Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.





Má con Trần Thị Hai, cựu học sinh Hoàng Diệu khóa 68-75, từ Cali về thăm quê hương xứ sở Sóc Trăng nhằm hè. Các bạn quê nhà có dịp cùng bạn cũ cùng thời rong chơi hè thư giản và tìm lại kỷ niệm ngày xưa thân ái. Tôi ghi lại nhật ký chuyến đi này để mai thỉnh thoảng đọc lại, nhớ lại những phút giây vui vẻ những ngày qua, được thêm ít nhiều tiếng cười dẫu là tiếng cười thầm nhưng cũng làm chúng ta thêm chút ấm cúng tuổi về chiều.

Ngày một:

Hẹn nhau hai giờ sáng khởi hành nhưng mới hơn một giờ Võ Ngọc Tú,  Mạch Hút Sơn từ Bố Thảo; Lý Hùng Kiệt từ ngoài quốc lộ 1A đã có mặt tại quán trước hồ nước ngọt ăn mì uống cà phê. Chắc người cao tuổi hơi khó ngủ hay ngại ngủ quên vuột mất chuyến rong chơi hè nên khi xe lần lượt rước tại nhà, tất cả đều ở tư thế sẵn sàng. Từ nhà tôi xe qua đón Nguyễn Hồng Võ, ghé khách sạn đón Trần Thị Hai và cháu Hân, đón Tạ Thị Chuôn và nhóm trên tại điểm bán hoa của Sơn trên đường Hùng Vương. Xe xuôi quốc lộ đón thêm Trí Hiền, Trương Ngọc Hạnh và nhắm hướng Cần Thơ thẳng tiến.

Mới thức mới rửa mặt nên còn tỉnh táo, lên xe là ồn ào ngay. Nguyễn Hồng Võ ngồi gần Ngọc Hạnh, bạn gái thân thiết xưa, nên coi bộ vui vẻ, luôn nở nụ cười khoe cái răng bịch bạc bạc màu không còn sáng chóe! Võ Ngọc Tú trẻ trung hơn cái tuổi trên mình, ồn ào hơn do đã hưu trí, thảnh thơi thoải mái! Bởi vui nên mọi người quên mất chuyện nhờ bác tài tìm chỗ đổ xăng. Có người chọc chắc Trí Hiền, cô bạn thích sưu tầm toilet, có mang theo bỉm nên giờ mất luôn vẻ lo bác tài hết xăng như dạo nào! Lên tới cao tốc Trung Lương các bạn trở lại yên ắng tìm chút thư giản qua  giấc ngủ ngắn nhưng chắc sẽ rất ngon để qua cầu Sài Gòn ghé ăn sáng trong trạng thái thoải mái.

Sáng sớm nên không bị kẹt đường, nhưng do cung đường dài nên giữa trưa mới tới Phan Rang. Khách sạn khá tốt nên mọi người an tâm. Hai người bạn thời đại học của tôi đã đợi sẵn, hướng dẫn mọi người đi ăn và thăm thắng cảnh. Bãi biển Ninh Chữ hình cánh cung, khá đẹp. Quán hải sản ở đầu cánh cung nên các bạn có dịp nhìn được toàn cảnh bãi biển Ninh Chữ và ghi hình lưu niệm. Đồ ăn tươi ngon nên tuy có nhiều một chút các bạn cũng rán tiết kiệm, không để tiền rơi rớt! Yên cái bụng, xe vượt thêm 40 km ven biển tới vịnh Vĩnh Hy. Đường tới vịnh tuy nhỏ nhưng thuận tiện để phóng tầm mắt tới những quang cảnh thật nên thơ lên đồi xuống biển. Vịnh này mới đưa vào khai thác du lịch gần đây, vịnh không lớn nằm ở bắc tỉnh Ninh Thuận giáp với Khánh Hòa. Nhằm gió tây nam nên chiếc tàu nhỏ đưa các bạn đi coi san hô bị nhiều lượn sóng khá mạnh chào đón. Mặt Trần Thị Hai chuyển màu đỏ như ráng chiều, còn Tạ Thị Chuôn chuyển xanh…đen như màu biển đang trong cơn vui bỡn cợt! Những bạn khác thì im im…chịu đựng. Nhưng khi tới vùng biển san hô hơi sát bờ thì chỉ còn sóng nhỏ nên mọi người vui vẻ trở lại để ngắm nhìn, suýt soa sao san hô đẹp như vậy. Chuyến trở vào vịnh, sóng còn mạnh hơn. Qua ánh mặt trời chiều cả vùng biển nhấp nhô đổi màu đen ngòm như muốn sẵn sàng ôm cả tàu vào lòng…biển, khiến các bạn nữ ta thêm lần đổi màu mặt. Bởi vậy khi tới bờ, mọi người mừng rỡ, không quên lịch sự khen nhau ai cũng có sức khỏe tốt, y hệt chuyện mèo khen mèo dài đuôi!

Trở lại Phan Rang đã hơn bảy giờ tối nên bỏ phần thăm tháp Chàm, kéo nhau đi ăn cơm gà chạy bộ. Trần Thị Hai nhìn thấy khỏe mạnh nhưng chắc thấm sóng biển hay do lỡ van vái gì đó khi trên biển, vô quán cơm gà chỉ uống nước lả. Tạ Thị Chuôn thấm mệt nhưng thấy đĩa thịt hấp dẫn, da gà vàng óng nên quên mệt, ăn giùm luôn cả phần chị Hai. Tối, Võ Ngọc Tú còn tận dụng thời gian nhờ bạn của tôi đưa đi thăm sui gia cách chỗ đang nghỉ cũng không xa. Thời buổi bận rộn với cơm áo gạo tiền có ai rnh rỗi vượt 600 cây số chỉ để thăm sui gia, nên Tú làm được chuyện một công đôi việc. Nhóm bạn nam ra đường tìm quán cà phê. Mọi người thỏa thuận nghỉ sớm để thức sớm. Mai sẽ tới Qui Nhơn.

Ngày hai:

Đúng bốn giờ sáng là đủ mặt trên xe. Hai tiếng đồng hồ sau xe vô thành phố  biển Nha Trang. Xe tới cặp biển, bên tháp Trầm Hương. Tối nay, tại nơi này, sẽ diễn ra lễ khai mạc festival biển nên một khán đài khá lớn đã được dựng lên và nhóm đồng diễn đang tập gần đó khiến không khí có vẻ sôi động ngay từ sáng sớm. Nha Trang vừa hoàn tất việc kéo dài con đường ven biển thêm hơn chục cây số và thông tới quốc lộ nên mọi người có dịp chiêm ngưỡng bình minh biển và những cung đường lượn khá đẹp mắt. Xe xuôi quốc lộ về Đại Lãnh dưới chân đèo Cả và dừng chân nơi đây tìm chỗ ăn sáng đặc sản là bún mực. Phía sau quán là biển và thuyền câu mực đậu khá dầy, cho nên nước súp chắc được nấu với nhiều cá mực rất tươi nên rất ngọt. Tô bún có năm sáu con mực nguyên con, thậm chí còn không rút nội tạng nên chắc khó an lòng với bạn nào yếu tiêu hóa. Trần Thị Hai tuyên bố có đủ thuốc đau bụng cho cả nhóm! Không biết nhờ lời nói Trần Thị Hai hay do tô bún quá ngon nên ai cũng xì xụp chỉ chừa lại chút nước súp đen ngòm vì mực của mực, thậm chí còn kêu cá, mực ăn thêm nữa. Bất ngờ là cà phê quán này cũng rất ngon nên ai cũng hả hê hài lòng lên xe vượt đèo. Đèo Cả tuy không hùng vĩ như Hải Vân, uốn lượn co thắt như Ngoạn Mục nhưng là lần đầu biết đến của hầu hết các bạn trên xe nên cái háo hức hiện ra rất rõ nét. Ở nhiều cung đoạn nhìn ra phía biển thấy biển và các hòn như những bức tranh sơn thủy thật đẹp. Qua nửa đèo tới địa phận Phú Yên, từ trên cao nhìn xuống cảng Vũng Rô thật là yên ắng bởi có những vách đá che chắn từ phía biển. Xe vào địa phận thành phố Tuy Hòa, tỉnh lỵ Phú Yên. Người bạn thời đại học của tôi đứng đợi bên đường. Xe dừng để các bạn ghé thăm quán bia tươi của bạn. Bạn tặng năm thùng bia lon là sản phẩm của hãng bạn làm ra, đang được tiêu thụ khá mạnh ở Cambogde. Lên xe Lý Hùng Kiệt và Võ Ngọc Tú bèn song ca Hò vô bia với sự phụ họa của Hút Sơn, Hồng Võ, Trần Thị Hai và tôi. Chắc mực, cá và bia khó ở chung nên Trần Thị Hai suýt thành Trần Thị Te Rẹt nếu không có chuẩn bị thuốc kịp. Trí Hiền nhắm mắt chắc niệm phật cầu mong cái bụng bình yên, ngủ quên nghiêng nghiêng qua vai Hùng Kiệt. Thơ thẩn tôi ngồi sau viết liền cho Kiệt để Kiệt đọc tặng Trí Hiền Vai anh em hãy tựa đầu/ Để nghe em mớ tìm đâu chỗ…xè! Bia ngon, cười nhiều khiến các bạn phấn chấn hơn tới Sông Cầu và theo đường ven biển mới mở để vào thành phố Qui Nhơn. Xe qua trại phong Qui Hòa, nơi thi sĩ họ Hàn từng gắn bó một quãng đời mình. Trại nằm ẩn hiện trong màu xanh của một thung lũng sát ven biển, cách xa và như là biệt lập với bên ngoài. Xe tới nơi muốn đến và điểm đầu tiên ghé là Ghềnh Ráng dù đã giữa trưa. Dốc Mộng Cầm đã phẳng xi măng. Ghé thăm mộ Hàn Mặc Tử, nay đã được trùng tu khá đẹp. Xuống bãi tắm Hoàng Hậu, Ngọc Tú và Trí Hiền mong tìm trong bãi đá trứng vài cục đá trứng khoảng nắm tay về làm kỷ niệm. Ba năm trước tôi từng xuống đây, đá trứng nhỏ dẫy đầy. Bản thông báo xin quí khách đừng mang đá ra khỏi bãi như kích thích thêm tính tò mò của du khách và tôi cũng từng lựa một đá trứng khá tròn bằng nắm tay về làm cục chặn giấy trên bàn! Nay toàn bãi hoàn toàn không còn đá trứng nhỏ, chỉ còn lại trứng voi, mỗi trứng chắc khoảng năm ký lô. Không l bỏ công phơi nắng, Ngọc Tú và Trí Hiền chọn cho mình mỗi người một quả cầm không muốn nổi. Nhờ đó xe đã nặng nay nặng thêm! Xe về chỗ nghỉ lấy phòng. Na tiếng sau ghé quán cơm khá sạch sẽ tìm cái dằn chắc bụng trước khi đi Phú Phong thăm Viện bảo tàng Quang Trung.

Bảo tàng Quang Trung cách trung tâm Qui Nhơn khoảng 60 km nên mất cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Khuôn viên bảo tàng rất rộng, phần lớn diện tích nằm ngay trên đất nhà của anh em nhà Tây Sơn. Thăm giếng nước và cây me cổ thụ có từ giữa thế kỷ 18. Giếng còn tốt và nước rất trong và ngọt. Cây me vẫn xanh tươi. Tại phủ thờ, giữa là ba anh em nhà Tây Sơn. Bên phải là ba cận thần văn, bên kia là ba cận thần võ. Các tượng làm mới rất có thần sắc. Trong Viện bảo tàng có bộ tượng rất đời thường và sống động. Vua Quang Trung ngồi giữa, chỉ một chân xỏ giầy. Hai cận thần tả hữu người rút chân lên ghế, người chéo chân nên vua tôi như đều rất bình dân và thân mật với nhau! Phần cuối là vào rạp nhỏ để thưởng thức trống trận Quang Trung và võ thuật Bình Định. Phần trống trận có ba hồi lên đường, xung trận và khải hoàn. Những hồi trống hào hùng làm một số bạn ta nổi da gà, rùng mình bởi như đang sống trong không khí đầy vinh quang của những chiến công giữ nước hiển hách. Các bạn chắc hài lòng khi ra về sau khi được thưởng thức phần sau đó là các điệu vũ hội của hai dân tộc thiểu số lớn của vùng này mà xa xưa tiền nhân họ từng là chiến binh thiện chiến của vua Quang Trung. Thời gian ở Viện bảo tàng khá lâu nên quay trở lại trung tâm để thăm bán đảo Nhơn Hội trên cây cầu dài nhất Việt Nam thì đã xế chiều. Tới nhà nghỉ trời sập tối. Cơm nước xong cả nhóm nam và một bạn tôi ở địa phương quây quần nhau bên bàn bia trong khuôn viên nhà nghỉ. Bia địa phương cũng khá ngon nên mọi người vui vẻ khá khuya. Còn các bạn nữ có dịp tìm hiểu phố biển về đêm. Chỗ nghỉ gần biển nên các bạn ta có thể tha hồ hóng mát.

Ngày 3:

Cũng điệp khúc 4 giờ sáng có mặt khởi hành. Đã na chặng cuộc chơi, sức khỏe các bạn đều ổn, chỉ riêng Trần Thị Hai mỗi buổi tốn hai trái dừa thay cơm. Xe xuôi nam trong sự yên ắng ngoài tiếng rì rào của sóng biển vỗ bờ. Tới Tuy Hoà tìm chỗ ăn sáng. Thành phố này nhỏ nên xe chạy nhiều vòng mới tìm ra quán ngang tầm chứa hết hơn chục bạn trên xe. Hai tiếng sau tới Nha Trang rồi xe vào Diên Khánh đi đường tắt qua Đà Lạt. Chuẩn bị lên đèo các bạn lại hát bài hò dô bia. Mỗi người hai lon để cng cố tinh thần ở những khúc quanh. Ở những khúc quanh Hồng Võ ngồi bên Ngọc Hạnh cười vui nhiều nhất, nhờ bia thông cổ và nhờ khúc quanh khiến mà em nghiêng hết hết ấy về bên anh và ngược lại. Hồng Võ nghiêng qua nghiêng lại nhiều lần vì đèo dài. Đến khi hết khúc quanh mà trớn nghiêng của Hồng Võ vẫn còn, chắc do bia dẫn, khiến Hùng Kiệt nhắc nhở là hết khúc quanh rồi Võ ơi! Kiệt nhắc chừng vậy nhưng lúc sau Kiệt cũng thấm bia, ngậm viên kẹo sâm chính hiệu xong là Kiệt ngoẹo đầu nghiêng nghiêng hết về bên…má Trí Hiền ngồi kế bên, khiến mọi người có dịp cười như cái chợ. Cũng thơ thẩn tôi ngồi phía sau tặng ngay cho Trí Hiền Má em anh hãy tựa vào/ Để nghe nước miếng ngọt ngào chảy ra! Nước miếng ngọt ngào vì đang ngậm kẹo mà ngủ! Đèo Hòn Hèo trên lộ mới mở rất quanh co và uốn lượn đẹp mắt. Đèo rất dài lên tới đỉnh cao 1.500m là hết đèo, cũng vừa tới địa phận tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây có khoảng trống để xe dừng lại ngắm cảnh và có nhiều bụi rậm thay cho chỗ…đỗ xăng!  Xuống đèo một quãng là rừng thông hiện ra thay chỗ cho rừng tạp nham trước đó. Xe tới Đà Lạt theo ngõ dọc Hồ Xuân Hương. Hồ mới sên vét và kè bờ lại và chứa nước khá đầy nên coi rất thơ mộng. Trần Thị Hai lần đầu tận mắt thấy hồ, chắc có phần cảm xúc hơn các bạn khác. Nhận chỗ nghỉ xong, khá tươm tất, mọi người tìm cái ăn trước khi đi tham quan thắng cảnh. Rời quán xe chạy thêm hơn 10 km mới tới núi Lang Biang. Hai chiếc xe zeep của hãng du lịch địa phương đưa cả nhóm lên đỉnh. Nhằm hôm trời khá trong và ít gió nên không lạnh lắm và cũng thiếu luôn cảnh mây trôi lờ đờ trên đỉnh. Cháu Hân hóa thân làm sơn nữ ghi mấy chục cái hình. Còn bạn nữ ta chắc ngại mang tiếng đèo bồng với lớp trẻ nên chỉ đứng nhìn tiếc r! Xe lên núi chắc có bạn thót tim, xe xuống núi còn gây ra cảm giác lo sợ nặng nề hơn vì đường hẹp, dốc và cua rất ngặt. Xe đi lộ tắt qua Thung lũng tình yêu. Địa danh này cũng được nâng cấp làm mới khá đẹp và có xe đưa chạy tham quan khu thung lũng, nhưng do hạn hẹp thời gian nên cả nhóm chỉ rong chơi, ghi hình thắng cảnh đẹp. Thấy mặt trời đã chếch bóng, bèn kéo nhau về thăm thác Cam Ly để chị Hai biết một thắng cảnh đã đi vào thơ ca. Cũng may, thác còn mở cửa và cũng được làm lại khá đẹp, có cả nhạc nước nữa nhưng chỉ hoạt động về đêm. Quẹo lại vườn hoa nhưng khá tối nên chỉ ghi hình làm kỷ niệm. Cơm chiều xong là trời sập tối, ai mệt nằm nghỉ, ai khỏe vô chợ Đà Lạt mua sắm và uống cà phê ở những quán khá nổi tiếng trên con đường dốc cặp chợ.

Ngày cuối:

Mới hơn ba giờ tôi đã thức. Tôi ra hàng hiên phòng ngắm nhìn không gian sáng sớm và hít thở không khí trong lành khá lạnh của vùng cao nguyên Lâm Viên. Tuy còn khá lạnh về sáng nhưng Đà Lạt đang vào hè và mấy chục năm qua rừng thông càng thu hẹp nên buổi trưa Đà Lạt không còn lạnh. Ban ngày trên các đường phố trung tâm thiếu vắng các cô gái áo ấm khăn choàng, môi hồng má đỏ, hình ảnh khá đặc trưng của Đà Lạt…xưa xưa. Đã bàn luận trước, xe sẽ rời Đà Lạt lúc năm giờ sáng. Tới Bảo Lộc lúc bảy giờ  và mọi người có dịp ngồi ăn sáng ngoài trời trong khuôn viên một điểm dừng chân khá đẹp có cà phê đá miễn phí uống tha hồ. Gần tiếng đồng hồ thư giản ăn uống, mua sắm các bạn lên đường để lần nữa lên rừng theo lịch trình. Xe qua đèo Bảo Lộc đường hơi hẹp, cũng khá quanh co. Hồng Võ lại cám ơn bác tài lia lịa vì xe nghiêng ngửa theo đường uốn lượn. Vài chục phút sau đó rừng Ma đa gui hiện ra. Mọi người xuống xe lỉnh kỉnh đồ đạc để vào rừng hạ trại giải quyết mấy chai rượu sâm mang theo. Tấm bạt mới mua rất rộng tha hồ mà ngồi mà nằm. Thức ăn đơn giản chỉ là trái cây sấy, cơm nếp thịt chà bông, khoai lang nướng… nhưng cũng tạo ra những tràng cười vui vẻ. Vui lạ là cháu Hân uống rượu thay mẹ điệu nghệ như người sành rượu! Coi lại cái quần jean của cháu theo mode te tua! Vậy là hai mẹ con vần quá, mẹ Trần Thị Te, con là Trần Thị Tua vì cái quần mode rách ngang có những tua vải tòn ten! Tòn ten hơn hai tiếng đồng hồ cũng phải ra về tới Dầu Giây tìm cái ăn trưa hơi trễ. Xe chạy xuyên nội ô Sài Gòn để chị Hai ngắm thành phố đã sáu năm xa vắng. Theo đường cao tốc xe chạy khá nhanh để về Vĩnh Long ăn hủ tíu…xương ở quán bình dân. Tới Sóc Trăng đã hơn bảy giờ đêm. Xe bỏ các bạn ở những nơi đã đón không quên hẹn hôm sau sẽ vô Bố Thảo để Tú tiểu muội đãi mắm kho, viết thêm trang lịch trình Trần Thị Te về lại quê nhà.

         Hè xuống biển Ninh Chữ, Nha Trang, Qui Nhơn rồi lên non Lang Biang, vào rừng Ma đa gui quả là nhiều nơi thú vị. Tất cả các bạn, cùng thời chung trường Hoàng Diệu, tới tuổi này chỉ quanh quẩn với đồng bằng, lần đầu qua khỏi Nha Trang, tới khúc đòn gánh miền Trung nên chuyến đi chắc mang nhiều kỷ niệm trong đời sau này. Riêng má con Trần Thị Hai lần đầu tới Đà Lạt biết núi Lang Biang, biết Thung lũng tình yêu, biết suối Cam Ly, biết hồ Xuân Hương, biết cái lạnh nhè nhẹ của xứ sương mù, cái trầm mặc của rừng thông… chắc cảm xúc về Đà Lạt khá trọn vẹn dù thời gian lưu lại ngắn ngủi. Chắc nhờ một phần vào cái hồ hởi đó, trong bốn ngày cả nhóm đã đi về khoảng 2.000 cây số mà ai cũng khỏe re. Trần Thị Te trở lại Trần Thị Hai chắc còn nhờ vào chai thuốc đau bụng vơi một na! Và trưa hôm sau tại nhà Võ Ngọc Tú các bạn đã thủ tiêu hoàn toàn mấy thùng bia còn lại mang từ Phú Yên về. Xử hết mấy thùng bia đó ngoài sức khỏe chắc còn nhờ tình bạn, tình đồng môn, niềm vui, sự thoải mái ăn sâu trong tâm tưởng mấy ngày qua.

THƠ KÝ LỰC


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 11 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật