Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.


 

   Thuở nhỏ mỗi lần về quê nội, ấn tượng với tôi nhất là tủ sách của ông tôi nằm giữa gian nhà chính. Lần nào về chơi, tôi cũng thấy ông tôi ôm sách ra phơi nắng. Ông nói, không cần chống mối mọt bằng thuốc, sách được phơi nắng thường xuyên là không có côn trùng nào phá hoại được cả. Tôi phụ hợ ông tôi ôm sách ra phơi nắng nên mới nhờ đó mà có dịp tiếp cận với tủ sách của ông tôi.

    Ông tôi mua nhiều sách của các nhà văn như Hồ Biểu Chánh, Phú Đức. Nếu sách của Phú Đức phần lớn thuộc loại phiêu lưu  thì sách của Hồ Biểu Chánh nặng về đạo đức nhiều hơn được viết theo kiểu “ở hiền gặp lành”. Đây là hai tác giả miền Nam thuộc về thời kỳ đầu của văn học chữ quốc ngữ với lối viết bình dị của người miền Nam được giới trung lưu hồi ấy rất thích đọc. Ngoài ra ông tôi mua nhiều các loại truyện Tàu của nhà xuất bản Tín Đức thư xã như: Tam quốc chí, Đông Châu liệt quốc, Thuyết Đường…Loại sách này in chữ nhỏ dày đặc trên trang giấy, không có minh họa, được bán giá rẻ phù hợp với đối tượng bình dân. Ở miền Nam, thời ấy các loại sách này rất phổ biến vì được viết theo văn phong Nam bộ nên rất được ưa thích. Còn một loại nữa, là các sách quảng cáo thuốc của nhà thuốc Nhị Thiên Đường được tặng cho khách hàng. Tuy là sách quảng cáo nhưng có in kèm nhiều thơ truyện hay nên ông tôi vẫn lưu trữ. Mấy ông già xưa như ông tôi thì trong nhà không thể nào thiếu truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Có đêm, tôi nghe ông tôi nằm trên võng nói thơ Vân Tiên hay lắm. Trước khi được tiếp xúc với văn học trong nhà trường, tôi đã được gần gũi với những trường hợp đặc biệt như vậy nên tình yêu của mình đối với văn học vô cùng tự nhiên nhưng hết sức đậm đà. 

       Ông tôi rất quý tủ sách. Tủ sách còn là bạn già của ông tôi và đó là niềm vui tuổi già ở vùng nông thôn mà ít có cụ già nào trong vùng đam mê sách và có nhiều sách như ông tôi vậy. Ông tôi chữ nghĩa không nhiều, nhưng những thú vui thì rất tao nhã. Con cháu đi đâu xa về thăm, mua cho ông vài cuốn sách mới được xuất bản là ông tôi vui lắm. 

       Mấy chục năm trôi qua, căn nhà cũ xưa nằm nơi khu vườn cũ ở một huyện lỵ buồn hiu vẫn còn nhưng ông tôi không còn nữa. Lâu lâu tôi về quê nhìn cảnh xưa tâm trạng cứ bùi ngùi. Tủ sách của ông tôi được các chú tôi lưu giữ cẩn thận vì đó là kỷ niệm yêu dấu của người đã mất. Những cuốn sách xưa trang giấy ố vàng, nhiều cuốn sau này tôi thấy được tái bản nhưng các chú tôi vẫn giữ lại bản cũ. Những con chữ đen đúa nằm lặng lẽ không biết chúng có lạnh lẽo hay không và thèm chút nắng vàng khi người năm xưa không còn nữa. Bao hình ảnh cũ cứ sống lại trong tôi mãnh liệt. Ở đó, nơi trước sân nhà có bóng dáng của ông mà trong đời tôi sẽ chẳng bao giờ tìm lại được.

                                                                                                            Tuấn Ba
                                                                                                         (CHS 66-73)


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 4 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật