Tôi thấy thích cặp mắt đó. Những ngày chót của tuần lễ trên bàn dùng làm phòng khách có cắm nhiều hoa. Tôi nghĩ rằng mình không nên dạy ở đây vì có một người con gái đương chờ tôi ở Sài Gòn. Tôi trốn chạy để bảo vệ một ánh mắt đẹp miền quê thì đúng hơn.

        Câu chuyện riêng tư nầy kể ra chỉ có mục đích trả lời câu hỏi trên.

        Có tiếng ai đó trầm ngâm, giọng triết lý:

        Thật ra là trốn chạy ánh mắt của lương tâm, ánh mắt Cael.

        Vâng! Đúng! Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Khi thấy mầm xấu bắt đầu xuất hiện thì phải hủy nó ngay. Để cho tới khi đã thành cây thì hơi khó. Ở đây nếu nói là Tình Yêu thì tự thân nó là điều thánh thiện, nhưng có lẽ trong vị trí của tôi lúc đó, sự nghiêm khắc với chính mình là điều cần thiết, dù sao tôi cũng mới ra trường, sự nghiệp giáo dục là một lý tưởng của tôi.  

         Gần năm mươi năm rồi, tôi vẫn còn nhớ vóc dáng mảnh mai đó, cặp mắt man dại và đài các pha trộn hai ba dòng máu đó, nhưng không có ý định đi tìm quá khứ. Định mệnh con người như sự di chuyển của những thiên thể và những đám tinh vân trong vũ trụ. Hội tụ đầy đủ những điều kiện nào đó thì hai bên được gặp nhau, khi điều kiện hết thì cuộc hành trình của ai tiếp tục theo quỹ đạo nấy. Điều kiện khoa học đó ông bà mình gọi bằng từ dễ hiểu là duyên. Có duyên thì gặp không có duyên thì lìa. Sự suy nghĩ của mỗi người để quyết định tạo sự hợp/lìa cũng là do cái duyên điều khiển, thúc đẩy gián tiếp mà ta không hay biết.

         Hình như sau câu nói của S, tất cả chín nứng ngồi cùng bàn đều quay về tìm ánh mắt duyên của mình.

        S nói thêm sau khi hớp một ngụm bia:

        Chúng ta không cải sửa được điều đã xảy ra. Ánh mắt kia tôi đã chọn thái độ là để cho mất đi để bảo toàn nó, sau đó thì dầu muốn cũng không thể nào tìm lại được nữa. Thế nhưng đây cũng chưa chắc là điều thiệt thòi. Có được ánh mắt của lương tâm không phải là chuyện dễ. Và có được một ánh mắt để làm hành trang trong đời còn quí hơn là chiếm đoạt nó…

         Dường như bàn của các nứng im lặng hơn các bàn chung quanh, ít nhứt cũng là năm bảy phút. Tiếng nhạc hơi ồn nhưng giọng ca lãnh lót của cô ca sĩ mới nổi láy mấy câu Nỗi Buồn Hoa Phượng của nhạc sĩ Thanh Sơn nghe tê tái không diễn tả được: Ngày mai xa cách, hai đứa hai nơi. Phút gần gũi nhau mất rồi… Người xưa biết đâu mà tìm.


Victorville, CA, June 2012

Nguyễn Văn Sâm

(Viết riêng cho tập san Kỷ niệm 55 năm khai giảng khóa đầu tiên trường Hoàng Diệu)


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 63 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật