Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.



  1-  Có không ít nhà văn, nhà báo được rèn luyện tay bút từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là một thực tế mà chúng tôi đã từng chứng kiến. Một đóng góp không nhỏ, phải nói rằng có những tờ báo có những trang mục dành riêng cho tuổi học trò cùng nhau viết cùng nhau đọc. Nhờ vậy, các bạn trẻ được rèn luyện thường xuyên và tiến bộ không ngừng. Quay lại thời của chúng tôi, hồi ấy làng báo Saigon có rất nhiều báo và tạp chí. Chúng tôi không nói đến tôn chỉ mục đích của tờ báo, chỉ nói giới hạn trong các trang dành riêng cho học trò của nhiều tờ báo thời đó có những trang dành riêng cho các em như: Búp Bê, Mai Bê Bi, Tuổi Hồng, Đồng cỏ non… hay những tờ tuần báo, tạp chí dành riêng cho các em như Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa … thì đó là những đóng góp rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu tinh thần của các em học sinh sau giờ học tập.

       Có không ít các em học sinh khi còn đi học đã gởi bài cho những trang báo học trò. Dạo ấy, trên những trang như thế này bài được đăng không có nhuận bút, tác giả chỉ được tặng báo biếu. Đối với học sinh, được như thế cũng là vui lắm rồi, mặc sức đem báo vô lớp khoe với bạn học có tên của mình nằm chễm chệ trên những tờ báo lớn!. Hồi ấy, ở tỉnh lẻ buồn lắm, ít trò chơi giải trí. Ngoài giờ học, đọc thêm sách báo rất bổ ích cho việc học. Em nào có chút khiếu văn chương tập tành sáng tác cũng hay hơn đam mê những trò chơi vô bổ…
    2- Chuyện sáng tác của các bạn học trò chỉ là chuyện phụ, phải nói rằng cái chính vẫn là chuyện học. Đó cũng như chuyện giải trí không ảnh hưởng đến việc học hành. Nhiều bạn tập hợp nhau lại sinh hoạt với hình thức Thi văn đoàn. Mỗi Thi văn đoàn mạnh yếu khác nhau tùy theo lực lượng, ai cũng muốn xuất hiện nhiều trên báo và đua tài nhau trong sáng tác. Chúng tôi vẫn còn nhớ rõ nhiều Thi văn đoàn có đông bạn trẻ tham gia như: Hoa thiên lý, Cỏ tím, Tuổi 20... Còn ở Sóc Trăng thì có các bút nhóm như: Khuôn mặt học trò, Tiếu thi văn, Quê mẹ... Lúc ấy, những mầm non ở tỉnh lẻ cũng hăng hái và nhiệt tình lắm, được sự hướng dẫn của các thầy dạy văn ở các lớp trung học. Những sáng tác còn non yếu trong cách thể hiện nhưng chẳng hiểu sao nó có sức thu hút thật mãnh liệt. Những mầm non văn chương đã từ từ ló dạng nếu được chăm bồi, chắc chắn sẽ có những cây bút được định hình. Nhưng đó chỉ là sân chơi, người đến kẻ đi và đọng lại trong lòng chúng tôi những kỷ niệm khó quên trong những ngày chập chững viết.

3- Trong số những cây bút học trò từng đăng bài chung trên những trang báo, sau này tôi có gặp được một số người. Đó là bạn Trần Thị Hoàng Hậu trong bút nhóm Cỏ Tím ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Thơ của Hậu hồn nhiên, gợi cảm. Năm tôi gặp, cô đang dạy văn ở thị xã Tây Ninh và thỉnh thoảng có đăng thơ rải rác ở một số báo, tạp chí. Cuộc đời của cô vốn tròn trịa giống như thơ của cô; vợ chồng thành đạt, con cái ngoan hiền, gia đình hạnh phúc. Còn một người nữa mà dân văn nghệ miền Tây chắc biết nhiều. Đó là anh Phạm Hữu Quang, trước kia có nhiều thơ đăng trên Tuổi Hoa. Anh Quang lớn hơn tôi vài tuổi, là dân Thốt Nốt. Sau 1975 anh về công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang. Nhắc đến anh, sau này người ta nhớ nhiều đến bài thơ “Giang hồ” mà anh viết rất đạt, được nhiều bạn thơ rất thích: “Giang hồ ba bữa, buồn một bữa/ Thấy núi thành sông, biển hóa rừng/ Chân sẵn dép giày, trời phải gió/ Ngựa về ta đứng, bụi mù tung” hoặc : “ Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Chợt thấy cơm sôi đã nhớ nhà”. Anh mất năm 2000, trong niềm tiếc thương vô hạn của bạn bè văn nghệ gần xa.

       Điểm lại những người cũ nay gặp lại không được mấy người. Những trang báo học trò vẫn tiếp tục cuộn chảy, vẫn có sức thu hút các bạn trẻ hôm nay. Mỗi thời mỗi khác, nhưng chúng tôi nghĩ rằng thời khắc ban đầu của đời người rất khó quên. Những bạn viết năm xưa chung một sở thích, có còn ai đi tiếp con đường một thời mình yêu thích?.

                                                                                             Tuấn Ba
                                                                                         ( CHS 66-73)

 

 


Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 3 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật