Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.




Như mọi năm, cứ tháng ba tôi lại tới Boston ở đông bắc Hoa Kỳ, hòa mình trong làn sóng người từ năm châu trong Hội chợ thủy sản quốc tế lớn nhất thế giới diễn ra ở đây. Năm nay, tuy kinh tế thế giới còn khó khăn, tuy việc tiêu thụ thủy sản còn nhiều diễn biến không tốt, nhưng số người có mặt ở Hội chợ tăng mạnh so năm rồi. Vậy là có suy luận nhiều người rán tới để … nghe ngóng tình hình, có nhiều người tới là do đánh giá thực phẩm là nhu cầu không thể thiếu nên vẫn có sự tự tin vào triển vọng công việc… Tuy nhiên suy diễn lạc quan được chú ý hơn, là kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục. Nếu đúng vậy, đồng tiền bỏ ra của tôi không đáng tiếc. Mất tròn một ngày, lên chuyến xe suttle bus cuối cùng của Ban tổ chức Hội chợ để về khách sạn đỡ tốn tiền taxi, tôi cảm thấy vui trong bụng vì đã hoàn tất chương trình của mình, đã gặp đủ mặt khách hàng với nhiều lời khen về cung cách làm ăn thời gian qua. Tôi yên tâm cho những ngày rong rủi sau đó.

 

Rời Boston,  xe tôi qua bang New York. Điểm dừng chân đầu tiên là Buffalo để ngắm thác Niagara nổi tiếng. Rất may tuy mùa lạnh nhưng có nắng nên được thưởng thức hình ảnh cầu vồng sinh động di động theo bóng nắng. Xe cũng ngang qua Albany, thủ phủ của The empire state này. Tôi biết đâu đó trong thành phố, Nguyễn Văn Dũng, bạn cùng thời đang sinh sống nhưng không thể ghé thăm được. Xe qua những vùng quê rất bình yên và cũng đầy màu sắc dân dã, bình dị như bao vùng quê trên thế giới. Những cánh đồng bắp bạt ngàn chỉ trơ gốc khô khốc xám xịt do chưa tới mùa trồng trọt, chen trong đó những khu dân cư không lớn, những ngôi nhà không lớn và hệ thống đường xá cũng không lớn nhưng toát lên một vẻ rất nề nếp, trật tự và sạch sẽ. Chỉ còn hệ thống dây điện là còn trơ trên trời, chắc do đã được đầu tư từ rất lâu. Đến NY nhưng nghỉ đêm bên NJ. Tới khách sạn gần 5 giờ chiều, tôi đắn đo nhưng cuối cùng điện cho Liên Hưng Thoại, bạn ngồi kế bên tôi ba năm trung học. Thoại như đang chờ bên máy, chuông chỉ reo nhẹ là tiếng Thoại vang lên. Thoại nói sẽ qua thăm tôi và sẽ nhắn thêm các bạn khác. Nhằm ngày trong tuần, tôi biết các bạn phải đi làm và chỗ tôi nghỉ rất xa nhà các bạn nên tôi cũng e dè chuyện thăm nhau này. Tám giờ Thoại tới với “số” (â). Thoại vẫn còn thất nghiệp, nhưng “số” nói trong hoàn cảnh này Thoại thất nghiệp vẫn có cái lợi, là có dịp gần gũi chăm sóc, dạy dỗ các con tiếp vợ mình. Ngẫm đi nghĩ lại, ông bà mình nói trong rủi có may khá đúng trong tình huống hiện thời của Thoại. Tuy thu nhập bị giảm sút nhưng tình cảm cha con của Thoại lại khắng khít hơn, chuyện nhà đầm ấm hơn. Thoại là người diễm phúc, may mắn có “số” rất cảm thông và chìu chồng nên Thoại mới vượt qua những cơn sốc trong cuộc sống. Tiếng đồng hồ sau Mã Thành Phúc cùng tới với Nguyễn Ngọc Thạch. Kèm theo Thạch còn có con gái nhỏ và “số” nữa. Mã Thành Phúc có cái miệng hơi móm móm khi nói chuyện, hay hát bài Bông cỏ may khi trong lớp có yêu cầu, dù đã 40 năm, tôi còn nhớ hình ảnh đó. Phúc học chung tôi và chưa từng về thăm quê từ mấy chục năm xa xứ. Nguyễn Ngọc Thạch, tự là Hai Lúa, đồng môn cùng thời khác lớp, tôi quen qua trang mạng với những bài viết của Hai Lúa về quê hương, xứ sở, bạn bè… Những câu chữ mộc mạc khi đọc lên rất lúa, khi đọc lên cảm nhận như những bông lúa trĩu hạt đang đong đưa trong cái gió man mác của miền tây đầy kỷ niệm thời thơ trẻ. Thảm lúa mượt mà đó, hình bóng quê nhà đó là điều lắng đọng riêng trong ngôn từ Hai Lúa. Hai Lúa tới là không khí sinh động lên. Mã Thành Phúc qua quày bar kế bên đem về bốn chai bia để chuyện được dẫn trơn nhanh hơn. Mã Thành Phúc, chủ một tiệm nhỏ sửa xe, do thời thế, nay làm chuyên gia cho tiệm chuyên làm và sửa chữa hệ thống cầu xe. Phúc cao to, gân cốt còn khỏe, cơ bắp săn chắc, chắc thuộc hàng top khỏe nhất các bạn cùng thời. Phúc cũng giản dị như những ngày xưa trung học, không một chút cầu kỳ, câu nệ. Hai Lúa, hai mươi mấy năm làm viên chức, thu nhập tuy không cao nhưng việc ổn định. Hai Lúa tự hào là có vợ trong khai sinh ghi sinh ở… Sóc Trăng! Đúng nửa đêm mọi người chia tay trong lưu luyến. Thoại sẽ mất một tiếng, Hai Lúa mất một tiếng rưỡi, còn Phúc lâu hơn nữa để tới nhà. Sáng mai còn phải đi làm. Tôi rất khó ngủ, điện thoại về nhà nhờ Lý Hoàng Minh tìm số điện thoại của Nguyễn Văn Dũng và Lâm Văn Chung. Hôm sau điện mấy lần Dũng mới bắt máy. Chắc Dũng nghĩ ai bấm lộn số, bởi nơi vắng vẻ này Dũng có rất ít người hỏi thăm. Điện Lâm Văn Chung tận phía nam, thuộc Georgia, là nghe tiếng nói Chung ngay. Dũng làm nghề mộc, bởi bang NY đầy rừng. Nhưng Dũng cho biết gỗ nguyên liệu chủ yếu từ Brazil và Canada. Xứ Mỹ tiềm tàng tài nguyên, nhưng Chính phủ Mỹ chủ trương để dành cho lâu dài. Tuy là tổ trưởng nhưng thu nhập Dũng không cao. Hàng năm Dũng dành dụm để Tết về gặp gỡ bạn bè cùng thời Hoàng Diệu là một cử chỉ hết sức tình của Dũng. Tôi vẫn nhớ hoài hình ảnh Dũng rất tự nhiên khi biểu diễn những bài hát trong họp mặt nhóm cựu học sinh 68-75 Tết hai năm trước. Dũng “te” rất đẹp, khá chuyên nghiệp là cái đọng lại, ấn tượng để các bạn nhớ về Dũng. Năm rồi Dũng không về quê ăn Tết nhưng gởi 50$ vào quỹ tổ chức họp mặt các bạn nhân Tết với lời nhắn để các bạn nhớ về Dũng và năm sau Dũng sẽ về. Lâm Văn Chung có khá hơn, hai vợ chồng đều có việc. Nói chuyện tới nóng máy, Chung chuyển máy cho vợ nói chuyện tiếp với tôi. “Số” Thảo lại giao máy cho Chung khi hết chuyện! Chung đòi chạy lên thăm tôi khi tôi tới Virginia. Thời gian lái xe là 12 tiếng! Tôi cám ơn và … hẹn lần sau! Hai năm trước, Chung về thăm quê ăn Tết, tôi rủ tới nhà tôi cùng một số bạn khác tù tì từ 8 giờ tối đến giao thừa. Đến 2 giờ sáng, tôi điện, Chung đang xử chai rượu tôi đưa với em trai mình tại nhà. Vậy là Chung có buổi rượu dài… 2 năm! Chung kể nhiều chuyện… xưa. Cái thời Chung còn là đàn em theo “hầu” đàn anh Trương Văn Sùng, Lê Văn Quang và sau đó thêm Lý Hùng Kiệt, Nguyễn Hồng Võ tập đi… tán gái. Cái thời không coi trọng sự học đúng mức, bởi nghĩ về tương lai thấy mờ mịt lối đi về. Cái thời ai có khả năng thì học nhảy lớp, còn bạn kém may thì ám ảnh cổng quân trường. Chung như cái máy ghi âm cũ nhưng còn chạy tốt, cứ nhả ra những hình ảnh cũ còn khá sinh động như trước mắt, từ những chuyện ấn tượng tới những chi tiết nhỏ. Tuy trải nhiều bia rượu, trí nhớ Chung còn tốt lắm. Cũng trong khoảng chục ngày đầu tới đây tôi đã gặp chị Nguyễn Điệp, Triệu Thị Kiển ở sân bay Dallas trong hai lần quá cảnh để nhận được túi bánh mì kẹp thịt nướng, chả giò và bánh bao; đã điện thoại chúc mừng sinh nhật tới Nguyễn Hồng Nhan ở Indiana; đã alô tới Trần Thu Hương và “nứng”(â)Nguyễn Cường ở Sacramento; đã nhận lời hỏi thăm của Trần Thị Hai, Dương Bạch Tuyết ở San Diago.

Tôi tới bờ tây trong chiều không lạnh lắm. Khung cảnh cộng đồng người Việt ở đây tôi rất quen vì đã ghé thăm hơn chục lần. Bất ngờ nhận điện thoại và câu hỏi đầu tiên là biết ai không? Dĩ nhiên có chút bỡ ngỡ nhưng tôi nhận ra giọng Đỗ Lệ Thủy. Tôi cười hỏi lại vậy cô con gái học võ đã tới đâu rồi? Hai năm trước, khi từ LA lên Sacramento thăm nhà Thu Hương, tôi đã được ba má con Thủy Danta dẫn đường và thuê xe lái từ San Jose lên thủ phủ Cali. Thủy giới thiệu con gái nhỏ rất thích học võ. Một tai nạn bất ngờ, nếu nặng hơn chắc chiếc xe tôi đang ngồi sẽ quay lăn nhiều vòng trên freeway. Lúc đó biết điều gì sẽ xảy ra! Bởi vậy, tôi dễ nhớ tới nhà má con Thủy. Mà trên xe lúc đó còn Trần Thị Hai nữa. Hẹn sẽ gặp nhau ở buổi ăn sáng. Tôi điện Kiều Công Thành và anh Trịnh Kim Long do có hẹn trước từ lâu. Mọi người tới điểm hẹn như cùng lúc. Bao nhiêu chuyện để hỏi thăm, để biết thêm về các bạn mình. Hết cà phê, hết bình trà. Cô chủ quán, vừa được nhờ chụp cái hình chung bốn người, vui vẻ mang thêm bình trà khác. Bình trà hết, đã quá trưa. Thủy về sớm. Số còn lại đi quán khác tìm nước uống tiếp. Lần này tới quán cà phê gọi sinh tố uống. Nói chuyện quên thời gian tới 2 giờ chiều đủ chuyện đời xưa nay, chuyện thế sự thăng trầm, chuyện cô thầy bạn cũ…, quên luôn cơm trưa. Anh Kim Long phải đi đón cháu học về. Kiều Công Thành đưa tôi về lại khách sạn.

Hai tuần ở Hoa Kỳ, con gái tôi lần đầu tới đã mắt thấy, mũi ngửi, tay sờ không gian đồ sộ, những thành phố lớn tiếng tăm, những biểu tượng nổi tiếng; đã bất ngờ với vườn hoa anh đào nở rộ rực rỡ trong nắng mai ở thủ đô; đã ít nhiều cảm nhận sinh hoạt cộng đồng người Việt xa xứ ở đây. Đó là một chút hành trang đáng có để cháu có cái nhìn thế giới tròn hơn. Còn tôi, thêm một lần hò hẹn hoặc lỡ hẹn với bạn đồng môn, bạn xứ sở. Đáng lẽ tôi phải hỏi thăm những bạn đã từng bù khú như Phạm Kiệt, Cảnh hù, Đức Phước hay anh Quan, nứng Ngôn, nứng Xiết hoặc các bạn nữ như Lệ Toàn, Xuân Lan... Và cả khỉ đàn anh, anh Tứ Lễ nữa.Tiếc là tôi không có số điện thoại. Cũng một phần do cái bảo thủ của cái đầu tôi, ở Hoa Kỳ hai tuần vẫn không ngủ được. Tôi đã từng bị tình huống này nên đã lường trước. Thuốc ngủ mang theo bỏ trong túi áo bị rớt mất khi làm thủ tục kiểm soát nhập cư! Như là số phận trêu ngươi! Thức đêm hoài chịu không nổi tôi tìm được thuốc sleep aid, nhưng chỉ mơ màng một đêm, đêm sau thuốc không có hiệu lực gì nữa! Sức khỏe không tốt khiến tôi không đủ tinh thần để tìm thăm hết các bạn.

Ba tiếng đồng hồ ở sân bay LAX đủ thời gian tôi điện chia tay các bạn tôi có số điện thoại. Nửa đêm về sáng, trên đường từ Sài Gòn về Sóc Trăng, tôi đánh e.mail báo tin các bạn xa tôi đã tới quê nhà. Còn tôi, tuy mệt, rán thức để mong tối đến được một chiêm bao thật yên lành bù lại bao ngày chỉ mơ màng và mệt mỏi! Chiêm bao chưa tới nhưng hồi ức cứ về! Nhớ lại lúc ngồi quán ở Cali, anh Trịnh Kim Long kể về thời quần xà lỏn. Anh Long đang học lớp ba dãy lớp nóc bằng năm 1956, anh thấy bên kia động thổ xây dãy phòng học đầu tiên cho trường trung học Hoàng Diệu ngày nay, tức dãy có hai hành lang và văn phòng nhà trường sau này. Năm sau trường khai giảng khóa đầu tiên. Cùng lúc bên dãy này anh Long cũng vào lớp nhì, anh thấy bên kia học sinh mặc quần dài xanh mà thấy… thèm! Nhưng anh cũng nói thêm hôm khai giảng cũng có khá nhiều bạn bên trường trung học vẫn còn mặc quần xà lỏn, chắc do hoàn cảnh hoặc chưa biết hết qui định của nhà trường. Nếu anh Long nói đúng thì trường trung học Hoàng Diệu phải lấy năm 1956 là năm xây dựng cơ sở vật chất, còn sau đó sát nhập thêm cơ sở của trường tiểu học kế bên chỉ là chuyện phụ. Đây cũng là một cách nhìn, bởi hiện nay lấy năm 1949 có thể là năm xây dựng trường tiểu học, tức dãy nóc bằng, làm năm xây dựng nhà trường trung học Hoàng Diệu. Anh cũng kể thêm chuyện chung, chuyện khá phổ biến về cách ứng xử của lớp trẻ, lớp con bên Mỹ. Cha mẹ là những người tốn biết bao công sức khó nhọc kể từ ngày rời nước đến những ngày bôn ba trên đất khách tìm mọi cách mưu sinh (và biết bao người không vượt được số phận) để chăm lo, vun bồi cho thế hệ con ở xứ người nên người, có học thức, có việc làm tốt, có vị trí trong xã hội. Nhưng lớp trẻ đối đãi với bậc sinh thành không như cha mẹ kỳ vọng. Vấn đề là môi trường sống, văn hóa trong môi trường sống chi phối cách nhìn, hành vi của lớp trẻ. Lớp trẻ được giáo dục phải vươn lên, phải tự khẳng định mình nhưng đôi lúc chỉ một chút suy nghĩ sai lệnh khiến chúng quan tâm tới chúng nhiều quá, lơ là sợi dây tình cảm với những người thân thiết. Trong những lúc rảnh rỗi, Lâm Văn Chung cũng tâm sự với tôi nội dung tương tự về chính con trai mình. Nước mắt chảy xuôi! Nỗi buồn man mác thầm lặng của những bậc mẹ cha Á đông. Văn hóa ứng xử này cũng ảnh hưởng một bộ phận thanh niên trong nước rồi.

 

Tháng ba, nhằm cao điểm mùa nắng. Vậy mà có những cơn mưa nặng hạt gây ngập từ Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau. Vạn vật như không có một qui luật rõ ràng nữa. Vạn vật còn vậy, chuyện thay đổi trong suy nghĩ là chuyện bình thường. Lớp cháu con bị tác động bởi văn hóa đang hòa mình, cũng nên ít nhiều cảm thông với tụi nhỏ. Nhìn lại lớp lớn nè, cũng ba điều bốn chuyện, nay mưa mai nắng chớ êm ấm gì đâu. Nhóm bạn tôi khoảng chục, cũng lắm nhóm phe trong đó. Nhưng tôi coi đó là chuyện bình thường. Lựa lúc, lựa người cho những tình huống mà chơi. Cuộc sống nhóm bạn tôi còn có bây dài mà bày chuyện so đo quá làm chi chỉ tự tách mình, mất đi cơ hội vui chung - điều cần nên có của cuộc sống khá đơn điệu hiện giờ. Tôi đã đi một vòng nửa trái đất, việc chính là công việc, là mưu sinh. Nhưng qua đó tôi có cơ hội tìm gặp lại đồng môn, đồng xứ. Tình nghĩa đồng bào lớn lắm (giữa mênh mông người lạ nghe ai đó nói tiếng Việt là tự dưng mình len nên niềm vui dù chưa rõ lý do gì!) tình đồng hương càng nồng ấm hơn. Đáng lẽ là như vậy, chắc hầu hết ai cũng mong như vậy. Ở tuổi tri thiên mệnh này, nếu không làm được gì hơn thì góp một tiếng nói chân tình, gây một cử chỉ thân thiện, tạo một niềm vui nho nhỏ, nối lại tình thân nhất là tình đồng môn, đồng xứ cho cuộc sống thêm chút an ủi chắc sẽ tốt hơn, có chút ý nghĩa để đời hơn.

THƠ KÝ LỰC



(* ) Số : âm tiếng Triều Châu, có nghĩa là chị dâu

(*) Nứng : âm tiếng Triều Châu, có nghĩa là anh rể


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 1 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật