Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.



  HỒI ỨC

Ai đã từng một thời áo trắng tung tăng chân sáo tới trường hẳn luôn bồi hồi, xao xuyến khi mùa hoa phượng đã về, đỏ cháy bên góc trời thương nhớ “Màu hoa phượng thắm như máu con tim/ Mỗi hè về thêm kỷ niệm/ Người xưa biết đâu mà tìm ?”.

Trong tôi bỗng hiện về khoảng trời ấu thơ khi còn là nữ sinh trường trung học Hoàng Diệu. Làm sao chúng tôi quên được hình ảnh của thầy Nguyễn Bình dạy Toán, thầy Long, thầy Linh dạy Lý Hóa, thầy Ngọc dạy Vạn Vật (Sinh vật) và nhiều thầy cô khác như cô Hồng Mộng, thầy Học, thầy Quốc, thầy Tháo, thầy Tráng... Tất cả quý thầy cô kính mến ấy, tôi luôn xem là “thần tượng” của mình. Thế là tôi quyết tâm chọn nghề đi dạy để nối nghiệp thầy cô mà mãi mãi tôi rất trân trọng, biết ơn.

Năm 1970 tốt nghiệp Đại học Cần Thơ tôi xin về dạy tại trường trung học Hoàng Diệu, rồi tham gia đứng lớp ở các trường tư thục như trường Trần Văn, Lam Sơn, Tố Như... nên học sinh của tôi trước năm 1975 rất nhiều. Đến năm 1984 “con đò” do tôi cầm lái “rời bến” sang trường Bổ túc văn hóa rồi trường THPT Lê Lợi và cuối cùng là trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai.

Nghề dạy học có nhiều điều kỳ diệu lắm! Từ ngày nghỉ hưu (2007) đến nay, tôi thường chiêm bao thấy mình đang đứng trên bục giảng. Những ánh mắt học trò thân thương, những lời tâm sự; những sẻ chia của các em làm tôi luôn nhớ mãi: “Cô ơi, cô đừng nghỉ  nha cô. Mai cô về rồi ai dạy mấy em?”. Tôi phải an ủi các em rằng: “Tre già thì măng mọc. Nhiều thầy cô trẻ hơn sẽ tiếp tục dạy các em nên người!”.

Vì vậy, nhân dịp kỷ niệm 55 năm khai giảng khóa đầu tiên trường Hoàng Diệu, tôi mượn những dòng này để nói lên suy nghĩ chân thành mà học trò đã dành cho tôi. Đó là tình thầy trò rất chân thành, tha thiết, giản đơn nhưng có sức mạnh như ngọn lửa làm bùng cháy trong tôi một niềm đam mê giảng dạy mãnh liệt. Giờ đây niềm vui của tôi là sự thành đạt của học trò nhưng chưa bao giờ tôi dám nghĩ học trò thành đạt là do tôi. Đó cũng là món quà vô giá mà các thế hệ học trò đã kính dâng lên thầy cô.

Càng đam mê giảng dạy, tôi càng tâm đắc về tình thầy trò vô cùng quý giá và thiêng liêng. Tôi chưa có hành động cụ thể đáng nhớ nào trả ơn thầy cô mà đã nhận rất nhiều tấm lòng tri ơn của học sinh mình. Hiện giờ đã nghỉ hưu, đâu cần “bánh ít đưa đi, bánh quy đưa lại” nhưng tôi cũng như các thầy cô đã từng giảng dạy tại Sóc Trăng thật sự rất cảm động trước những tấm lòng thành của học sinh.  Mỗi năm, cứ đến ngày mùng 3 Tết chúng tôi không thể nào bước chân ra khỏi nhà do bận tiếp học sinh từ sáng đến tối. Người xưa đã dạy “Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy” quả đúng không sai. Lối xóm lắm khi nhìn thấy cảnh trò đi chúc Tết thầy còn phải “ganh tỵ” với những ai gắn bó với “sự nghiệp trồng người”. Bên cạnh đó, hằng năm các cựu học sinh Hoàng Diệu nhiều nhóm họp mặt Tết Nguyên Đán, và nhân dịp những ngày Lễ khác nữa. Và nhóm nào cũng đông vui, không quên mời giáo viên cũ về dự. Nếu so tỉ lệ với nhóm cựu học sinh Hoàng Diệu họp mặt tại TP HCM, tại Úc, Mỹ... thì có thể nhóm Sóc Trăng không bằng nhưng cũng góp phần không nhỏ cho truyền thống tôn sư trọng đạo, “biết ơn thầy cô, quan tâm đến bạn bè” của học sinh trường Hoàng Diệu.

Còn gì cảm động và an ủi hơn khi học sinh đã thành đạt vẫn còn nhớ thầy cô cũ. Một kỷ niệm về một người học trò cũ mà tôi không bao giờ quên trong đời. Đó là vào năm học 1993 – 1994, tôi trong đoàn giáo viên được Sở Giáo dục – Đào tạo Sóc Trăng cử đi coi thi Học sinh giỏi toàn quốc tại tỉnh Đồng Tháp. Xe đến nơi đã trễ hẹn, vậy mà khi vừa bước xuống xe tôi rất ngạc nhiên khi thấy một “ông lớn” tuổi ngoài bốn mươi, dáng người to khỏe, trán cao, mắt sáng, mặt phúc hậu đến chào hỏi rồi nắm hai tay tôi, từ tốn giới thiệu: “Em là Lê Vũ Hùng, đã từng là học sinh của cô ở Sóc Trăng”.

Tôi cố tìm ở Hùng một nét gì đó quen quen thời xa xưa nhưng đành bất lực nên vô cùng mắc cở và e dè trước ông Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đồng Tháp nhận là học sinh cũ của mình, còn mình thì quên mất (mà có nhớ cũng không dám nhìn!). Hùng còn cho biết khi nhìn vào danh sách đoàn coi thi của Sóc Trăng gởi qua trước đó, thấy có tên thầy Hưởng, cô Nữ nên rất nóng lòng chờ đợi giây phút hội ngộ sau 23 năm xa cách. Bộ phận phục vụ của bạn đã “nói lén” với tôi ý Hùng là phải để “sếp” trực tiếp ra đón đoàn, bố trí đoàn ngủ tại khách sạn Sông Trà, một khách sạn hạng sang của thị xã Cao Lãnh hồi ấy.  Và rồi sáng, trưa, chiều, chúng tôi lại được thưởng thức rất nhiều món ăn đặc sản của Đồng Tháp. Tối đến Hùng còn mời tôi về gia đình, cô trò cùng ngồi ôn lại những kỷ niệm thời còn học ở Sóc Trăng mà Hùng nhớ rất rõ.

Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng đến lúc phải kết thúc. Buổi tiệc chia tay được tổ chức tại một nhà hàng lớn, sang trọng và có cả một vườn lan trồng phía sau. Trong lúc các thầy đang “dzô dzô” vui vẻ, tôi với vài bạn nữ cùng chủ nhà hàng đi tham quan vườn lan. Ngắm hoài không biết chán vì vẻ đẹp quý phái và mùi thơm thoang thoảng của hoa lan, loài hoa không phải “sớm nở tối tàn”. Lúc này tôi chợt thấy một giò lan màu tím sẫm với chín bông đang hé nở khoe sắc dưới ánh nắng buổi trưa hè. Tôi cố năn nỉ chủ nhà hàng để mua được giò lan ấy về làm kỉ niệm. Thế nhưng chủ nhà hàng bảo: “Cô thông cảm, đây là hoa lan trồng để xuất khẩu, không bán trong nước chỉ  bán bằng tiền đô ra nước ngoài !”.

Vậy là tôi rời Đồng Tháp với lòng nặng trĩu vì không mua được giò lan mà mình rất thích. Khi xe sắp rời Đồng Tháp để về Sóc Trăng thì bất ngờ Hùng đến bên cạnh cửa xe, tay cầm giò lan hoa tím (giò lan hồi nãy mà tôi có ý hỏi mua) đến trao cho tôi không nói lời nào. Tôi thì xúc động vô cùng, chỉ biết nắm chặt tay Hùng mặc cho nước mắt ứa ra vì quá sung sướng. Đến bây giờ tôi cũng còn thắc mắc tại sao Hùng có giò lan đó tặng tôi vì khi ở nhà hàng tôi chỉ trao đổi riêng với chủ vườn lan thôi. Ôi, một giò lan rất đẹp. Không chỉ đẹp vì hình thức mà còn chứa trong đó tình nghĩa cô trò quá thiết tha. Giờ nghĩ lại giây phút đó tôi vẫn còn xúc động!

Tôi là người rất trân trọng những kỷ vật, nhất là những kỷ vật do học sinh cũ tặng. Vì vậy giò lan không biết tên được tôi đặt tên là lan “Vũ Hùng”. Mỗi khi bạn bè, học trò đến nhà, tôi thường kể về cây lan “Vũ Hùng” cho mọi người cùng nghe.

Lan “Vũ Hùng” rất đẹp, mỗi năm nở hoa ba, bốn lần. Nhìn màu hoa lan tím, tôi lại nhớ đến Vũ Hùng; một người học trò giản dị, dù thành đạt vẫn chân chất, khiêm nhường. Ngày tôi gặp lại Vũ Hùng lần cuối là vào năm 2000 trong dịp Hùng về Sóc Trăng dự đám cưới con người bạn thời trung học. Khi ấy Hùng là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Hùng giúp tôi được lên lương sau tám năm hưởng một ngạch lương “chết” dù ba lần đăng báo khiếu nại vẫn không được giải quyết. Tên tôi và thầy Lâm Cộng Hưởng còn được Thứ trưởng Lê Vũ Hùng nhắc đến lần cuối trong phiên họp của Bộ xét công nhận “Nhà Giáo ưu tú” năm 2002. Tôi thật sự biết ơn Hùng cùng những học sinh ở Sóc Trăng mà tôi đã từng giảng dạy.

Tháng 5/2003, kỳ lạ thay lúc trái tim Thứ trưởng Lê Vũ Hùng đột ngột ngừng đập vì đột quỵ thì cây lan “Vũ Hùng” cũng từ từ vàng úa rồi chết đi mặc dù tôi thường xuyên chăm sóc như trước đó. Hôm được tin Hùng mất, tôi thẫn thờ không tin, dù đó là sự thật. Đau buồn và thương tiếc quá! Lê Vũ Hùng, một cựu học sinh Sóc Trăng rồi làm Giám Đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đồng Tháp trước khi là Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo. Dù Hùng đã mất nhưng giờ đây một giò lan “Vũ Hùng” vẫn còn sống mãi trong lòng tôi.

Bài hồi ức này như một nén nhang tưởng niệm Lê Vũ Hùng, một học trò cũ của tôi, của miền đất Sóc Trăng, của mái trường thân thương Hùng đã học …

 

                                                                 Sóc Trăng, ngày 08 tháng 06 năm 2012

 TRẦN NỮ

                                                             (Cựu HS và cựu GV Hoàng Diệu- Sóc Trăng)


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 15 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật