Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.



       Thầy dạy chúng tôi suốt ba năm trung học. Trước 75 thầy học cao học tại Đại học khoa học Sài Gòn, sau đó chuyển về Long Phú rồi Nhu Gia trước khi dừng chân ở thị xã bình lặng này.

       Vào đầu năm học lớp 10, bọn tôi, không nhỏ mà chưa lớn, vẫn duy trì các thói quen quấy phá của mình một cách ồn ào và khá vô tâm. Những màn múa dẻo tập thể khi thầy cô quay lưng đi lên bảng, những pha leo tọt lên la phông - vốn đã lủng lỗ chỗ, rồi thò chân xuống… vẫn chưa thỏa trí óc phá phách của chúng tôi. Vào những giờ của thầy, thầy chỉ nhẹ nhàng bảo “thôi đi” và quay lưng lên bảng tiếp tục bài giảng như không có gì xảy ra.

 

       Những bạn Kim Hưng, Chí Thâm thi thoảng còn lấy đồng hồ bí mật rọi bóng nắng lên tay khi thầy viết bảng để ánh sáng nhảy nhót với các công thức, các bài giải. Khi thầy quay lại thì vờ chăm chú viết bài. Tuy vậy, đôi lúc thầy quay lại kịp và cũng đã có vài viên phấn ném khá chính xác vào thủ phạm, tiếp theo là một tràng cười ầm rồi một tiết C vào sổ đầu bài cho chính lớp thầy đang chủ nhiệm.  

       Có lần bọn tôi còn đốt lá khô, đốt nhựa và thổi khói vào lớp. Để làm gì nhỉ? Thật là quá quắt! Dĩ nhiên việc ăn bạt tai và hối lỗi luôn luôn đính kèm sau đó. Song chỉ vài ngày là lại tái diễn với những trò mới.

       Một hôm, tôi gục mặt xuống bàn đọc ngấu nghiến, trên bàn là vài ba cuốn Tiếu Ngạo Giang Hồ. Thầy nhẹ nhàng xuống gần và hỏi:”Em đọc gì đó?” Tôi cầm lấy cuốn sách dưới gầm bàn đưa cho thầy. Đó chính là cuốn sách giáo khoa mà thầy đang giảng. Lần này thầy không véo, không bạt tai mà chỉ buồn buồn nói:”Em làm vậy được à?” và lặng lẽ lên bảng giảng bài tiếp.

       Còn biết bao trò nữa khó mà kể hết: lẻn vào chuồng gà của khu nhà giáo viên, lấy hết trứng gà, khoét lỗ hút ruột và bỏ lại vỏ trứng không; cột một cái đầu ông địa vào gàu múc nước giếng; treo cả giỏ chén dĩa lên dây treo cột cờ; ngoáy mũi ông lao công; treo hình nộm khoác bộ áo trắng lên cành cây sân trường vào buổi chạng vạng….

       Những năm tháng vô tư đó rồi cũng phải chứng kiến cuộc sống ngày càng khó khăn. Thầy trò chúng tôi hầu như ai cũng phải tính phương kế tìm sống, để tồn tại, chống chọi với sự thiếu thốn bằng nhiều cách. Có thầy cô kiếm ruộng làm nông, có thầy đi hớt tóc dạo, đi làm thêm ở các nhà máy nước đá, nhà máy xay xát như Ích Dân, hoặc có người cải tạo về phải đi chuyển gỗ cho các trại cưa như Khương Thuận, đi chài lưới ven sông Kho Dầu kiếm cá, có cả những trí thức chạy chợ ngoài Trường Hưng hay chợ thuốc tây ở dãy Phố Làng. Bạn bè tôi cắp tráp bán thuốc, bán xăng trộm ngoài khu vực công viên Bạch Đằng, cầu Bon cũng có hàng tá. Dạo ấy việc chạy hàng lậu đi Cần Thơ, Bạc Liêu rất là có ăn, chỉ đơn giản là mang hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu và bán lại. Người chạy hàng cần phải khôn ngoan lách khỏi các trạm thuế mẫn cán luôn sẵn sàng đánh úp và tịch thu của các “con phe” xanh xao vì đói và khốn cùng.

       Chúng tôi cũng thử hết nghề này đến nghề khác mà vẫn không đủ sống. Bạn bè bỏ học hàng loạt. Tôi gia nhập nhóm tiểu thương đi bỏ hàng các nơi. Có những hôm 3 hoặc 4 giờ sáng tôi khởi hành từ bến xe Gồi hay bến xe Hồ nước ngọt, nhập vai Rhet Buttler vượt phong tỏa các trạm này. Tôi ôm một cặp sách thật to trong chứa khi thì vải, khi thì sữa rồi vờ phô ra cái áo học sinh cùng phù hiệu lúc Hoàng Diệu, lúc Trung học Phú Tâm. Khi qua khỏi trạm thuế khoảng hai ba cây số, tôi chuyển hàng này cho chị tôi cùng đi trên xe, rồi xuống xe đi bộ ngược về thị xã, trong bộ áo của một người đi thăm ruộng, lúc này có khi chỉ mới 5 giờ sáng. Còn nếu như không may bị thuế vụ chụp ở các trạm, chúng tôi phải làm sao nhanh chân để không bị nhớ mặt mà còn làm ăn lần sau.

       Có một lần khi đã xong việc, tôi xuống xe tại cây cổ thụ Sóc Vồ vào khoảng gần 5 giờ và đi về thị xã vừa lúc nhạc hiệu đài truyền thanh thị xã Sóc Trăng vang lên bắt đầu ngày mới. Có một bóng người quen quen đang đi phía trước khoảng năm mươi mét; nhanh chân bước vội, tôi mau chóng nhận ra đó chính là thầy. “Em đi đâu giờ này? “Dạ em đi đánh hàng, còn…?” Thầy chỉ ngón tay ra sau đầy ngụ ý. (Thầy làm hàng quần áo). Thầy trò cùng lặng lẽ rảo bước về hướng thị xã.

       Kể từ ngày đó, giữa tôi với thầy có một mối giao cảm đặc biệt mà các bạn cùng lớp không thể nhận ra. Tôi trầm lặng và chú tâm vào bài vở nhiều hơn.

Những tháng cuối cùng của năm lớp 12, vào một buổi sáng như thường lệ, xe bị chận lại khi tôi đang trên đường đi lấy hàng. Và lần này thầy bị phát hiện. Thuế vụ băng đỏ khoác AK yêu cầu mọi người trên xe xuống hết và lục từng góc một. Trên xe có tổng cộng hơn mười chủ hàng phải bước xuống theo hàng của mình, chờ đợi lập biên bản xử lý tại trạm thuế Trà Men.

       Tôi lẫn trong đám hành khách cùng bước xuống và tìm cách nhìn thầy để động viên.

  - “Hàng tôm này của ai? Của bà hả? Tịch thu”.

  - “Bao gạo này của ông hả? Đóng thuế 50%”.

       Căng thẳng gia tăng. Tiếng năn nỉ ỉ ôi vang lên. Đó đây có tiếng than thở và có cả tiếng chửi đổng

   - “Bao hàng này của ai?”

       Tôi thấy thầy bước tới và khẽ gật đầu :Của tôi. Anh cho tôi đóng thuế.”

      Tay thuế vụ định thần một lúc, sững người rồi lên giọng “Thầy giáo mà đi buôn lậu hả? Tịch thu cho tởn mà ở nhà nghe! Thầy bà …gì mà

       Lúc đó tôi đã đứng sát bên thầy, đã cảm thấy hơi thở gấp của thầy! Tôi dợm rút cây cọc rào bằng gỗ đước, sức nóng bừng bừng từ hai mang tai phả xuống đôi tay, sẵn sàng ra sao thì ra. Đột nhiên một bàn tay cứng rắn nắm lấy cổ tay cầm cọc của tôi và ấn xuống. Tôi quay lại thì thấy thầy nhìn mình thật nghiêm,”Bỏ đi em, mình về…”

      Lồng ngực quá nhỏ bé không chứa nổi uất nghẹn… Thầy quay đi, tránh nhìn tôi mắt đã đẫm ướt vì giận mình không làm gì được.

 

      Những oái oăm của đời sống lại hay ở chỗ nó bật ra được sự thông cảm của những người cùng cảnh ngộ, dường như để đền đáp lại cho nỗi nhức buốt vì thói xu thời cậy thế, hiếp đáp người hiền, chà đạp kẻ yếu. Chén cơm buổi giao thời chát vị đắng thay bậc đổi ngôi và thức tỉnh những thiếu niên vẫn lẩn quẩn với trường lớp, với nô đùa bông lơn…

       Chúng tôi sau đó đã nhìn thấy trong sự hiền từ nhẫn nhịn của thầy một niềm khoan dung nhẹ nhàng như tia sáng trong lành chiếu rọi lên vòm lớp học âm u. Với sự bình tĩnh và quyết đoán, thầy đã ngăn được đứa học trò toan lấy sự vô lý chống lại sự vô lý, thầy đã bước qua được sự tàn nhẫn của cuộc mưu sinh, cũng nhẹ nhàng như bước qua những trò đùa tinh quái của đám học trò hiếu động, những nghịch lý của một thời chưa xa mà ít ai còn muốn nhớ.

       Ngày lên đường xa quê, tôi ghé báo tin và mời thầy ly rượu. Thầy cũng nhẹ nhàng như khi tước cây cọc hay quyển kiếm hiệp từ tay tên học trò nhỏ bé, và nói ngắn gọn “Cố gắng nhé!”

       Thoáng chốc mà đã ba mươi năm trôi qua. Thầy đã ngh hưu và vẫn im lặng mỉm cười mỗi dịp lễ, tết về; vẫn không nhớ về giai đoạn lạ lùng - khó ai tin từng có - và cả những tên “nghịch đồ” ngày trước. Thầy vẫn thế đó, khắc khổ, từ tâm như một hiền triết phương Đông cùng nụ cười an nhiên và thanh thản, pha loãng đi bao gập ghềnh của nẻo đời. Sá gì Đầu Sấu, Trà Men mà tôi ưa nhớ.

       Tôi ước sẽ bơi ngược dòng chảy thời gian, quay lại lớp học trần lủng, tường xiêu, khét khói lá khô u buồn năm cũ để nghe thầy nói về thế giới, về không gian, về thời gian như không cùng tận. Và để cho ánh sáng lại lung linh múa nhảy trên từng dòng phấn trắng bảng đen, trên bàn tay thầy bao dung mà vô cùng mạnh mẽ, đầy ắp yêu thương cuộc đời….

Trần Gia Tôn


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 2 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật