Buổi sáng ngồi ở hàng hiên nhìn ra cái hồ bé tẹo, xem mấy chú cá vàng nhởn nhơ đớp bóng dưới tán lá sen nhỏ xíu bằng bàn tay, lá xanh thì thấy nhưng chờ hoài không biết bao giờ mới thấy bông trắng chen nhụy vàng giữa cái nắng hè gay gắt trên sa mạc này, nhưng dù sao tôi cũng hả lòng với công trình của mình suốt mấy tháng trời chăm chút, nói cái hồ cho oai chứ nó nhỏ cỡ vũng trâu nằm, nhưng với sức già sỏi cát cũng thành ao, tôi hì hục cả buổi trời để mong biến giấc mơ mỗi sáng mỗi chiều hai vợ chồng ra đàng sau huê viên bẻ hoa bắt bướm, ngồi nhâm nhi tách trà ngó cây cối xanh...xao cho đỡ nhớ quê mình.
Chợt tôi ngẩn người khi thấy cái màu tím non nhô lên từ vũng trâu nằm “Ôi, hoa lục bình!”. Tôi reo lên khi nhìn thấy nó, cái màu tím mà lâu lắm rồi tôi mới gặp kể từ khi rời quê lên chốn thị thành, nó càng đáng giá hơn nữa khi nó nở ra ở đây, trên sa mạc xứ người, cách quê hương hàng mấy chục ngàn cây số. Cái màu tím đơn sơ, mộc mạc trong buổi sáng hôm nay bỗng làm tôi xúc động như gặp lại người bạn cũ thiếu thời, bao nhiêu kỷ niệm hiện về nhắc tôi một khoảng đời bình yên tuổi nhỏ, ngày xưa còn bé cùng lũ bạn ra sông vớt lục bình chơi bán hàng, cuốn lá tròn xốp giống như ổ bánh mì mà đứa nào cũng dành lấy để xẻ ra nhét vào đó vài cọng lá giả bộ thịt xá xíu(!) bán cho mấy thằng hàng xóm khoái chơi nhà chòi chung với con gái, để rồi trả tiền bằng lá mít, lá khoai…
Lớn lên một chút thì màu tím lục bình, màu hoa phượng đỏ, hoa pensée lại trở thành mấy bài thơ bài văn nắn nót bằng mực tím học trò, tả cảnh tả tình, than mây khóc gió, lãng mạn cải lương..mà tôi và bạn bè thích chuyền tay nhau đọc rồi cười khúc khích. Có bài thơ tiền chiến nói về màu tím mà cả bọn thuộc lòng “những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt..” “Tim tím ban chiều tim tím núi, đời sao nhiều tím thế em ơi”, màu tím như một huyền thoại của tuổi mới lớn mộng mơ, áo tím, mắt tím, chiều tím, khung trời tím…sắc màu đầy quyến rũ là vậy, có đứa còn lấy luôn bút hiệu “Hoa tím lục bình”, “Mắt buồn Pensée” để dành quyền tác giả trong mấy cuốn đặc san cuối năm, chẳng là ta đây.. “chỉ muốn làm người em gái thôi, người em sầu mộng đến muôn đời..”Thế đấy, cái tuổi hồng mà khoái tím thì ..chỉ khổ hát hoài câu “nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt..” như tôi chẳng hạn!
Qua Mỹ có dịp lại thăm nhà những người VN, điều thú vị nhất mà tôi tìm thấy là vạt rau sau vườn với đủ thứ mồng tơi, bầu bí, húng dũi, húng quế, ngò gai, hành ớt, sả, nghệ y như ở quê mình, nếu ở appartement thì chí ít cũng có vài bụi càng cua trong chậu kiểng hay mấy trái cà chua treo tòn ten kiểu Mỹ ngoài lan can. Tôi có ông bạn, sáng nào cũng ra săm soi mấy trái khổ qua nhỏ xíu bằng đầu đũa, hay quày chuối sứ mới trổ bông.. nằm đong đưa võng mà ngó ra giàn mướp thòng trái xanh mướt ,lâu lâu nghe gió thổi lùa mấy tàu chuối xào xạc sau nhà, tưởng như mình còn lim dim giấc trưa hè bên bển, thấy nguôi ngoai hơn nỗi buồn xa xứ. Anh bộc bạch tấm lòng nghe mà thương cảm!
Bên này khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, cũng có chợ VN bán không thiếu món gì, bảo đảm an toàn thực phẩm, không lo phun thuốc trừ sâu độc hại, không lo thịt cá ướp phân urê, không lo giá cả nói thách trên trời.Vậy mà vẫn khoái chăm chút vườn rau, tẩn mẩn từng trái chanh trái ớt như mân mê cái nỗi nhớ nhà. Trồng cho có việc mà đi ra đi vô, cho vui mắt chứ ăn uống bao nhiêu, nhiều khi cây trái phủ phê, ai tới chơi cũng đem khoe và biếu khách chút quà cây nhà lá vườn cho thêm thắm tình đồng hương đồng khói. Khi có dịp về VN, nhiều người cũng cố nhớ mang qua những hạt giống “độc chiêu” chỉ có ở quê mình, tôi có dịp thấy cây trâm, cây lý ở một ngôi chùa nhỏ ở gần Los/CA , từng chùm trái màu đen bóng mà hồi nhỏ leo hái ăn tím cả miệng, rồi nghêu ngao “trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có chồng”, trái lý giống trái mận nhưng mỏng vỏ mà thơm ….
Khi dân miền Tây hái cây bồn bồn mọc hoang ngoài ruộng về làm dưa chua, để chấm nước cá kho trong bữa cơm quê đạm bạc mà “bén mồi”, thì món ăn dân giả lạ miệng này bỗng chốc được khai thác đại trà, người ta trồng và bán nó ra chợ quê rồi lên chợ tỉnh, nó được làm gỏi trong nhà hàng như một món ăn “đặc sản”…Bạn bè tôi về VN cũng khoái món “ bồn bồn” trong bàn nhậu. Một hôm anh bạn nhân chuyến du lịch sang Mỹ, đi dạo trong khu rừng gần nhà cô hàng xóm, thấy bụi cỏ ven đường giống quá, bèn cúi xuống ngắt một cọng lên bẻ lấy lỏi bên trong và buông một câu chắc nịch “bồn bồn!”, khiến cô bạn khoái quá hứa sẽ nhổ lên làm một bữa gỏi bồn bồn đãi bạn gần xa.
Trong không khí tỉnh lặng của một đêm trăng, có khi nào bạn chợt nghe tiếng dế khẽ khàng bên hàng rào bông bụp, thử nghĩ xem bạn sẽ làm gì với cảm giác thú vị lúc đó, bạn sẽ reo lên như đứa trẻ được quà…Tôi tin chắc như thế nếu bạn đang sống ở một nơi cách quê hương hàng chục ngàn dặm và lâu lắm rồi bạn chưa có dịp về thăm.
Quê hương là vậy đó, dù là chùm khế ngọt hay khế chua thì nó vẫn luôn là cây khế kỷ niệm của một thời quá khứ êm đềm, để ai cũng thấy lưu luyến nhớ hoài. Tôi đọc 2 câu thơ của ông Kiên Giang mà thấm “Dù xa cách mấy trùng dương/ Đi đâu cũng có quê hương trong lòng”
Chắc vậy, nên cái màu tím lục bình sáng nay đã ngát hồn tôi một nỗi nhớ nhà.
NGỌC ÁNH Cali (CHS 68-75)