Thời trung học, khi tuổi thiếu niên đang chuẩn bị bước lên mức trưởng thành hơn, lúc đó tâm sinh lý đang quá trình chuyển biến, hoàn thiện hơn, là quãng đời đáng nhớ với nhiều kỷ niệm học sinh đầy mộng mơ. Có mộng mơ ngu ngơ, có mộng mơ nên thơ. Ai may mắn có mộng mơ sau này thành hiện thực, như là bạn học rồi nên nghĩa vợ chồng. Một thời khó quên và đáng nhớ, tình thầy, tình bạn và tình yêu đầu đời mênh mang…
Bởi vậy, những ai đã qua thời trung học sẽ dễ đồng cảm khi nhắc về ngày xưa thân ái dẫu có khi chưa hề chung lớp chung trường. Do công việc kinh doanh tôm, cũng có thể do phần nào bản tính, tôi có nhiều mối quan hệ, có nhiều người quen. Một sự tình cờ trong công việc làm ăn, tôi có tâm tình về ngày họp mặt thầy trò sắp tới với một bạn cùng tuổi. Không ngờ anh bạn đó hỏi thăm và có lẽ do đồng cảm, anh ấy nói hãy cho tôi cảm giác vui chung thời trung học! Nhưng anh ta tận Long An làm gì có bạn Sóc Trăng mà vui chung. Chắc biết được suy nghĩ của tôi, anh ta nói tiếp là cho phép tôi ủng hộ vào nguồn tài chánh tổ chức ngày hội trường, chớ tôi có quen ai đâu, ngoài trừ anh, mà tham dự!
Đây là một bất ngờ, ngoài dự kiến. Dĩ nhiên khi vận động đóng góp, Ban liên lạc cựu học sinh Hoàng Diệu Sóc Trăng đâu có qui định ai mới được đóng góp! Đối tượng đóng góp chỉ tập trung ở cựu học sinh mà thôi. Người bên ngoài ai biết, ai cảm thông mà hỗ trợ. Do vậy, với cử chỉ này, tôi phải dài dòng thêm về anh bạn đồng nghiệp tôi. Sau trung học, do hoàn cảnh khó khăn, tới năm 78 anh ta đi thanh niên xung phong. Tám năm sau, chắc thể hiện được năng lực, anh làm giám đốc nhà máy đông lạnh Hùng Vương của lực lượng này. Cũng tám năm trên cái ghế nóng thời tranh tối tranh sáng, doanh nghiệp muốn tồn tại doanh nhân phải tìm cách lách luật, xé rào… , anh bị buộc tội cố ý làm trái và đi sửa lại mình trong trại cải tạo! Ở đó, máu năng động của anh ta không suy suyển, nhờ vậy anh sớm được trở lại đời thường. Với số vốn ban đầu nhỏ nhoi, trở lại đời thường sau sáu năm xa vắng, thiếu thông tin, kiến thức… khiến có nhiều lúc anh hụt hẫng, mất vốn. Nhưng với sự nhạy bén, anh nhanh chóng tìm ra những cơ hội kinh doanh, nắm bắt đúng thời cơ để đồng vốn ít ỏi còn lại nhanh nở rộ. Tính ra tới thời điểm này, đúng 12 năm sau khi trở lại thương trường, anh có trong tay nhiều cơ sở sản xuất lớn trong nghề chế biến cá tra đông lạnh xuất cảng. Anh trở thành một doanh nhân thành đạt. Anh đặt tên doanh nghiệp mới của anh là Hùng Vương để nhớ thời khó khăn đầy chuyện bức xúc xưa (chớ không phải nhớ thời trung học!). Và qua công việc, tôi quen anh như là đồng nghiệp, dẫu tôi với anh, kẻ tôm người cá.
Tôi cầm 10 triệu đồng anh đóng góp và thay mặt Ban liên lạc nói lời cám ơn anh. Anh cười, nói là không phải chuyện anh em giúp qua giúp lại, mà tôi nhớ về tuổi học sinh, tôi muốn góp chút phần nho nhỏ để tổ chức ngày hội trường tốt hơn, để các thầy cô có dịp vui vẻ hơn khi gặp lại trò cũ, để bạn cũ thêm nồng ấm buổi tương phùng. Sự đồng cảm này quả là đáng quí. Có lẽ anh ngồi đó đang hồi tưởng về những ngày xưa áo trắng, ngôi trường rêu phong, mái đầu bạc của cô thầy…
Những lần gặp gỡ nhau trước đây, tôi và anh thoải mái khi chia tay. Lần này, tôi có chút quyến luyến như có điều gì chưa nói hết với anh. Dẫu với anh ta, 10 triệu đồng là chuyện nhỏ trong tầm tay, nhưng cách ủng hộ và lời tâm tình, tôi có phần nào trân trọng cử chỉ và tình cảm của anh. Chắc đó là phần tôi chưa thể hiện được hết với anh. Trong suy nghĩ, tôi cám ơn anh lần nữa, anh Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương. Cũng nói thêm, với tấm lòng rộng mở đầy tính nhân ái, nhất là nhớ về thời học sinh đầy vất vả của mình, anh đã trích tiền lời của công ty mỗi năm hàng tỷ đồng làm học bổng và phần thưởng tới học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn. Phần thưởng này tới tay học sinh nhiều địa phương, trong đó có cả học sinh Sóc Trăng. Bất ngờ hơn, câu chia tay từ anh ta năm 2012 sẽ đưa về Sóc Trăng 100 học bỗng trị giá 200 triệu đồng.
NGƯỜI SÓC TRĂNG