Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.


 


Đông Đăng (CHS 68-75)

 

Có lần tôi lang thang trên trang mạng, tình cờ gặp một bài viết ca ngợi ông lão mù 30 năm làm việc thiện. Dĩ nhiên tôi ấn tượng và tò mò đi tìm thêm chi tiết. Bất ngờ, ông lão mù đó tôi quen biết, nhưng rõ ràng sự quen biết này chưa đi vào chiều sâu, bởi qua bài viết nói trên, còn nhiều điều tốt đẹp từ tấm lòng ông lão mù kia tôi chưa từng biết.

 

Thật ra tôi kêu ông lão kia bằng anh, bởi ảnh chỉ hơn tôi đúng một con giáp và ở trường Hoàng Diệu anh học trên tôi cũng đúng 12 niên khóa. Bình thường, tôi đã có phần cảm phục anh vì tấm lòng nhân ái của anh, vì tinh thần hết mình với tình nghĩa thầy trò, tình đồng môn của anh. Bây giờ, tôi càng chú ý anh, thêm chút ngưỡng mộ hơn. Rồi qua lang thang trên các web các nhóm đồng môn Hoàng Diệu trong và ngoài nước, tình cờ tôi cũng đọc được thông tin liên quan tới anh. Bài Những dòng sông thời thơ ấu, anh Lâm Tài Thạnh đang ở Cali viết trên một trang web của cựu học sinh Hoàng Diệu nói tới nhóm bạn bốn người của anh Thạnh từ thời niên thiếu, năm khởi đầu của trường Hoàng Diệu. Nhóm bạn này xứng đáng là… học trò! Không biết sau quỷ, sau ma là gì, chắc quái??? Tôi mạn phép gọi nhóm bạn này là tứ quái! Theo anh Thạnh, đầu đảng của nhóm này là anh Hợp, tức ông lão mù nói ở trên. Trong bài viết, anh Thạnh kể về một giai đoạn tuổi thơ của mình, trong đó có chuyện lúc tiểu học anh Thạnh hay lén trốn nhà ra sông cầu Bon tắm với tụi bạn trang lứa cùng dãy phố. Lên trung học, hình thành tứ quái, thì sông cầu Bon đã bị lấp, tứ quái qua tắm sông cầu Quay. Hãy mường tượng hơn 50 năm trước sông cầu Quay còn sâu, nước chảy xiết, tứ quái tung tăng trên sông phía trước trường Dục Anh (nay là trường Phường I), đâu phải thiếu niên nào cũng dám hăm hở và bạo gan như vậy. Đầu đảng Hợp còn chứng tỏ vai trò đầu đảng, dám bơi qua sông rồi bơi về, trong khi các quái còn lại sức bơi thấp hơn, chỉ  bơi quanh quẩn bên này sông. Tứ quái còn gom tiền để đầu đảng thi đổ xí ngầu với chủ xe bán bò vò viên, được ăn… đã miệng, còn ngược lại tiu nghỉu về không! Cái chi tiết này rất gợi hình, rất học trò đáng đề là kỷ niệm mãi trong tâm tưởng người trong cuộc. Bởi vậy, hơn 50 năm sau anh Thạnh vẫn còn nhớ và ghi lại, để tôi biết thêm về ông lão mù!

Tôi rất bận bịu với công việc, mãi năm 2007 mới được dịp dự họp một số cựu học sinh có nhiệt tình để hình thành Ban liên lạc nhằm phối hợp Ban giám hiệu nhà trường Hoàng Diệu tổ chức họp mặt cô thầy cũ và cựu học sinh. Ở cuộc họp này tôi mới biết thêm một số cựu học sinh trước đó tôi chưa từng biết, trong đó có anh Hợp. Tôi chú ý tới anh nhiều hơn, vì anh, dù không thấy đường, vẫn đi dự họp và có nhiều ý kiến rất hợp lý để việc tổ chức họp mặt cô thầy được chu đáo hơn. Với sự sốt sắng cũng như khả năng của mình, anh được sự tín nhiệm của cựu học sinh giữ chức Phó ban liên lạc (chị Kim Anh, hiệu trưởng vừa nghỉ hưu làm Trưởng ban). Sau đó tôi cảm nhận ở anh một nghị lực, một sức mạnh lạ kỳ. Anh tự mình theo xe đò lên Sài Gòn để mời cô thầy cũ sinh sống trên đó về dự họp mặt và anh có mặt trên chuyến xe đưa cô thầy về lại Sóc Trăng. Anh có mặt hầu hết các buổi lễ tổng kết cuối năm và khai giảng năm học mới trường Hoàng Diệu suốt mấy chục năm qua. Và tuy mới biết anh sau này, nhưng qua các bạn, tôi mới biết thêm mấy chục năm qua cũng là thời gian anh đã thực sự dấn thân vào đời, một sự dấn thân hết sức tự nguyện, hết sức thanh thản và mang ý nghĩa hết sức cao cả. Khiếm thị, anh vẫn cần cù nhẫn nại học châm cứu từ một nhà sư và rất mát tay giúp cho biết bao người mà không nhận chút thù lao nào. Khi biết được người có hoàn cảnh khó khăn qua radio, qua bè bạn; dù xa xôi, ông lão mù cũng xe đò, xe ôm tới nơi thăm hỏi, động viên và gởi quà hỗ trợ bằng khả năng có được. Mù, lo cho bản thân còn khó, lấy đâu tiền bạc lo các mảnh đời cơ nhỡ? Biết bao người sáng mắt, có nhiều của cải không có được tinh thần “miếng khi đói bằng gói khi no” của lão mù này. Thật là trái khuấy! Biết cô thầy cũ nào đau yếu, biết đồng môn nào đang quá vất vả, ông lão mù này cũng tìm mọi cách để ít nhiều chia sẻ nỗi niềm. Không tiền, anh xin người thân. Bè bạn dần dần biết tin, gởi thêm ủng hộ để ông lão mù thêm sức mạnh rong rủi trên khắp nẻo đường. Tôi cũng mạn phép ghi ra đây một câu chuyện, tuy kết thúc trong nước mắt, nhưng chắc người đọc sẽ thêm một suy tư về tình người, tình đồng môn. Biết ông lão mù hay làm chuyện thiện nguyện, một nữ đồng môn nhỏ hơn anh hai lớp đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo, hết phương cầu cứu, nên tìm tới anh. Chị ta đang bị sơ gan, còn chồng bị tai biến, theo chồng nhà tận bên Sa Đéc. Ông lão mù đâu có nhiều tiền nhưng hết lòng giúp suốt nhiều năm. Miếng khi đói bằng gói khi no, nhưng bệnh nặng tiền ít sao chữa trị cho dứt. Lão mù cầu cứu các bạn mình có điều kiện hơn, các bạn cũng mở lòng theo khả năng. Khi nữ đồng môn kia không qua khỏi bạo bệnh, lão mù cũng xe đò, xe ôm tới nơi chia sẻ, chia tay lần cuối. Con trai của đồng môn vắng số kia quyết liệt giữ lão mù dùng bữa cơm. Lão mù Hợp từ chối vì đã ăn xong ở bến xe và xe ôm đang chờ cho chuyến về. Cháu kia nói là má cháu trước khi mất, chỉ trăn trối một điều là: Khi má mất, cậu Hợp chắc chắn sẽ qua thăm. Cậu Hợp là chỗ bám víu duy nhất để má còn kéo dài sự sống với các con mấy năm qua. Con chuẩn bị một bữa cơm chay, thay má mời cậu Hợp, thay má nói lời tạ ơn cậu Hợp, kiếp sau má sẽ trả ơn…Nghe qua, cậu cháu chỉ biết ôm nhau mà khóc. Tôi xin chuyển qua một chuyện có chút vui vẻ hơn, chuyện này đáng lẽ là một kỳ tích lưu lại cho các bậc đồng môn đàn em thưởng lãm. Ông lão mù từng khoe với tôi là ở nhà có treo hai huy chương vàng vô địch…cờ mù. Tôi gặp nhân chứng sống kể lại sự tích các huy chương đặc biệt này. Anh Quận, là cựu học sinh 64-71, làm việc trong ngành thể thao, đã kể chính anh ta là người đưa đoàn kỳ thủ mù Sóc Trăng ra Hà Nội dự giải vô địch cờ tướng cho người mù. Sau khi giành huy chương vàng đồng đội, lão mù vô chung kết với đối thủ thuộc tỉnh phía Bắc. Lão mù đã nốc ao đối thủ bằng đòn chớp nhoáng khiến đối thủ bẻ mặt… xin đánh lại! Lão mù đã thể hiện bản tính hào phóng dân… Hoàng Diệu, chấp nhận đánh lại, dù theo qui định là có thể nhận huy chương vàng rồi. Lão vẫn thắng, thắng trong tư thế đối thủ tâm phục, khẩu phục. Hào phóng hơn nữa, lão mù tặng hết tiền thưởng cho hội người mù bạn, chỉ giữ chút lộ phí đủ tiền vé xe lửa, xe đò về tới nhà.

Nếu tính từ mốc 1975 về trước, đất nước ta có trên trăm năm liên tục trong cảnh binh đao, bom đạn. Loạn lạc đâu ai muốn. Nhưng thận phận mỗi con người bị guồng máy chiến tranh nghiền nát, khó mà chủ động được tương lai mình. Trong mỗi con người đều có cái tốt, cái xấu chầu chực và bộc phát theo hoàn cảnh. Tuy nhiên, đôi khi sự vật, cử chỉ được cho là cái thiện hoặc cái ác còn do ở góc nhìn. Lớp lớp học sinh sau khi rời trường là phải dịch chuyển tới quân trường để guồng máy chiến tranh có đủ năng lượng vận hành. Anh Hợp, vua cờ mù, trong số đó và một tình huống không may đã lấy mất ánh sáng cuộc đời anh khi tuổi đời còn quá trẻ. Chỉ có nghị lực phi thường và niềm tin mạnh mẽ mới giúp anh vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã và tiếp tục tạo ra biết bao lợi ích cho người, cho đời. Nhưng anh không kể tôi nghe cái khó của thời gian nan đó, chỉ kể những chuyện vui còn sót lại trong tâm tưởng. Chắc bởi vốn tính anh rất lạc quan. Anh kể khoảng năm 70, có lần đóng quân gần nhóm giang thuyền (của chế độ cũ) ở bên sông Hàn. Nhóm giang thuyền rủ anh đánh cờ tướng. Lần lượt đều đại bại dưới tay anh. Tay cờ nổi tiếng nhất cũng bị anh khuất phục. Thua me kiếm bài cào gỡ thể diện, nhóm giang thuyền rủ anh thi bơi. Họ cử ra người bơi giỏi nhất cho chắc ăn. Họ tính ăn chắc vì anh là lính trên bộ, còn họ là dân quen sông nước. Mốc thi là cây cột giữa sông cách bờ khoảng trăm mét. Anh đã tới đích trước đối thủ tới vài ba mét khiến họ tâm phục bái phục Hợp đầu đảng chuyên lén nhà ra bơi sông cầu Quay hồi xưa xa lắc xa lơ!

Đã mấp mé thất thập cổ lai hy nhưng vua cờ mù vẫn duy trì được sức khỏe rất tốt, nhờ vào ăn chay trường và tập thiền. Nhờ vậy, bước chân vua cờ mù thêm mạnh mẽ, sẵn sàng cà phê sáng chuyện trò rôm rả với nhóm đồng môn cùng thời và đàn em, vẫn  không bỏ lượt được rủ rê tới quán để tù tì năm bảy chai bia một buổi chiều mà tinh thần vẫn sảng khoái, vẫn tiếng nói tiếng  cười hết sức vui vẻ với anh em. Có ai tưởng nổi, ông lão mù như vậy, mấy năm trước một mình vượt hàng chục ngàn cây số qua Hoa Kỳ thăm người anh và các cháu; sẵn dịp đông tây nam bắc thăm lại bạn bè xưa cũ đang tứ tán! Có người sáng mắt chưa chắc làm được như vậy. Vua cờ mù vẫn cần mẫn theo tiếng gọi con tim, tiếng gọi lương tâm, tiếng gọi của những mảnh đời không may trên khắp nẻo đường miền Tây. Có ngày vua cờ mù lo tới hai chuyện thiện nguyện ở hai nơi, thật là chuyện hiếm! Năm nay, đến hẹn lại lên theo lệ năm năm một lần, lại chuẩn bị họp mặt cô thầy cũ và cựu học sinh. Vua cờ mù, với tư cách Phó ban liên lạc cựu học sinh, có một tâm sự, một mong muốn thật cảm động. Trái với suy nghĩ của các bạn trong Ban liên lạc, vua cờ mù đã thuyết phục được các bạn sẽ kính gởi quà lưu niệm tri ân tới tất cả cô thầy cũ đang vì hoàn cảnh sinh sống khắp nơi. Chính vua cờ mù đã suy nghĩ đưa ra hình mẫu kỷ niệm chương mang ý nghĩa ăn trái nhớ người trồng cây này. Ở bàn bia, sau khi các bạn đã đồng lòng với suy nghĩ của mình, vua cờ mù tuyên bố: “Vậy là tao phải tự thưởng tao thêm một ve!”.

Với những gì anh đã góp tay với cộng đồng trong mấy chục năm qua nhằm ít nhiều che mát cho biết bao mảnh đời không may, khiếm khuyết; với những gì anh đã góp sức để tạo thêm chút năng lượng đốt sáng hơn truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn; với những gì thật sự mắt thấy tai nghe về anh… tôi hết sức kính phục nhân cách của anh. Trong tâm tưởng tôi, anh xứng đáng là một hiệp sĩ mù. Hiệp sĩ mù đang hành hiệp, không phải trừ gian diệt ác, nhưng hiệp sĩ đã và đang tạo ra bao niềm cảm kích, niềm vui, niềm tin, nghị lực tới biết bao người. Hiệp sĩ mù đang hành hiệp, trượng nghĩa và đôi mắt vẫn tinh anh.


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 24 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật