Get Adobe Flash player
                                             >> Mời quí Cô Thầy và đồng môn Hoàng Diệu góp bài mọi thể loại cho web: hoangdieusoctrang.com. Thơ từ, bài viết gởi Ban biên tập theo địa chỉ hoangminhly201@gmail.com. Xin cám ơn.



MỘT SỐ ĐÓNG GÓP CHO TRƯỜNG

 

                                                                                 LÊ XUÂN VỊNH

                                                                   (Hiệu trưởng Hoàng Diệu 1970-1973)

            (Thầy Lê Xuân Vịnh nhận nhiệm sở tại trường Hoàng Diệu từ năm 1965, năm 69 lên chức Giám học và năm sau thăng chức Hiệu trưởng. Bài viết này viết về việc làm của thầy khi bắt tay vào nhiệm vụ người đứng đầu trường Hoàng Diệu, năm 1970).

 

1.     Tình hình giáo dục chung:

Trường trung học Hoàng Diệu Sóc Trăng cũng như các trường trung học khác đều tuyển học sinh vào lớp đệ thất (lớp 6) và học suốt 7 năm đến lớp đệ nhứt (lớp 12) thi tú tài. Năm học 1970-1971, trường ta có tất cả 67 lớp. Ngoài trường trung học tỉnh lỵ, mỗi quận (từ dùng lúc bấy giờ) mở một trường trung học tỉnh hạt, dạy học sinh từ lớp đệ thất đến đệ tứ (lớp 9). Nội thị Sóc Trăng có tất cả 9 trường trung học tư thục.

            Vì thế hiệu trưởng trường trung học Hoàng Diệu kiêm luôn thanh tra các trường trung học tỉnh hạt và tư thục. 

   2.  Những khó khăn và thuận lợi của nhà trường:

        a) Khó khăn:

            Mỗi năm khi mùa mưa đến, sân trường Hoàng Diệu ngập đầy nước. Tình hình nầy đã kéo dài rất lâu nhưng chưa vị nào khắc phục được. Tới mùa mưa, người ta phải chất những chồng gạch từ cổng vào đến văn phòng và các lớp học.

           Hàng rào kẽm gai lâu năm có chỗ xiêu vẹo, chỗ đổ ập xuống, cỏ mọc đầy trường và rất tốt tươi. Vì thế khi bãi trường, trâu bò vào trường ăn cỏ một cách thoải mái.

        b) Thuận lợi:
            Năm 1970, chính quyền tỉnh cho vét kinh nước ngọt ở Sóc Trăng. Vì thế, cát đổ đầy 2 bờ kinh. Vừa nhận chức vụ Hiệu trưởng, chúng tôi liên hệ Ban Chỉ huy Công binh đề nghị đổ cát lấp sân trường. Các vị trong Ban Chi huy rất nhiệt tình giúp đỡ cho trường. Một tuần lễ sau, xe chở cát đổ ồ ạt vào sân trường gồm 800 xe cát và 100 xe đá. Nhờ lúc nầy bãi trường nên không ảnh hưởng đến việc dạy và học. Sau đó họ ban ra rất bằng phẳng.


  3.  Xây dựng:

          Sau đó chúng tôi bắt tay ngay vào công việc xây dựng. Đầu tiên xây các đường đi xung quanh trường, bề ngang độ 2 mét bằng xi măng (xây rất chắc chắn, 30 năm sau còn dùng được). Khi hoàn thành, các em chạy xe đạp rất phấn khởi.

Chúng tôi tiếp tục cho xây dựng một vườn hoa. Chúng tôi cùng với một số giáo sư (giáo viên) có tâm huyết mượn xe khoa học lưu động của Ty tiểu học qua Sa Đéc 2 lần để mua cây kiểng về trồng. Vườn hoa không lớn nhưng chủ nhật nào cũng có đám cưới hoặc người thường xin vào để chụp hình.

Đầu vườn hoa xây hồ cá, miệng hồ cao chừng 0,5m, rộng 0,6m được làm bằng đá mài. Đến mùa thi, các vị giáo sư rất thích ra đây đánh cờ, ngắm cá. Hồ nuôi cá rô phi, thu hoạch mỗi năm vài lần, tổ chức chiêu đãi GV và CNV. Tiếp theo có phần văn nghệ hào hứng.
          Sau vườn hoa, xây một sân cầu lông, nhờ đó thầy trò đều có chỗ giải trí.

          Chúng tôi thành lập một sân bóng chuyền. Chiều nào thầy trò cũng tập dượt rất thích thú.


    4.  Thành lập Hội Phụ Huynh học sinh ( PHHS ):
          Trước kia, trường cũng có Hội PHHS, nhưng chỉ có hình thức, không làm được việc gì. Mặc dù trong hè, tôi cũng tiến hành Đại hội PHHS. Ban chấp hành hội gồm những vị mạnh thường quân có nhiệt tâm với nhà trường, các vị thương gia giàu lòng vì việc nghĩa.
          Đầu tiên tôi đề nghị chương trình làm việc với quý vị:
            +  Xây toàn bộ hàng rào bằng tường gạch khuôn viên nhà trường.
            + Xây cổng trường.
            + Có một dãy nhà phố nằm sát dãy lớp học. Tôi mời tất cả các hộ đến trường để giải quyết. Sau khi nhìn thực tế, tôi đồng ý cho họ cách đường mương 0,5m.
            + Miếu bà Hỏa năm nào tổ chức cũng đông, tôi mời Ban quản lý đến làm việc và đồng ý ranh giới giữa trường và miếu.
          Sau phiên họp đầu tiên với nhà trường, BCH PHHS tổ chức một buổi chiêu đãi tại trường Dục Anh, từ cấp lãnh đạo tỉnh đến các thương gia có máu mặt ở Sóc Trăng, BCH cho ký sổ vàng.
          Một tuần lễ sau, Hội PHHS cho xây dựng vòng rào toàn bộ trường. Tiếp đó xây cổng trường cao ráo hơn, rộng rãi hơn, bề thế hơn theo mẫu của nhà trường. Tất cả công trình do Hội PHHS chi trả, phụ huynh không phải đóng góp đồng nào.


    5.  Chương trình tự túc phát triển xã:

         Mặt tiền trường có con đường từ chợ đi xuống. Ở đây có một đường mương và lề đường, cỏ dại mọc đầy. Trẻ em phóng uế bừa bãi. Tôi liên hệ với Ban lãnh đạo quận Mỹ Xuyên. Vị quận trưởng rất nhiệt tình, cho xây dựng đường mương và làm lề đường bằng xi măng nên mặt tiền trở nên khang trang hơn.


    6.  Những công trình tiếp theo:
         a) Xây nhà vệ sinh:

 Năm 1970, học sinh còn đi cầu thùng. Mỗi sáng, ban vệ sinh ở tỉnh cho người đến gánh đi.

Tôi lên Nha trung học xin xây 2 dãy nhà vệ sinh: một nam, một nữ và  hai phòng vệ sinh đặc biệt cho GV. Tôi được duyệt chi dễ dàng. Nhờ thế học sinh mới có nhà vệ sinh hiện đại.

 b) Quét vôi và sửa chữa toàn bộ trường:

Trường xuống cấp trầm trọng, tôi cho quét vôi và sửa chữa những chỗ bị hư, bị dột.
         c) Thay hệ thống điện 220 volt:

Trước đó trường dùng hệ thống điện 110 volt. Điện lực Sóc Trăng yêu cầu thay đổi hệ thống điện 220 volt. Tôi cho thay toàn bộ dây điện mới theo hệ thống điện 220 volt.

Tất cả các công trình trên được làm trong vòng 6 tháng.
         d) Nhờ lòng yêu nghề, thầy cô đã tận tình giảng dạy cho học sinh. Kết quả đậu tú tài năm nào cũng cao hơn các trường trong khu vực, nhứt là trường trung học Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.
         e)  Cuối học năm năm 1970 - 1971, chúng tôi tổ chức cho học sinh lớp 12 lên trường ĐH Cần Thơ nghe thuyết giảng về các khoa mình sẽ theo học.

Những điều tôi nhớ cách đây 42 năm nên còn nhiều thiếu sót, xin quý vị thầy cô và học sinh bổ sung cho.

Đối với ngày nay, trường được xây một cách khang trang thì việc tôi làm chẳng thấm vào đâu, nhưng thời điểm đó làm được một số công trình nói trên cũng gọi là có đóng góp cho trường vậy.




Liên kết web

Đăng nhập



Đang online
Hiện có 23 khách Trực tuyến
Trang liên kết
Tư liệu lịch sử

Đang cập nhật