Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.


   Tuần rồi, Cường, chồng tôi, có vợ chồng bạn già học chung thời trung học từ tấm bé ghé thăm.  Màn tiếp rước đãi đằng dĩ nhiên rôm rả, hai bạn ở chơi một ngày, hôm sau dong ruổi viếng Napa, xứ rượu vang của Hoa Kỳ rồi vòng về San Jose để làm một buổi họp mặt bỏ túi với bốn cô bạn gái đang sống tại đây. Tuy là lần đầu gặp lại sau gần 40 năm xa cách, và với trí nhớ rất ư lỏm bỏm của Cường, không khí cũng vui vẻ, rất ấm cúng và thân mật.  Tuy nhiên buổi ăn tối tại nhà hàng Vũng Tàu biến thành buổi... ăn chơi vì các cô đều uể oải sau tám giờ đồng hồ với việc làm, chúng tôi tuy là khách nhưng vì bôn ba cả ngày khá mệt mỏi nên cũng lười lĩnh với các món ăn hấp dẫn trong thực đơn. Mọi người đồng ý gọi món bánh khọt, gỏi sen, bò cuốn nướng, lẫu hải sản và vài thứ khác mà tôi chẳng chú ý cho lắm. Vì món bánh khọt đã hút hồn tôi khi nhớ lại tuổi thơ mình hồi còn ở Sóc Trăng.

 

       Nhà tôi mang số 14 đường Mạc Đĩnh Chi, nằm trong cư xá cảnh sát hồi đó, khởi thủy là 16 căn nhà ngói. Về sau có thêm 2 dãy nhà tole nằm đối diện, rồi theo thời gian, nhiều dãy nhà lá mọc lên lấn dần ra khu đồng ruộng bao la có sân tập bắn bia độc nhất ở xứ Khánh Hưng. Xóm nhỏ ngày càng đông vì cách chợ chỉ vài trăm mét nên sinh hoạt cũng nhộn nhịp, mỗi sáng có hàng quà bánh lền khên. Nào là Dì bún chuyên gánh bún nước lèo vào tận cửa nhà, có người kêu “cho một tô” là tay dì thoăn thoắt bóc nhúm giá hẹ, mớ bắp chuối bào bỏ vào tô, rồi tới con bún, miếng cá và con tôm lột vỏ đỏ tươi nằm trên cùng, sau đó dì cầm cái vá khoắng nhẹ mặt nồi nước lèo đang bốc hơi ngào ngạt, dì thường trụng bún trước khi múc lên chan vào tô. Dì cũng không quên cho thêm muỗng ớt bầm nhuyễn cùng miếng chanh nhỏ để làm đậm đà thêm hương vị ngọt ngào của tô bún nổi tiếng đất Sóc Trăng. Còn bà Năm bán khoai lang luộc, với cái nia chỉ vài nhúm khoai, bà đi lên đi xuống rao nhoi cả xóm. Khoai của bà được chia ra từng nhúm, mỗi nhúm cỡ chừng hai củ lớn hay ba củ nhỏ, tùy khách chọn mua. Hàng cháo cá, hàng xôi, cơm tấm bì, bánh mì cá mòi ... nhưng mỗi thím Chín Sảnh bán bánh khọt là hấp dẫn tôi nhất. 

       Tôi thường chăm chú ngắm nhìn hai bàn tay gầy còm đen đủi của thím nhanh nhẹn đổ bột vào mươi cái lỗ của khuôn bánh khọt, rồi cũng chính bàn tay đó không ngại bỏng nóng của lò lửa hừng hực cháy mà xoay trở không ngừng những cái nắp be bé để thăm chừng xem bánh tới chưa.  Bánh khọt vừa ăn khi lớp vỏ bên dưới hơi cháy giòn nhưng bột vẫn dẽo, mịn, không khô quá cũng không được nhão. Tm cẩn thận dùng cái que bằng tre vít cái bánh tròn vành vạnh ra đĩa, rồi quệt lên bánh một chút xíu đậu xanh nhuyễn nhừ, chút tôm bầm nhỏ màu cam nổi bật trên màu vàng của đậu, chan một cống nước dừa béo ngậy và sau cùng nước mắm chua ngọt với chút ớt đỏ sẽ làm tăng thêm hương vị của món ăn bình dân nhưng rất độc đáo của xứ Sóc Trăng.

       Hôm nào được giao nhiệm vụ mua bánh khọt về ăn sáng, tôi sẽ đứng nghệch mặt quan sát thím Chín một cách say mê và ước ao phải chi... má mình bán bánh khọt, tôi nguyện là một tay trợ tá đắc lực với phần đổ bánh. Rồi tôi lẩn thẩn so sánh mấy bà tiên trong truyện cổ tích với chiếc đũa thần có thể biến cô Tấm quê mùa thành cô gái đẹp, xiêm y rực rỡ với thím Chín bán bánh khọt xóm tôi. Trong trí óc non nớt, ngây thơ của tôi thời bấy giờ, tôi khám phá thì ra thím Chín là cũng một bà tiên đậm nét thần thoại dù thím hơi ... xấu một tị, đen nhẻm, luộm thuộm ... nhưng với cái vá múc bột và chỉ cần vài động tác nhanh nhẹn, thím đã hô biến ra những chiếc bánh đầy màu sắc rực rỡ trắng, cam, vàng...với đầy đủ hương vị ngọt bùi, cay chua, đậm đà mà chỉ mới nhìn thôi thì đã bắt mê rồi. Với tôi, bánh khọt có thể ăn mỗi sáng mà không ngán như các thứ quà khác như xôi, khoai chẳng hạn ...

       Nỗi nhớ lan man dẫn tôi rẻ qua một kỷ niệm khác cũng liên quan tới bánh khọt. Vào mùa hè năm cuối của bậc tiểu học, tôi về Sài gòn thăm ông bà ngoại như thường lệ. Từ Ngã Bảy, bà ngoại dẫn hai chị em tôi, bé 8 nhỏ hơn tôi hai tuổi, đi Hòa Hưng thăm nhà sui gia của bà. Dì Mười tôi lấy chồng và ở chung với nhà chồng rất đông em gái trong số đó có dì út Chinh lớn hơn tôi chừng ba tuổi và dĩ nhiên là cục cưng của gia đình. Dì Chinh đón tiếp hai chị em tôi rất nồng nhiệt dù thỉnh thoảng không quên ra oai, háy nguýt, sai khiến này nọ cho ra vẻ ta đây vai vế có hạng trong gia tộc. Dì rủ “tụi mình làm bánh khọt ăn chơi” rồi mang cái khuôn bánh khọt đồ chơi của con nít ra để tiếp đãi hai đứa tôi.  Cái khuôn nhỏ xíu chỉ cỡ chừng bàn tay xòe ra, hãy còn mới nên màu nâu tươi của đất nung thật quyến rũ, chỉ mới trông thấy thôi, hai chị em tôi đã thiếu điều rớt tim. Chúng tôi xin được chút bột pha với nước lạnh rồi thêm đường vô cho ngọt chứ làm gì có đậu, tôm để cho giống bánh khọt của thím Chín Sảnh. Mấy cái bánh dì Chinh làm ra xệu xạo, to chỉ bằng khoảng đầu ngón tay cái, nhưng cũng đủ làm bọn tôi nhiễu nước miếng, thèm thuồng chờ tới phiên mình để được dì thí cho một cái.

       Trò chơi kết thúc khi bà ngoại tôi lên tiếng chào từ giã bà sui. Hai đứa tôi nhất định không về vì quyến luyến...cái khuôn bánh khọt! Bà sui thấy hai đứa vùng vằng mới hỏi cho ra lẽ rồi dùng thế giang hồ trượng nghĩa tuyên bố cho phép hai đứa tôi đem cái khuôn bánh khọt về với lý do “con Chinh đã lớn tồng ngồng chơi nhà chòi hoài coi không được chút nào.” Được lời như cởi tấm lòng, hai chị em tôi trụ hình, nhỏng mỏ chờ dì Chinh giao ra cái khuôn bánh khọt. Bà ngoại tôi không bằng lòng, lớn tiếng la rầy hai đứa cháu vô hậu, dì Mười tôi cũng bối rối, chắc sợ đụng chạm tới cục vàng bên nhà chồng nên răn đe hai đứa đủ điều, nhưng trời ạ, chúng tôi cứ dầy mặt ra, lòng dặn lòng không lấy được khuôn bánh khọt nhất quyết không về. Thảm thương cho dì Chinh, mắt mũi chàm ngoàm khóc thương cái khuôn bánh khọt thì ít, mà căm tức hai con tiểu yêu lòng dạ tham lam chắc nhiều hơn.

       Dĩ nhiên, hai chị em tôi bị một trận đòn nên thân sau khi về đến nhà, các cậu dì xúm lại tha hồ chì chiếc nhưng chúng tôi vẫn khư khư giữ rịt cái khuôn bánh khọt. Mợ tôi thương cháu nên đi khắp các chợ lùng kiếm cái khác để trả lại dì Chinh, nhưng làm gì có. Từ đó, nó trở thành báu vật của hai đứa tôi. Cái nắp bể vì tôi buông xuống bất ngờ khi bị phỏng, tụi tôi năn nỉ xin mợ tôi cái nắp nồi nhỏ để thay thế. Cũng năm đó khi tôi thi rớt đệ thất vào trường Hoàng Diệu, mẹ tôi gửi tôi lên Sài gòn học. Những buổi trưa chủ nhật, hai chị em tôi cùng bọn con gái nhỏ trong xóm rủ nhau băng qua đường Trần Quốc Toản vô Viện Hóa Đạo tìm chỗ mát mẻ để chơi nhà chòi, nấu nướng, lần nào cũng kết thúc với món bánh khọt ngọt. Cho tới một hôm Hương-bắc-kỳ, con bạn thân rất xinh xắn của chị em tôi bị phỏng nặng khắp người, từ hai cánh tay xuống tới chân vì thời đó chúng tôi chuyên mặc quần shorts như con trai, tưởng đâu nó phải mang thẹo vít suốt đời. Bà ngoại tôi đập bỏ cái khuôn bánh khọt để tiêu trừ hậu hoạn. Khỏi nói thì cả xóm đều biết bọn tôi khóc hết nước mắt tiếc thương cái khuôn bánh khọt bấy giờ theo thời gian đã trở thành đen bóng. Đám con nít bị cấm vô Viện Hóa Đạo chơi củi lửa, trò chơi nhà chòi đành phải hạ màn. 

       Đây là một kỷ niệm mà cả nhà tôi đều lắc đầu ngao ngán mỗi khi nhắc lại, riêng hai chị em tôi không hẹn sẽ cùng nhướng mắt, cong mỏ “ Ha, các cậu dì quên rằng bé 7 tôi ở nhà còn có biệt danh Bảy Chuổi*, còn bé 8 thì bị gán tên Tám Quạ**sao?”, kèm theo nụ cười chúm chím “ai biểu dì Chinh không biết nhìn mặt mà bắt hình dong, nhè hai tay cướp cạn mà khoe của, cho chừa!!!”

 

*tên của một người đàn bà sống trên sông nước miệt Rạch giá chuyên môn dùng dao bầu chận cướp ghe xuồng xuôi ngược!

 

**tên của một tay anh chị giang hồ thời trước.

 

  Thu Hương Cali

  Tháng 4-2012








Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 2 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật