Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.


 

HẺM I CÓ MỘT CHUYỆN TÌNH LÃNG MẠN

Chiều, sau buổi họp các cựu học sinh trong Ban liên lạc để bàn chuẩn bị cho lần họp trường, các bạn lại kéo nhau ra quán.

Năm năm trước, cũng trong hoàn cảnh tương tự, sau khi thống nhất về nhân sự Ban liên lạc, về phân công phối hợp tổ chức hội trường, mấy dân hẻm I gồm Quận, Long, Lực lâu lâu gặp mặt, rủ nhau ra quán và mời thêm anh Bình, để bất ngờ sáng tác tập thể bài viết Chuyện ba chàng có người yêu ở chung hẻm là Bình, Quận, Long do thơ ký Lực ghi lại. Lần này cũng nhân vật cũ mèm đó. Lớn nhất là anh Lưu Quốc Bình (K57) rồi tới anh Trần Văn Quận (K64), Lý Hoàng Minh và Hồ Quốc Lực (K68), chỉ vắng Trần Phi Long (K65) nhưng có rất nhiều bạn mới trong Ban liên lạc như anh Hợp (K57), anh Việt Thắng (K65), anh Bùi Thạch (K67), chị Thu Hiền (K65), Mã Thị Thanh, Hoàng Phượng (K70). Và có cả chị Kim Anh, cựu hiệu trưởng, cựu học sinh K63 nữa.

Dĩ nhiên đầu đàn vẫn luôn là anh cả Quốc Bình. Anh khởi đầu tù tì một ve gọi là làm nóng. Hiệp sĩ mù Thái Văn Hợp (K57) tuy sức khỏe có thừa, nhưng chơi gơ khác, uống chậm rãi hơn như tính tình anh ta. Trần Văn Quận, Nguyễn Việt Thắng còn theo nhịp kịp ở những chai bia đầu nhưng lần lượt rơi rụng như Hoàng Minh, Quốc Lực trước đó. Thức ăn khá phong phú, các bạn nữ tự do oanh kích. Nhưng các bạn nữ này nhằm tuổi con meo meo không hà, ăn chỉ lấy có, dành tâm tư nghe pháo lớn, pháo nhỏ đang giòn nổ quanh quanh, từ các bạn nam.

Tính là họp ban liên lạc ngắn gọn, để dành thời gian cho họp ở… quán. Tiếc là họp ban liên lạc hơi lâu nên ngồi quán chưa tròn một tiếng đồng hồ là anh Bình đòi về! Anh ta nói uống bia với tụi mày chán quá, tao đợi mỏi cả tay không ai mời tao cả! Làm sao mà mời anh ta được, bởi kiểu uống ở đây là chai ai nấy uống. Anh Bình giờ cao tay là ly bia anh ta cạn rồi, trong khi các ly bia khác mới vơi phần ba, phần tư. Không lẻ mời ảnh uống ly chỉ có cục nước đá ở những lần sau. Và ảnh phải đợi tới mọi người hết bia mới cùng có chai bia mới. Và cảnh cũ tái diễn. Ảnh đợi lâu quá, Lực mới bày để anh Bình ứng trước một chai bia! Anh ta đồng ý và anh ta cũng nói hết chai thứ sáu anh về vì đã tới giờ hẹn ăn cơm với chị. Hết chai bia thứ sáu anh Bình vẫn chưa chịu về. Tôi tính là anh ta còn khoái uống nữa nên đưa thêm chai bia tới ảnh. Ảnh nói là tao chưa về là đợi tụi mày uống coi sao cho được, chớ phần bia của tao đủ rồi! Anh gây mọi người vào thế… kẹt! Bởi số còn lại sức uống… bia đâu được như anh Bình, cần có thời gian mới xử hết số bia tồn trên bàn. Nhưng nếu kéo dài quá, anh Bình đợi lâu là lỡ hẹn cơm chiều với chị. Không biết là thương anh Bình hay thương chị, sau khi nghe anh Bình nói, mọi người cùng vô vô rất mạnh mẽ. Mà vô vô ba bốn lượt mới hoàn thành thủ tục với anh Bình! Anh Bình cười rất tươi, bắt tay từng người để ra về. Thật ra anh Bình không ép gì các đồng môn còn lại. Tính anh vui vẻ, khoái nói chuyện chọc chơi cho vui bàn vui … ghế mà thôi. Anh ra về để lại một dư âm để các bạn lại tiếp tục nhắc về anh bằng cách moi trí nhớ mọi thông tin về anh để dựng lại hình ảnh một nhà thơ đầy bí ẩn, nhiều thú vị.

Năm mươi năm trước, đầu những năm sáu mươi… Trong hẻm I có một nữ sinh gương mặt và tướng tá rất đẹp, ở khoảng giữa hẻm. Chị học trường Hoàng Diệu, khóa đầu tiên. Anh Bình học chung với chị của chị đó. Nhờ tới nhà thăm bạn mà anh Bình quen cô em. Lúc đó anh Bình học đệ tam nhưng anh đã có nhiều cái mê, như mê thơ và mê người đẹp. Hai cái đam mê này hòa quyện nhau và có tác động… hỗ tương! Và cô gái đẹp hẻm I nói trên đã lôi cuốn, hút hồn anh chàng lãng tử Quốc Bình. Nhưng thơ anh Bình lúc đó chưa thật ngọt ngào, đắm say lòng người (!) hay chị Dung (tên người đẹp kia) còn mải lo học, lo hoàn tất tú tài để vào đời thuận lợi nên mặc anh Bình tốn bao nhiêu đôi giầy mài mòn trên đoạn đường đó, chỉ biết ảnh quen từng khúc đường, từng cái ổ gà trong hẻm hơn bất cứ ai vẫn chưa thể đăng ký nhập hộ khẩu hẻm! Mãi ba bốn năm sau, khi chuẩn bị vào đại học, cuối cùng anh Bình mới lấy được bằng lái xe đạp, đưa người đẹp đi học về mỗi buổi! Chị Dung đi làm sau khi có tú tài, anh Bình lên Cần Thơ học đại học. Cuối năm 64 gia đình tôi mới dọn về hẻm I sinh sống, ở khúc đầu hẻm. Và phần kể này giờ chỉ là những thước phim được tổng hợp, lúc đó tôi chưa hề biết anh Bình!  Khi về ở, lúc đó tôi mới biết chị Dung khi hàng ngày chị đi về. Chị hay mặc áo dài màu tím hoa cà, đi xe đạp cũng tím. Hồi đó hiếm xe gắn máy, đi học đa phần đi bộ, đường vắng và êm ả. Trong không gian đó, màu sắc cái áo, chiếc xe cũng gợi lên hình ảnh rất đẹp, rất nên thơ rồi. Chắc vậy đã góp phần thơ anh Bình thêm thăng hoa. Năm 65, từ Cần Thơ, anh đã vun bồi mối tình vừa kết trái:

…..

Mặc áo màu cà hoa trắng điểm

Mà anh nằm mộng thấy từng đêm

Mỗi lần tan sở em về chậm

Có kẻ nào đi chậm theo em

Mỗi lần tan sở em nhanh bước

Có kẻ nào nhanh bước theo em?

Anh nhớ anh thương về đất Sóc

Bao nhiêu kỷ niệm bấy nhiêu tình

Anh nhớ anh thương về đất Sóc

Nhớ nhất là Dung, Dung của anh.

(Trích bài Nhớ Sóc và Dung trong tập thơ Lặng lẽ của anh Lưu Quốc Bình)

Đăng đẳng nhiều năm, sau 75 tôi rời hẻm gần hai mươi năm mới về lại Sóc Trăng sinh sống, nhưng không còn ở trong hẻm I. Nơi đó chỉ còn trong ký ức bởi vật đổi sao dời. Tôi leo lên cấp quản trị doanh nghiệp. Hãng khá lớn, có nhiều nhân viên. Tôi quen một anh tên Bình là ba của một nhân viên tôi, nhà gần hãng tôi. Cuối tuần tôi hay họp cha nhân viên (những nhân viên tôi quen biết cha). Họp cuối tuần cả năm ba năm tôi chỉ biết anh Bình Hội văn nghệ chớ không biết gì hơn. Cách đây đúng 5 năm, cũng sau lần họp đồng môn bàn về họp mặt Cô Thầy bạn cũ, kéo nhau ra quán, cũng quán này, bất ngờ mới biết ảnh là rễ hẻm I, là anh Bình ngày xưa chỉnh tề áo bỏ trong quần, nện đế giầy hàng buổi trên con hẻm lồi lõm và có chút ngoằn ngoèo sâu thẳm. Cái buổi trùng phùng bất ngờ đó tốn hết hai thùng bia và một chiều ngất ngưởng. Sau đó, tôi có dịp về nhà ảnh thăm lại người đẹp hẻm I năm xưa. Chuyện cũ từ tích mù dần dần được sáng tỏ theo những thông tin khi có những dịp trò chuyện nhau. Năm 70, sau khi xong đại học, anh chị mới nên nghĩa vợ chồng và anh Bình dạy học tận Sài Gòn. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ như Ngưu Lang Chức Nữ, nhưng hơn ở chỗ mỗi tháng được gặp nhau khi chị lên khi anh xuống. Người ta nói xa mặt hay cách lòng, cho nên mối tình này bị thử thách dữ lắm, nhất là anh chàng lãng tử Bình mê… cái đẹp (chớ không riêng gái đẹp). Bởi vậy, sự gắn bó nhờ vào sự vun bồi của đôi bên và nhờ vào sự hiểu biết, cảm thông qua thời gian dài tìm hiểu nên hai người vẫn luôn yêu thương, vẫn luôn hạnh phúc dẫu cuộc sống cứ trêu người. Thời gian của anh Bình chia ba, cho chị Dung, cho học trò và cho thơ. Còn chị Dung chia mấy tôi chưa rõ. Tình cảm anh chị đơm hoa kết trái đầy những biểu hiện sinh động. Các con gái đều được đặt tên theo mẹ, chỉ khác chữ lót. Bởi vậy tên người đẹp hẻm I sẽ được nhắc suốt ngày ở nhà anh chị, như luôn làm sống lại thời hoa mộng  Anh nhớ anh thương về đất Sóc/ Nhớ nhất là Dung, Dung của anh. (Còn con trai ảnh tên gì, tôi chưa kịp hỏi, mà nếu là tên Bình sẽ không có gì nói nhưng nếu tên … Dung thì hơi kỳ!) Chị Dung nói chị biết hết nhà tôi, anh em tôi, biết tôi bây giờ là tôi hồi xưa từ lúc tôi về hãng đang làm. Chị biết tôi, tin tôi, nói con gái nộp đơn vô làm chỗ tôi, nhưng tôi đâu biết Dung nhỏ (nhân viên tôi) là con Dung lớn! Thật bất ngờ.

 

Sau 75 anh Bình về Sóc Trăng sinh sống. Với bản lĩnh văn chương của mình, anh phát huy sở trường ở Hội Văn học nghệ thuật. Với năng lực và uy tín của mình anh làm Hội trưởng đến tuổi lớn thì nghỉ. Sau khi đã nghỉ việc, anh ra mắt tập thơ Lặng lẽ với lời đề Thương tặng Dung (chắc Dung lớn và các Dung nhỏ!), và anh tuyên bố dồn ba quỹ thời gian vào một, tất cả thời gian dành bù đắp chăm sóc vợ con sau thời gian sống xa nhà, sau thời gian phải lo bương chải với đời. Anh nói vậy, mong vậy, nhưng sự đời chưa cho vậy là tối ưu nên mới có chuyện để tiếp tục nhắc tới anh. Tính anh vui vẻ, sống hòa đồng các đồng nghiệp, các bạn, các đàn em nên được nhiều người quí mến. Mỗi lần có chuyện vui, mỗi lần có dịp họp mặt là các bạn, các đàn em không quên anh Bình, nhất là thấy anh có nhiều thời gian rãnh rỗi! Buổi gặp nào mà không có bia rượu. Bàn bia rượu đa phần vào buổi trưa, chiều. Rồi còn những lời nhắn, rủ rê tới quán cà phê mỗi sáng thong thả nói chuyện đời, chuyện xưa nay… Bởi vậy, bây giờ anh Bình dành quỹ thời gian cho chị Dung chắc còn ít hơn hồi xưa! Có bạn thắc mắc sao anh Bình làm sao có cơ hội rèn luyện tửu công cao như vậy khi có chị bên cạnh hàng ngày? Phải quay lại những năm 80, thời đó kinh tế gia đình quá khó khăn nên anh chị bàn mở quán nhậu bình dân mỗi buổi chiều để cải thiện cuộc sống. Bạn bè, khách lai vãng tới ủng hộ rất đông. Hỏi thì khách nói do thức ăn chị nấu rất ngon. Còn anh Bình phải thường xuyên  hàng chiều cụng ly để tạ tình tạ nghĩa các bạn tới ủng hộ. Công việc đang ăn nên làm ra trong thời gian khá dài, bất ngờ quán đóng cửa, để từ đó đồ ăn ngon chị Dung làm chỉ dành cho chồng và các con. Có lẻ chị Dung  khó xử vì hàng chiều anh Bình phải làm bạn với bia, với rượu tây, rượu đế, rượu thuốc… hầm bà lằng, chắc bao từ bằng inox mới chịu thấu! Riêng anh Bình muốn bỏ ngay nếp cũ không phải dễ. Cũng thông cảm đôi khi ảnh tự trào cho rằng mình rượu bia nhiều là tại…tại đồ ăn ngon của vợ. Không biết khen hay trách! Có lần, khi ảnh đã nghỉ bán quán và tôi chưa biết ảnh là rễ hẻm I, tôi nhắn ảnh tới quán trước hãng tôi lai rai buổi chiều, ngắm trăng lên. Xui khiến chiều đó ảnh được nhiều bạn khác ưu ái và ảnh rất nghĩa tình không từ chối bạn nào hết, nên tới chỗ tôi là đã thấm rượu. Dù đã mệt, ảnh vẫn sốt sắng cụng ly với mọi người đang trong bàn. Chị Dung và các con đợi quá lâu, chỉ nói hai con gái và một rễ tới chỗ tôi. Anh Bình chỉ cho các con dìu ảnh lên xe sau khi để cha uống cho đủ vòng, trọn nghĩa trọn tình với mấy chú tụi mày!

Trước khi diễn ra buổi họp ban liên lạc cựu học sinh Hoàng Diệu hồi sau tết, tôi năn nỉ anh Bình ra đảm nhận vai trò Trưởng ban; bởi tôi biết khả năng, uy tín và sự sốt sắng trong công việc của ảnh. Nhưng nghĩ lại, ý định tốt đẹp của tôi chỉ làm khó xử cho ảnh sau khi nghe ảnh tâm sự hoàn cảnh riêng của mình. Nhờ trời, mà chắc nhờ ảnh kiên trì tập thể dục đúng hơn, nên ảnh còn sức khỏe khá tốt, và tất cả sức khỏe, thời gian ảnh dành để bù đắp với bạn đời, chuộc lỗi quãng thời trai trẻ hào hoa, lang bạt của mình! Ảnh nói vậy, tôi tin vậy. Cho nên nếu ảnh nể mặt, thân tình tới tham dự bàn bia các bạn mời, rồi ảnh uống mau về sớm là ảnh đang muốn làm đúng tâm nguyện của mình, cho nên các bạn sẽ không ngăn cản ảnh. Thiệt tình mà nói ngăn cản ảnh cũng không xong khi ảnh đã quyết định. Bởi tôi tin ở những gì anh Bình nói là thật lòng. Ảnh phải điều chỉnh rồi, thời gian ảnh vẫn chia ba, hai cho chị và một cho bạn bè. Vậy là quá quí rồi. Dẫu những thông tin vừa ghi ra chưa được sắp xếp thật trật tự, nhưng tôi nghĩ hẻm I tôi đã có một chuyện tình lãng mạn, rất đẹp và kết thúc trong sự đầm ấm, hạnh phúc. Một chuyện tình có nhiều tình tiết hấp dẫn nhưng toát lên trong đó là một phụ nữ đảm đang, hết lòng với chồng và các con và một thanh niên lãng tử với thời trai trẻ rất nhiều đam mê (nhiều tới nổi bây giờ kể hoài vẫn chưa hết!) nhưng biết tự điều chỉnh mình đáng mặt là chồng là cha (là ông nội, ông ngoại nữa!) Giờ này, sắp vào cái tuổi thất thập cổ lai hi, mỗi sáng sớm anh chị đưa nhau đi tập thể dục trong hồ nước ngọt. Khi tập thể dục xong, ghé chợ, anh đợi chị mua đồ ăn sáng và cho cả ngày. Hai người ăn sáng xong, chị cùng anh lo dọn dẹp nhà, giặt giũ, cơm nước. Có hôm (nhưng thường xảy ra), sau chuyện nhà anh đi quán cà phê vì các bạn cứ réo hoài (phải nể mặt!) hoặc thỉnh thoảng đi dự hội thảo hay lễ lộc nào đó. Trưa về hai người cơm chung, nghỉ chung! Chiều, ảnh biên tập các bài viết cho trang web chung, biên tập bài viết các bạn nhờ vả, nếu có. Sau đó, hay phải lai rai bia bọt, nếu nhằm ngày xấu phải chồng nhiều độ! Ai nói sang vì bạn nhưng anh Bình thì say vì bạn! Dẫu chồng mấy độ bia nhưng anh luôn về cơm chiều với chị đúng hẹn. Tối, quây quần con cháu ghé thăm. Ngày nào con cháu bận, đóng cửa ngủ sớm để sáng dậy sớm…Chuyện tình có hậu như vậy phải đáng để mọi người chiêm ngưỡng và thậm chí rút kinh nghiệm!

Tôi mượn một chuyện nhỏ do Dung nhỏ kể để kết thúc chuyện tình lãng mạn này. Dung nhỏ nói cả nhà con hay quây quần vui vẻ và mẹ thường hay nói với tụi con câu này :” Hồi đó tao ngu dại nên nghe lời tán tỉnh ngọt ngào của ba mày, không biết cái đầu tao lúc đó để đâu nữa”. Ba con ngồi kế bên, nghe vậy bật cười và nói tỉnh bơ:”Cái đầu bà lúc đó để bên vai tôi chớ để đâu…”.

THƠ KÝ LỰC (Tháng 4/2012)

Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 4 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật