Tôi còn nhớ rất rõ, thời đi học dưới mái trường Hoàng Diệu, lúc ấy tình bạn ở tuổi học trò của chúng tôi cũng rất đơn giản; tôi chỉ nhắc đến kỷ niệm thời còn học đệ nhất cấp (bây giờ là cấp 2 hay THCS) vì ở thời đệ nhị cấp (cấp 3 hay THPT) thì con tim biết rung động rồi .... yêu, người ta thường nói vậy... có thể tình bạn sẽ có những thay đổi nhất định.
Những buổi chiều đi học (lúc ấy đệ nhất cấp học buổi chiều) tôi thường tới trường rất sớm, rồi cùng Phan Trường Ân, Trần Văn Hai chơi đá banh bàn. Có những lúc lại "cúp cua" 2 giờ đầu để chơi cho thỏa thích. Buổi tối cũng có, buổi sáng cũng có hay tụ tập ở nhà Huỳnh Trung Cương với Vương Tấn Lộc, Phan Thanh Thiên tổ chức ăn uống. Lúc ấy nhà Cương có ba mẹ lo cho chúng tôi đủ thứ, chẳng tính toán, đơn giản, trong sáng lắm. Tình bạn của chúng tôi là như thế đó. Mỗi một nhóm bạn thì chơi theo sở thích riêng, Huỳnh Tứ Chi thì hay chơi bắn đạn, Nguyễn Văn Kháng thì thích chơi đá banh ... Thời gian cứ thế trôi qua, tình bạn chúng tôi gắn kết nhau theo năm tháng dài dưới mái trường Hoàng Diệu, đến 1972, năm cuối cùng, năm đánh dấu cho sự thay đổi lớn của một đời học sinh, chúng tôi dần xa nhau, mỗi đứa tìm cho mình một hướng đi riêng, có điều kiện thì học tiếp lên đại học, nếu không học tiếp được thì trôi dạt theo dòng đời lặn hụp trong cuộc mưu sinh.
Rồi sau 1975 thì thật sự khó gặp gỡ nhau hơn, nhất là những đứa vướng vào vòng binh nghiệp… Người thì nằm lại mảnh đất lạ nào đó, người thì bặt tin, người vội vã ra nước ngoài theo nhiều cách vì một lý do nào đó riêng tư mà chỉ bản thân họ mới lý giải được… Riêng tôi thì khá khó khăn, nằm trong cái khó khăn chung thời bấy giờ, nhất là vừa có một gia đình riêng, không thể bám vào cha mẹ mãi được. Ý thức tự lập trong tôi dần nảy sinh và hình thành trong thời gian khó khăn này. Ngoài một ít vốn liếng học vấn thời trung học mà cha mẹ đã chắt chiu từ mồ hôi công sức để giúp tôi, bao bọc cho tôi ăn học, cộng với đôi bàn tay trắng tôi đã bước vào đời với sự tự tin của một "Ông Tú". Chẳng bao lâu sau, tôi dần bị cuốn xoáy vào cuộc sống với những mưu tính đời thường, chìm sâu vào cuộc đấu tranh với những "cơm - áo - gạo - tiền" chỉ những mong sao giữ cho mái ấm nhỏ nhoi của mình an lành trước cơn sóng đời va đập. Dần dần, tôi thấy mình không còn tự tin nữa, thay vào đó là sự e ngại, tự ti, tôi dần nép mình vào cái vỏ ốc của riêng mình, tôi chỉ dám qua lại, chơi bời với một số bạn bè có cùng hoàn cảnh kinh tế ngang mình cho vơi đi những mặc cảm, khỏi phải tủi buồn.
Năm 1999, gia đình tôi quyết định rời Sóc Trăng, lên Sài Gòn để mong tìm một cơ hội tốt hơn. Xa quê hương, sống gần với những xa lạ ban đầu, tôi càng thắm thía nỗi nhớ quê nhà hơn, cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn hơn và tôi càng cố thu mình vào cái vỏ ốc ban đầu ấy nhiều hơn. Có những lúc lặng lẽ một mình tôi lại nhớ về thời học trò hoa bướm ấy, nhớ từng gương mặt, từng giọng nói của bạn bè, nhớ những lời trêu chọc với cái tên không có trong khai sinh của tôi như Tây Môn Khánh, Khánh lé... Có chăng chỉ còn là tiếng vọng trong ký ức, mặc dù lúc ấy chỉ mong một sự tình cờ có ai đó gọi: Ê! Khánh lé…
Tôi còn nhớ khoảng năm 1987, trong một dịp về Sóc Trăng, Thanh Thiên có tìm tôi cùng với Tăng Simon, Bành Phước Thành và vài đứa nữa... gặp nhau rộn rã tiếng trách nhau, tiếng chửi thề, câu chuyện chẳng đầu đuôi cứ tuôn ra, rồi cả bọn tìm một quán cóc anh em say sưa tâm sự, có lẽ lúc này người ngoài cuộc sẽ chẳng hiểu được gì đâu, cộng thêm mấy sợi rượu làm mềm môi, say tình bạn để kể nhau nghe những kỷ niệm cũ (tám ớn luôn). Không muốn chấm dứt cuộc hội ngộ, chúng tôi đến khách sạn Khánh Hưng thuê một phòng, anh em tiếp tục sáng đêm trò chuyện đến mỏi mệt và dần thiếp đi với mỗi giấc mơ riêng. Chừng tỉnh dậy, phố xá đã nhộn nhịp, mặt trời đã lên cao, có ai đó đã "chochoanche" trên nệm, sàn nhà và quần áo cả bọn, hôi chịu không nổi chỉ biết nhìn nhau mà ... cười trừ. Sau khi vệ sinh, trau chuốt bộ mã cho giảm bớt mùi "checho" ấy đi, chúng tôi xuống chợ ăn bún nước lèo và sau đó... chia tay. Thiên trở về thành phố trên chiếc xe 12 chỗ thật đẹp (tôi thầm nghĩ oai thật, thành đạt có khác). Rồi sau đó tôi lên thành phố sống, biết rằng Thiên vẫn thương và quí mình, nhưng tôi vẫn không nhấc mình ra khỏi cái vỏ ốc tự tạo ấy để tìm và gặp bạn như bạn đã tìm và gặp mình. Thiên ơi, nhắc chuyện này thì mong bạn hãy tha lỗi cho mình nghe! Thật ra cũng tại mình quá mặc cảm và tự ti thôi mà. Năm 2008, rồi 2009 mặc dù những lời gọi mời của bạn bè trong những dịp họp mặt cựu học sinh trường tại thành phố vào dịp cuối năm, bản thân tôi vẫn còn e ngại, tự ti mà không đến dự. Sau đó, một lần tình cờ gặp mặt, Thành đã kể lại cho tôi nghe không khí của những ngày ấy. Hôm ấy thầy trò, anh em bạn hữu gặp nhau tay bắt mặt mừng, không khí khán phòng có khi còn ồn hơn sân trường giờ ra chơi ngày xưa, thật đơn giản ở đó chỉ có thầy cô và học trò cũ, không có bóng dáng của những ông cử này, bà giám đốc kia đâu, mặc dù có rất nhiều người thành đạt và... giàu. Tôi dần tỉnh ra, và tự trách mình vì đã bỏ qua nhiều kỳ họp, tại sao không đến để hỏi thăm thầy cô cũ, bạn bè xưa sớm hơn,.... kỳ tới nhất định sẽ đi, tôi nghĩ vậy.
Năm 2010, tôi quyết định đi dự họp theo sự kiên trì của bạn bè đã gửi lời mời tiếp tục. Nhưng khi đến nơi họp mặt, đứng trước sảnh nhà hàng mang tên Cathay tôi thật sự thấy choáng ngợp, đối với tôi lúc ấy khá sang trọng. Nhìn lại bộ đồ đã chọn, cũng nghiêm túc, cũng đường hoàng, nhưng tôi lại cảm thấy trang phục của mình hơi đơn sơ và khá phong sương, lại chạnh nghĩ sợ vào trong với bộ dạng này không phù hợp sự hào nhoáng bên trong..... mặc dù Cathay cũng chỉ là một nơi đãi tiệc tầm tầm ở thành phố này. Tôi đã định quay về, nhưng Thiên và Phúc đã thấy tôi, rồi miệng kêu tay ngoắc, ở thế đang lưỡng lự thì thôi đành...."liều" vậy, vào xem sao! Tôi bước vào khán phòng dưới ánh đèn vàng nhạt, rộn rã tiếng chào đón nhau, nét hớn hở vui mừng hiện lên từng nét mặt của thầy-trò qua những lời hỏi thăm sức khỏe… Lúc này tôi thấy lòng ấm hơn, không ai quan tâm tôi làm gì, trang phục ra sao, chỉ có những ánh mắt rạng ngời thấm đậm tình đồng môn trao cho tôi cùng với nụ cười rạng rỡ. Trong lòng tôi bấy giờ dần ấm lại, tôi bắt đầu mạnh dạn hơn, tiến sâu vào bên trong đảo mắt tìm một ai đó quen, và tôi đã gặp. Thầy tôi, bạn bè tôi đây rồi, và tôi bắt đầu hòa mình thật sự vào không khí chung đó. Tôi cảm thấy rất biết ơn mọi người, trong đó có những người bạn của tôi đã giúp tôi phá vỡ cái vỏ ốc thô ráp bám chặt tôi nhiều năm tháng.
Tôi khá bất ngờ, nhất là tâm đắc với tấm lòng và suy nghĩ của Trung Việt. Việt nói những năm đầu tiên, Việt và các bạn trong Ban LL trước đã rất đắn đo trong việc tìm một địa điểm dễ tìm, phù hợp với tất cả mọi người, tránh không để cho các đồng môn mang chút mặc cảm mà không đến dự được. Việt mong muốn các bạn dù thành đạt hay không thì cũng gắng đến với nhau bằng tấm lòng chân thực, bằng tình cảm của những đồng môn là cựu học sinh trường Hoàng Diệu Sóc Trăng mà thôi. Điều đó đã tạo cho tôi thêm niềm tin và hãnh diện vì mình là một trong những CHS trường Hoàng Diệu, để rồi hôm nay có những anh chị em hiện diện nơi này cùng một sự trân trọng nghĩa tình đối với ngôi trường, thầy cô, bạn học.
Trong lúc viết những dòng tâm sự này, lòng tôi lại nôn nao mong sao chóng đến ngày hội ngộ đầu năm để lại được gặp thầy cô cũ, bạn bè xưa, lại càng mong gặp lại những người từ hơn 40 năm trời chưa từng hội ngộ. Có thể tôi không diễn tả nổi những tình cảm trong tôi qua những dòng chữ thô thiển này. Tôi không biết viết văn, không giỏi nhạc, chỉ biết trải lòng mình qua những dòng chữ đơn giản này cùng anh chị em bè bạn đồng môn Hoàng Diệu, hãy bỏ qua những mặc cảm, hãy tạm cất đi gánh nặng trong cuộc sống đời thường ở nơi xa quê này, dành một ngày trong 365 ngày vất vả mưu sinh đến với đồng môn với tư cách là cựu học sinh trường Hoàng Diệu tại thành phố này với những mong muốn sưởi ấm lòng nhau trong tình bạn trong sáng như ngày xưa.
Nguyễn Thành Khánh
(CHS 66 – 73 đang sinh sống ở SG)