Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.





Thành phố Sóc Trăng mình còn ít cây xanh, nên tôi lúc nào cũng ao ước những con đường sẽ có nhiều cây xanh rợp bóng hơn nữa. Có đi đến Trà Vinh, mới thấy nơi đó người ta gìn giữ cây xanh rất tốt. Những hàng sao, dầu, me...thật quyến rũ. Nó làm người ta rất khó quên và đọng lại những ấn tượng đẹp về thị xã nhỏ nhoi này… Trong khi nhiều địa phương khác lo mở rộng đường và chặt phá cây xanh không thương tiếc thì Trà Vinh không làm như vậy. Đi giữa những hàng cổ thụ rất đẹp, đã hình thành những con đường nên thơ, một khoảng trời xanh mát thì cũng nên cảm ơn những người có trách nhiệm ở đây hành xử rất đúng và lưu giữ tốt những gì mà người trước đã để lại...

 Ở Sóc Trăng rất ít cổ thụ. Hiếm hoi lắm có cây đa nằm ở công viên Bạch Đằng. Cây đa này lúc nhỏ tôi đã thấy. Đã bao năm qua vẫn vậy, có cảm giác như cây không lớn thêm chút nào. Cây đa theo tôi biết không dưới 200 năm. Nhiều cụ ở Sóc Trăng có cho biết lúc nhỏ là đã thấy nó. Tôi nhớ ông ngoại tôi lúc còn sống thường hay nhắc nhiều về cây đa. Ngoại tôi sinh năm 1890, mà khi lớn lên thì đã có cây đa nằm sừng sững ở đó.

  Những ai đã từng đến Nha Trang khi đi qua thành cổ Diên Khánh, là một địa điểm của huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang 11 cây số, chắc đã từng thích thú với cây dầu đôi có gần 300 năm sừng sững mọc giữa đường. Thật ra trước đây nó mọc ở lề đường, nhưng khi mở rộng đường người ta không nỡ đốn và vẫn giữ nguyên như vậy. Đúng là hình ảnh cây dầu đôi đã làm bật lên khung cảnh nơi đây thật đẹp. Trên đường thiên lý Bắc Nam, ai đã qua đây mà không lại không nhớ...

Gần 50 năm về trước, khi còn nhỏ bọn học sinh chúng tôi cũng thường ra đây hóng mát và chạy vòng quanh cây đa chơi. Vì vậy tôi xem cây đa như bạn cố tri. Mà cũng thật lạ, chúng tôi một ngày một già đi mà chẳng thấy cây đa lớn thêm được chút nào cả.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, tưởng như mới hôm nào, bạn bè ngược xuôi tứ tán, có người đã không còn nữa mà cây vẫn chung thủy với đất này. Nó đã chứng kiến bao cảnh đổi thay của Sóc Trăng, biết bao chuyện vật đổi sao dời, gẫm lại trên đời này đâu có gì vĩnh cửu!

 

  Do cây đa này có tuổi đời cao nhất ở Sóc Trăng, nên một anh bạn văn miền Bắc đã gọi là “cụ đa” thật là đúng. Đó là biểu tượng truyền thống của làng quê Việt Nam: cây đa, bến nước, sân đình... Có lẽ đối với những người lớn tuổi, là dân cố cựu ở Sóc Trăng thì hình ảnh cây đa ở nơi này luôn đọng lại những kỷ niệm rất khó quên. Thì ra có khi một đời cây đâu thua một kiếp người. Xã hội có nhiều đổi thay, bao thăng trầm hưng phế nó đều chứng kiến hết. Trong ký ức của nhiều người Sóc Trăng, cây đa ở công viên Bạch Đằng là một hình ảnh thân quen và khó thiếu vắng được. Có thể mai này chúng ta không còn nữa, nhưng cây đa ấy vẫn còn. Nó sẽ gắn chặt với đất và người Sóc Trăng. Cây cũng có hồn nên thiết nghĩ ta không nên đối xử tệ bạc với nó?

 

 

                                                                                                                          Tuấn Ba
                                                                                                                 (CHS 1966-1973)

     



Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 62 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật